Khoảng tối của ông Thứ trưởng Trương Quốc Cường

FB Nguyễn Tiến Tường

6-9-2017

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường. Ảnh: internet

Đương kim thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường là Cục trưởng Cục Quản lý dược hơn 10 năm. Vị trí nắm giữ chất lượng thuốc chữa bệnh cho 90 triệu người Việt, cũng là nơi béo bở bậc nhất.

Tên tuổi ông Cường nổi lên từ vụ nhập khẩu tiền chất ma túy Pseudoephedrine (PSE) để sản xuất thuốc cảm cúm. Năm 2010, PV Pharma được nhập khẩu 1 tạ PSE thì trong 6 tháng 2011 được cấp phép nhập đến 7 tạ. Ngày 9.6.2011 Cty Mebiphar có công văn xin nhập 3 tạ PSE, ngay trong ngày, Cục trưởng Cường ký văn bản cấp phép! Trước đó 2 ngày, chính Cục đã cấp giấy phép khác cho DN này nhập 2 tạ nguyên liệu PSE! 

8 DN được đệ đơn tố cáo ông Cường với khẳng định “đi đêm” hoặc ưu ái cho DN sân sau. Đáng ngờ hơn là PSE ở thời điểm đó không thiếu. Đó cũng là thời điểm có rất nhiều vụ án điều chế ma túy tổng hợp từ tiền chất. Công an vào cuộc điều tra nhưng vụ việc rơi vào im lặng. Cục trưởng Cường ký cấp phép trong một ngày. Trả lời báo chí, Bộ trưởng Tiến nói: Đã phát hiện ra sai phạm nào đâu mà kỷ luật anh Cường!

Cục trưởng Cường Cũng ký cho 20 DN nhập hơn 9 tấn Salbutamol trong hai năm 2014-2015. Salbutamol là kháng sinh chữa hen suyễn cho người nhưng không hiểu sao nó tràn ra thị trường và thành chất tạo nạc. Sau khi nhập, hơn 6 tấn salbutamol đã “trôi” ra thị trường để trộn vào thức ăn nuôi heo. 

Salbutamol tồn dư trong thịt heo với lưu lượng lớn sẽ gây co cơ, suy tim, suy hóa hô hấp, phù phổi và có thể khiến phụ nữ bị sảy thai. Người có tiền sử về bệnh tim mạch có khả năng tử vong. 

Năm 2016, ông Cường lại cho phép nhập hơn 6 tấn salbutamol và lượng chất này đang ở đâu không ai biết. Từ vụ salbutamol, thịt heo trở thành nỗi ám ảnh của người Việt, vừa ăn vừa nghĩ đến huyệt mộ của mình. Ngành chăn nuôi heo khốn đốn, nông dân bị đánh gục vì ế ẩm, nhà nước kêu gào giải cứu bất thành. Ấy là nhờ đại phúc của ông Cường cả. 

Cục trưởng Cường, đương nhiên cũng là người ký cho nhập 200.000 viên thuốc H – Capita mà theo luận điệu của Cục là giấy tờ làm giả của VN-Pharma quá tinh vi không phát hiện được. Quy trình cấp visa nhập khẩu thuốc, Cục phải thẩm định hồ sơ, xác minh nhà máy sản xuất (xác minh thế nào mà không biết Helix là một cty ma). Quan trọng là thuốc đó phải được thử nghiệm lâm sàng tại VN và nhiều thủ tục khác đi kèm trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Đối với H-Capita, thời gian từ khi VN Pharma đề xuất đến lúc duyệt là 2 tháng. Thần tốc! 

Bất chấp tất cả. Ông Cường vẫn thăng chức Thứ trưởng Bộ Y tế. Bất chấp tất cả, ông vẫn giữ sự im lặng chết người. Và người thay mặt Bộ trả lời dư luận là thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, không có chuyên môn về dược. 

Năm 2015, khi khủng hoảng vắc xin khiến dân Việt hoang mang tột độ, hàng chục trẻ tử vong. Trước sức ép của dư luận, Cục trưởng Cường đăng đàn phát biểu đầy xếch mé: Kiếp sau tôi sẽ không làm ngành y nữa mà sẽ làm nhà báo! Ông thật hài hước. Nhưng bớt giỡn ông ơi, làm gì có ai được chọn kiếp sau cho mình. Kiếp sau của mỗi người đều là nhân quả của kiếp này. 

Kiếp sau, có phải là thuốc đâu mà tự ký duyệt!

Bình Luận từ Facebook