Tướng về hưu, PCT Quận và ánh mắt người dân

Tin tức VN

18-7-2017

Sau cùng thì Trung tướng cũng lên tiếng, và câu đầu tiên của ông là “Tôi có sai gì đâu”! Chị Phó Chủ tịch Quận cũng vậy, rất “thuyết âm mưu”…

Cụ thể, chị nói tới chuyện bôi xấu chính quyền (chứ không phải là việc cá nhân chị nữa)!

Thưa chị Phó Chủ tịch, không thể vì một cá nhân mà vơ đũa cả nắm sang chính quyền được đâu. Chính quyền ấy vẫn có những vị Phó Chủ tịch, những “hiệp sĩ cô đơn” xuống đường “đòi vỉa hè” cho dân.

Vẫn có những chủ tịch phường sẵn sàng cởi áo nếu thất hứa với dân. Nếu làm xấu xí chính quyền thì chẳng có cách nào tốt hơn là chính những quan chức với những chiếc xe đậu đỗ bất chấp, những vị phụ mẫu đôi co tranh thắng với dân. Làm thế, mai kia họ còn mặt mũi nào lên bục để nói về văn hoá giao thông, về trọng dân, vì dân, làm thế, mai kia làm sao họ còn xuống đường để nhắc nhở giáo dục nhân dân về trật tự lòng lề đường vỉa hè, phải không chị Phó Chủ tịch.

Tôi ước có hai chữ giá như!

Giá như khi được/bị người dân nhắc nhờ rằng chiếc xe đỗ ngang phè chắn hết tầm nhìn, chị xuống xe bảo “xin lỗi”! Giá như sau sự biến, chị đập bộp vào ngực (hoặc có thể rơi nước mắt ân hận cho nữ tính) bảo rằng: Tôi có lỗi. Thì liệu có cách gì để bôi xấu cán bộ, có cách gì là hỏng thanh danh chính quyền?!

Trung tướng Võ Văn Liêm móc thẻ ngành ra dọa CSGT xử phạt mình. Ảnh chụp từ clip.

Cũng như vậy là chuyện Trung tướng. CA Cần Thơ đã công bố hình ảnh xe của cụ chạy tới 81km. Lỗi ấy là dân dứt khoát cầm 2,5 triệu đồng ra kho bạc. Còn không chấp hành hiệu lệnh, giữ xe 1 tuần. Ấy thế mà cụ cãi bằng chết, rằng ơ, xe đi đúng tốc độ, tôi vội xin phạt nguội, tôi có lỗi gì đâu.

Là ĐBQH, thậm chí còn từng phát biểu nghị trường về sự nguy hiểm của bia rượu đối với người tham gia giao thông, chắc Trung tướng biết rõ hơn dân rất nhiều lỗi tốc độ nguy hiểm như thế nào. Từng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm UBKT Quân uỷ, Trung tướng chắc hiểu hơn dân cả về trình tự xử lý, cả trong trường hợp “đang vội”!

Và là một vị tướng, dẫu đã về hưu, Trung tướng càng hiểu quân lệnh trong lực lượng vũ trang. Có khi ông sẽ cho về vườn, cho “hết đường đi” thật với một trung uý, một người lính làm nhiệm vụ kiểm soát giao thông mà lại không chặn một chiếc xe vượt quá tốc độ, tiềm ẩn nguy hiểm cho người khác.

Thưa Trung tướng, ở ta các cụ có câu “trăm cái lý không bằng một tí cái tình”! Giá như ngay khi ấy, ông yêu cầu tài xế dừng xe, chấp hành mệnh lệnh cảnh sát! Giá như sau khi sự việc xảy ra, ông dũng cảm như một người lính để nhận lỗi. Giá như ông hiểu, trước pháp luật thì một ông tướng cũng như một người lính, một nhà làm luật cũng như một người chấp hành pháp luật, một Bao Công cầm thượng phương bảo kiếm cũng như một người dân…

Hai chữ “xin lỗi”, một hình thức văn hoá chúng ta vẫn dạy trẻ con, dân chúng vẫn được nghe trong những bài thuyết trình trên bục, giờ chẳng lẽ lại khó nói, lại nặng ngàn cân đến như vậy!?

Tôi nhớ các đây ít năm có một cô gái bị xử tù 9 tháng vì giật áo, tát tai một CSGT. Không biết Trung tướng có dám xem lại cái clip mà ông đã chửi bới nhiếc móc, dọa dẫm người lính trẻ?! Nhưng những lời lẽ ấy làm nhục người khác, gây tổn thương và tổn hại thanh danh còn hơn cái tát liễu yếu đào tơ năm nào.

Chẳng hạn còn đương chức hoặc không phải đương sự, có khi ông còn lớn tiếng yêu cầu khởi tố tội làm nhục người khác hoặc chống người thi hành công vụ. (Để tôi mở ngoặc nói thêm với riêng Trung tướng: ít nhất cô gái tóc xanh tóc đỏ thủ phạm ấy đã nhuộm lại mái tóc đen, đã mặc một chiếc áo nữ sinh, đã xin lỗi, đã khóc vì ân hận trong ngày phải dứng trước vành móng ngựa. Ít nhất, cô gái còn rất trẻ ấy đã thuộc bài học đầu đời: phải xin lỗi nếu có lỗi)!

Tất nhiên, cũng phải cảm ơn cả Trung tướng lẫn bà Phó Chủ tịch. Với việc bêu gương ngoài đường, các vị đã dạy dân chúng rất nhiều điều mà điều quan trọng nhất là ngoài đường nhiều chợ búa nhưng không thể chợ búa ngoài đường kể cả mình là ai.

Vì còn những chiếc camera, những con mắt dân.

Bình Luận từ Facebook