Trương Nhân Tuấn
7-7-2017
Đôi điều về lịch sử, pháp lý và hệ quả kinh tế chiến lược nếu VN từ bỏ chủ quyền ở đảo Tri tôn, nhân đọc bài báo “Đảo Tri tôn và năm điều cần biết” trên BBC Việt ngữ.
Sự việc tàu khu trục Mỹ đi qua hải phận 12 hải lý của đảo Tri Tôn, thể hiện chiến dịch “freedom-of-navigation operation” gọi tắt là FONOP, ngày 2 tháng bảy vừa qua, phản ảnh trên thực tế điều 17 của Luật Biển quốc tế. Theo đó “quyền qua lại không gây hại của tàu bè trong vùng lãnh hải” được nhìn nhận.
Vấn đề là luật Biển của TQ buộc các tàu qua lại trong lãnh hải nước họ (tức trong vòng 12 hải lý) phải xin phép trước. Như vậy việc tàu chiến Mỹ đi qua vùng hải phận đảo Tri Tôn có mục đích thách thức bộ luật biển của TQ. Đơn giản vì bộ luật này không phù hợp với luật quốc tế (nhứt là ở khoản hệ thống đường cơ bản của các đảo HS).
TQ phản ứng gay gắt. Phát ngôn nhân BNG Trung quốc ông Lục Kháng cho rằng hành vi của tàu chiến Mỹ là “khiêu khích chính trị và quân sự, đe dọa an ninh Trung Quốc”. Ông này cũng cho biết TQ sẽ đưa tàu chiến và phi cơ chiến đấu đến khu vực.
Nhưng sự im lặng của phía VN (về sự kiện này) mới là điều cần bàn. Sự im lặng của VN, trước một sự việc đòi hỏi nhà nước phải có thái độ, được tập quán quốc tế xem như là sự “đồng thuận ám thị”.
Nếu nhà nước VN đã mặc thị nhìn nhận đảo Tri Tôn không thuộc chủ quyền của VN, điều này mặc nhiên đưa tới toàn bộ quần đảo Hoàng Sa thuộc về TQ.
Một số điều về lịch sử, pháp lý và những lợi hại về kinh tế chiến lược, nếu VN để mất Hoàng Sa, có thể ghi lại sơ lược như sau.
Về lịch sử:
1/ Tranh chấp chủ quyền.
Trung Quốc bắt đầu lên tiếng tranh dành quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1909 vì lý do đế quốc Nhật chiếm đóng đảo Pratas (tức quần đảo Đông sa), cận đảo Hải Nam.
Tháng 8 năm 1925 Toàn quyền Đông dương tuyên bố quần đảo Hoàng Sa (Paracels) và Trường Sa (Spratleys) là những lãnh thổ thuộc Pháp (tương tự các lãnh thổ Pháp ở hải ngoại như Réunion, Guyan, Nouvelle Calédonie, Cochinchine…).
Ngày 13 tháng tư năm 1932 Pháp gởi công hàm minh thị đế quốc Đại Nam (quốc hiệu VN triều Nguyễn) có chủ quyền lịch sử tại Hoàng Sa.
Như vậy Pháp nhìn nhận Hoàng Sa là lãnh thổ của đế quốc Đại Nam. Pháp tuyên bố sáp nhập HS trước cộng đồng quốc tế, như là một thủ tục hành chánh nhằm khẳng định chủ quyền vùng lãnh thổ mà họ có trách nhiệm bảo hộ. Điều này phù hợp với các cam kết mà Pháp đã ký với triều đình nhà Nguyễn.
Trong khi Pháp tuyên bố chủ quyền Trường Sa với danh nghĩa “thụ đắc một lãnh thổ vô chủ”.
Chi tiết này tuy không quan trọng về lịch sử, vì cách nào thì HS và TS cũng thuộc chủ quyền của VN. Nhưng trên phương diện pháp lý, hai cách thức thụ đắc chủ quyền hoàn toàn khác nhau.
Khi Pháp trả lại độc lập cho VN, (theo tinh thần kết ước Elysée 1948), Quốc Gia Việt Nam (Etat du VietNam) tuyên bố ra đời 24 tháng sáu năm 1949. Hoàng Sa thuộc về quốc gia mới này vì nó là một bộ phận không thể tách rời của đế quốc Đại Nam.
Trong khi chủ quyền của VN tại Trường Sa, VN có hai lựa chọn, một là “kế thừa” từ nhà nước bảo hộ Pháp. Tức nhìn nhận TS trước kia là “đất vô chủ”. Hoặc lựa chọn theo lý thuyết “liên tục quốc gia”. Cách thức này khá mạo hiểm vì VN cần nhiều dữ kiện chứng minh đế quốc Đại Nam có chủ quyền lịch sử tại Trường Sa.
Điều này cho thấy lập luận trong bài viết của BBC, vừa không rõ ràng về lịch sử, vừa mù mờ về pháp lý. Nói là “Pháp tuyên bố đưa quần đảo Hoàng Sa vào thuộc Liên bang Đông Dương”. Thuộc vào Đông dương là thuộc vào đâu ? Đông dương có tới 5 lãnh thổ khác nhau, tổ chức hành chánh và chế độ pháp lý khác nhau (thuộc địa, bảo hộ và nhượng địa). Và “đưa vào” bằng thủ tục nào ? thụ đắc lãnh thổ vô chủ hay khẳng định chủ quyền lịch sử ?
2/ Sau khi nhân vơ Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của TQ, năm 1932 TQ gởi công hàm tới bộ Ngoại giao Pháp để phản đối. Công hàm dẫn “Công ước phân định biên giới 1887”, theo đó quần đảo Hoàng sa vì ở phía đông đường kinh tuyến 108°2, vì vậy quần đảo này thuộc Trung hoa.
Công hàm cũng khẳng định rằng Hoàng Sa là lãnh thổ phía cực nam của TQ.
Lập luận dựa vào Công ước 1887 là không căn cứ. Bởi vì công ước 1887 chỉ nhằm phân định biên giới giữa Tonkin (tức Bắc kỳ) và các tỉnh Hoa nam. Tức nó chỉ có hiệu lực ở Tonkin (Bắc kỳ) mà thôi.
Điều cần ghi nhận, qua công hàm nói trên, là đến thời điểm 1932 nhà cầm quyền TQ chưa biết có sự hiện hữu của quần đảo Trường Sa, ở phía nam, mà các chúa Nguyễn, các triều đình nhà Nguyễn, đã liên tục khai thác từ lâu đời, như đã đồng thời khai thác ở Hoàng Sa.
Trong thời kỳ bảo hộ, nhà nước bảo hộ Pháp, đại diện chính đáng của đế quốc Đại Nam và triều đình nhà Nguyễn, đề nghị hai lần với Trung Quốc một trọng tài phân giải, vào năm 1932 và năm 1947. Cả hai lần Trung Quốc đều không đáp ứng. Thái độ của Trung Quốc có thể biết trước, vì họ không có hy vọng nào để thắng. Ở các thời điểm đó Trung Quốc không hề có cơ sở pháp lý hay bằng chứng lịch sử nào để có thể chứng minh chủ quyền của họ tại quần đảo Hoàng Sa.
3/ Hòa ước San Francisco 1951.
Năm 1937, để chuẩn bị chiến tranh, Nhật tuyên bố chủ quyền, đồng thời sáp nhập hành chánh Hoàng Sa và Trường Sa vào Đài loan.
Mặc dầu trước đó, ngày 25 tháng chạp năm 1927, đại diện toàn quyền của đế quốc Nhật tại Pháp gởi giác thư khẳng định rằng Nhật không quan tâm đến quần đảo Hoàng Sa. Đàm phán giữa hai phái đoàn Nhật và Pháp tại Paris tháng tám 1934 cũng tái khẳng định việc Nhật từ bỏ tất cả những yêu sách tại các quần đảo này.
Nhật bại trận trước quân Đồng Minh tháng tám 1945. Số phận của Nhật, về lãnh thổ đế quốc này cũng như những vùng lãnh thổ mà nước này chiếm đóng trước chiến tranh, được các quốc gia đồng minh (Mỹ, Liên xô, Anh và Trung hoa) quyết định theo các kết ước như mật ước Yalta (tháng hai 1945), Tuyên bố Caire (1943) và Tối hậu thư Potsdam (tháng sáu 1945). Nội dung các kết ước được pháp lý hóa qua Hòa ước San Francisco ký ngày 8 tháng chín năm 1951, giữa Nhật và 55 nước có tuyên bố chiến tranh với Nhật.
Việt Nam tham dự Hội nghị San Francisco với tư cách là “quốc gia có chiến tranh với Nhật”. Đại diện VN là Thủ tướng Trần Văn Hữu.
Nội dung Hòa ước San Francisco, phần liên quan đến các vùng lãnh thổ mà Nhật chiếm đóng trước chiến tranh, gồm 6 điểm (a đến f). Lời mở đầu là “Nhật phải từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa (chủ quyền) và mọi yêu sách tại các vùng lãnh thổ sau đây”.
(a) Triều Tiên, và công nhận nền độc lập của xứ này (b) đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ, (c) quần đảo Kouriles và phần đảo Sakhaline cũng như các đảo khác đã nhượng cho Nhật qua Hiệp ước Portsmouth năm 1905, (d) tại các đảo đã được giao cho Hội Quốc Liên quản lý và theo quyết định của Hội đồng Bảo an ngày 2 tháng 4 năm 1947, e/ vùng Bắc cực, (f) các quần đảo Spratly (Trường Sa) và quần đảo Paracels (Hoàng Sa).
Đối với Trung Hoa, vì có hai chính phủ đại diện (Mao và Tưởng), do đó quốc gia này không được mời tham dự Hội nghị San Francisco.
Đại diện của VN là ông Trần Văn Hữu nhân dịp này lên tiếng trước hội nghị khẳng định chủ quyền của VN tại HS và TS. Tuyên bố sáp nhập lãnh thổ của ông Trần Văn Hữu không gặp sự phản đối nào.
4/ Hòa ước Nhật-Hoa 28 tháng tư năm 1952.
Nhật lựa chọn Trung hoa dân quốc là đại diện cho Trung Hoa, ký hòa ước với nước này vào ngày 28 tháng tư năm 1952. Nội dung Hòa ước (về phần liên quan đến lãnh thổ):
“Hai bên nhìn nhận, theo điều 2 của Hiệp ước San Francisco ngày 8-9-1951, Nhật từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa chủ quyền cũng như mọi yêu sách về đảo Đài Loan, Bành Hồ cũng như quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.”
Nhiều học giả người Hoa (và một số học giả VN) cho rằng như vậy Nhật đã trả HS và TS cho TQ, cùng với Đài loan và Bành hồ.
Điều này không đúng. Hội nghị San Francisco xảy ra trước vài tháng, đại diện VN là ông Trần Văn Hữu đã tuyên bố chủ quyền HS và TS thuộc về VN rồi, không có quốc gia nào phản đối. HS và TS đã “có chủ”, Nhật lấy đâu để trao cho Trung hoa ?
Trong khi đó, theo tinh thần hội nghị San Francisco, Nhật bị tước đoạt mọi quyền và thẩm quyền. Tức nước này không có thẩm quyền để trao các vùng lãnh thổ trên cho bất kỳ nước nào cả.
Người ta cũng không thấy đoạn nào trong Hòa ước Nhật-Hoa nói cụ thể là Nhật giao Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Hoa Dân Quốc (tức Đài Loan hiện nay). Chỉ thấy ghi là hai bên “nhìn nhận điều 2 của Hiệp ước San Francisco 8-9-1951”.
Theo ngôn ngữ công pháp quốc tế, sự từ bỏ lãnh thổ của Nhật là một sự “từ bỏ đơn thuần”, không giao lại cho một quốc gia đối tượng đã xác định nào đó (in faforem).
5/ Về ý kiến “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là bên có chủ quyền chính đáng từ tất cả những gì người Pháp trao trả lại” trong bài viết của BBC.
Không có một bằng chứng nào, lịch sử cũng như pháp lý, để có thể khẳng định một điều như vậy.
VNDCCH “tuyên bố độc lập” ngày 2 tháng chín 1945, trên danh nghĩa “đánh Pháp, đuổi Nhật, cướp chính quyền của ông Bảo Đại”.
Vấn đề là chính quyền của Bảo Đại (Đế quốc Việt Nam, thủ tướng Trần Trọng Kim) là một thực thể chính trị do Nhật dựng lên. Nhật bại trận Thế chiến Thứ hai. Theo quyết định của phe chiến thắng, tất cả các chính phủ do Nhật dựng lên tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng trước chiến tranh, đều không đươc nhìn nhận.
VNDCCH “kế thừa” một thực thể chính trị “không được ai công nhận”.
Phe chiến thắng (Đồng minh) gởi quân vào VN giải giới quân Nhật. Phía bắc vĩ tuyến 16 do quân Trung hoa phụ trách. Đám quân này vào VN tới đâu là tước khí giới của quân ông Hồ tới đó. Miền Nam vĩ tuyến 16 thì do Anh và tiếp quản.
Anh trao (hay trả) quyền ở miền nam lại cho quân Pháp. Tưởng giới Thạch cũng thương nghị với Pháp năm 1946, trao đổi quyền lợi về kinh tế và đất đai, đồng ý trao quyền ở miền bắc lại cho Pháp. Dĩ nhiên việc này bao hàm luôn hai quần đảo HS và TS.
Tức là trên danh nghĩa pháp lý, chủ quyền của VN lấy lại từ tay Nhật, sau đó trả lại cho Pháp.
Hiệp ước 1948 gọi là kết ước Elysée, tổng thống Pháp cam kết trả lại VN cho quốc dân VN. Bảo Đại vì đã thoái vị, triều đình nhà Nguyễn mất “quyền làm chủ tối thượng’ (tức chủ quyền) ở Việt Nam. Vì vậy mới thành lập Quốc gia Việt Nam trên nền tảng cộng hòa.
Đại diện Quốc gia Việt Nam là ông Trần Văn Hữu tham dự Hộng nghị San Francisco ký hiệp ước hòa bình với Nhật, được nước này bồi thường chiến tranh bằng một số hiện kim và những công trình xây dựng (như đập thủy điện Đa nhim).
VNDCCH không hề “kế thừa” ở Pháp một cái gì.
Lãnh thổ của VNDCCH là lãnh thổ có được do “chinh phục”.
Từ ngày thành lập, VNDCCH chưa hề có một tuyên bố bất kỳ nào về chủ quyền HS và TS, ngoại trừ công hàm 1958 do Phạm Văn Đồng ký tên. Nhưng nội dung công hàm này thì VNDCCH mặc nhiên nhìn nhận chủ quyền các đảo HS và TS thuộc về TQ.
Về pháp lý.
1/ Chiếu theo qui định của luật Biển quốc tế về vùng vùng lãnh hải. Trong vùng lãnh hải quốc gia có thẩm quyền tương tự như trên lãnh thổ nước mình. Ngoại trừ “quyền qua lại không gây hại” của thuyền bè nước ngoài.
Quốc gia có đủ các quyền (tài phán) xét xử theo luật lệ nước mình, bất kỳ những hành vi phạm luật (quốc tế hay quốc gia) của bất kỳ thể nhân nào, nước ngoài hay nước mình, gây ra trong vùng biển này.
2/ Sự im lặng của VN trước hành vi của hai cường quốc, TQ và Mỹ, khi hai nước này đưa tàu chiến (và phi cơ chiến đấu) rượt đuổi trong lãnh hải của nước mình (ở đây là lãnh hải đảo Tri Tôn), có ý nghĩa là VN từ khuớc thẩm quyền tài phán của mình tại vùng lãnh hải của lãnh thổ đó.
Trường hợp một vùng lãnh thổ quốc gia bị quốc gia khác chiếm đóng (như trường hợp đảo Tri tôn, thuộc Hoàng sa), sự lên tiếng của quốc gia là cần thiết, trước công pháp quốc tế, để khẳng định chủ quyền và sự liên tục quốc gia (tại vùng lãnh thổ bị chiếm đóng).
3/ Sự kiện tàu chiến của Mỹ, sau đó tàu chiến và phi cơ chiến đấu của TQ, “quần thảo”, hay “rượt đuổi” trong vùng lãnh hải đảo Tri tôn là những hành vi đe dọa an ninh VN và khu vực. Điều này đi ngược lại qui chế pháp lý của luật quốc tế, cũng như vi phạm pháp luật của VN.
Những tuyên bố hung hăng của TQ đối với Mỹ, về sự việc xảy ra trong vùng nước thuộc thẩm quyền của VN, là hành vi khiêu khích đối với VN, một đất nước có chủ quyền.
Các việc này đi ngược qui tắc pháp lý quốc tế. Mọi quốc gia có trách nhiệm đều phải lên tiếng phản đối.
4/ Đảo Tri tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa là một vùng lãnh thổ có tranh chấp giữa VN và TQ từ lâu đời. Thái độ im lặng của VN, trước một sự kiện bắt buộc quốc gia phải có một thái độ, được tập quán quốc tế nhìn nhận như là “đồng thuận ám thị” từ bỏ chủ quyền.
5/ Khi VN giữ thái độ im lặng thì hành vi (đe dọa sử dụng vũ lực) của TQ lại được xem như là hành vi “khẳng định chủ quyền”.
Việt Nam từ bỏ chủ quyền tại đảo Tri Tôn, có nghĩa VN đồng thời từ bỏ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.
Về kinh tế và chiến lược.
1/ Đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa là một cồn cát nhỏ, có một chỏm nổi thường trực trên mặt biển. Không phù hợp cho đời sống. Không tạo nên một nền kinh tế tự tức. Theo luật Biển, đảo này chỉ có lãnh hải tối đa là 12 hải lý. Đảo này nằm trong vùng Kinh tế độc quyền (EEZ) của Việt Nam, cách đảo Lý sơn khoảng 123 hải lý (bề rộng EEZ theo qui định luật quốc tế là 200 hải lý).
2/ Từ bỏ chủ quyền của VN ở Hoàng Sa cho TQ. Hệ quả VN mất toàn bộ vùng biển lịch sử, cũng như các ngư trường lịch sử của dân tộc VN tại Hoàng Sa.
VN có thể mất thêm vùng biển EEZ của nước mình, vì sự “chồng lấn” hải phận EEZ của bờ biển VN với EEZ của quần đảo Hoàng Sa. VN có thể mất hàng trăm ngàn (thậm chí hàng triệu) cây số vuông biển. TQ có thể sử dụng đảo Tri Tôn làm điểm cơ bản để phân định biển theo cách “chia đôi”. Tức phân định theo “đường trung tuyến”, như hình minh họa (dẫn từ GS M. Valencia) dưới đây.
3/ Đảo Tri tôn có lợi cho TQ về mặt an ninh chiến lược. TQ có thể mở rộng đảo này như (đá Chữ Thập) ở Trường Sa đồng thời “quân sự hóa” nó. Đảo Tri Tôn có khả năng là tiền đồn bảo vệ các căn cứ của TQ ở Hoàng Sa và đảo Hải Nam. Toàn vùng biển của VN, từ cửa Vịnh Bắc Việt cho tới các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, đều nằm dưới sự kiểm soát của đảo Tri tôn và các căn cứ TQ tại Hoàng Sa.
4/ Đảo Tri Tôn, cùng với hệ thống các đảo nhân tạo mới xây đắp ở Trường Sa, trở thành một chuỗi “tiền đồn” chiến lược, có khả năng cản trở bất kỳ một động tác nào của hải quân VN. Việc này sẽ yễm trợ tích cực cho yêu sách đường chín đoạn của TQ cũng như việc “thâu hồi” các đảo ở Trường Sa.
5/ Tri Tôn, cũng như một số đảo ở Hoàng Sa và chuỗi đảo nhân tạo ở TS đã được quân sự hóa, TQ sẽ dễ dàng tuyên bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ), với bề rộng tương ứng với đường chín đoạn dưới mặt biển.
Thi Sĩ Bùi Chí Vinh.
Biển Đông không chấp nhận “Đường Lưỡi Bò” láu cá
Không chấp nhận tàu Hải Giám, tàu Ngư Chính thưa em (thứ tàu lạ mơ hồ)
Biển Đông không có dầu hỏa cho bọn cường hào, không có thềm lục địa cho ác bá
Nhưng có ngư dân hiền lành và tuổi trẻ khát tự do
Biển Đông tang thương từ những rặng san hô
Nơi xác cha ông trồi lên thành quần đảo
Nơi bọn xâm lăng đang gióng trống giương cờ
Tưởng đất nước Tiên Rồng thời bình trôi hết máu
Anh đã từng nếm mùi chiến tranh, từng nếm mùi đói cơm thiếu áo
Thoát chết ở Trường Sơn, sống lại ở đồng bằng
Thuộc lòng sử Việt Nam như một người tử đạo
Thương cọc nhọn Ngô Quyền, mê chiến thắng Bạch Đằng Giang
Làm sao có thể thờ ơ trước bầy cá mập ăn đêm
Dám lồng lộn khắp Biển Đông dọa nạt
Chúng săn anh và chúng đuổi em
Bằng lý luận của Thiên Triều xưa… “quá đát”
Em ơi em tự do có thật
Mộ gió cha ông cũng có thật kia kìa
Sờ lên ngực anh đi, khi trái tim còn đập
Thì đâu dễ gì giặc phương Bắc được hả hê ?
Em ơi em khi sinh tử cận kề
Mới hiểu hết thế nào là nhân quả
Mới thấy “cháy nhà ra mặt chuột” ngô nghê
Thấy “tàu lạ” thành tàu quen… dối trá
Biển Đông không có chỗ cho Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống rạp mình hèn hạ
Không có chỗ cho tàu Hải Giám, tàu Ngư Chính “giả nai” quen thói mơ hồ
Càng không có dầu hỏa cho cường hào, không có ngư trường cho ác bá
Chỉ có cọc nhọn Bạch Đằng và cánh tay “Sát Thát” khát tự do !
Nguồn Mạng.