Trương Nhân Tuấn
12-8-2017
Báo chí trong nước đăng tin Quốc hội đang bàn về Luật bảo vệ bí mật nhà nước. Theo các bản tin thì từ năm 2001 đến nay đã có tới trên 800 tin tức thuộc loại “bí mật nhà nước” đã bị tiết lộ, trong đó có nhiều tin “tuyệt mật, tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo.”
Thế nào là “bí mật nhà nước”? CSVN sử dụng từ “nhà nước” để chỉ cho “quốc gia”. Vấn đề là từ “nhà nước” hay “nhặp nhằng” với “chính phủ”. Trong khi “quốc gia”, theo định nghĩa của quốc tế công pháp, “quốc gia” bao gồm ba thành tố “dân chúng, lãnh thổ và một chính phủ”.
Vì vậy để phân biệt, tôi sử dụng từ “bí mật quốc gia” thế cho “bí mật nhà nước”.
Những gì gọi là “bí mật quốc gia” là những tin tức khi bị tiết lộ, quyền lợi của quốc gia, dân tộc có thể bị thiệt hại. Nhưng bộ luật đề cập đến “đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của đảng và nhà nước”. Rõ ràng có sự nhặp nhằng rất lớn giữa “bí mật quốc gia” và “bí mật của đảng”.
Bí mật của “nhà nước” (quốc gia) liên quan đến quyền lợi của “quốc gia”, bao gồm đất nước và dân tộc.
Những gì gọi là “bí mật của đảng” thì chỉ liên quan đến (quyền lợi) của đảng, của các lãnh tụ, đảng viên của đảng mà thôi.
Đã đành hiến pháp qui định “đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Nhưng không vì vậy bí mật của đảng lại tương đồng với bí mật quốc gia. Bởi vì lợi ích của đảng, của đảng viên… đôi khi đối nghịch với quyền lợi của đất nước, của dân tộc.
Một thí dụ. Trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng.
Ông Trọng là “tổng bí thư” của đảng CSVN, tức là “người của đảng”. HP qui định “đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội” hoàn toàn không có nghĩa là ông Trọng “lãnh đạo nhà nước và xã hội”.
Tuyên bố chung hai nước VN-TQ năm 2017 do ông Trọng ký có đoạn ghi :
“Hai bên cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có truyền thống hữu nghị lâu đời,… có chế độ chính trị tương đồng, … có tiền đồ tương quan, chia sẻ vận mệnh chung…. ”
Ý nghĩa của các câu như “chia sẻ vận mệnh chung” chỉ dành cho nhân dân trong một nước. Chỉ có người dân trong một nước mới chia sẻ một vận mệnh, một tương lai chung.
Thử xét các Tuyên bố chung các năm trước, dưới đời các TBT tiền nhiệm. Không có cái nào có nội dung tương tự.
Ta thấy rõ ở đây quyền lợi của đảng xung đột với lợi ích của dân tộc.
Đảng CSVN, qua ông Trọng, biểu lộ ý kiến muốn “sáp nhập” VN vào TQ. Nhưng dân tộc VN, chắc chắn không có người nào muốn như vậy.
Thí dụ khác. Tin tức “mật” của nhà báo Bill Hayton trên BBC mới đây cho biết ông Trọng (cùng với ông Ngô Xuân Lịch) là hai người chủ trương rút giàn khoan ở lô 136-03 trên thềm lục địa (pháp lý) của VN.
Đây là “bí mật của đảng” hay là “bí mật quốc gia” ?
Dĩ nhiên đây là bí mật của đảng.
Bí mật này, nếu giữ bí mật, sẽ làm tổn hại đến quyền lợi của quốc gia. Tiết lộ ra, quyền lợi quốc gia được dư luận quốc nội và quốc tế quan tâm bảo vệ. Nhưng rõ ràng uy tín ông Trọng xuống thấp.
Thí dụ khác, trường hợp điệp viên VN qua Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Tôi có viết trên facebook ngày 3 tháng tám cho rằng ông Trọng là người đứng sau vụ bắt cóc này.
Tôi có đặt vấn đề là ai chịu trách nhiệm (về hành vi ngu xuẩn) bắt cóc TX Thanh ?
Ông Trọng vừa nắm đảng lãnh đạo, nắm quân đội, nắm cả công an. Tình báo sang “bắt cóc” TX Thanh không biết thuộc về quân đội hay công an. Vấn đề là ông Trọng phải chịu trách nhiệm tất cả những đổ vỡ chính trị ngoại giao giữa VN và Đức. Trách nhiệm về tiếng tăm (vốn đã bất hảo) VN là một quốc gia côn đồ.
Nhưng lấy luật nào để “kỷ luật” ông Trọng ?
Không có luật nào hết cả.
Vụ TX Thanh khởi xướng từ một người không có trách nhiệm với quốc gia, lại trở thành một “bí mật quốc gia”.
Sự việc đổ bể ra, đất nước và dân tộc VN sẽ chịu thiệt thòi lớn, về vật chất, do sự trừng phạt về kinh tế của Đức (và Châu Âu). Về pháp lý, lớn lao hơn. VN đã vi phạm trắng trợn luật quốc tế, thì còn tư cách nào để sử dụng luật quốc tế để bảo vệ quyền lợi cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ, trước áp lực của TQ ?
Vì vậy cần phải phân định rạch ròi: đâu là bí mật quốc gia, đâu là bí mật của đảng.