Tin trong nước
Biển Đông
Báo Người Lao Động có bài: Quyết giữ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Anh Võ Bá Nha, 34 tuổi, chủ tàu QNg-90045TS, kể rằng, tàu của anh đã nhiều lần bị Trung Quốc đập phá tài sản, nhưng anh vẫn không chùn bước: “Nếu chuyến biển nào bị tàu Trung Quốc phá tài sản, khi trở về có đi vay, đi mượn hay bán nhà cũng phải sửa lại tàu tiếp tục ra Hoàng Sa. Đó là nơi nuôi sống mình, gia đình bao thế hệ ngư dân chúng tôi. Không thể vì Trung Quốc dọa nạt dùng vũ lực, bỏ tù mà bỏ biển được“.
CLB bóng đá NO-U ra sân chiều Chủ nhật lần thứ 250, ngày 10/9/2017 trên sân Viettel. Tuy nhiên, cũng như nhiều lần trước đó, khi gần hết trận thì an ninh đến doạ nạt chủ sân và cấm không cho thuê sân nữa và chủ sân bóng không dám lấy tiền sân dù đã cho thuê gần hết giờ.
Sau khi kiến nghị với Bảo tàng Hoàng gia Greenwich ở Anh về chuyện quả địa cầu bán tại bảo tàng có đường lưỡi bò, ghi Hoàng Sa, Trường Sa bằng tiếng Trung Quốc, Facebooker Lê Trung Tĩnh lưu ý: “Mọi người nếu đi đâu thấy địa cầu, bản đồ nào có sự cố như trên thì có thể tùy nghi dùng thư tôi gửi Bảo tàng Hoàng gia Greenwich để ở đây để phản ánh.
Nhưng không chỉ ở nước ngoài, các sách vở, địa cầu trong nước Việt Nam cũng có thể bị, đặc biệt là các sách học dịch từ sách TQ. Nên nhân rộng ra nhiều hơn nữa công việc này để những quan điểm và ấn tượng sai lầm mà Trung Quốc đang cố gắng áp đặt không trở thành một điều mà ai cũng dễ dàng chấp nhận“. BBC đưa tin: Bảo tàng Anh hứa không bán địa cầu ‘lưỡi bò’.
Báo New York Times có bài: Indonesia bắt đầu đối đầu với các tuyên bố chủ quyền của TQ ở Biển Đông. Indonesia ngày càng thách thức Trung Quốc về các tuyên bố của TQ ở Biển Đông, cho dù trong nhiều thập niên qua, chính sách của Indonesia không liên quan đến bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào của Trung Quốc ở Biển Đông, khác với các nước láng giềng trong khu vực có tranh chấp là Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Năm ngoái, Indonesia và Trung Quốc đã có ba cuộc đụng độ trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Indonesia, trong đó tàu chiến của Indonesia đã bắt giữ một tàu cá TQ cùng tất cả các ngư dân trên tàu. Sau cuộc đụng độ lần thứ 3 hồi tháng 6/2016, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lần đầu tiên ra tuyên bố, đường chín đoạn gây tranh cãi gồm “các vùng đánh cá truyền thống” nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Đáp trả lại, ngày 14/7, Bộ Thủy sản và Hàng hải Indonesia đã tổ chức họp báo, lần đầu tiên công bố bản đồ quốc gia, đặt tên mới cho khu vực ở Biển Đông là Biển Bắc Natuna, nỗ lực bác bỏ đường chín đoạn của Trung Quốc.
Mời đọc thêm tin về ngư dân và Biển Đông: Thêm công trình khẳng định chủ quyền Tổ quốc tại đảo Trần, Cô Tô (TP). – Quảng Trị: Cháy 2 tàu cá của ngư dân, thiệt hại gần 4 tỷ đồng (VTV). – Đà Nẵng: Cấp cứu kịp thời ngư dân bị cuốn gãy tứ chi về bờ an toàn (PL Plus). – Đến thời nông dân, ngư dân cũng làm kinh tế số (TT).
Khi nào thì anh Thăng bị bắt?
Nhà báo Huy Đức có bài phân tích: Bắt Sơn, bắt Quỳnh mà không bắt Thăng thì coi như chỉ đánh “thủ túc”, tha kẻ chủ mưu. Tác giả viết: “Bằng việc cho phép nắm giữ 20% vốn ở OceanBank, Thăng đã biến ngân hàng này trở thành ‘dịch vụ nội bộ’ của PVN, các đơn vị thành viên đều phải mở tài khoản tại đây. Kể từ năm 2008, dòng tiền PVN đã đi qua đây trên 500 nghìn tỷ VND. Có thời điểm, số dư tiền gửi của PVN tại OceanBank lên tới 25.000 tỷ VND, riêng Dầu khí Việt – Nga có lúc gửi ở đây tới 100 triệu USD“.
Ông Huy Đức kết luận, rằng bản chất của vụ án này là “tham ô” chứ không phải “cố ý làm trái”. Và “Nếu không truy cứu trách nhiệm hình sự Đinh La Thăng thì trong vụ PVN, coi như các cơ quan chống tham nhũng chỉ ‘lượm củi khô’, chỉ bắt đám thừa hành mà để lọt thủ phạm, để lọt kẻ cầm đầu; những đồng phạm như Sơn, như Quỳnh… ai hiểu nội tình Dầu Khí đều biết, họ không oan, nhưng ở một mức độ nào đó họ đều là nạn nhân của Thăng“.
Đại án OceanBank
TBKTSG có bài: OceanBank – ngân hàng sân sau của PetroVietnam. “Nguyên dàn lãnh đạo của OceanBank từ chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc đến các chi nhánh, phòng ban… đều đã vi phạm quy định ngân hàng khi chi lãi ngoài, nhưng nếu thật sự các cá nhân nhận tiền lãi ngoài ở PetroVietnam và các công ty trực thuộc là có thì họ mới là những người phá luật lệ nghiêm trọng hơn bởi họ đã gửi tiền của Nhà nước sai mục đích, dẫn đến hậu quả khôn lường cho an ninh tiền tệ“.
LS Trần Vũ Hải cho biết, việc “chăm sóc khách hàng” của lãnh đạo các chi nhánh Ngân hàng OceanBank đều bị truy tố về tội “cố ý làm trái”, “gây hậu quả nghiêm trọng“, thực chất là hành vi đưa hối lộ. Có điều, Bộ Luật Hình Sự 2015 đã bỏ tội “cố ý làm trái“, lẽ ra được áp dụng từ ngày 1/7/2016. Nhưng do phải sửa đổi BLHS 2015, nên từ 1/1/2018 mới có hiệu lực bỏ. Có nghĩa là, các bị cáo bị xét xử theo tội cố ý làm trái, “có cơ hội được thoát tội này sau ngày 1/1/2018, nếu có xét xử phúc thẩm“.
Đồng quan điểm với LS Trần Vũ Hải, LS Ngô Ngọc Trai cho rằng, “xử lý theo tội đưa nhận hối lộ mới đúng. Việc chi tiền gọi là chăm sóc khách hàng nhưng phía ngân hàng chi cho cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp chứ không đưa vào tài khoản doanh nghiệp gửi tiền, để lãnh đạo được hưởng lợi và chỉ đạo doanh nghiệp mình phụ trách tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng. Thì đó là hành vi đưa nhận hối lộ“.
Mời đọc thêm: Làm theo lệnh cấp trên vẫn là cố ý làm trái? (VOV). – 400 tổ chức kinh tế bị tố nhận ‘quà’ tiền tỷ của OceanBank (VNE). – Đại án Ocean Bank: Sẽ có thêm nhiều lãnh đạo Dầu khí đến tòa tuần tới? (VietTimes). – Đại án OceanBank: Triệu tập 4 sếp lọc hóa dầu Bình Sơn (ĐV). – Đại án OceanBank: Vì sao cả loạt “chóp bu” bị triệu tập tới toà? (LĐ). – 7 đại án kinh tế làm rúng động ngành ngân hàng Việt Nam (ĐSVN). – Vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ tranh quyền, món quà 20 tỷ của sếp Dầu khí (DT).
Cập nhật tin khởi tố cựu Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình
Báo Đời sống & Pháp luật có bài: Khởi tố nguyên Phó Thống đốc NHNN: Quyết tâm cao trong đấu tranh chống tham nhũng. ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên ủy ban Pháp luật của QH, cho rằng: “Pháp luật là không có vùng cấm, nhất là trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Những sai phạm liên quan đến tham nhũng dù ở cấp nào, Trung ương hay địa phương, trong lĩnh vực nào đều sẽ bị xử lý nghiêm. Ngay cả việc khởi tố ông Đặng Thanh Bình lần này cũng cho thấy quyết tâm chống tham nhũng rất cao của Đảng, Nhà nước”.
Pháp luật ở xứ nào mới không có vùng cấm, còn ở xứ ta và các nước CS anh em, hay ở các nước độc tài, thì làm gì có pháp luật hiện hữu mà có vùng cấm với không? Chuyện xét xử ở những nước này chỉ nhằm mục đích thực hiện show “biểu diễn công lý”, làm gì pháp luật mà “xử lý nghiêm” với không nghiêm?
Mời đọc thêm: Có thể khởi tố bổ sung nguyên Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình (VTC). – Trước ông Đặng Thanh Bình, những ai dính líu trong đại án 9.000 tỷ? (DV).
Chuyện “trồng người” ở Việt Nam
Báo Người Lao Động có bài: NÓI THẲNG: Vô cảm tột cùng, căm phẫn tột cùng. Tấm ảnh chụp lễ khai giảng năm học tại một điểm trường ở xã Thái Sơn, Bảo Lâm, Cao Bằng, tác giả cho biết: “Nhìn hình ảnh ngôi trường sơ sài nằm dựa bên núi, sân trường hẹp và lầy lội, mấy chục em ngồi xổm để khỏi ướt, chỉ lèo tèo mấy cái ghế nhỏ đủ cho vài em dùng, học sinh nghèo và nhếch nhác, giáo viên cũng chẳng khá hơn, thấy mà thương!”
Bài viết cũng nói về vụ cô giáo Trần Thị Thoa, giáo viên trường THCS Quốc Tuấn, An Dương, Hải Phòng, tự tử bằng thuốc ngủ, về chuyện cô khiếu nại nhiều lần khi bị chuyển trường mà không được giải quyết: “Cô ấy có chồng là bộ đội công tác ngoài hải đảo, một mình nuôi 3 con nhỏ nên lẽ ra phải được ưu tiên. Đằng này, sau khi nhận quyết định điều chuyển, nữ giáo viên ấy nhiều lần làm đơn xin xem xét nhưng chẳng ai nghe“.
Báo Một Thế Giới có bài: Đồng phục áo quần, ‘đồng phục’ tư duy. Tác giả phê phán chuyện đồng phục của học sinh bị biến tướng, “loạn đồng phục”, chẳng hạn như bắt buộc học sinh đồng phục cả dép giày, cặp sách, tập vở, bao bì… biến học sinh thành “rô-bốt”, bấm nút là chạy theo “lập trình”.
Dẫn lời GS Nguyễn Minh Thuyết, nói: “Chúng ta không thể nào bắt ép Trần Đăng Khoa phải giỏi Toán như Ngô Bảo Châu và cũng không thể có chuyện Ngô Bảo Châu lại giỏi thơ như Trần Đăng Khoa. Và, cả nước không thể chỉ có những người giỏi toán, giỏi thơ. Cùng với họ, phải có những người giỏi trồng trọt, chăn nuôi, công nghệ, thương mại, quản trị”.
Báo GDVN có bài: Phụ huynh bắt đầu chóng mặt với các khoản thu đầu năm. “Khoan hãy nói đến những khoản tiền lạm thu ‘trời ơi đất hỡi’ của một số trường, chỉ tính riêng những khoản tiền phải đóng một cách ‘quang minh chính đại’ của đại đa số các trường học thì phụ huynh cũng đủ kêu đất, than trời. Bởi, nhiều khoản tiền tăng gấp nhiều lần so với những năm trước đây đặc biệt là hai loại tiền bảo hiểm“, đó là bảo hiểm y tế và bảo hiểm thân thể.
Mời đọc thêm: Phụ huynh sốc vì trường tiểu học ở nông thôn thu quỹ “khủng” (DV). – Nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh xin hãy bớt nói chuyện tiền bạc (GDVN). – Cô giáo tự tử vì không được giải quyết kiến nghị? (TT). – Diễn biến mới nhất vụ cô giáo tự tử do bị chuyển trường (DV). – Chúng ta thực sự đang sống trong “kỷ nguyên trách nhiệm giải trình” (GDVN).
Nhân quyền ở Việt Nam
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Bị can chết sau cuộc đánh nhau trong khi bị tạm giam? Anh Võ Tấn Minh, 25 tuổi, ở TP Phan Rang, Ninh Thuận, đã tử vong trong khi bị công an tạm giữ. Bà Phạm Thị Thu Huyền, mẹ của nạn nhân cho biết, ngày 28-4, con bà đang đi trên đường thì bị công an bắt giữ. Công an báo, kiểm tra người Minh có mấy tép heroin, nên tạm giữ để điều tra.
Chiều 8-9, công an tỉnh Ninh Thuận đến nhà bà Huyền báo tin con bà đã chết. “Gia đình bà vội đến nhà đại thể thì thấy trên lưng, chân, tay Minh có nhiều vết, mảng bầm. Gia đình nghi Minh bị đánh. Phần sau gáy (sau khi cạo tóc để khám nghiệm tử thi) thấy có một vết bầm dài khoảng 6cm“.
Báo Người Việt đưa tin: Một cô giáo ở Ninh Bình bị công an chụp mũ ‘phản động’. Công an tỉnh Ninh Bình đã triệu tập cô giáo Phạm Ngọc Lan và tra hỏi cô nhiều ngày về những bài viết của cô trên Facebook và Hội Anh em Dân chủ.
Viết trên Facebook hôm 7/9, cô Ngọc Lan cho biết: “Ngày hôm nay tôi bị bôi nhọ chỉ vì tôi nói thẳng và nói thật, đó cũng là cách mà chính quyền việt Nam cũng đã luôn dùng cho những người nói ý kiến trái chiều. Và chắc chắn sẽ không còn dừng lại ở đó, tôi cũng không thể tin rằng một phụ nữ bé nhỏ như tôi lại có thể gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị của một đất nước“.
Dân Làm Báo đưa tin: Cựu TNLT Nguyễn Văn Oai sắp ra toà. Dẫn nguồn từ LS Hà Huy Sơn, cho biết, Tòa án ND thị xã Hoàng Mai sẽ đưa cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai ra xét xử vào lúc 7h, ngày 18/9/2017, tại Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, đường Phạm Đình Toái, Tp.Vinh, Nghệ An. Đây là phiên xét xử sơ thẩm sau lần tạm hoãn ngày 20/8.
Nhà báo Đoan Trang có bài kể về con đường đấu tranh và lựa chọn dấn thân của LS Nguyễn Văn Đài, TNLT Trần Huỳnh Duy Thức và blogger Ba Sàm, Nguyễn Hữu Vinh. Những cá nhân này chỉ “thực thi một cách ôn hòa quyền tự do biểu đạt của họ, và là người không sử dụng bạo lực hay cổ súy bạo lực, hận thù“.
Họ đã “chấp nhận hy sinh tự do của mình để thức tỉnh lương tâm của cộng đồng” và “từ chối việc tị nạn chính trị ở phương Tây để tiếp tục ngồi lại nhà tù nhỏ, mặc cho an ninh ra sức dụ dỗ“.
Đảng nào ‘đại diện cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động’?
Báo Lao Động có bài: Tiếp vụ công nhân công ty S&H Vina ngừng việc tập thể đòi quyền lợi: Đòi quyền lợi nhưng phải đúng luật pháp. Trong khi người lao động than trời: “Hiện nay, lương cơ bản của chúng tôi chưa được 3 triệu đồng/tháng. Sau khi đã tăng ca, lương chúng tôi cũng chỉ được khoảng 3,7-3,8 triệu/tháng. Đó là chưa kể đến những lúc ốm đau, bệnh tật… phải nghỉ việc. Công việc khá vất vả, môi trường làm việc khắc nghiệt ngày làm 10 tiếng, nhưng tiền tăng ca cũng chỉ được 20.000 đồng/ giờ”.
Thì từ Công đoàn (CĐ) đến lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa lại kêu gọi người lao động “chia sẻ” khó khăn với doanh nghiệp, cũng như chỉ giúp những gì luật quy định: “Những đòi hỏi không được pháp luật điều chỉnh, CĐ vận động CN cần bình tĩnh, tránh bị một số đối tượng kích động, gây rối”.
Mời đọc thêm: Công nhân đình công vì nghỉ ốm bị trừ tiền bảo hiểm (VNE). – Nhìn lại 21 cuộc đình công và vai trò công đoàn cơ sở ở Nghệ An (Báo NA). – Phòng ngừa tranh chấp lao động và đình công trên địa bàn thành phố (LĐTĐ).
Thêm thông tin về trạm thu phí BOT
Báo Pháp Luật TP có bài: Tài xế trả tiền lẻ bị công an triệu tập nói gì? Nói rằng họ quá bức xúc vì “không ăn bánh cũng phải trả tiền“, và “người dân chúng tôi không thể trả phí cho một con đường mà mình chưa từng đi…”
Không chỉ có người dân, mà một cảnh sát giao thông Hải Dương cũng tố cáo: “Vị trí nào bị ‘sống trâu’ họ dùng máy cào đi một chút hoặc đào lên vá lấp một chút. Nên việc thu phí này mình cũng bức xúc huống gì là người dân…”
TS. Nguyễn Sỹ Dũng, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng, “trước tiên việc người dân dùng tiền lẻ qua trạm không có gì sai, nếu đòi xem xét khởi tố người dân tội này chứng tỏ công an không hiểu vấn đề“.
Báo Trí Thức Trẻ có bài phỏng vấn ông Nguyễn Đức Kiên: “Tôi không bênh BOT mà tôi bênh cái phải”. Ông kiên lập luận rằng, người dân đã tiết kiệm được tiền vì rút ngắn được thời gian “khi làm đường BOT, ví dụ đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nếu trước đi ôtô mất 3 tiếng thì bây giờ đi có 1,5 tiếng, như vậy chúng ta tiết kiệm được 1,5 giờ xe chạy, nổ máy.”
Xin được hỏi ông Kiên, làm đường BOT được cho là “tay không bắt giặc“, tức là kiểu “mượn đầu heo nấu cháo”, dùng tiền ngân hàng, mà tiền ngân hàng là tiền của ai, nếu không phải của dân? Điều mà ông Kiên cho rằng người dân “tiết kiệm”, chẳng phải nhờ thằng BOT nào bỏ tiền túi ra giúp dân, mà chính chúng nó đã lợi dụng các dự án BOT để móc túi dân.
LS Trần Hoàng có bài: Công an huyện Văn Lâm đang phủ nhận chế độ pháp quyền để bảo vệ lợi ích nhóm BOT? Theo tác giả, việc công an huyện Văn Lâm, Hưng Yên đã có giấy triệu tập và làm việc với tài xế sử dụng tiền lẻ để trả phí qua trạm thu phí số 1, quốc lộ 5 ở Văn Lâm, Hưng Yên là “đã vi phạm trắng trợn và nghiêm trọng luật pháp“, bởi theo luật, “chỉ có Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán là có quyền ký và sử dụng giấy triệu tập“.
Còn việc công an huyện Văn Lâm buộc tài xế phải khai rằng, “khi chở người thân đi thì có tiền lẻ thì rút ra trả như bình thường chứ không phải phản đối mức phí cao…” có thể được coi “là hành vi phạm tội hình sự liên quan đến việc mớm cung hoặc làm sai lệch hồ sơ” và “vi phạm quyền tự do ngôn luận”. LS Trần Hoàng cho rằng, “đây chính là hành vi phủ nhận chế độ chính trị pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân như ghi nhận tại ngay Điều số 2 của Hiến pháp“.
Nhà báo Mai Quốc Ấn có bài: Lại phải nói với ông Tô Lâm. Ông Ấn viết: “Quyền góp ý của người dân là quyền chính đáng và cần được chính thể và thể chế tôn trọng, khuyến khích, phát huy. Nhưng trong những câu chuyện vừa kể trên, sắc phục công an một số nơi rõ ràng đã gây bất ổn cho tâm lý người dân bởi họ không làm gì phạm pháp. Công an địa phương nào cũng mời dân, triệu tập dân như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến công việc cá nhân nói riêng và sự vận hành đất nước nói chung ra sao?”
Mời đọc thêm: Chuyện thu phí BOT như “trấn lột” và cú ngã ngựa cựu “quan lớn” ngân hàng (DT). – Tài xế dùng tiền xu mua vé phản đối BOT đường tránh Biên Hòa — Dân lăn đá ra đường chặn ôtô né trạm BOT (TP). – Dân dùng thùng phuy, đá tảng chặn xe né trạm BOT (VNN).
Vấn nạn CSGT nhận hối lộ
Báo Tuổi Trẻ có bài: Nhũng nhiễu, mãi lộ, phải quy cả trách nhiệm cấp chỉ huy. Ông Lê Đông Phong giám đốc Công an TP.HCM cho rằng, “Khi đánh giá, xem xét sai phạm của bất cứ cán bộ, chiến sĩ nào thì cần phải quy cả trách nhiệm cho các cấp chỉ huy, người đứng đầu“.
Ông Phong cũng nhấn mạnh, “mọi vi phạm của cán bộ, chiến sĩ phải được xử lý kịp thời, nghiêm theo đúng tính chất, mức độ vi phạm; tuyệt đối không bao che, dung túng bất cứ trường hợp nào … nếu xác định đúng tính chất, mức độ sai phạm tới đâu thì xử lý tới đó, không có ngoại lệ“.
Mời ông Phong đọc bài viết của nhà báo Nguyễn Hoài Nam, là người nổi tiếng chống tham nhũng và đã bị o ép phải rời khỏi tòa soạn báo Thanh Niên, có bài: Vì sao CSGT công khai làm luật? “Chứng cứ là từng tờ tiền rõ như ban ngày, nhận tại trụ sở để bảo kê, nhưng Công an TP.HCM không cầu thị lắng nghe, cảm ơn, ngược lại xử lý kiểu thù hằn, trù dập ‘Cài bẫy cảnh sát’.”
Cuối cùng thì Thanh tra Bộ Công an chỉ kết luận, “cảm ơn, rút kinh nghiệm, Chỉ đạo Công an TPHCM chuyển viên Thanh tra đặc biệt này sang làm công việc khác…” bởi “họ chỉ ‘gói gọn’ trong khuôn chứng cứ đến đâu thì xử lý và kết luận đến đó“. Thế đấy ông Phong!
Trung tá Phan Văn Triều, Trưởng phòng CSGT tỉnh Tây Ninh, quả là uống thuốc quá liều, khi nói: ‘Ai chỉ cho tôi CSGT nào ở Tây Ninh nhận hối lộ, tôi trả lại gấp trăm lần số tiền họ bỏ ra’.
Mời đọc thêm: CSGT lập chốt, vòi vĩnh ở ngã tư Amata (TT).
Vấn nạn hoa hồng trong quan hệ Y – Dược
Báo Trí Thức Trẻ có bài dịch từ trang Health Affairs: Kỳ tích Hàn Quốc: Đập tan “nạn hoa hồng” đang khiến cả TQ, Việt Nam nhức nhối. Bài viết cho biết, Chính phủ Nam Hàn đã áp dụng “Y – Dược phân ly”, tức là “cấm bệnh viện, bác sĩ trực tiếp phân phối (bán) thuốc cho bệnh nhân ngoại trú, và cấm các dược sĩ kê đơn thuốc hoặc “đi đêm” với bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân”.
Không như vấn nạn “hoa hồng” ở Việt Nam mà TS. Nguyễn Khánh Hòa gọi sự “đi đêm” giữa các Công ty dược hay Dược sĩ với quan chức Y tế hoặc bác sĩ là “sự thông đồng bẩn thỉu“.
Hiểm họa nhiệt điện than
Báo SGGP tiếp tục chủ đề: Hiểm họa tro xỉ than nhiệt điện. Bài báo thống kê trên cả nước hiện nay có tổng cộng 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, lượng than phải tiêu thụ mỗi năm khoảng 40 triệu tấn, lượng tro xỉ thải phát sinh lên tới xấp xỉ 15,8 triệu tấn/năm. Riêng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 ở Bình Thuận, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 13.000 tấn than, sau khi đốt thải ra khoảng 4.000 tấn tro xỉ/ngày. Sau 2 năm, bãi chứa tro xỉ than với diện tích 40ha đã tăng chiều dày từ 1-2m lên tới hơn 10m. Một người dân địa phương cho biết:
“Từ ngày bãi chứa tro xỉ than này đi vào hoạt động đã khiến cuộc sống của người dân chúng tôi bị đảo lộn. Trước đây, khi bãi chứa này chưa được xử lý chặt chẽ đã gây bụi cho toàn bộ các hộ dân sống gần công trình, có lúc chúng tôi phải đóng cửa để ăn cơm trong mùng mà vẫn không tránh được bụi. Nay tình trạng này đã giảm, nhưng tiếng ồn từ công trình phát ra cũng khiến người dân rất khó chịu”.
Mời đọc thêm: Bình Thuận: Người biểu tình đụng độ công an (BBC).
Phá 44ha rừng, không ai biết?
Báo Tuổi Trẻ có bài: Cận cảnh 44ha rừng bị xóa sổ ở Bình Định mà ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bình Định cho biết: “Đây là vụ phá rừng có quy mô lớn, rất nghiêm trọng xảy ra tại Bình Định. Dấu vết tại hiện trường cho thấy vụ phá rừng này có tổ chức rất bài bản. Kẻ phá rừng đã đưa các phương tiện cơ giới vào làm đường, cũng như chuẩn bị rất quy mô, khai thác bằng cưa máy hiện đại trong một thời gian rất ngắn“.
Nhưng không hiểu sao, kiểm lâm và chính quyền địa phương không hề hay biết? Thật vô lý khi ông Phạm Văn Nam, chủ tịch UBND huyện An Lão nói rằng, “do đường từ An Lão vào khu rừng bị phá khó đi, các lực lượng chức năng không phát hiện được“. TTXVN: Vụ phá gần 44 ha rừng tại Bình Định: Không thể đổ lỗi cho địa hình phức tạp.
Báo Đất Việt đưa tin: Bình Định phá rừng quy mô lớn: Thủ tướng chỉ đạo nóng. Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng Bình Định điều tra, làm rõ những vụ việc phá rừng tự nhiên ở xã An Hưng, huyện An Lão mà báo chí đưa tin, cũng như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/10/2017.
Ông Đoàn Văn Tá, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, nói: “Các đối tượng khai thác rừng dùng cưa lốc nên tốc độ khai thác rất nhanh. Chỉ trong vòng khoảng nửa tháng, chúng đã tàn phá 43 ha rừng tự nhiên. Chúng tôi đến hiện trường thì các đối tượng này đã bỏ trốn nên không phát hiện được ai”.
VTV có clip:
Mời đọc thêm: Cả nước có hơn 7.800 vụ chặt phá rừng trong 5 tháng đầu năm (VTV). – Phá rừng đầu nguồn ở Hòa Bình: Tận mắt những cánh rừng bị tàn phá (MT & ĐT). – Kiểm tra hiện trường vụ phá rừng tự nhiên tại Bình Định (ANTV).
Tin quốc tế
Khủng hoảng Rohingya
RFI có bài: Miến Điện: Quân nổi dậy Rohingya tuyên bố ngừng bắn. Theo AFP, hôm nay 10/09/2017, lực lượng nổi dậy người Rohingya đã tuyên bố đơn phương ngừng bắn trong 1 tháng. Thêm tin: Myanmar: Quân nổi dậy tuyên bố tạm ngừng bắn (BBC).
Tuy nhiên, phía chính phủ Miến Điện bác bỏ đàm phán với ‘những kẻ khủng bố’, VOA đưa tin. Hãng tin Reuters dẫn lời chính phủ Miến Điện tuyên bố “không đàm phán với những kẻ khủng bố”.
Được biết, các cuộc tấn công do các chiến binh thực hiện nhắm vào đồn cảnh sát và căn cứ quân đội hôm 25/8 đã dẫn tới một cuộc phản công quân sự làm nhiều người Rohingya phải bỏ chạy sang Bangladesh. Liên Hiệp Quốc ước tính, có khoảng 294 nghìn người, nhiều người trong số đó bị bệnh hoặc bị thương, đã tới khu vực phía nam Bangladesh trong vòng 15 ngày qua.
Khủng hoảng Bắc Hàn
RFI đưa tin: Bắc Triều Tiên: Kim Jong Un mở tiệc mừng các khoa học gia hạt nhân. Theo hãng tin Bắc Hàn KCNA, lãnh đạo Bình Nhưỡng đã ra lệnh mở đại tiệc để chúc mừng các khoa học gia và kỹ thuật viên hạt nhân đã góp phần vào điều được ông gọi là “thành công toàn diện của việc thử nghiệm bom H” và kêu gọi nỗ lực gấp bội để giúp Bắc Hàn trở thành một cường quốc nguyên tử đích thực.
RFI có bài tường trình về vấn đề xuất khẩu của Bắc Hàn, cho dù bị quốc tế cấm vận: Bắc Triều Tiên xuất khẩu lậu 270 triệu đô la trong 6 tháng, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết, từ tháng 2 đến tháng 8/2017. Sau khi Trung Quốc quyết định ngừng nhập than đá của Bắc Hàn, Bình Nhưỡng đã cho xuất các lô hàng đó qua một số nước, trong đó có Việt Nam và Malaysia, để tái xuất tiếp sang nước thứ 3.
Sau khi Bắc Hàn thử hạt nhân ngày 03/09, nay TQ lo ‘nhiễm phóng xạ’ từ Bắc Hàn. BBC đưa tin, hệ thống cảnh báo của quân đội Mỹ (Defcon) cho hay, phát hiện chất phóng xạ tại Trung Quốc, Nam Hàn và ở chính địa điểm thử hạt nhân. Người ta cho rằng nguồn phóng xạ là do một đường hầm bị sập tại địa điểm thử hạt nhân ở Punggye dưới Đỉnh Mantap.
Nga dùng “côn an” trấn áp nhà báo
VOA đưa tin: Bị đe dọa, nhà báo Nga rời tổ quốc. Bài báo cho biết, một nhà văn và cũng là một người bình luận chính trị nổi tiếng ở Nga, bà Yulia Latynina, đã buộc phải rời đất nước vì lo ngại cho tính mạng của mình. Xe hơi của bà Latynina đã bị đốt cháy hồi đầu tháng 9.
Mỹ làm hòa với Thổ Nhĩ Kỳ
RFI có tin: Donald Trump điện đàm với Erdogan hạ nhiệt căng thẳng. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại với người đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ, TT Recep Erdogan ngày 09/09/2017. Nhà Trắng cho biết, hai bên đã đề cập đến nhu cầu hợp tác vì an ninh khu vực Trung Cận Đông. Tổng thống Trump đã nhấn mạnh cam kết chung của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng “hợp tác để tăng cường sự ổn định khu vực”.
Được biết, quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng sau khi Mỹ ủng hộ lực lượng người Kurdistan ở Syria trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ lại xem lực lượng người Kurdistan là quân khủng bố.
Cập nhật tin bão Irma ở Mỹ
Cơn bão Irma đang tàn phá bang Florida. Mỹ: Bão Irma sắp ập vào Florida, VOA đưa tin. Trích: “Cơn bão mạnh Irma hôm 10/9 đã tràn vào Florida Keys, một dãy các đảo nằm cách tiểu bang Florida khoảng 193 km, mang theo gió mạnh và gây triều cường, dẫn tới một trong những cuộc sơ tán lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ”.
Trong khi đó, Tổng thống Trump bàn chuyện đối phó bão Irma. VOA đưa tin, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 10/9 đã trao đổi với thống đốc các tiểu bang Alabama, Georgia, South Carolina và Tennessee nhằm tìm cách đối phó với cơn bão mạnh Irma.
Mời đọc thêm: Bão Irma hoành hành ngoài khơi Florida, bắt đầu tiến vào đất liền (NV). – Mỹ: Bão Irma đổ bộ vào Florida với sức gió trên 200km/giờ (NV). – Hơn 3 triệu người bị mất điện sau khi bão Irma tiến sát Floria (NV). – Người Việt giữa tâm bão Irma (VOA).
Chính trường Campuchia trước bầu cử Quốc hội tháng 7/2018
VOA đưa tin: Đối lập Campuchia tẩy chay bỏ phiếu tại quốc hội trong một cuộc bỏ phiếu nhằm tước quyền miễn trừ thủ lĩnh của họ vào ngày 11/9. Thay vào đó, họ sẽ tới nhà tù nơi ông Kem Sokha đang bị tạm giam để đòi trả tự do cho ông.
Quân đội chính phủ Syria đạt thắng lợi quân sự quan trọng
RFI cho biết, quân đội Syria phá vòng vây phi trường Deir Ezzor của Daech. Hôm qua, 09/09/2017, quân đội chính phủ Syria đã có một thắng lợi quân sự quan trọng, phá vỡ vòng vây từ 3 năm nay của quân thánh chiến Daech tại phi trường quân sự Deir Ezzor.
Phi trường Deir Ezzor là nơi tập trung nhiều mỏ dầu lớn, nằm trong tay của Tổ chức Nhà nước Hồi Giáo từ 2014. Nếu mất thành phố Raqa và tỉnh Deir Ezzor, coi như Daech bị loại khỏi cuộc chiến ở Syria.
Mời đọc thêm tin quốc tế: Tây Ban Nha cố gắng ngăn cản trưng cầu dân ý về độc lập của Catalunya (RFI). – Ả-rập Saudi, Qatar điện đàm hòa giải nhưng tranh cãi mới lại nổ ra. (VOA). – Những người tị nạn Hmong đầu tiên đến Guyane (RFI).