Những chuyện kinh hãi về vụ Năm Cam (phần 1)

FB Hoàng Hải Vân

31-8-2017

Hình ảnh Năm Cam tươi cười tại một phiên tòa. Nguồn: Wiki

Tôi là người viết những bài báo đầu tiên vạch trần việc bảo kê cho Năm Cam của cả 3 cán bộ cấp cao: Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam Trần Mai Hạnh, Trung tướng Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Quốc Huy và Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Phạm Sỹ Chiến. Trong đó, ông Trần Mai Hạnh và Bùi Quốc Huy là ủy viên Trung ương Đảng.

Giờ nghĩ lại vẫn thấy kinh hãi, nếu như ba ông đó không mất chức thì chắc chắn tôi dù có chạy lên núi cũng không tìm được đất sống. Tổng Biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế nói với tôi trước khi cho đăng những bài đó, rằng anh chấp nhận “về vườn”, nhưng tôi chắc anh dù có “về vườn” cũng khó mà sống sót.

Tôi nói khó sống sót là nói theo nghĩa đen. Bởi vì nếu cuộc họp Ban chấp hành Trung ương Đảng diễn ra sau khi có bài báo về ông Bùi Quốc Huy mà không bỏ phiếu kỷ luật được ông thì toàn bộ hồ sơ về ông sẽ bị xếp xó, và ông có khả năng sau đó trở thành Bộ trưởng Công An. Và cuộc họp đó đã bỏ phiếu kỷ luật ông với tỷ lệ 60%, nghĩa là chỉ cần có thêm hơn 10% số ủy viên Trung ương một chút không tán thành kỷ luật thì không những chúng tôi chết chắc mà vụ án Năm Cam sẽ chẳng bao giờ được đem ra xét xử. Chúng tôi chết chỉ là chuyện nhỏ, tội phạm tiếp tục hoành hành mới là chuyện lớn.

Có người nói tướng Nguyễn Việt Thành đã “dùng báo chí để làm án”, nói như vậy là không biết gì về sự thật. Chẳng một ai trong Ban chuyên án vụ Năm Cam xúi chúng tôi làm việc đó cả. Vả lại Ban chuyên án lúc đó rất yếu thế tại Bộ Công an, họ không có nhiều điều kiện để tiếp cận hồ sơ liên quan đến đường dây bảo kê tội phạm. Ông Nguyễn Việt Thành sau khi bắt Năm Cam đã bị ông Bùi Quốc Huy gọi điện chửi đến nóng máy điện thoại, ông dẫu có gan bằng trời cũng không dám xúi người khác động đến ông Bùi Quốc Huy. Anh Nguyễn Công Khế phải dắt ông Nguyễn Việt Thành đến gặp ông Sáu Dân để được trấn an. Cho nên tự chúng tôi có những điều tra theo các nguồn tin riêng không liên quan gì đến Ban chuyên án.

Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, người trực tiếp bắt Năm Cam lần thứ nhất năm 1995, đã không được phân công tham gia Ban Chuyên án lần này. Ông Ngọc chẳng bức xúc gì việc ông không tham gia Ban chuyên án. Điều ông bức xúc từ lâu là người ta đã thả Năm Cam ra và chính một vài lãnh đạo Bộ Công an (như ông Bùi Quốc Huy) cùng một bộ phận cảnh sát cơ quan công an TP.HCM đã bảo kê cho những hoạt động phi pháp tày đình của Năm Cam. Biết ông Ngọc nắm được nhiều thông tin, chúng tôi có hỏi ông chuyện này chuyện kia nhưng nhất định ông không cung cấp bất cứ một tin tức gì. Ông là một cán bộ điều tra hình sự rất có nguyên tắc. Ông chỉ nói me mé con đường đi tìm tài liệu, tìm không được hỏi lại cho rõ đường thì ông im. Cuối cùng thì tự chúng tôi cũng tìm được toàn bộ những tài liệu liên quan đến ông Trần Mai Hạnh và Phạm Sỹ Chiến. Hỏi ông những tài liệu đó đủ chưa thì ông không trả lời. Chúng tôi phải kiểm chứng nhiều nguồn khác nhau và thu thập hết những tài liệu có liên quan. Khi thấy đủ cơ sở, Tổng Biên tập phân công tôi viết bài.

Lẽ ra bài tôi viết về ông Trần Mai Hạnh được đăng trước cái ngày đăng chính thức là ngày 2-5-2002 một tuần lễ. Nhưng khi bài báo đã lên khuôn thì ông Hồng Vinh, lúc đó là Phó Trưởng ban Tư tưởng văn hóa trung ương (nay là Ban Tuyên giáo) gọi điện cho Ban Biên tập ra lệnh cấm đăng. Như vậy là việc đăng bài về ông Trần Mai Hạnh đã bị lộ. Sở dĩ bị lộ là do ở Hà Nội anh Nguyễn Việt Chiến quá hăng hái với vụ việc, đã đi gặp người này người kia để phỏng vấn, nên sự việc đến tai ông Hồng Vinh.

Là tờ báo gần như đơn độc (có thêm báo Tiền phong tiếp sức) vạch mặt tội ác của Năm Cam trước khi Năm Cam bị bắt lần thứ nhất, nên Thanh Niên hiểu hơn ai hết, rằng nếu không triệt phá được đường dây bảo kê cho Năm Cam thì trước sau gì Năm Cam cũng được thả ra. Lần thứ nhất thả ra, tập đoàn tội phạm này phát triển với quy mô lớn hơn, tàn bạo hơn. Nếu thả ra một lần nữa thì tác hại sẽ khôn lường. Cho nên phải vạch mặt cho được những kẻ bảo kê, trước tiên là ông Trần Mai Hạnh.

Tôi còn nhớ, ngày 30-4 tôi xuống vườn nhà anh Khế ở quận 9. Tôi phân tích với anh, rằng chúng ta chưa đăng thì họ cấm, nhưng nếu chúng ta cứ đăng thì tôi chắc họ chẳng thể làm gì được chúng ta, vì làm khó chúng ta họ sẽ mang tiếng là bảo kê cho Năm Cam. Tôi nói vậy vì tôi biết anh Khế cũng đang tính toán. Anh bảo tôi, mai ngày lễ (1-5) rồi, để tối mai tính.

Tối ngày 1-5, tôi chuẩn bị trang báo đã dàn sẵn đợi anh đến. Anh đến tòa soạn cầm trang báo đọc kỹ, đi tới đi lui, đọc thêm một lần nữa, rồi đi tới đi lui. Cuối cùng, anh cầm máy điện thoại giơ lên, đưa trang báo cho tôi, nói : “ĐM, đăng !”, vừa nói vừa tắt máy điện thoại, đút túi quần lên xe đi thẳng về nhà. Đó là hình ảnh hào sảng oai phong nhất của một Tổng Biên tập mà tôi không bao giờ quên được.

Sáng hôm phát hành báo, tất cả điện thoại đều nghẽn vì bạn đọc gọi tới tấp đến hoan nghênh. Nhưng ở Hà Nội thì im phăng phắc. Im phăng phắc trong nhiều ngày liền. Để tự vệ, tôi đến phỏng vấn ông Sáu Dân. Ông hoan nghênh báo Thanh Niên và nói báo Thanh Niên đã “phá một cái lệ”, là lần đầu tiên phanh phui chuyện tiêu cực của một Ủy viên Trung ương Đảng trên mặt báo. Nhiều ngày sau, anh Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin mới gọi điện cho anh Khế cười đùa vui vẻ. Tôi nghe nói lại rằng ông Nông Đức Mạnh Tổng Bí thư lúc đó có nói, đó là “quyền của báo chí”. Nghe như vậy mới thấy nhẹ nhõm. Mãi tới 1 tuần sau thì các báo khác mới dám đăng về chuyện của ông Trần Mai Hạnh, sau khi không thấy Thanh niên bị làm sao. Đây mới là bài báo mở đầu.

(còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook