Nhân cách con người!

Nguyễn Trung Dân

4-9-2017

Chân dung thi sỹ Trần Vàng Sao. Ảnh: internet

Cũng không chỉ mấy hôm nay, từ lâu, vấn đề nhân cách làm người được đặt ra cho các quan chức, cho nhiều người có tiếng tăm, học vị, học thức … trong xã hội chúng ta khá bức bách và đầy thất vọng. Trong những ngày gần đây, từ vụ thuốc giả của Pharma với bà Bộ Trưởng, các quan chức ngành Y, Dược; rồi vụ án Trịnh Xuân Thanh với những liên quan. Trịnh Vĩnh Bình với tai vạ từ thói cửa quyền độc tài … đến các thua lỗ ngàn tỷ của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Thậm chí đến các quan chức từ “người tử tế” đã về vui thú điền viên … Dân chúng qua các cuộc này thấy kinh hoàng cho sự thất thoát tiền bạc, cho “luật vua phép nước” không là cái gì trong một thể chế luôn cho là “sống làm việc theo hiến pháp và pháp luật” v.v… Nhưng phải thấy là chưa bao giờ nhân cách con người qua sự thể hiện của các quan chức, người có chức quyền, những đại gia giàu có … gần như không có chút gì để nói.

Ngược lại, đây đó trong nhân dân, trong đám đông vô danh ấy có những việc nhỏ nhưng nói lên nhân cách vô cùng lớn, đáng làm bài học cho mọi người nhất là các loại quan chức trên. Tôi kể hầu chuyện các bạn chuyện đến thăm một nhân vật người Huế, nhà thơ Trần Vàng Sao, tức anh Nguyễn Đính quê thôn Vỹ Dạ .

Lần ra Huế mới đây (đầu tháng 8 này), một trong điểm đến là thăm anh Đính (Trần Vàng Sao). Ngày trước khi anh Thái Ngọc San còn sống, có ba địa chỉ mà mỗi lần ra Huế tôi đều ghé đến là anh Thái Ngọc San, Nguyễn Hữu Ngô và Trần Vàng Sao. Có khi chỉ cần về thôn Vỹ, đã có các văn nhân tài tử luôn tập hợp nhà anh Đính. Nào Bửu Chỉ, TNS, NHN, Ngô Minh, Võ Đại Ngẫu, Hà Thúc Quyết … nhiều nữa. Nhiều người đã ra đi, tan tác, vườn nhà anh Đính không còn đông đảo, tụ hội như lúc nào.

Đến thăm anh lần này có gần nữa năm chưa gặp, nhưng đã nghe, biết anh bắt đầu quên! Bệnh quên tuổi già làm con người như lão ngoan đồng, có lẽ chỉ thấy vui, bớt đi nỗi buồn nhưng bao giờ cũng khiến người thân đau xót vì dần dà quên đi cả mình, những tình thân. Vì thế, khi bước vào cổng nhà thấy anh ngồi đó ngay bậu cửa như mọi khi trầm ngâm ly trà tôi đã buộc miệng chào và hỏi nhớ ai không! Anh cười cười nói nhớ, nhớ rồi nhưng quên cái tên. Vợ anh ngồi trong nhà nói to Chú Trung Dân chứ ai mà quên. Anh cười khà khà và nói bồ tát cứu khổ cứu nạn, quên sao được chỉ là không nhớ cái tên!

Đi cùng tôi hôm ấy có Tuấn Luật sư, chuyên gia đồ cổ ở Đà Nẵng, lập tức mấy anh em cùng ngồi xuống bù khú mấy chai bia. Chuyện hàn huyên dẫn dài trí nhớ anh lại kể về người, về việc thật chính xác và như lão ngoan đồng anh nói chuyện vui, chuyện tốt về cái đã qua, về người quen biết, tịnh không nhắc nhở cái khó, cái khốn chịu đựng bấy lâu. Anh vui nên tôi bảo anh đừng uống rượu nữa . Rượu làm anh mau quên hơn nữa, hơn nữa cái loại rượu làng tự nấu càng độc hại mà nên uống ngày vài chai bia thôi. Anh cười bảo “Mệ cho tao mấy chai thì uống mấy ” (Anh gọi vợ là Mệ).

Tôi liền nói, vậy để em gởi tiền cho quán trước nhà để hàng ngày anh uống ba chai cho điều độ. Gởi vài tháng, và hết tiền thì quán nhắc em sẽ lại gởi cho anh uống cho vui. Nói vậy bởi tôi hiểu, tiền vô nhà khó như gió vào nhà trống. Một chút tiền có lúc nào đủ để khi cần uống chai bia là có cho anh! (nghĩ lại thấy đúng là cách suy nghĩ của kẻ thất phu, kiêu mạn, tôi xin lỗi anh và gia đình). Bất ngờ, vừa nghe tôi nói lập tức anh xua tay phản đối “Tội, tội tao mi nờ. Đừng làm rứa, đừng làm rứa nghe mi. Quán họ biết, họ cười tao mi nờ. Đến bia cũng chờ người lo cho mình uống. Tao uống thứ chi cho vui cũng được”.

Nghe anh nói bỗng muốn rơi nước mắt. Kẽ sĩ Vỹ Dạ kia cho dù đã quên, quên rất nhiều thứ nhưng đã không quên nhân cách của mình!

Chia tay anh, tôi buồn nẫu cả người vì biết lần sau, lần sau nữa có thể anh không còn nhớ những điều như hôm nay gặp nhau. Ai cũng biết thơ anh hay, và nhiều, nhưng năm lần mười lượt nói anh tập hợp để tôi in cho anh. Có thể bán được nhưng cái quan trọng là phải cho nó đời sống xã hội, mọi người phải được đọc được trân trọng nó! Anh cũng chỉ cười không làm. Lần in cho anh tập thơ: Gọi tìm xác đồng đội, là căn cứ trên bản viết tay của anh tặng tôi đã lâu. Bài này so với nhiều bài thơ của anh chỉ là đom đóm lập loè!

Với Anh Đính, Trần Vàng Sao, cuộc sống khó khăn (có thể là khốn khổ) mấy chục năm qua anh vẫn bình tĩnh sống, nuôi các con nên người mà không hệ luỵ vào bất kỳ ơn mưa móc nào của nhà nước, của đồng đội. Cái dũng cảm ấy, an hoà ấy phải chăng từ nhân cách của một kẻ sĩ. Vậy thì giàu nghèo có phải là thước đo cho nhân cách làm người đâu.

Bình Luận từ Facebook