4-7-2017
Vụ tàu khu trục của Mỹ, chiếc US Stethem, áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hôm chủ nhựt, 2 tháng bảy, đã tạo phản ứng hết sức gay gắt nơi TQ. Phát ngôn nhân BNG Trung quốc ông Lục Kháng cho rằng hành vi của tàu chiến Mỹ là « khiêu khích chính trị và quân sự, đe dọa an ninh Trung Quốc ». Ông này cũng cho biết TQ sẽ đưa tàu chiến và phi cơ chiến đấu đến khu vực.
Báo chí cho biết chuyện này xảy ra sau cú điện thoại của ông Trump cho Tập Cận Bình về vụ Bắc Hàn.
Điều này cho thấy Mỹ đã đặt Biển Đông lên bàn cân để mặc cả với TQ về vấn đề Bắc Hàn. Hệ quả là Mỹ có thể “giao” Biển Đông cho TQ nếu vấn đề Bắc Hàn được TQ giải quyết theo ý muốn của Mỹ.
Nhưng ý muốn của ông Trump là gì vẫn chưa rõ rệt.
Bắc Hàn là “hòn đá tảng” cho hòa bình khu vực Bắc Á, bao gồm TQ, Nhật, Nam, Bắc Hàn, Nga (và Mỹ). Hòn đá “chông chênh”, thí dụ Bắc Hàn sụp đổ, Hàn quốc thống nhứt. Nga và TQ (thậm chí Nhật và Mỹ) sẽ không bao giờ chấp nhận một tình huống địa chiến lược đảo ngược, bất lợi cho nhiều phía.
Hàn Quốc thống nhứt, đông dân và giàu mạnh, xứng danh với tên “Đại Hàn”, chắc chắn sẽ không cần đến Mỹ. Quân Mỹ đóng ở đây, không còn lý do ở lại, phải rút về. Đồng thời một Hàn quốc giàu mạnh thách thức cả Nhật lẫn TQ. Di sản lịch sử giữa Đại Hàn và Nhật để lại từ thế kỷ 19 đến sau Thế chiến thứ II có nhiều gúc mắc chưa giải tỏa hết. Trật tự khu vực sẽ thay đổi.
Có lẽ ông Trump muốn thay Kim jong Un bằng một lãnh tụ khác, hiếu hòa và biết điều hơn. Điều này nằm trong khả năng của TQ. Nhưng vấn đề là người có thể thay thế Jong Un là Kim jong Nam, anh cùng cha khác mẹ với Jong Un, đã bị giết ở phi trường Mã Lai (sát thủ là hai phụ nữ, trong đó có một người VN).
Thế lưỡng nan, “statu quo ante” chấp nhận hiện trạng, không bao lâu thì hỏa tiễn Bắc Hàn có thể đe dọa cả Hoa Kỳ. Lật đổ Kim Jong Un, cái hộp “pandore” (la boite de pandore) sẽ mở ra, chiến tranh đau khổ sẽ lan tràn. Nếu ai có đọc lịch sử thần thoại Hy Lạp sẽ biết điều này.
Nhưng vấn đề chiếc tàu khu trục của Mỹ đi qua vùng lãnh hải của đảo Tri Tôn, bất kể sự phản đối của TQ, lại cho ta thấy thái độ của lãnh đạo CS Hà nội về chủ quyền lãnh thổ.
Luật Biển của VN điều 12 nói về “chế độ pháp lý của lãnh hải”. Khoản 2 ghi như sau:
“Tàu thuyền của tất cả các quốc gia được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam. Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.”
Luật biển của VN không khác với luật biển của TQ về việc tàu chiến đi qua lãnh hải quốc gia.
Ta thấy phía TQ cực lực phản đối, đe dọa đưa tàu chiến và máy bay tới để ngăn cản, khi biết tàu khu trục của Mỹ đi qua hải phận đảo Tri Tôn. Trong khi phía VN hoàn toàn im lặng, xem như việc này không liên quan đến quốc gia mình.
Sự im lặng của VN, trước một sự việc đòi hỏi nhà nước phải có thái độ, được tập quán quốc tế xem như là sự “động thuận ám thị”.
Nhà nước VN đã mặc thị nhìn nhận đảo Tri Tôn không thuộc chủ quyền của VN.