Tin trong nước
1. Mỏ Cá Voi Xanh chặn Đường Lưỡi Bò, Trung Quốc nổi giận
Công ty Mỹ ExxonMobil đã ký hợp đồng với Việt Nam, thực hiện dự án Mỏ Cá Voi Xanh, khai thác dầu khí ở lô 118, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 88 km. Do “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc nằm giữa lô này, nên đã làm Trung Quốc nổi giận.
Ảnh: internet
Tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc đến thăm Việt Nam theo lịch trình hai ngày 18 và 19/6/2017, nhưng chiều 18/6 ông ta bất ngờ rời khỏi Hà Nội mà không cho biết nguyên nhân.
Phát biểu với báo South China Morning Post, ông Ngô Sĩ Tồn, chủ tịch Viện Nghiên cứu Nam Hải, TQ cho biết: “Một nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc cắt ngắn chuyến thăm của ông Phạm [Trường Long] có thể là vì Bắc Kinh xem Việt Nam nuốt lời hứa không khai thác dầu khí ở khu vực tranh chấp ở Nam Hải“.
Ông Bill Hayton, chuyên gia về Biển Đông của đài BBC nói, dự án ‘Cá Voi Xanh chặn Đường Lưỡi Bò‘ của Trung Quốc.
2. Hải quân VN-Philippines ‘giao lưu thể thao’ ở Biển Đông
Hải quân hai nước Việt – Philippines thực hiện các hoạt động giao lưu thể thao tại một hòn đảo trên biển Đông, nơi mà Philippines nắm giữ hàng thập niên trước đó, nhưng hiện do Việt Nam kiểm soát.
Kể từ năm 2014, hải quân hai nước thực hiện các hoạt động giao lưu thể thao hàng năm, nhằm thể hiện sự đoàn kết, chống lại sự quyết đoán ngày càng gia tăng của TQ, trong việc quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa.
3. Người dân miền Trung biểu tình đòi tiền bồi thường Formosa
Trang Tin mừng cho người nghèo thực hiện live stream trực tiếp trên Facebook về việc người dân xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình kéo lên UBND xã biểu tình, yêu cầu chính quyền chi trả tiền bồi thường và phản đối Formosa. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã hứa, đến 30/6 sẽ hoàn thành việc bồi thường cho người dân. Tuy nhiên, nhiều nơi thuộc 4 tỉnh miền Trung vẫn chưa nhận được tiền và tình trạng khiếu nại, khiếu kiện của người dân vẫn diễn ra thường xuyên và phức tạp.
4. Khởi tố nhà báo Lê Duy Phong
Các tờ báo “lề phải” cho biết, công an tỉnh Yên Bái đã chính thức khởi tố và tạm giam 4 tháng đối với nhà báo Lê Duy Phong, là người thực hiện một loạt bài về tài sản của Giám đốc Sở công an Yên Bái Đặng Trần Chiêu. Ông Phong bị khởi tố tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản”.
Báo Tuổi Trẻ tường thuật cuộc họp báo của Công an Yên Bái về vụ bắt giữ này. Tuy nhiên, những thông tin công an cung cấp rất sơ sài và không cho biết thêm thông tin mới, với lí do là vụ án đang điều tra. Một số blogger nhận định, việc ông Phong nhận tiền của doanh nghiệp có dấu hiệu bị gài bẫy.
5. Truy nã ông Vũ Đình Duy
Theo báo VnExpress, Bộ Công an đã chính thức truy nã toàn quốc ông Vũ Đình Duy, cựu Tổng giám đốc PVTex. Như vậy là ông Vũ Đình Duy trốn ra nước ngoài hơn nửa năm sau mới bị truy nã. PVTex là Công ty thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam, được đầu tư rất lớn nhưng đã thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng trong vài năm trước.
Cùng vụ việc, Công an khởi tố 4 người, nhưng chỉ có Vũ Đình Duy trốn ra nước ngoài từ năm ngoái. Sự kiện này tương tự như việc truy tố ông Trịnh Xuân Thanh, gây ồn ào dư luận một thời gian. Ông Thanh hiện vẫn ở nước ngoài và chưa có dấu hiệu công an Việt Nam có thể bắt giữ nhân vật này.
6. Thanh tra đột xuất vụ tài sản khủng ở Yên Bái
Pháp Luật TP HCM đưa tin, Thanh tra chính phủ đang tiến hành thanh tra đột xuất tài sản khủng của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Yên Bái. Ông Quý là em trai bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái.
Tỉnh Yên Bái gần đây xuất hiện dày đặc trên truyền thông nhà nước. Ngoài sự kiện trên, còn có hình ảnh về biệt thự khủng của ông Đặng Quốc Chiêu, Giám đốc Sở Công an Yên Bái và vụ khởi tố nhà báo Lê Duy Phong của báo Giáo dục Việt Nam, là người đã thực hiện bài điều tra về tài sản của ông Chiêu.
7. Sự kiện vịnh Hạ Long bị phá nát
Báo Tầm Nhìn có đăng một phóng sự ảnh về công trường khai thác đá tại vịnh Hạ Long, nơi được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Những hình ảnh này đã được người dân đưa lên mạng xã hội cách đây gần 1 tháng, nhưng đây là lần đầu tiên xuất hiện trên một tờ báo nhà nước.
8. Vụ tàu vỏ thép dởm:
Theo báo Người Lao Động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị khởi kiện, điều tra, làm rõ vụ đóng tàu thép dởm cho ngư dân. Đây là quan chức cao nhất địa phương lên tiếng, yêu cầu điều tra vụ việc. Tuy nhiên, yêu cầu này né tránh công ty Nam Triệu của Bộ Công an, chỉ tập trung vào công ty Đại Nguyên Dương.
9. Hồi ký “Một con gió bụi” của sử gia Trần Trọng Kim bị thu hồi
Theo báo Tuổi Trẻ, cuốn hồi ký Một cơn gió bụi của sử gia Trần Trọng Kim đã bị cục xuất bản, in và phát hành ra lệnh thu hồi vì lý do “trong cuốn sách có nhiều chi tiết, đánh giá không phù hợp, không khách quan hoặc chưa được kiểm chứng“.
Ảnh bìa Hồi ký Một cơn gió bụi, của sử gia Trần Trọng Kim
Đây là cuốn hồi ký của nhà chính trị, một sử gia nổi tiếng vào giữa thế kỷ XX, kể về thời điểm ông bắt đầu tham gia chính trường và thành lập Chính phủ đầu những năm 1945. Chính phủ của ông Kim bị Việt Minh đảo chánh và giành chính quyền vào tháng 8/1945.
10. Dư thừa Giám đốc Sở vì giải quyết chính sách
Tuổi Trẻ cung cấp thông tin, Sở Nội vụ Hà Nội có đến 8 Phó Giám đốc Sở, gấp đôi so với quy định là 4 người. Ông Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy trả lời nguyên nhân là phải giải quyết chính sách cho những người hết tuổi tái cử.
11. Ông Võ Văn Thưởng: “Không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng”
Báo Thanh Niên dẫn lời của ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, trong cuộc tiếp xúc cử tri tại Nhơn Trạch, Đồng Nai, cho biết: “Quyết tâm này không chỉ trong Nghị quyết Đảng, pháp luật mà còn thể hiện qua hành động cụ thể, không có vùng cấm, và bất cứ ai vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật“.
Không rõ đây có phải thực tâm của ông Thưởng hay của Bộ Chính trị Đảng CSVN, hay lại là lời nói suông của quan chức cao cấp như họ vẫn thường xuyên nói.
12. Người dân tự chống cát tặc ở Hải Dương
Báo Thanh Niên đưa tin, người dân ở thôn Tân Thắng, xã Thái Tân, Huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đã lập chòi canh, góp tiền mua thuyền, cắt cử người ứng trực để giữ đất, giữ đê. Nguyên nhân là do tình trạng khai thác cát quá nhiều, trong khi chính quyền ngó lơ, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Người dân bên chòi canh cát tặc. Ảnh: Lê Tân/ báo TN
Không rõ chính quyền địa phương sử dụng tiền thuế của người dân vào những mục đích nào, trong khi người dân không biết dựa vào đâu khi cát tặc hoành hành và họ phải tự đứng ra bảo vệ mình.
13. Nhà nước quyết thu thuế bán hàng qua mạng
Theo báo Tuổi Trẻ, cơ quan thuế sẽ tiến hành nhiều biện pháp để tìm cách quyết liệt thu thuế những người bán hàng qua mạng. Theo đó, họ sử dụng cả việc nhập vai, điều tra cùng với công an và kết hợp với các công ty như Facebook, Google để khóa tài khoản người sử dụng. Có lẽ việc ngân sách đang thâm hụt nghiêm trọng, khiến chính quyền tìm mọi cách tận thu từ người dân, dù phải sử dụng mọi biện pháp có thể.
14. Ngư dân Việt bị Malaysia bắt ở Sarawak
RFA đưa tin, trong 5 tháng đầu năm, đã có 18 vụ bắt giữ với tổng cộng 196 ngư dân Việt. Năm 2016 có 14 vụ bắt giữ với 189 ngư dân Việt đánh bắt trái phép tại vùng biển Sarawak. Số lượng ngư dân Việt bị các nước quanh khu vực bắt giữ ngày càng tăng. Một phần nguyên nhân là do nguồn lợi thủy hải sản ở Việt Nam bị cạn kiệt, những ngư trường quen thuộc như Hoàng – Trường Sa đều bị Trung Quốc cấm gắt gao.
Tin quốc tế
1. Ông Lưu Hiểu Ba bị ung thư
Đài BBC đưa tin, ông Lưu Hiểu Ba, nhà chính trị đối lập ở Trung Quốc, là người được giải Nobel Hòa Bình năm 2010, đã được Trung Quốc đưa đi bệnh viện với chuẩn đoán ung thư gan giai đoạn cuối.
Ông Lưu Hiểu Ba bị Trung Quốc kết án 11 năm tù vì tội kích động lật đổ chính quyền. Ông không thể nhận giải Nobel Hòa Bình vì lúc đó ông đang bị giam giữ trong tù. Ban tổ chức giải đã biểu dương ông bằng một chiếc ghế trống.
2. Đại sứ Nga ở Mỹ bị triệu hồi
Ông Sergey Kislyak, đại sứ Nga ở Mỹ đã bị triệu hồi về nước. Kislyak đã và đang là tâm điểm của những cơn bão lửa, khi những thông tin về cuộc gặp gỡ giữa ông và cựu Thượng Nghị sĩ Jeff Sessions, hiện là Bộ trưởng Tư pháp trong chính quyền Trump, bị lộ ra ngoài, dẫn đến việc ông Sessions phải đứng sang một bên, không tham gia vào bất kỳ cuộc điều tra nào về mối quan hệ Trump – Nga.
Trước đó, những cuộc điện đàm giữa ông Kislyak với trung tướng Michael Flynn, là người được ông Trump bổ nhiệm, đã làm cho ông tướng ba sao này bay chức Cố vấn An ninh Quốc gia, sau khi nắm giữ chức vụ này đúng 23 ngày.
3. Thủ tướng Ấn Độ thăm Mỹ
RFA đưa tin về cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Modi và Tổng thống Mỹ Trump. Mối quan hệ thân thiết giữa Ấn và Mỹ có thể khiến Trung Quốc khó chịu và lo ngại. Ấn Độ vẫn thường xuyên tranh chấp chủ quyền biên giới với Trung Quốc và Mỹ vẫn coi sự bành trướng của Trung Quốc là một mối đe dọa.
4. Dân biểu Mỹ kêu gọi cấm buôn bán thịt chó, mèo toàn cầu
Hai dân biểu thuộc phái đoàn Quốc hội Florida, ông Vern Buchanan thuộc đảng Cộng hòa và ông Alcee Hastings thuộc đảng Dân chủ, kêu gọi chấm dứt buôn bán thịt chó, mèo trên toàn thế giới.
Hai dân biểu nói trên đã đưa ra nghị quyết kêu gọi các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Campuchia, Ấn Độ, cũng như tất cả các nước khác trên thế giới, chấm dứt việc mua bán thịt chó, mèo và thi hành các luật lệ hiện có, nhằm chống lại các hoạt động mua bán hai loài vật này.
Có thể nói đây là tin vui nhất cho lũ chó, mèo, nhưng lại là tin buồn cho những ai thích ăn thịt chó, mèo, hai loài vật mà người dân Mỹ xem như những thành viên trong gia đình, bởi mối quan hệ gần gũi và thân thiết giữa hai loài vật này với chủ nhân của chúng.