Tin trong nước
Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên có bài: Trung Quốc tập trận rầm rộ ở Biển Đông. Vừa tập trận trước cửa nhà Việt Nam suốt 23 ngày, nhưng không nhận bất kỳ sự phản đối nào, nên Trung Quốc tiếp tục ùn ùn kéo tới tập trận tại sân nhà, thử xem chủ nhà có dám làm gì không. Cuộc tập trận đã diễn ra 4 ngày, nhưng vẫn chưa nghe chủ nhà lên tiếng phản đối.
Hôm 31/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng “quan ngại về việc Trung Quốc công bố tiến hành diễn tập quân sự trong khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ“. Không rõ bà Hằng “quan ngại” vụ gì, vì TQ diễn tập ở Vịnh Bắc Bộ đã xong (từ 1/8 đến 23/8), còn TQ đang tập trận hiện tại ở địa điểm thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có nơi cách bờ biển Đà Nẵng chỉ 75 hải lý, không phải Vịnh Bắc bộ.
Trang Sputnik có bài: Bắc Kinh trả lời khiếu nại của Việt Nam về tập trận hải quân theo kế hoạch ở Vịnh Bắc Bộ. Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ nói: “Theo như tôi biết, theo kế hoạch tập trận hàng năm, quân đội Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự thường xuyên trong vùng biển quy ước. Các cơ quan liên quan đã công bố cảnh báo trước phù hợp với thực tiễn hiện tại“.
VOA có bài: Chuyên gia: ‘TQ tập trận nhằm dọa dùng vũ lực với VN’. Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định: “Tôi cho rằng thông điệp của Trung Quốc muốn nhắc nhở Việt Nam rằng quốc gia có nhiều quyền lực và đang thống trị ở Biển Đông là Trung Quốc. Nếu Việt Nam không tuân phục Trung Quốc, hoặc nói như một số báo chí Trung Quốc, như là Hoàn cầu Thời báo, Việt Nam mà còn ‘cứng đầu’, thì Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh, mà trong đó kể cả sức mạnh quân sự”.
Trong buổi họp báo thường kỳ của TQ ngày 31/8, phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Hoa Xuân Oánh cho thấy: Trung Quốc can thiệp vào việc phân định biển giữa Việt Nam và Indonesea.
Báo Tuổi Trẻ có bài: Sách giáo khoa Trung Quốc: Biển Đông thuộc Trung Quốc! “Bất chấp những phản bác mạnh mẽ và liên tục của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn đưa thông tin sai quấy mô tả Biển Đông ‘là một phần lãnh thổ của Trung Quốc’.”
Mời đọc thêm: ASEAN, Trung Quốc bàn việc tiến tới Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (VOA). – Báo Úc : “Dư luận Việt Nam lo ngại Trung Quốc lấn lướt vì Mỹ lùi” (RFI).
Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của báo QĐND
Báo QĐND, có bài: Chủ động phòng ngừa tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan. Giặc đã vào tới cửa ngõ rồi, tập trận rầm rộ trước sân nhà, nhưng Quân đội Nhân dân không lo chống giặc, lại đi chống dân!
Phí tiền của dân để nuôi cái bọn báo đời này, suốt ngày hết “chống diễn biến hòa bình”, “thế lực thù địch”, cho tới chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… Chế độ này sắp sụp tới nơi rồi sao, lại cho mấy tay này ra múa vài đường bút, sặc mùi âm khí, chống lung tung, chẳng thấy chống nhân vật cụ thể nào, giống như chó sủa trăng.
“Đúng như đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương, thời gian qua, trong nội bộ ta, tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan bộc lộ khá rõ nét. Đây là một biểu hiện hết sức nguy hiểm, bởi lẽ điểm mới trong chiến thuật mà các thế lực thù địch sử dụng thời gian qua là tăng cường xây dựng, phát triển những phần tử phản động ở trong nước để chống phá cách mạng từ bên trong là chủ yếu...”
Dịp lễ 2-9: GS Tương Lai từ bỏ đảng
Tiếng Dân có bài của GS Tương Lai: Tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với đảng Nguyễn Phú Trọng. GS Tương Lai cho biết: “Tôi là Tương Lai, vào Đảng Lao Động Việt Nam ngày 6.1.1959, đảng do Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, sau này đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam, hôm nay 2.9.2017 tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với Đảng của Nguyễn Phú Trọng đang thao túng, để tiếp tục chiến đấu với tư cách một đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam như ngày tuyên thệ đứng vào hàng ngũ Đảng của Hồ Chí Minh“.
RFA có bài phỏng vấn: Đảng viên Cộng sản kỳ cựu tuyên bố từ bỏ đảng, đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh. GS Tương Lai cho biết, “tôi đưa ra tuyên bố này vào thời điểm này thì như tôi đã viết trong lời tuyên bố để nói rằng đây là một cái ý định nghiêm túc và nhất quán từ trước tới nay, chứ không phải là chịu tác động của một nhân tố mới ngẫu nhiên nào. Vì sao? Vì tôi khi tôi ở lại trong đảng mà tôi biết rằng Nguyễn Phú Trọng thao túng nhưng mà tôi vẫn cố gắng kiên trì ở lại để làm gì?”
Quốc khánh kém vui
BBC đưa tin: “Quốc khánh VN tại Đức năm nay kém vui”. Dẫn nguồn tin từ cộng đồng người Việt Nam tại Đức, cho biết: “Lễ kỷ niệm quốc khánh Việt Nam do Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin tổ chức năm nay kém tưng bừng so với các năm trước có lẽ do ‘căng thẳng ngoại giao sau vụ Trịnh Xuân Thanh’ và “không có người Đức nào có mặt tại lễ kỷ niệm quốc khánh Việt Nam, được tổ chức hôm 31/8/2017“.
Còn ở trong nước, Facebooker Paulus Lê Sơn có bài: Cảm nhận về ngày 2 tháng 9 năm nay. Tác giả cho biết, khác với mọi năm, đường phố năm nay không có nhiều cờ xí, băng rôn. “Chiều tối ngày 31/08 tại khu vực quận Gò Vấp, tôi để ý thấy nhiều con đường không bị nhuộm đỏ, nhìn vào các ngỏ hẻm cũng không thấy hoặc chỉ lác đác những đốm đỏ đã có từ trước”.
Cũng chuyện Quốc Khánh, nhà báo Bùi Tín có bài trên VOA: Về Bản Tuyên Ngôn Độc Lập 2/9/1945. Tác giả nêu vấn đề: “Trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập 2/9/1945 có viết: ‘Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp’. Và: ‘Nhân dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay, đánh đổ chế độ quân chủ lập nên chế độ cộng hòa’. Theo tôi đó là những điều không hoàn toàn thật, mà một nửa sự thật không phải là thật“.
Nhân quyền Việt Nam
Tiếng Dân có tin: Thêm một nhà hoạt động bị bắt. Ông Nguyễn Văn Túc, cựu tù nhân lương tâm, đã bị công an tỉnh Thái Bình bắt hôm qua 1/9, khi ông cùng với người em trai từ huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, trên đường về nhà. Ông Túc bị bắt và bị khởi tố theo điều 79, “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Trả lời phỏng vấn đài RFA, bà Bùi Thị Rề, vợ ông Túc, cho biết: “Khoảng 8 giờ 45 anh đi lên huyện, đang đi giữa đường thì nó vồ nó quắp lên xe đưa đi rồi, giờ không biết đưa đi đâu. Rồi là nó ập vào nhà tôi hàng mấy trăm người, có mỗi một mình tôi ở nhà thế là nó bắt tôi ngồi ở ghế, nó đọc lệnh khám nhà rồi nó đi khám xét hết nhà cửa từ sáng đến giờ, suốt một ngày nay”.
Ông Đinh La Thăng có bị giáng?
Truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin: Bắt tạm giam nguyên kế toán trưởng Tập đoàn dầu khí Việt Nam Ninh Văn Quỳnh, cùng một loạt lãnh đạo của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, liên quan đến vụ ‘đại án’ OceanBank.
Có 5 người liên quan đến vụ án Hà Văn Thắm bị khởi tố. Ngoài Nguyễn Xuân Sơn đã bị tạm giam, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an VN đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Ninh Văn Quỳnh, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm và Vũ Khánh Trường, tội “cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỉ đồng trong việc PVN góp vốn điều lệ vào OceanBank“. Nhà báo Huy Đức bình luận, “cảnh sát điều tra ‘đã vào tới cửa’ nhà anh Đinh La Thăng“.
Còn Tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN thì mong nhận ‘cảm thông’ khi một loạt sếp lớn bị bắt, mặc dù họ làm thất thoát 800 tỉ ở OceanBank.
Báo Nhà Quản Lý có bài: Ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm gì trong việc PVN mất 800 tỷ góp vốn vào Oceanbank? Bài báo cho biết: “Ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm trong việc ban hành Nghị quyết góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)”.
Báo Cali Today có bài: Ông Đinh La Thăng không được “nghỉ lễ 2/9”! “Một lần nữa, ông Đinh La Thăng không còn tâm trạng nào mà ‘nghỉ lễ’. Vụ Bộ Công an bắt hàng loạt quan chức của PVN vào ngày 1/9 đã như một bóng đen kề sát cửa nhà ông Thăng. Hiện thời, Đinh La Thăng vẫn còn giữ được chức ủy viên trung ương. Song vị thế này đang quá đỗi mỏng manh khi ông Thăng chỉ được đảm nhiệm chức vụ Phó ban Kinh tế trung ương…“.
Mời đọc thêm: Tổng giám đốc PVN lại viết tâm thư gửi toàn tập đoàn (VNN).
Hà Văn Thắm và Oceanbank
Báo VietNamNet có bài: Đại án Oceanbank: Nhiều đơn vị trả lại ‘lộc’ nhận từ Hà Văn Thắm. “Theo cáo trạng, trong thời gian từ 2011-2014, có 51.468 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tại Oceanbank và nhận các khoản tiền chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm”. Những khoản lãi này không thể hiện trong hợp đồng gửi tiết kiệm giữa khách hàng và Oceanbank. Nhưng đại diện các công ty đã phủ nhận việc nhận lãi ngoài dù các bị cáo khai, có chuyển tiền lãi ngoài cho các công ty đó.
Nguyên TGĐ Oceanbank khai đưa hết tiền cho Ninh Văn Quỳnh. “Nguyên TGĐ Oceanbank khai, sau khi nhận tiền từ Hà Văn Thắm, ông ta đưa hết cho ông Ninh Văn Quỳnh, nguyên kế toán trưởng PVN – người vừa bị khởi tố điều tra trong vụ Hà Văn Thắm giai đoạn 2“.
Mời đọc thêm: Hà Văn Thắm khai không được nhắc nhở về việc OceanBank chi lãi ngoài (TN). – Cựu TGĐ Oceanbank: ‘Mỗi lần chi cho Vietsovpetro 10.000-20.000 USD’ (Zing). – Đại án OceanBank: Hà Văn Thắm “đòi nợ” (Infonet). – “Cùng lắm chỉ mất 2 đến 3 nghìn tỷ thôi” (TP). – Phiên tòa chiều 1/9: Hà Văn Thắm đã từng mời được 2 đối tác mua lại phần vốn góp của PVN tại OceanBank — Phần góp vốn 6,65% của Công ty Đầu tư XD Sông Đà vào OceanBank là tiền của Hà Văn Thắm? (TTT/ CafeF). – Hà Văn Thắm: Nợ OceanBank không xấu như trong kết luận thanh tra (NLĐ). – HĐXX thẩm vấn PVN góp vốn 800 tỉ đồng vào Oceanbank bị thất thoát (DT).
Công cuộc nhóm lò của Tổng Trọng
VOV có bài: ‘Lò nóng lên rồi nhưng chúng ta có dám đốt đến củi tươi?’. Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước đặt câu hỏi: “Tổng Bí thư đã tuyên bố: ‘Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy…’. Nhưng chúng ta có dám đốt đến củi tươi không, có dám làm đến cùng không? Đảng phải hành động, các tổ chức Đảng phải hành động… Còn nếu cứ để một bộ máy có cán bộ hư hỏng, không vì nhân dân thì không thể đưa đất nước phát triển được“.
Tác giả Nguyễn Tiến Dân có bài: Những tử huyệt của ông Tổng Trọng. Ông Dân viết: “Về nguyên tắc, khi nhóm lò, người ta chỉ chọn củi khô, để thảy vào. Như thế, bếp mới mau bén và lửa mới đượm. Cái đó, giải thích cho việc người ta phải phơi củi, cho thật nỏ. Xin lỗi đ/c… mới nghĩ ra được cái chuyện: cho củi tươi vào lò. Lửa cháy lom dom, thì đã đành. Không những thế, bếp nhà ta, đầy khói”.
BBC có bài: Chủ nghĩa tư bản thân hữu ở Việt Nam. Ông Đỗ Mạnh Hồng, nhà nghiên cứu về kinh tế của trường ĐH Obirin, Tokyo, cho biết: “Bản chất của họ là tư bản thân hữu. Họ chỉ sử dụng quan hệ để mưu cầu đặc lợi. Họ thầu nhiều công trình bằng những thông tin độc quyền họ có được. Họ đấu thầu các dự án, khi đấu thầu được rồi thì họ bán cho các nhà thầu khác“.
Mời đọc thêm: Thêm củi tươi nữa ở Bộ Văn Thể Du (Huỳnh Ngọc Chênh).
Xã hội đen, đe dọa xã hội đỏ
Báo Pháp Luật TP có bài: Bắt thêm nghi can đe dọa chủ tịch Huỳnh Đức Thơ. Công an vừa bắt giữ thêm một nghi phạm trong vụ nhắn tin đe dọa ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhưng hiện danh tính người này vẫn chưa được tiết lộ.
Được biết, “nghi phạm này cũng có hành vi nhắn tin vào số máy của ông Huỳnh Đức Thơ với nội dung đe dọa sẽ gây ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của cá nhân ông Thơ“.
Còn đây là tin phóng viên báo Infonet bị đe dọa: Hội Nhà báo Đà Nẵng lên án hành động nguy hiểm đe dọa, uy hiếp PV Infonet. Nhà báo Đặng Thanh Hải (bút danh Hải Châu), hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, phóng viên thường trú báo Infonet tại Đà Nẵng, đêm 25/8 đã bị kẻ lạ ném rắn vào nhà và ngày 27/8 lại bị kẻ lạ gửi tin nhắn đe dọa.
Hội Nhà báo TP Đà Nẵng đã đã gửi công văn đến Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, Công an Đà Nẵng, Phòng An ninh văn hóa Đà Nẵng, đề nghị “điều tra làm rõ và có biện pháp thích hợp, nhằm bảo vệ sự an toàn và quyền hoạt động báo chí hợp pháp của hội viên Hội Nhà báo Việt Nam Đặng Thanh Hải“.
Vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình
BBC có bài: Vụ Trịnh Vĩnh Bình ‘là một bài học cho chính phủ VN’. Ông Phan Thế Hải cho rằng, qua vụ kiện này, người nước ngoài sẽ hiểu Việt Nam hơn, “một quốc gia với một nền pháp quyền vị thành niên. Luật lệ nhiều nhưng hiểu biết về luật lệ rất hạn chế“.
Theo tác giả, Chính phủ Việt Nam có ba bài học sau: Thứ nhất là phải thực thi “nhà nước pháp quyền“, thứ hai là cần “minh bạch thông tin“, thứ ba là cần “sự chân thành trong hợp tác“.
Báo VnExpress có bài: Vì sao ông Trịnh Vĩnh Bình kiện Chính phủ đòi 1,25 tỷ USD? Bài báo dẫn bản án của cơ quan điều tra VN cho rằng, “hành vi mua bán đất đai trái phép của ông Bình không được coi là đầu tư. Hành vi này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tích tụ, đầu cơ số lượng đất rất lớn tại các vùng sung yếu… gây ảnh hưởng xấu đến quản lý đất đai ở địa phương; gây thất thoát thuế của nhà nước lên đến 12 tỷ đồng“.
Bài báo cho biết, lý do chính quyền VN bị kiện như sau: “Đến năm 2006, ông Bình được Chính phủ miễn chấp hành hình phạt tù trước đó, cho về Việt Nam và xem xét giải quyết trả một số tài sản hợp pháp. Tuy nhiên, do sai phạm của một số cá nhân tại cơ quan thi hành án ảnh hưởng đến tài sản của ông Bình nên việc này chưa được thực hiện“.
Bài báo không hề nêu chi tiết số tiền 15 triệu đôla mà Chính phủ Việt Nam đã phải trả cho ông Bình, hay việc chính phủ VN đã không hoàn trả bất cứ tài sản nào cho ông, dẫn đến vụ kiện lần 2 này.
Mời đọc thêm: Vụ kiện tỷ đô: Hy vọng mong manh của Chính phủ Việt Nam. (FB Phạm Lê Vương Các). – Giáo sư luật Harvard: ‘Chưa thể nói Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện’ (RFA).
Bê bối thuốc điều trị ung thư giả
Báo Soha có bài: Kịch bản đáng sợ: Thuốc ung thư “Em H-Capita”, “Anh H-Capita” lên Alibaba.com là có, 22.000 đồng! Tác giả bài báo, TS Nguyễn Khánh Hòa, cho biết: “Gọi là thuốc mà không đạt đủ tiêu chuẩn của thuốc thì phải nói đó không phải là thuốc. Không phải là thuốc mà gọi là thuốc thì chỉ là thuốc giả!”
Bài trên báo Người Lao Động: H-Capita của VN Pharma là thuốc giả! “Với các định nghĩa về thuốc giả, thuốc kém chất lượng của Tổ chức Y tế thế giới và Luật Dược hiện hành thì thuốc H-Capita mà VN Pharma nhập về là giả chứ không phải kém chất lượng như Bộ Y tế đã nói“.
Báo Pháp luật TP đưa tin: ‘Em chồng tham gia VN Pharma là quyền cá nhân’. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lần này khẳng định: “không hề can thiệp hay biết gì về công việc kinh doanh cá nhân em chồng” và “không có động cơ, không liên quan gì cả”.
Bà Tiến nói, bà “không liên quan” tới công việc của ông Hoàng Quốc Dũng, em chồng bà, hay là bà không liên quan họ hàng với ông ấy? Nếu ông Hoàng Quốc Dũng không làm trong VN Pharma, liệu công ty này có liên tục trúng thầu hàng trăm mặt hàng, trị giá hàng trăm tỷ?
Có lẽ rút kinh nghiệm vụ ông Phạm Trọng Đạt hứa lèo, nên Tổng Thanh tra sẽ chỉ đạo thanh tra làm rõ vấn đề của Bộ Y tế. Ông này là cục trưởng Cục chống tham nhũng mà trả lời “lằng nhằng dây điện”, không chịu trả lời thẳng vào câu hỏi ‘theo Luật phòng chống tham nhũng thì em chồng có được coi là người thân của lãnh đạo hay không?’ Ông Đạt trả lời: “Việc này, phải có thanh tra, kiểm tra thì mới biết được chứ không nên vội vàng kết luận gì cả“.
Mời đọc thêm: 7 loại kháng sinh ‘ma’ VN Pharma nhập có lưu hành trên thị trường? (Zing). – VN Pharma nhập H-Capita không phải thuốc giả: Hỏi ngược Thứ trưởng (ĐV). – Vụ án VN Pharma: Em chồng mà nói không giúp cũng khó! (NLĐ). – Từ vụ VN Pharma: Những việc người nhà lãnh đạo không được làm (VTC). – TAND tối cao nghe báo cáo vụ VN Pharma (TT). – Vụ VN Pharma: Đồng phạm kháng cáo, nộp lại 1,2 tỷ đồng tiền bất chính (KT). – Chưa phơi bày hết sự thật vụ VN Pharma (TT). – Sau vụ Vn Pharma: Hà Nội kiểm tra công tác đầu thầu, mua sắm thuốc (Infonet).
Con quan rồi lại làm quan
Báo Lao Động có bài: Chẳng lẽ con quan chức thì không được bổ nhiệm? Bài báo nói về ông Hoàng Minh Tuấn, con ông Hoàng Minh Quân, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Vĩnh Phúc, bị tố cáo đã được cha quy hoạch cho con trai làm Phó Giám đốc Sở GDĐT.
Bài báo viết: “Có lẽ, nếu ông Hoàng Minh Tuấn không phải là con trai của ông giám đốc sở thì không những không bị tố cáo mà còn được khen là học giỏi, dạy giỏi, phấn đấu tốt, được lãnh đạo tạo cơ hội để phát triển là hoàn toàn xứng đáng“.
Nếu không có cha là Giám đốc Sở GDĐT của tỉnh, cho dù ông Tuấn có học giỏi thế nào đi nữa, chưa chắc đã bò lên được cái ghế trưởng phòng giáo dục của một huyện, còn cái ghế Phó Giám đốc Sở GDĐT có lẽ chỉ thấy trong mơ!
Tăng thuế VAT – Vì Ai Thế?
Báo Pháp luật TP có bài: Thuế VAT tăng: Người nghèo sẽ lãnh đủ! Quá bực bội trước những lời “lộng ngôn” của quan chức Bộ Tài chính, bạn đọc Huỳnh Văn Xuyên viết: “Là một người dân được học hành rất ít, tôi còn biết khi tăng thuế sẽ kéo theo tất cả sản phẩm bị ảnh hưởng,… Ví dụ thuế xăng lên thì hủ tiếu, bánh canh, phở… cũng bị tăng giá. Bởi xăng lên thì giá vận chuyển lên kéo theo giá hủ tiếu, bánh canh lên”.
Ông Vũ Vinh Phú, cựu Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho biết: “Các nhà làm chính sách đừng ngồi máy lạnh mà hãy ra chợ để xem một bó rau, miếng thịt chịu bao nhiêu loại thuế, phí. Thuế VAT là thuế gián thu, người gánh cuối cùng chính là người tiêu dùng. VAT đánh vào mọi thành phần, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, miễn là họ tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ“.
Mời đọc thêm: Giữ thuế VAT thấp chỉ có lợi cho người giàu? (DT). – Tăng thuế VAT: “Ông làm tài chính mà nói vậy nghe buồn cười quá” (DV). – Tăng thuế VAT, người đã nghèo lại càng thêm khó (TT).
Bất cập các dự án BOT
Báo Pháp luật TP có bài: Bộ GTVT đang tích cực điều chỉnh những bất cập BOT. Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, “khi chưa hoàn chỉnh các cơ chế về loại hình này, Bộ GTVT không triển khai các dự án mới mặc dù các địa phương đề nghị rất nhiều”.
Quá nhiều bất cập trong các dự án BOT, như việc công khai Dự án, tiến trình lựa chọn nhà thầu, tham khảo ý kiến dân cư mà dự án đi qua, lộ trình thu phí,… nhưng trong bài không thấy ông Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nêu lên, chỉ nghe ông nói chung chung:
“Bắt đầu vào mùa cao điểm giao thông, các cơ quan chức năng phải tập trung cao độ, đảm bảo chất lượng phương tiện, dịch vụ, xem xét lại giá cước vận tải… Khắc phục những khâu yếu, tiếp tục kiềm chế và kéo giảm các chỉ tiêu về đảm bảo trật tự an toàn giao thông”. Làm Bộ trưởng như ông, sướng thế?
VOV có bài: Bộ Giao thông vận tải đã ‘phù phép’ các dự án BOT như thế nào? Bài báo nêu rõ: “Sự bất hợp lý của hàng loạt dự án BOT trách nhiệm đầu tiên là Bộ GTVT khi cố biến các dự án BOT không khả thi thành khả thi để thực hiện“.
Báo Thanh Niên có bài: Chưa thu phí đã bị phản đối. Lý do là “trên địa bàn H. Phú Lương hiện có 2 trạm thu phí cách nhau khoảng 1 km. Một trạm đặt trên đường cao tốc Thái Nguyên – Chợ Mới, trạm còn lại đặt trên QL3 cũ. Cả 2 trạm này đều phục vụ thu phí cho dự án đường cao tốc Thái Nguyên – Chợ Mới“.
Báo Lao Động có bài: Cao tốc BOT nghìn tỉ Thái Nguyên – Chợ Mới tiếp tục sạt lở nghiêm trọng. Bài báo cho biết: chiều 31/8 trên cao tốc Thái Nguyên, Chợ Mới đoạn qua địa phận xã Yên Đĩnh, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Cạn đã xảy ra sự cố sạt lở đất: “Hàng trăm khối đất đá đã sạt xuống lấp kín hết mặt đường kiến giao thông qua đây tê liệt. Rất may không có thiệt hại về người“.
Mời đọc thêm: Trạm BOT kiểu ‘bao vây’: Chỉ giảm giá vé, cương quyết không dời (MTG). – Ô tô diễu hành phản đối trạm BOT Bờ Đậu (TP). – Đất đá sạt lở phủ kín mặt đường BOT nghìn tỷ (VNE).
Thảm họa Formosa
VOV có bài: Thừa Thiên-Huế cơ bản hoàn tất chi trả tiền đền bù sự cố môi trường biển. Bài báo cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, môi trường biển tại tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ổn định; Các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và du lịch biển phát triển tốt“.
Cũng theo VOV, tính đến ngày 31/8, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã “cơ bản hoàn thành việc chi trả hơn 1.010 tỷ đồng tiền bồi thường sự cố môi trường biển, đạt 99,6%. Hiện còn khoảng 1,3 tỷ đồng chưa chi trả được bởi người dân thuộc diện được đền bù đang đi làm ăn xa, chưa đến nhận tiền“.
Facebooker Lê Văn Sơn đưa tin: Giáo dân Phú Yên, Nghệ An xuống đường với thông điệp, “sát hại môi trường là dọn đường cái chết“: “Giáo dân Phú Yên, Nghệ An kêu gọi lương giáo đoàn kết để bảo vệ môi trường và chống lại Formosa đang tàn phá môi trường biển tại Việt Nam“.
Tin quốc tế
Khủng hoảng Bắc Hàn
VOA có bài: Việt Nam lại lên án Triều Tiên bắn tên lửa. Người phát ngôn BNG Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, nói: “Việt Nam kêu gọi các bên tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và có những hành động mang tính xây dựng, thiết thực, đóng góp cho việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và trên thế giới“.
Mời đọc thêm: Lệnh cấm dân Mỹ đi Bắc Hàn bắt đầu có hiệu lực (BBC). – Mỹ-Hàn: Cần tăng sức ép buộc Bình Nhưỡng trở lại đàm phán (VOA). – Paris cảnh báo khả năng tên lửa Bình Nhưỡng (RFI). – Ứng viên Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc chống ‘chính sách Ánh Dương’ đối với Bắc Hàn (VOA).
Cũng tin Bắc Hàn, báo Dân Trí có bài: Triều Tiên tuyên tử hình vắng mặt 4 nhà báo Hàn Quốc. “Bình Nhưỡng ngày 31/8 tuyên án tử hình đối với 2 nhà báo và 2 lãnh đạo của tờ báo Hàn Quốc với tội danh xúc phạm chế độ Triều Tiên với việc phỏng vấn một tác giả người Anh viết cuốn sách nói về cuộc sống ở Bình Nhưỡng“.
Căng thẳng Nga – Mỹ và chuyện của Trump
Tân đại sứ Nga vừa mới nhậm chức ở Mỹ hôm 31/8, đã nhận một “món quà” này: Mỹ đóng cửa cơ quan lãnh sự Nga tại San Francisco, RFI đưa tin. “Hoa Kỳ xem xét một cách nghiêm túc các cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái. Cho dù tổng thống Trump muốn làm dịu tình hình, Quốc Hội và chính quyền Mỹ vẫn muốn bắt Nga phải trả giá”.
Về việc Mỹ yêu cầu Nga đóng cửa LSQ ở San Francisco và các cơ sở ngoại giao ở Washington và New York, VOA đưa tin: Nga thề ‘phản ứng mạnh’ với biện pháp trừng phạt của Mỹ. Ngoại trưởng Nga, ông Sergei Lavrov nói, Moscow sẽ phản ứng mạnh đối với các biện pháp trừng phạt của Mỹ áp đặt lên Nga.
Người Việt có bài: Thăm dò cử tri Mỹ: Tổng Thống Trump ‘làm đất nước tan hoang’. Đáng chú ý là, kết quả thăm dò này của đài truyền hình Fox News, đài nhà của Trump, cho thấy đa số cử tri Mỹ cho rằng Tổng Thống Trump đang làm cho đất nước tan hoang. “Số cử tri hài lòng với mọi sự ở trong nước giảm 10% tính từ hồi Tháng Tư và đứng yên ở tỉ lệ chỉ 35%, chưa từng thấp như vậy kể từ năm 2013. Ðồng thời sự bất mãn vọt lên đến 64%, tức tăng 11%“.
Thêm tin quốc tế: Lãnh đạo đối lập Nga tiết lộ biệt thự sang trọng của Putin (NV). – Anh Quốc từ chối thanh toán mức « phí li dị » mà châu Âu đề xuất (RFI). – Nhật muốn tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục (RFA).