Cựu Thủ tướng Dũng bỏ qua, không kỷ luật Trịnh Xuân Thanh

VOA/ Reuters

13-9-2017

Cựu Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (đứng) và ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Reuters

Ông Trịnh Xuân Thanh, người mà chính phủ Đức nói đã bị Hà Nội bắt cóc tại thủ đô Berlin và đưa về nước xử lý, đã được chính phủ tiền nhiệm bỏ qua, không kỷ luật về cáo buộc gây thiệt hại tài chính tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam PetroVietnam (PVC).

Hãng tin Reuters hôm 13/9 tường thuật rằng mở lại vụ án Trịnh Xuân Thanh và quyết tâm xử lý vụ việc này cho bằng được cho thấy thái độ cứng rắn hơn của Đảng Cộng sản đương quyền kể từ khi cơ quan an ninh Việt Nam thâu tóm thêm quyền lực từ cuộc đấu đá nội bộ hồi năm ngoái, mà kết quả là cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị hất cẳng.

Bản tin của Reuters nói Đảng Cộng sản Việt Nam bày tỏ quyết tâm muốn giải quyết nạn tham nhũng, nhưng một số nhà phê bình cáo buộc giói lãnh đạo là đã khởi sự một cuộc “săn lùng phù thủy” sau khi phát động chiến dịch điều tra nhiều nhân vật từng nắm giữ các chức vụ cao hơn.

Theo Reuters, cuộc đấu đá nội bộ ở Việt Nam đã thu hút sự chú ý của thế giới hồi tháng trước khi Đức cáo buộc Hà Nội bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin.

Ông Thanh bị buộc tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại 150 triệu đôla cho công ty PVC trong thời gian ông làm chủ tịch hội đồng quản trị từ năm 2009 đến năm 2013.

Tuy nhiên, theo một lá thư ngày 18/5/2015 của cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng gửi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Thanh đã nhận trách nhiệm nhưng chính phủ của Thủ Tướng Dũng lúc bấy giờ “không tìm thấy dấu hiệu tiêu cực” nào liên quan đến hành động của ông Thanh.

Bức thư viết: “Do đó, các cơ quan, đơn vị đồng ý không tiến hành kỷ luật đối với ông Thanh.”

Thư còn cho biết ông Thanh đã chuyển sang làm việc tại Bộ Công thương, và tại đây ông tích cực làm việc để giải quyết các vấn đề tại PVC.

Bức thư có đoạn: “Công việc phục hồi và hậu thanh tra sau khi xử lý PVC đã được thực hiện có hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của thủ tướng.”

Trả lời câu hỏi của Reuters về bức thư này và liệu có còn những vụ truy tố liên quan tới vụ án hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói Đảng và nhà nước kiên quyết xử lý các hành động tham nhũng hoặc bất cứ vi phạm luật pháp nào do bất kỳ tổ chức, hay cá nhân nào thực hiện.

Bà Thu Hằng nói: “Dựa trên kết quả điều tra, các cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm những người vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật Việt Nam.”

Sau khi trở về Việt Nam, ông Thanh xuất hiện trên truyền hình nhà nước và xác nhận ông đã quyết định ra đầu thú. Bản tin của Reuters nói chính phủ Việt Nam không cho biết làm thế nào mà ông Thanh đã có thể trở về nước.

Theo Reuters, ông Thanh là một quan chức tương đối thấp trong số những người đang bị điều tra liên quan đến hoạt động của PetroVietnam cũng như trong ngành ngân hàng.

____

BBC

Ông Trịnh Xuân Thanh ‘không mắc sai phạm gì’?

13-9-2017

Ông Trịnh Xuân Thanh “xin lỗi” trong đoạn phim chiếu trong chương trình thời sự của VTV tối 3/8. Ảnh BBC

Ông Trịnh Xuân Thanh đã từng được chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác nhận không mắc sai phạm gì, hãng tin Reuters viết trong bài tường thuật độc quyền ra hôm 13/9.

Đức nói ông Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc tại Berlin hồi cuối tháng Bảy nhưng Việt Nam nói ông ‘tự nguyện ra đầu thú’ tại Hà Nội sau một thời gian trốn tránh.

Ông Thanh hiện đang đối diện các cáo buộc có sai phạm trong quản lý kinh tế liên quan tới hoạt động của Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), một thành viên thuộc tập đoàn dầu khí quốc gia PetroVietnam.

Trưởng văn phòng phụ trách hoạt động của Reuters tại Việt Nam, ông Matthew Tostevin nói rằng theo nội dung các tài liệu mà Reuters được xem thì chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận “không thấy có dấu hiệu tiêu cực nào” liên quan tới các hành động của ông Trịnh Xuân Thanh trong việc PVC thua lỗ 150 triệu đô la.

Nội dung lá thư đề ngày 18/5/2015 do Bộ trưởng Công Thương khi đó, ông Vũ Huy Hoàng ký trình Thủ tướng Dũng viết rằng “do vậy, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đã đồng ý không tiến hành kỷ luật” ông Thanh.

Lá thư cũng viết rằng ông Thanh đã được thuyên chuyển sang vị trí khác trong Bộ và đã rất nỗ lực để xử lý các vấn đề tại PVC.

“Việc khắc phục hậu quả và thanh tra PVC sau đó đã được thực hiện hiệu quả, tuân thủ theo các yêu cầu của thủ tướng,” lá thư viết.

BBC chưa có điều kiện tiếp cận tài liệu mà Reuters nhắc đến.

Tháng 9/2016 ông Trịnh Xuân Thanh đã bị khởi tố với tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự.

Điều này cho thấy Đảng Cộng sản đang có quan điểm cứng rắn hơn kể từ sau cuộc tranh giành quyền lực với kết quả là sự thất bại của cựu thủ tướng Dũng hồi năm ngoái, Reuters bình luận.

Đảng nói muốn xử lý tình trạng tham nhũng, nhưng một số người chỉ trích cho rằng giới cầm quyền hiện nay đang muốn triệt hạ đối phương bằng việc tiến hành các cuộc điều tra đối với các quan chức cao cấp.

Trả lời câu hỏi của Reuters về lá thư của ông Vũ Huy Hoàng, và về việc liệu có còn ai nữa bị truy tố liên quan tới vụ việc không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói Đảng và nhà nước cương quyết xử ‎lý tình trạng tham nhũng và vi phạm pháp luật, cho dù đối tượng là bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào.

Trịnh Xuân Thanh chỉ là quan chức cấp thấp trong số những người đang bị điều tra về hồ sơ PetroVietnam và trong ngành ngân hàng.

Nhân vật chính trị cao cấp nhất cho đến nay bị ảnh hưởng là ông Đinh La Thăng, cựu chủ tịch PetroVietnam. Ông Thăng bị mất chức trong Bộ Chính trị trong dịp Hội nghị Trung ương 5, hồi 5/2017.

Hồi tháng Giêng, Ủy ban thường vụ Quốc hội Việt Nam ra Nghị quyết xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương nhiệm kỳ 2011 – 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.

Có những đồn đoán rằng sẽ có thêm các thành viên trong chính phủ của ông Dũng sẽ bị truy tố, Reuters nói.

Bình Luận từ Facebook