13-7-2017
Như các bạn đã biết, ông Lưu Hiểu Ba, người từng được giải Nobel Hoà Bình lúc trong tù vừa mới qua đời bên Trung Quốc. Có một nghịch lý là tỷ lệ dân Trung Quốc biết đến, chứ chưa nói là tiếc thương Lưu Hiểu Ba rất ít so với dân Việt Nam.
Sự khác biệt này là do Trung Quốc cấm Google, Facebook… và tự làm ra các sản phẩm tương tự rất tốt để đáp ứng nhu cầu xã hội, cũng như kiểm soát chặt chẽ các nội dung mà chế độ không mong muốn.
Kể từ thời Tập Cận Bình lên ngôi, Trung Quốc có những bước nhảy vọt cả về khoa học kỹ thuật, kinh tế, quân sự, chính trị, ngoại giao. Ngoài những thành tựu bề ngoài có thể nhìn thấy, Trung Quốc có những bước đi thành công để kiểm soát bất ổn trong lòng xã hội, diệt tham nhũng quyết liệt, không còn cảnh cướp đất nông dân tràn lan, trí thức được o bế kỹ càng…
Quan Trung Quốc vẫn tham, vẫn tham nhũng, nhưng tham nhũng ở mức độ tinh vi và có trình độ hơn nhiều, không có cảnh quan tham ngu dốt đi cướp chợ hay cướp đất của dân vớ vẩn như ở Việt Nam. Có được điều này bởi quan chức Trung Quốc được tuyển chọn đào tạo bài bản, được đãi ngộ cao, có trình độ, có lý luận đàng hoàng. Quan chức cấp nhàng nhàng thôi là không có chuyện đi nghe nhạc giao hưởng mà quạt phành phạch như cái ông gì kia…
Vì đời sống xã hội được nâng lên, bất ổn xã hội giảm đi, giới trí thức chỉ phản biện trong một giới hạn nào đó và nhà nước cũng rất cầu thị trong việc sửa chữa các khiếm khuyết xã hội… nên nói thẳng ra người dân Trung Quốc giờ vẫn chẳng có mấy ai quan tâm đến các giá trị nhân quyền, dân chủ, tự do.
Ở Trung Quốc không có chuyện đi viết bài bôi nhọ mấy ông trí thức có chút phản biện xã hội kiểu như Ngô Bảo Châu. Căng đến một mức nào đó là bắt bỏ tù kiểu như Lưu Hiểu Ba, hay theo dõi quản thúc như Ngải Vị Vị… hành động mạnh luôn chứ không lèm nhèm. Chính vì thế sự đàn áp dù khốc liệt, nhưng không dẫn đến sự phẫn uất và đối đầu phản kháng tập thể của trí thức Trung Quốc…
Quay trở lại chuyện Việt Nam, từ trước đến nay có nhiều ý kiến cho rằng chế độ cộng sản Việt Nam sẽ sụp đổ khi chế độ cộng sản Trung Quốc tiêu vong. Thực tế không phải vậy. Thực tế là Trung Quốc đang mạnh lên rất nhiều. Nhưng Trung Quốc rất sợ đa nguyên, rất sợ các vấn đề li khai về mặt tư tưởng cũng như về mặt địa chính trị. Chính vì thế những vấn đề Hong Kong, Tibet, Đài Loan và đặc biệt là sự tồn vong của đảng cộng sản Việt Nam là những quan tâm hàng đầu của Trung Quốc.
Ở những vấn đề khác chưa bàn đến, nhưng ở Việt Nam, mặc dù được sự tiếp sức hỗ trợ nhiệt tình từ đảng cộng sản Trung Quốc, nhưng quan chức Việt Nam quá dốt nát, quá kém cỏi trong việc điều hành cũng như kiểm soát xã hội. Những bất ổn gần đây ở Việt Nam như vấn đề đất đai, môi trường, tham nhũng… đang gây tác động cực kỳ to lớn về mặt xã hội, ảnh hưởng thực sự đến sự tồn vong của chế độ, nhưng những điều đó xuất phát tự sự kém cỏi của quan chức Việt Nam, chứ không phải từ ý chí hay hành động từ phía Bắc Kinh. Chính vì vậy, có lẽ phải lật ngược lại vấn đề. Phải coi rằng sự tồn vong của đảng cộng sản Việt Nam là một trong các điều kiện làm lung lay chế độ cộng sản Trung Quốc…
Chúng ta, những người khát khao dân chủ nhân quyền hầu hết đang nhìn vào Trung Quốc theo lăng kính của phương Tây. Nó méo mó và không phản ánh đầy đủ thực trạng Trung Quốc hiện nay. Đó là những nhận định tôi rút ra sau khi trao đổi với một số người có trình độ, có am hiểu sâu sắc tình hình Trung Quốc hiện đại.
Trước sau gì Trung Quốc vẫn là nước láng giềng. Đấu tranh cãi cọ kiểu gì thì vẫn phải sống cạnh Trung Quốc. Chưa nói là còn phải chịu sự ảnh hưởng và chi phối dài dài từ nó, bất kể rằng chế độ hiện tại có thay đổi hay không. Tôi mong rằng Việt Nam rồi sẽ có một lớp trẻ có trình độ, hiểu Trung Quốc, chơi được với Trung Quốc, nhưng cũng phòng thủ được trước mưu mô của Trung Quốc… bởi vì tiền đồ dân tộc này rồi sẽ phụ thuộc rất lớn vào những người trẻ như thế, không phải là những người chỉ biết hô hào chống Trung Quốc xâm lược.
Tôi nói câu này, xin các anh chị em đã từng nhiều năm cùng tôi xuống đường chống Trung Quốc hết sức bình tĩnh nhé. Tôi vẫn chống Trung Quốc nếu nó xâm phạm đến lợi ích quốc gia này, nhưng tôi vẫn để ngỏ khả năng chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh với Trung Quốc, và tôi biết khả năng này chỉ có khi chúng ta, nhân dân Việt Nam có quyền lựa chọn ra một đội ngũ lãnh đạo thực sự tài giỏi, vì dân, vì nước, không vì phe nhóm hay đảng phái chính trị nào hết. Vì vậy con đường còn rất dài. Mong tất cả mọi người bình an!
Nghiêng mình tiếc thương ông Lưu Hiểu Ba.
Ghi chú: Tựa bài do Tiếng Dân đặt
đồng ý với bài viết. cảm ơn tác giả.