VN Pharma và Bộ Y tế

FB Bạch Hoàn

27-8-2017

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Nguồn: internet

Dư luận đang phản ứng dữ dội trước việc toà án nhân dân TP.HCM chỉ tuyên án 12 năm tù giam cho Nguyễn Minh Hùng, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần VN Pharma vì hành vi buôn lậu và làm giả giấy tờ, con dấu. Bởi, những việc làm của Nguyễn Minh Hùng và đồng bọn, trên thực tế đã có đủ dấu hiệu cấu thành tội buôn bán thuốc giả.

Tôi sẽ đi vào chi tiết về vấn đề này ở bài viết sau. Trong bài này, điều tôi quan tâm là tại sao VN Pharma có thể lộng hành, vượt qua hàng loạt khâu kiểm soát, để thực hiện hành vi mà nhiều người đang cho rằng đó là một tội ác không thể dung tha?

Cần thiết phải nhắc lại hành vi của VN Pharma để các anh chị thấy rằng, chúng đã làm những việc có thể coi là tột cùng của sự khốn nạn. Đó là làm giả giấy tờ, con dấu, hồ sơ kĩ thuật để xin nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H – Capita 500mg tablet giả và thực tế VN Pharma đã nhập 9.300 hộp. Đây là thuốc chữa ung thư.

Chúng định ăn trên thân xác những người bệnh khốn cùng bằng việc cấu kết với nhau nâng khống giá thuốc từ 18 USD/hộp lên 75 USD/hộp, để lấy tiền chi hoa hồng cho các bác sĩ nhằm mục đích kê đơn cho người bệnh. Thực tế sau khi giảm giá còn 61,5 USD/hộp, thì chúng cũng định ăn trên những đau đớn của thân thể người bệnh ung thư tới gần 1 triệu đồng mỗi hộp thuốc.

Bộ Y tế không thể vô can khi để xảy ra tình trạng có một bộ phận doanh nghiệp dược cầm tay bác sĩ kê đơn. Mà ở đó, bàn tay của doanh nghiệp dược được lót bằng những đồng tiền hoa hồng từ hành vi móc túi người bệnh, từ việc ăn cướp cả xương máu của nhân dân. Bộ Y tế không thể vô can khi vẫn để xảy ra tình trạng có những đơn thuốc (dù không phải tất cả) cho người bệnh khốn cùng không được kê bằng chuyên môn nghiệp vụ, bằng đạo đức của người thầy thuốc, bằng lương tri của một con người.

Bộ Y tế càng không thể vô can khi đã để cho những hành vi táng tận lương tâm của VN Pharma được hiện thực hoá bằng việc đưa 9.300 hộp thuốc chữa ung thư giả lọt cửa kiểm soát.

Có thể thấy sự vô lý đến kinh hoàng qua việc kiểm soát của Cục quản lý dược như sau:

Thứ nhất, Công ty Austin Hong Kong là đơn vị đứng tên cung cấp thuốc cho VN Pharma. Tại Việt Nam, Công ty Austin Hong Kong đã hết hạn giấy phép hoạt động về thuốc từ ngày 6-10-2013. Tuy nhiên, đơn hàng nhập khẩu của VN Pharma từ nguồn thuốc do Công ty Austin Hong Kong cung ứng lại vào ngày 16-10-2013. Vậy nhưng, Cục quản lý dược vẫn chấp thuận ký giấy phép nhập khẩu cho VN Pharma.

Thật kỳ lạ, giấy phép hoạt động về thuốc tại VN của Công ty Austin Hong Kong có trong tay Bộ Y tế, đã hết hạn rồi mà sao họ vẫn cho nhập khẩu? Lẽ nào họ không biết đọc?

Thứ hai, thuốc chữa bệnh là một mặt hàng đòi hỏi những thủ tục ngặt nghèo trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Thế nhưng, hồ sơ về sản phẩm H – Capita 500mg Tablet lại có quá nhiều điểm vô lý, bất thường mà vẫn được Cục quản lý dược duyệt nhanh gọn lẹ.

Có thể kể đến một số dẫn chứng sau:

Tên thuốc trên Giấy chứng nhận bán hàng tự do và trên tờ hướng dẫn sử dụng thuốc không giống nhau.

Thành phần tá dược trên tờ hướng dẫn sử dụng thuốc có Silica Colloidal anhydrous, Macrogol 400, Oxyd sắt vàng. Thế nhưng trên Giấy chứng nhận bán hàng tự do lại không có các thành phần tá dược này.

Thuốc H – Capita 500mg Tablet sử dụng hoạt chất Capecitabine. Điều bất thường là công thức của Capecitabine trong tài liệu về tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm lại không thống nhất, đoạn thì ghi công thức hoá học kiểu này, đoạn ghi kiểu khác.

Hạn sử dụng của thuốc ghi trên tài liệu tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm là 36 tháng, nhưng trên hướng dẫn sử dụng là 24 tháng.

Nhiệt độ bảo quản trên trên tài liệu tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm là dưới 30 độ C, nhưng trên tờ hướng dẫn sử dụng lại là không quá 25 độ C.

Rất nhiều biểu hiện bất nhất, bất thường trong hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu H – Capita của VN Pharma, nhưng bất chấp hết, Cục quản lý dược vẫn ký giấy phép số 22113/QLD-KD ngày 30-12-2013, cho VN Pharma nhập khẩu 200.000 hộp. Đến ngày 11-4-2014, VN Pharma sử dụng tờ giấy thông hành ấy để nhập khẩu lô đầu tiên, gồm 9.300 hộp.

Vậy, Cục Quản lý dược có vô can không? Họ có làm hết trách nhiệm chưa? Có cần thiết phải xem xét hành vi quản lý thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hay không?

Đừng lấy việc Cục quản lý dược đã tích cực phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ vụ việc để bao biện cho những sai phạm của cơ quan này. Bởi, trách nhiệm của người quản lý ngành trong trường hợp này là gác cửa để không cho hàng giả, hàng kém chất lượng được lộng hành. Thế nhưng, họ đã để con khủng long chui lọt lỗ kim. Việc họ phối hợp với cơ quan điều tra chỉ là để khắc phục những sai phạm trước đây. Nếu họ không làm thế thì chỗ ngồi của họ bây giờ có còn không? Các anh chị có thể hiểu nôm na rằng, ăn cắp rồi trả lại đồ để khắc phục hậu quả ăn cắp thì thực chất vẫn là ăn cắp.

Tôi không tranh luận vấn đề đó, chỉ thắc mắc là, tại sao với những sai phạm như vậy, các cán bộ quản lý, lãnh đạo ngành dược không những không bị xử lý, mà còn được thăng tiến lên những vị trí cao hơn?

Là người trực tiếp đánh giá hồ sơ và đề nghị cấp phép cho nhập khẩu H – Capita, nhưng ông Nguyễn Tất Đạt, trưởng Phòng quản lý kinh doanh dược lại leo lên chức Phó cục trưởng Cục quản lý dược.

Ký cấp phép cho nhập khẩu H – Capita, thế mà ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược lại được bổ nhiệm lên chức Thứ trưởng Bộ Y tế.

Là người phụ trách lĩnh vực dược và mỹ phẩm, có em chồng làm lãnh đạo VN Pharma (theo Báo Tuổi trẻ), nhưng bà Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn được tái bổ nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ Y tế thêm một nhiệm kỳ nữa, dù bà này đã rớt uỷ viên Trung ương.

Những chuyện như thế này chẳng khác truyện hài. Chỉ có điều, truyện hài mang đến tiếng cười sảng khoái, thì những câu chuyện ở ngành y tế mang đến tiếng cười đau thấu tận tâm can.

Một nhiệm kỳ lãnh đạo của những cá nhân trên có thể là 5 năm, tái bộ nhiệm thì được thêm 5 năm nữa. 5 năm, với những người càng khao khát được ngồi lâu thì sẽ càng qua nhanh. Nhưng 5 năm với người nào đó không may bị bệnh hiểm nghèo thì có khi là cả cuộc đời. Còn với người dân thì có thể sẽ là một cơn ác mộng kinh hoàng.

(Còn tiếp).

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Hảy […] chúng nó lên, không khoan nhượng.
    Đm mày, Nguyễn thị Kim Tiến, quân giết người

  2. Theo tôi chị Tiến nên nghiêm túc kiểm điểm bản thân, tự xem xét mình đã làm tròn phận sự của một người đứng đầu ngành y tế chưa? Làm thế nào để mỗi cán bộ, nhân viên y tế xứng đáng là ” lương y kiêm từ mẫu”. Không để có tình trạng có thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc quá đát…Phấn đấu để cho lương cán bộ, nhân viên y tế nâng lên, có tiền thâm niên như ngành Giáo dục & Đào tạo… Cần quan tâm nhiều hơn cho y tế dự phòng, vì phòng bệnh hơn chữa bệnh, không để các vụ dịch bệnh lớn và vừa xảy ra. Căn cứ mô hình bệnh tật ở nước ta để giảm các bệnh viện nhưng lại nâng cao chất lượng điều trị, đặc biệt là các chuyên khoa, các mũi nhọn trong ngành y tế. Tăng cường kinh phí và nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho các trạm y tế tuyến xã và chất lượng điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện để giảm bớt số lượng bệnh nhân đi lên điều trị tuyến trên không cần thiết.
    Chị Tiến nên quan tâm xem xét chức năng, nhiệm vụ các Phòng y tế tuyến huyện. Đã tồn tại Phòng y tế thì không thể tồn tại Trung tâm y tế, vì đây là cơ quan, đơn vị Quản lý nhà nước về y tế, đừng để nó thừa mà lại thiếu, nó ở trong ngành y tế mà như không phải ở trong ngành y tế. Phòng y tế không được Sở y tế quan tâm vì nghĩ rằng nó thuộc UBND tuyến huyện quản lý. Nó không được UBND huyện(thị xã) quan tâm vì nghĩ rằng nó thuộc ngành Y tế quản lý. Đúng nó là cục thịt thừa, là khối u cần cắt bỏ hay để nó tồn tại? Đề nghị Tiến sĩ, Bác sĩ Tiến chẩn đoán và cho y lệnh chính xác, không nên để các cán bộ, nhân viên các Phòng y tế sống không phải sống, mà chết không phải chết, quả là bị bệnh ung thư lại được điều trị bằng thuốc giả, ôi nan y…
    Ý kiến hôm nay của tôi không phải chỉ góp ý cho chị Tiến mà là cho các Bộ trưởng Y tế của tương lai. Xin tạm biệt!

Comments are closed.