Trịnh Xuân Thanh ‘tự thú’ trên VTV: ‘một kịch bản’ diễn sai luật

VOA

4-8-2017

Ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên VTV hôm 3/8. Ảnh chụp màn hình

Các luật sư và nhà bình luận Việt Nam cho rằng hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh “tự thú” trên truyền hình nhà nước Việt Nam, sau khi bị bắt từ Đức về như báo chí quốc tế loan tin, là một màn diễn có kịch bản, nhằm phục vụ cho mục đích chính trị.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, luật sư Nguyễn Thanh Lương nhận định rằng nếu thông tin ông Thanh bị “bắt cóc” đúng như Bộ Ngoại giao Đức và quốc tế loan thì việc tự thú của ông Trịnh Xuân Thanh là có kịch bản:

“Tôi nghĩ trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh tự thú trên đài truyền hình là do có kịch bản, có đạo diễn, để phục vụ cho mục đích chính trị của chế độ.”

Khi xét đến khía cạnh tố tụng, thì “màn” tự thú trên TV và việc trưng đơn tự thú như thế là vi phạm pháp luật. Luật sư Lương nói:

“Về mặt tố tụng mà nói – nếu đúng như truyền thông quốc tế, bắt người ở Đức rồi đem về thì làm sao gọi là tự thú được. Cũng phải nói rõ thêm rằng ở Việt Nam gần đây cũng có một số trường hợp, ví dụ như vụ án 7 thanh niên oan sai ở Sóc Trăng, cũng bắt về rồi hợp thức hóa bằng cách cho tự thú. Việc này như là một chủ trương. Như vậy là vi phạm pháp luật đối với chính luật tố tụng của Việt Nam.”

Đài truyền hình trung ương Việt Nam VTV đưa ra hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trong chương trình thời sự của VTV tối ngày 3/8, đã đưa ra những hình ảnh người đàn ông mà Việt Nam truy nã trong 1 năm qua tự đầu thú với chính quyền Việt Nam.

Đoạn băng ghi hình xuất hiện một ngày sau khi chính phủ Đức ra thông cáo chỉ trích Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin.

Nhận định về sự xuất hiện bất ngờ của ông Thanh trên truyền hình, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng chia sẻ:

“Sắc diện của ông Trịnh Xuân Thanh rất khác: một gương mặt rất phờ phạc, gần như mất hồn, khác với vẻ linh hoạt ngoài đời. Người ta đặt dấu hỏi rằng chỉ sau một ít ngày mà ông Thanh có sự biến dạng như vậy về khuôn mặt. Việc này làm cho tôi nhớ lại khuôn mặt của ông Phùng Quang Thanh vào 2015 – rất đờ đẫn. Bây giờ ông Trịnh Xuân Thanh cũng như vậy.”

Bình luận về ‘đơn xin tự thú’ được cho là của ông Trịnh Xuân Thanh trong chương trình thời sự ngày 3/8, Luật sư Lê Công Định viết trên Facebook rằng đây là “một trò hề rừng rú:”

“Đơn xin tự thú (nếu có thật) là một tài liệu tố tụng của một vụ án hình sự đã được khởi tố và trong quá trình điều tra, sao lại có thể bị công bố trên phương tiện truyền thông công khai như vậy? Tài liệu tố tụng luôn phải được bảo mật tuyệt đối.”

Nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định về nội dung ‘đơn tự thú’ được cho là của ông Thanh ký ngày 31/7:

“Nội dung thư được coi là tự thú không đăng toàn thư, chỉ trích ra một phần, và điều đó cũng không nói lên điều gì lớn. Thư tự thú này tất nhiên là phù hợp với yêu cầu của Đảng và Nhà nước, nhưng không có một từ nào đề cập tới việc bắt cóc.”

Ông Thanh bị Việt Nam truy nã trong gần 1 năm qua với tội danh “làm thất thoát nghiêm trọng tài sản nhà nước” sau khi cùng ban quản lý PVC, một công ty con của tập đoàn dầu khí PetroVietnam, làm thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng trong thời gian từ 2011-2013.

Trong đơn xin đầu thú do VTV đăng tải trong chương trình thời sự ngày 3/8, ông Thanh viết “Tôi thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của tôi và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC. Do lo sợ, suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn tại Đức.”

Bộ Ngoại giao Đức đưa hôm 2/8 ra thông báo chỉ trích việc Việt Nam bắt cóc ông Thanh hôm 23/7 tại Berlin và yêu cầu cho phép người đàn ông này trở lại Đức “ngay lập tức” để xem xét việc dẫn độ mà Việt Nam trước đó yêu cầu cũng như đơn xin tị nạn ở Đức của ông Thanh.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 3/8 chỉ đáp lại rằng “lấy làm tiếc,” không bác bỏ, cũng không xác nhận việc bắt cóc ông Thanh.

Luật sư Pestra Isabel Schlagenhauf thụ lý hồ sơ pháp lý cho ông Thanh tại Đức nói với VOA trong cuộc phỏng vấn hôm 3/8 rằng việc xin tị nạn “giúp ông ấy được bảo vệ và có khả năng được ở lại Đức.”

Luật sư Trần Quốc Thuận ở thành phố Hồ Chí Minh và luật sư Lê Quốc Quân ở Hà Nội hồi đầu tuần nói với VOA rằng Việt Nam cần sớm cung cấp thông tin một cách minh bạch về vụ ông Thanh, đặc biệt thông tin từ khi ông Thanh chạy trốn ra nước ngoài, sống ở đâu và làm thế nào có thể về lại Hà Nội trong khi đang bị truy nã quốc tế, để tránh xảy ra nhiễu loạn thông tin và gây xung đột ngoại giao.

Truyền thông Việt Nam từng loan tin rằng vụ án Trịnh Xuân Thanh là vụ án lớn mà đích thân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “chỉ đạo thực hiện.” Người đứng đầu đảng Cộng sản từng lặp đi lặp lại rằng: “Bằng mọi cách phải di lý, bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra, xét xử.”

Luật sư Lê Luân ở Hà Nội viết trên Facebook sau chương trình thời sự VTV tối hôm qua: “Bắt người thuộc về tố tụng hình sự, dù bất cứ ai cũng đều có quyền được đảm bảo về quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do đi lại và không hạn chế về không gian. Nên nếu bị bắt trái luật, dù có khắc phục bằng bất kể lập luận nào thì các hoạt động tố tụng phát sinh sau đó từ việc bắt người trái luật đều sẽ trở nên bất hợp pháp.”

Bình Luận từ Facebook