Chuẩn mực của quản trị quốc gia hiện đại

FB Nguyễn Sĩ Dũng

22-7-2017

Bìa cuốn sách Quân Vương.

Quản trị quốc gia là thuật ngữ được dùng để chỉ việc các thiết công (Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương…) triển khai các việc công và quản lý các nguồn lực công như thế nào. Quản trị ở đây chính là quy trình ban hành quyết định và thực hiện các quyết định đã được ban hành.

Chất lượng và hiệu quả của một nền quản trị quốc gia phụ thuộc không chỉ vào tài năng của ban lãnh đạo, mà còn vào những chuẩn mực mà nền quản trị đó tuân thủ. Dưới đây là bảy chuẩn mực mà các nước phát triển trên thế giới và nhiều tổ chức quốc tế đã đúc kết lại:

Chuẩn mực đầu tiên là pháp quyền. Ban hành, cũng như thực thi các quyết định thì phải tuân thủ pháp luật. Các cơ quan quyền lực công không thể ban hành các quyết định vượt phạm vi thẩm quyền của mình. Bất cứ lúc nào ban hành quyết định, các cơ quan này đều phải dẫn chiếu điều luật cho phép làm như vậy. Các cơ quan này cũng không thể ban hành các quyết sai quy trình và thủ tục mà pháp luật quy định. Ví dụ, ban hành một chính sách thì không thể thiếu quy trình thẩm định, không thể thiếu quy trình tham vấn công chúng. Ngoài ra, pháp quyền còn đòi hỏi các quyền của người dân phải luôn luôn được tôn trọng và bảo đảm, đặc biệt là quyền tự do kinh doanh, quyền tự do tài sản, quyền tự do kết ước và các quyền tự do-dân chủ khác.

Chuẩn mực thứ hai là trách nhiệm giải trình. Trách nhiệm giải trình là thuật ngữ được dịch ra tiếng Việt từ khái niệm “accountability” trong tiếng Anh. Tuy nhiên, thuật ngữ trách nhiệm giải trình trong tiếng Việt không phản ánh hết ngữ nghĩa của “accountability” trong tiếng Anh. Vì vậy, cần bổ sung nội hàm cho khái niệm trách nhiệm giải trình ở đây. Trách nhiệm giải trình gồm ba phần cấu thành:

Phần thứ nhất là ban hành quyết định thì phải báo cáo công khai và phải giải trình được mục đích, cũng như các căn cứ để quyết định của mình.

Phần thứ hai là không giải trình được thì phải chịu trách nhiệm. Chịu trách nhiệm ở đây có nghĩa là phải bị bãi nhiệm. Thông thường các quan chức chính trị sẽ phải giải trình trước các vị dân biểu. Không giải trình được thì sẽ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm và bị mất chức. Nói đến trách nhiệm giải trình không thể không nói tới cơ chế để áp đặt trách nhiệm khi không giải trình được. Một quan chức tuyên bố chịu trách nhiệm về một sai lầm nào đó trước Quốc hội, thì điều đó được hiểu là quan chức này sẽ từ chức để nhận trách nhiệm. Tuyên bố “Tôi xin nhận trách nhiệm” của một quan chức sẽ chẳng có ý nghĩa gì, khi tuyên bố xong thì quan chức đó vẫn ung dung tại nhiệm.

Phần thứ ba là ban hành quyết định thì phải chịu trách nhiệu về hậu quả của quyết định đó. Một chính sách được ban hành mà để lại rất nhiều hệ quả tiêu cức, thì phải có người chịu trách nhiệm về việc ban hành chính sách đó. Phải chịu trách nhiệm có thể là người đứng đầu Chính phủ hoặc cả Chính phủ. Những người này hoặc phải từ chức hoặc bị bỏ phiếu bất tín nhiệm và mất chức.

Chuẩn mực thứ ba là minh bạch. Người dân phải có điều kiện để theo dõi và hiểu biết về quy trình ban hành quyết định. Nghĩa là họ phải có điều kiện nhìn thấy rõ ràng quyết định được đưa ra như thế nào, tại sao quyết định lại được đưa ra như vậy, kể cả việc chính quyền đã thu thập thông tin như thế nào, đã tham vấn với ai và đã tuân thủ các đòi hỏi của pháp luật về quy trình ban hành quyết định như thế nào.

Chuẩn mực thứ tư là sự tham gia của người dân. Mỗi người dân bị ảnh hưởng hoặc có sự quan tâm đều phải được lôi cuốn vào quy trình ban hành quyết định. Điều này có thể thực hiện bằng cách: người dân có thể được cung cấp thông tin và được tham vấn ý kiến hoặc được tạo điều kiện để đưa ra khuyến nghị của mình và trong một số trường hợp, được trực tiếp tham gia vào quy trình ban hành quyết định. Việc làm này nhằm bảo đảm cho chính sách được thiết kế phù hợp với cuộc sống, đáp ứng mong mỏi của nhân dân. Việc làm này cũng đồng thời nâng cao tính tích cực chính trị của người dân, biến họ trở thành những chủ nhân thật sự của đất nước. Chỉ khi người dân thật sự được tham gia vào quá trình quản trị họ mới tích cực ủng hộ và thực hiện những chủ trương chính sách được đề ra.

Chuẩn mực thứ năm là phản ứng tương thích và kịp thời. Vấn đề phát sinh như thế nào thì phản ứng tương thích như thế ấy. Không thể dồn hết nguồn lực để xử lý một vấn đề bé cỏn con và bỏ qua nhưng vấn đề lớn ảnh hưởng đến sinh mệnh của hàng triệu người dân. Đồng thời, ngoài việc phản ứng tương thích, chính quyền còn phải phản ứng kịp thời. Ung thư không chạy chữa sớm sẽ bị di căn, các vấn đề của đất nước cũng vậy- không xử lý sớm chỉ ngày càng thêm trầm trọng và nan giải. Như vậy, đòi hỏi đối với một nền quản trị tốt là chính quyền phải phát hiện các vấn đề sớm nhất có thể và phải phản ứng kịp thời để xử lý chúng.

Chuẩn mực thứ sáu là công bằng và không loại trừ. Lợi ích của mọi người dân, của mọi nhóm xã hội đều phải được cân nhắc và coi trọng như nhau trong quá trình ban hành quyết định và thực thi chính sách. Tất cả mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt là những thành phần yếu thế đều phải có cơ hội tham gia vào quá trình quản trị.

Chuẩn mực thứ bảy là hiệu lực và hiệu quả. Công quyền phải thực thi cho được các quyết định đã ban hành, đồng thời phải tuân thủ các quy trình vào đảm việc sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực đang có về con người, về thời gian và tiền của.

Trong quá trình hội nhập, nhiều chuẩn mực nói trên đã được Việt Nam chấp nhận và, thực tế, đã được áp dụng ở một số bộ, ngành và địa phương. Vấn đề là để xây dựng một nền quản trị quốc gia hiện đại, chúng ta cần nhận thức tốt hơn và áp dụng đầy đủ hơn các chuẩn mực đã được thế giới công nhận nói trên.

Bài này của tác giả Nguyễn Sĩ Dũng cũng đã được đăng trên báo Tia Sáng.

Bình Luận từ Facebook