Quân đội ngưng kiếm tiền: Hãy chờ xem

FB Nguyen Anh Tuan

24-6-2017

Trung tướng Lê Chiêm. Ảnh: internet

Còn nhớ hơn 10 năm trước đây, ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành chỉ thị về việc dân sự hóa các đơn vị kinh tế trong lực lương vũ trang.

Suốt 10 năm qua, dễ thấy, cả quân đội lẫn công an – hai bộ phận cấu thành lực lượng vũ trang quốc gia – chẳng những không chịu buông các đơn vị kinh tế của họ, mà còn nâng đỡ để chúng ngày một phình to hơn. Rất nhiều trong số những đơn vị kinh tế này, hoặc là cấu kết với các nhóm lợi ích thân hữu, hoặc là dựa hơi những ông chủ mang súng, khoác quân phục đầy quyền lực của họ, gây ra vô số hệ lụy cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, cả ngắn hạn lẫn dài hạn.

Ngắn hạn như những biểu hiện trục lợi bất chấp lợi ích cộng đồng gần đây, từ lấy đất sân bay làm sân golf (công ty Long Biên – Bộ Quốc Phòng), đến đóng tàu vỏ thép kém chất lượng lừa ngư dân (công ty Nam Triệu – Bộ Công An) hay cưỡng chế đất làng Đồng Tâm (Viettel – Bộ Quốc phòng) hoặc dùng áp lực chính trị để thắng thầu dự án đầu tư công (công ty 319 – Bộ Quốc phòng).

Dài hạn là những mạng lưới quyền-tiền chằng chịt, công-tư hỗn độn, nhiệm vụ quốc phòng-mục tiêu lợi nhuận không phân minh, đã bóp méo một nền kinh tế thị trường vốn đã méo mó của đất nước thông qua việc lũng đoạn chính sách, triệt tiêu cạnh tranh, và chiếm đoạt nguồn lực quốc gia.

Mười năm qua sau chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tình hình tệ đi chứ không tốt hơn. Vậy nên cần thêm thời gian để kiểm chứng tuyên bố của tướng Chiêm rằng quân đội sẽ ngưng kiếm tiền.

CÁCH ĐƠN GIẢN KIỂM CHỨNG LỜI TƯỚNG CHIÊM

Trong một diễn biến liên quan, ngày 21/6 vừa qua, Quốc Hội đã thông qua Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) trong đó NGHIÊM CẤM quân đội sử dụng TÀI SẢN ĐẶC BIỆT, TÀI SẢN CHUYÊN DÙNG vào MỤC ĐÍCH KINH DOANH, cho thuê, liên doanh, liên kết và hình thức kinh doanh khác.

Tài sản đặc biệt gồm vũ khí, khí tài, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đặc biệt; phương tiện đặc chủng, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ; công trình chiến đấu, công trình phòng thủ chiến lược.

Tài sản chuyên dùng là đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất thuộc DOANH TRẠI, TRỤ SỞ ĐÓNG QUÂN, kho tàng, học viện, trường đào tạo nghiệp vụ quốc phòng, an ninh, trường bắn, thao trường, bãi tập, cơ sở giam giữ của lực lượng vũ trang nhân dân…

Hiện có thể nhận thấy khắp trong Nam ngoài Bắc, rất nhiều doanh trại quân đội (đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng) cắt đất cho thuê mở nhà hàng tiệc cưới, khách sạn, khu vui chơi giải trí, phòng khám bệnh, và nhiều loại hình kinh doanh khác.

Vậy nên một phép thử đơn giản cho lời tướng Chiêm là sau một thời gian nữa, mọi người hãy cùng để ý xem các doanh trại, trụ sở đóng quân này có tháo dỡ các công trình kinh doanh trong đất của họ không?

Đặc biệt là ở khu vực Quân khu 5 ở Đà Nẵng, nơi mà lúc tướng Chiêm làm Tư lệnh đã mọc lên nhiều nhà hàng tiệc cưới, khách sạn, quán cafe.

NGƯNG KIẾM TIỀN: CHỈ LÀ BƯỚC ĐẦU TRONG CẢI CÁCH MỐI QUAN HỆ QUÂN SỰ-DÂN SỰ

Việc quân đội ngưng kiếm tiền để tập trung cầm súng, nếu thành hiện thực, chỉ nên được coi là bước đầu tiên trong việc tái định nghĩa lực lượng này trong tiến trình hiện đại hóa quốc gia, và quan trọng hơn, trong việc cải cách mối quan hệ giữa quân sự (quân đội) và dân sự (nhà nước, xã hội) ở Việt Nam trước bối cảnh mới.

Còn rất nhiều câu hỏi khác cần giải đáp như: Tướng lĩnh có được đứng đầu Bộ Quốc phòng, hay phải là viên chức dân sự? Ranh giới nào giữa thẩm quyền/sự tự chủ chuyên môn của quân đội và sự phục tùng của họ đối với lãnh đạo dân sự? Quân đội có nên hoạt động trong lĩnh vực an ninh nội địa hay chỉ nên tập trung vào phòng thủ quốc gia? Có được sinh hoạt đảng phái trong quân đội?

Mô hình “sự kiểm soát dân sự [đối với quân sự] khách quan” của Samuel Huntington với 4 yếu tố cấu thành bên dưới có thể là một tham khảo:

1) Quân đội chuyên nghiệp hóa mức độ cao, và quân nhân nhận thức rõ về giới hạn thẩm quyền chuyên môn của họ;

2) Sự phục tùng của quân nhân đối với giới lãnh đạo chính trị dân sự – những người đưa ra các quyết định hệ trọng về chính sách ngoại giao và quân sự;

3) Sự thừa nhận và chấp thuận của giới lãnh đạo chính trị dân sự đối với địa hạt của thẩm quyền chuyên môn dành cho quân đội ;

4) Kết quả là, giảm đến mức tối thiểu sự can thiệp quân sự vào chính trị cũng như sự can thiệp chính trị vào quân sự.

(Samuel P. Huntington (1995), Reforming Civil Military Relations, Journal of Democracy Vol.6)

Bình Luận từ Facebook