Tinh thần quý tộc biến mất và ý thức lưu manh phát triển

Trí thức VN

Hoàng Hà

12-7-2017

Nguồn: internet

Trong khi trước đây người ta hô hào về việc xóa bỏ địa chủ phú nông, thì phương Tây xóa bỏ bần nông. Trong khi trước đây người ta tự hào về việc xóa bỏ quý tộc thì phương Tây xóa bỏ lưu manh.

Đây chính là hai tư tưởng trị quốc hoàn toàn khác nhau, có thể dùng câu nói nổi tiếng để khái quát: một chế độ tốt có thể làm cho người xấu trở thành người tốt, một chế độ xấu có thể làm cho người tốt biến thành kẻ xấu. Phát động lưu manh để tiêu diệt quý tộc, cũng không thể làm cho lưu manh trở thành cao thượng, chỉ có thể làm cho lưu manh càng trở nên lưu manh hơn. Dụ dỗ, đe dọa nhiều người hơn nữa biến thành lưu manh, cuối cùng biến cả xã hội thành lưu manh.

Quý tộc, bình dân và lưu manh

Nhân loại là một quần thể to lớn và phức tạp nhất trên thế giới. Nói về tính chất vốn có của tinh thần và ý thức, có thể phân thành 3 thứ bậc khác nhau: quý tộc, bình dân và lưu manh. Ba thứ bậc này được phân theo dạng hình thoi đứng, ở giữa phình to là tầng lớp bình dân, đầu nhỏ ở trên cùng là tầng lớp quý tộc, còn đầu nhỏ dưới cùng là lưu manh. Từ bình dân tới quý tộc thì không có giới hạn rõ rệt, từ bình dân tới lưu manh cũng không có giới hạn rõ rệt, nhưng lưu manh và quý tộc thì có sự khác biệt một trời một vực.

Sở dĩ được gọi là quý tộc không phải vì có nhiều của cải, cũng không phải vì có nhiều quyền lực, mà là vì họ có một tinh thần cao quý, sử sách gọi đây là tinh thần quý tộc. Người thiếu tinh thần quý tộc, thì dù giàu có không ai sánh bằng cũng chỉ là mang bản tính lưu manh mà giàu có; dù có quyền lực to đến mấy, thì cũng chỉ là kẻ độc tài chuyên chế mang bản tính lưu manh.

Sở dĩ gọi là lưu manh không phải là vì không có gì trong tay, mà là ý thức lưu manh ở bên trong nội tâm. Giai cấp vô sản không đồng nghĩa với lưu manh, giai cấp vô sản đa số là người bình dân an phận thủ thường. Trong quần thể lưu manh, có người giàu, có kẻ nghèo; có bình dân, có quyền quý; có người ngốc nghếch, cũng có kẻ thiên tài.

Tinh thần quý tộc đại diện cho đỉnh cao của văn minh nhân loại, ý thức lưu manh đại diện cho sự thấp kém nhất của nhân loại. Dường như tất cả mọi người đều có suy nghĩ hướng tới sự cao thượng, và cũng có những ham muốn dục vọng thấp kém, đây chính là cuộc chiến giữa nhân tính và thú tính. Nhân tính chiến thắng thú tính, thì con người hướng tới sự cao thượng; thú tính chiến thắng nhân tính, con người sẽ hướng tới sự hèn hạ bỉ ổi. Đối với đa số người bình dân, nhân tính và thú tính vẫn đang giằng co chưa có hồi kết, nên nó làm cho cả một đời vẫn cứ loay hoay quanh cao thượng và thấp kém. Đa số người dân đều là an phận thủ thường nên cả đời sẽ không có gì nổi bật. Bình dân nếu muốn siêu phàm thoát tục, thì phải hướng tới cao thượng để có hy vọng trở thành quý tộc. Còn nếu hướng tới sự thấp kém hèn mọn thì sẽ trở thành lưu manh. Con người vươn tới sự cao thượng thì rất khó, và để trở thành quý tộc thì lại càng khó hơn; còn hướng tới sự thấp kém hèn mọn thì rất dễ, trở thành lưu manh thì dễ như trở bàn tay. Cũng chính vì nguyên nhân này mà xã hội nhân loại hiện nay quý tộc thì ít mà lưu manh thì nhiều.

Cao thượng và cao quý  không khác nhau về bản chất, nhưng cao thượng và cao quý lại có khoảng cách, đó là mức độ khác nhau, trạng thái khác nhau. Bình dân cũng biết cao thượng, nhưng thường chỉ có thể cao thượng trong thuận cảnh, chứ không thể “cố thủ” cao thượng trong nghịch cảnh. Nếu như trong nghịch cảnh mà có thể giữ được cao thượng, thì đó chính là trạng thái cao quý, cũng tức là đã thành quý tộc.

Nếu cao thượng đã  đạt đến trạng thái cao quý, thì tức là “phú quý mà không dâm, dưới áp lực mà không chịu khuất phục”. Đây chính là trạng thái của tinh thần quý tộc. Câu trên có hai tầng ý nghĩa. Tầng thứ nhất là giải thích đối với phú hào quyền quý: Anh giàu có rồi thì không thể dâm đãng, anh có quyền rồi thì anh không thể lấy quyền đấy để bắt người khác khuất phục. Tầng thứ hai là giải thích với tầng lớp bình dân: Anh không giàu có, nhưng anh không thể bị phú quý dụ dỗ mê hoặc để rồi từ bỏ cao thượng; anh không có quyền lực nhưng anh không thể khuất phục trước quyền lực, anh chỉ có thể tâm phục khẩu phục trước sự công bằng và chân lý. Đạt đến trạng thái này rồi, thì dù có là bình dân nhưng anh vẫn có tinh thần quý tộc.

Tinh thần quý tộc là gì?

Tinh thần quý tộc có 3 nội hàm cao quý đó là: thành tín, đạo nghĩa, ý thức trách nhiệm.

Thành tín là linh hồn của văn minh nhân loại, không có thành tín, thì không có đạo đức, cũng không có văn minh; thành tín cũng là linh hồn của phẩm cách cá nhân, không có thành tín, thì không thể có phẩm cách cao thượng. Người thiếu sự thành tín, thì hoặc là người vô lại hoặc là kẻ lưu manh. Dân tộc thiếu sự thành tín, thì chắc chắn là dân tộc ngu muội không có văn hóa. Thành tín cũng là gốc rễ của chế độ dân chủ, vì không có thành tín, thì không có dân chủ đúng nghĩa. Cụ thể, dân chủ dựa vào hiến pháp, và hiến pháp chính là khế ước của xã hội. Thành tín chính là gốc rễ của khế ước, không có thành tín thì khế ước cũng chỉ là tờ giấy vứt đi.

Quý tộc sở dĩ là quý tộc, là bởi vì quý tộc coi thành tín quan trọng hơn cả mạng sống, thành tín mang đến sự cao thượng, sự tôn nghiêm và giá trị cao quý của sinh mệnh. Ví dụ, quý tộc châu Âu thà dùng quyết đấu sòng phẳng thẳng thắn để phân thắng thua, chứ  không muốn dùng âm mưu quỷ kế để tranh cao thấp. Đây thực chất chính là thà chết để giữ lấy giá trị của thành tín. Sử quan thời Trung Quốc cổ đại thà chết chứ không muốn vì đế vương thay đổi lịch sử, cũng chính là thà chết để giữ lấy giá trị của sự thành tín.

Đạo nghĩa bao hàm nhân đạo và công đạo. Nhân đạo là tiền đề của công đạo, chính là sự tôn trọng đối với sinh mệnh của con người. Người ngay cả ý thức nhân đạo cũng không có, thì về cơ bản không thể có công đạo. Tôn thờ bạo lực chính là coi thường nhân đạo. Nhân đạo và công đạo hòa quyện sinh ra chủ nghĩa nhân quyền của nền văn minh hiện đại, sở dĩ châu Âu có thể sinh ra Công ước Nhân quyền, thực chất chính là do sự thúc đẩy của tinh thần quý tộc.

Tinh thần đạo nghĩa mang tới nhân từ, mang tới khoan dung, mang tới sự quan tâm, mang tới sự công chính. Quý tộc quan tâm tới những người yếu, các sự nghiệp từ thiện trên thế giới dường như đều do quý tộc đầu tư xây dựng, và cái mà họ dựa vào chính là tinh thần đạo nghĩa.

Tinh thần trách nhiệm chính là tinh thần dám gánh vác. Chịu trách nhiệm với lương tri của xã hội nhân loại, chịu trách nhiệm với văn hóa truyền thống của nhân loại, bảo vệ đạo đức, duy trì công bằng xã hội, bảo vệ sự phát triển hòa bình của xã hội.

Chính tinh thần trách nhiệm mang tới lòng tin và sức mạnh không gì lay chuyển được của quý tộc, một khi dân tộc rơi vào khủng hoảng, quý tộc sẽ đứng phía trước dân tộc, bảo vệ an toàn cho dân tộc. Chính tinh thần trách nhiệm này mang đến cho họ tinh thần “Prometheus cướp lửa thần trao cho nhân loại”, và tinh thần “ta không vào địa ngục thì còn ai vào nữa”. Cũng chính tinh thần này đã bảo vệ và thúc đẩy văn minh nhân loại phát triển hơn.

Ba loại tinh thần này đều đến từ tín ngưỡng tôn giáo, chỉ có tín ngưỡng tôn giáo mới có thể chuyển hóa thành sức mạnh tinh thần kiên định và bền bỉ, đạt đến trạng thái cao quý.

Dù cá nhân quý tộc có tồn tại khuyết điểm này khuyết điểm nọ, nhưng quần thể quý tộc vẫn là lực lượng chủ đạo thúc đẩy văn minh nhân loại phát triển.

Tinh thần quý tộc thúc đẩy văn minh nhân loại phát triển

Trong mỗi cá nhân đều tồn tại cuộc chiến nhân tính và thú tính, và nó làm cho cả một đời cứ loay hoay giữa cao thượng và thấp kém: thượng đế kêu gọi con người hướng đến cao thượng, ma quỷ dụ dỗ con người hướng đến sự thấp kém; người cao quý cao thượng thì gần quý tộc hơn, người hướng tới thấp kém bỉ ổi thì gần với lưu manh hơn; hoặc có thể nói, người gần với quý tộc thì trở nên cao thượng, kẻ gần với lưu manh thì trở nên thấp kém. Tục ngữ gọi hiện tượng này là “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Mở rộng ra, một dân tộc cũng tồn tại cuộc chiến giữa nhân tính và thú tính, điều này thực chất là cuộc chiến giữa văn minh và vô văn hóa, cũng là cuộc chiến giữa quý tộc và lưu manh. Một dân tộc do quý tộc chủ đạo, thì sẽ mang đến sự tiến bộ cho nền văn minh; do lưu manh chủ đạo thì sẽ lùi lại về không có văn minh, đây không phải là sức sản xuất vật chất bị thụt lùi, mà là sự thụt lùi về văn minh tinh thần, về văn hóa, đạo đức. Điều này đã được chứng minh bởi lịch sử.

Lịch sử phát triển của nhân loại là do quý tộc chủ đạo, do đó nhân loại mới từ không văn minh mà hướng đến văn minh, nhưng trong quá trình lịch sử phát triển lâu dài, có lúc cũng bị lưu manh kiểm soát, lưu manh chiếm cứ địa vị chủ đạo, kết quả làm cho văn minh bị thụt lùi, do đó, tiến trình phát triển của văn minh nhân loại mới xuất hiện nhiều khúc khuỷu, tiến lùi.

Ý thức tinh thần của con người là thể đa diện phức tạp, tức có ý thức giữ gìn cao thượng, thì cũng có ham muốn tình cảm thấp kém. Tuy nhiên, con người hướng tới cao thượng lại giống như leo núi, rất khó; còn hướng tới thấp kém lại rất dễ, giống như đang ngồi cầu trượt. Do đó mà xã hội nhân loại từ trước đến nay lưu manh vẫn nhiều hơn quý tộc.

Xã hội nhân loại trước giờ lưu manh vẫn nhiều hơn quý tộc, vậy sao quý tộc có thể chiếm địa vị chủ đạo trong sự phát triển của xã hội? Điều này quyết định bởi thái độ của tầng lớp bình dân: tầng lớp bình dân ủng hộ quý tộc, thì quý tộc chiếm thượng phong, tức chiếm vị trí chủ đạo, và dân tộc này sẽ duy trì nền văn minh cao thượng; tầng lớp bình dân mà ủng hộ lưu manh, lưu manh chiếm thượng phong, tức lưu manh chiếm vị trí chủ đạo, thì dân tộc này sẽ duy trì sự thấp kém không văn minh. Đây chính là nguyên nhân cơ bản các dân tộc khác nhau có tiến trình văn minh và mức độ văn minh khác nhau.

Dân tộc ủng hộ quý tộc, quý tộc dễ chiếm thượng phong; dân tộc ủng hộ lưu manh, lưu manh dễ chiếm thượng phong. Nếu lưu manh chiếm thế thượng phong, chiếm vị trí chủ đạo, thì tất nhiên sẽ mê hoặc và dụ dỗ nhiều người hơn nữa biến thành lưu manh, ép buộc nhiều người hơn nữa biến thành lưu manh, cuối cùng biến thành một đại quốc lưu manh, văn hóa đạo đức sẽ bị thoái lui toàn diện, xã hội sẽ đổ vỡ.

Sáng tạo văn minh và sáng tạo lịch sử

Thành tựu văn minh nhân loại dường như đều là quý tộc sáng tạo, từ tư tưởng triết học thời viễn cổ, tín ngưỡng tôn giáo, lòng tin đạo đức, đến văn hóa nghệ thuật thời trung cổ,  đến khoa học tự nhiên thời cận đại, cho đến cơ chế dân chủ thời hiện đại, tư tưởng mở ra thời đại mới của lịch sử nhân loại, dường như đều là quý tộc sáng tạo ra. Có thể nói thế này, không có quý tộc, thì không có văn minh nhân loại. Không cần tìm đâu xa, chỉ cần tìm những nhà triết học, văn học, nghệ thuật, tư tưởng, thần học, khoa học vĩ đại trên thế giới, có ai không phải là quý tộc?

Quý tộc không chỉ sáng tạo văn minh, mà còn sáng tạo ra lịch sử. Những nhà quý tộc thời cận đại của châu Âu, họ đã sáng tạo ra “Quân chủ lập hiến”, sáng tạo “Tuyên ngôn độc lập”, sáng tạo “Tuyên ngôn nhân quyền”, anh hùng  dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi đã sáng tạo ra “Cách mạng phi bạo lực”, Martin Luther King của Mỹ sáng tạo ra “Tôi có một ước mơ”, họ đem những tư tưởng văn minh này vào thực tế, sáng tạo ra lịch sử huy hoàng, trở thành những cột mốc cho nhân loại hướng tới văn minh.

Sáng tạo lịch sử khác sáng tạo văn minh

Từ trước tới nay, lưu manh không biết sáng tạo lịch sử, chỉ biết sáng tạo sự ngang tàn bạo ngược. Tuy vậy lưu manh cũng có thể sáng tạo lịch sử, nhưng lưu manh không thể sáng tạo lịch sử của văn minh, chỉ có thể sáng tạo lịch sử của sự phá hoại, sáng tạo lịch sử tàn sát. Lưu manh từ trước giờ chỉ biết sáng tạo bạo lực, sáng tạo chiến tranh, sáng tạo sự hoang đường, sáng tạo tai nạn.

Nếu một dân tộc mà nhóm người lưu manh giữ vai trò chính trong thời gian dài, thì sẽ trở thành dân tộc “ỷ mạnh hiếp yếu”, trở thành một dân tộc hung bạo, trở thành một dân tộc hủ bại biến chất.

Đạo lý như thế này, lẽ nào còn cần ai chứng minh sao?

Bình Luận từ Facebook