JB Nguyễn Hữu Vinh
20-11-2017
Ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo và ngày nhà giáo Việt Nam
Những năm gần đây, người Việt Nam có một khái niệm mới: Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Rất nhiều người Việt Nam, nếu không muốn nói là đa số, không hiểu ngày này bắt nguồn từ đâu, hay cũng chỉ như những ngành khác có “ngày” như ngày thương binh liệt sĩ, ngày biên phòng Việt Nam, hoặc ngày vì nạn nhân chất độc da cam, ngày Phụ nữ Việt Nam
Thực tế, những cái “ngày” được sinh ra dưới chế độ Cộng sản, chỉ là những ngày nhằm phục vụ lợi ích của đảng Cộng sản, nó sẽ được thành lập, được ca tụng, được báo chí lăng xê, được tổ chức rầm rộ… nếu nó còn có tác dụng cho đảng trong thời kỳ đó.
Ngược lại, nó sẽ bị lãng quên, bị cấm nói đến, cấm nhắc nhở và thậm chí sẽ được coi là “thế lực thù địch” nếu ai còn nhớ, còn nhắc đến nó.
Chẳng hạn ngày chiến tranh Biên giới phía Bắc, bao năm nay đã được đảng cố tình xóa đi trong lịch sử, trong sách giáo khoa, trong tiềm thức người Việt, chỉ vì nó ảnh hưởng đến “bạn vàng” của đảng là những kẻ bành trướng, bá quyền nước lớn phương Bắc – nhưng lại là quan thầy của đảng CSVN hiện nay.
Cũng như, khi đảng CSVN phát động, cổ vũ cho cuộc chiến tương tàn Bắc – Nam, khi đó, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phía bắc – một quốc gia chưa được Liên hợp quốc công nhận – đã ngang nhiên phát động một cuộc chiến tranh và đưa con người, vũ khí, thiết bị ào ạt vào Việt Nam Cộng hòa – Một quốc gia có chủ quyền và được Liên hợp quốc công nhận – thì những phong trào phản chiến, đấu tranh, xuống đường biểu tình của các giới sinh viên, trí thức, Phật giáo… được đảng CSVN ca ngợi và đặt thành “Ngày”. Trong đó có ngày truyền thống Sinh viên Việt Nam 9/1: Ngày đó sinh viên Trần Văn Ơn đã xuống đường và đã chết trong một cuộc biểu tình có bạo lực.
Những năm tháng đó, đảng CSVN luôn hô hào, cổ vũ học sinh, sinh viên xuống đường đấu tranh, biểu tình, bãi khóa, bãi thị… nhằm “thực hiện quyền công dân”, làm rối loạn Việt Nam Cộng Hòa và “lật đổ một chính quyền bù nhìn” – được nhân dân bầu lên.
Thế rồi người Cộng sản đã chiếm được cả miền Nam, đất nước không còn “dưới gót sắt quân xâm lược Mỹ và ngụy quyền” mà đã được thay thế bằng “sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng CSVN” thì việc sinh viên ho he xuống đường, biểu tình hoặc ý kiến ý cò ngay cả trên mạng ảo là tội “Lật đổ chính quyền nhân dân” – do đảng nặn ra.
Từ đó trở đi, “Ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam” bị đảng lờ đi rất bài bản và có chủ đích. Những văn bản hăm dọa đuổi học, dọa nạt học sinh, sinh viên trong những ngày người dân biểu tình chống Trung Cộng xâm lăng bờ cõi, lãnh hải và thái độ ươn hèn, tay sai của nhà cầm quyền Việt Nam đã nói lên điều đó rất rõ ràng.
Nếu như, giờ này có ai đó mang câu khẩu hiệu đã đặt trước quan tài Trần Văn Ơn năm 1950 ở miền Nam dưới “chế độ bù nhìn, ngụy quyền” với nội dung: “Chết vì tổ quốc, chết mà vẫn sống. Sống kiếp Việt gian, ô nhục muôn đời” ra trước cổng văn phòng Trung ương Đảng CSVN, thì tôi dám đánh cá rằng cái tội “Lật đổ chính quyền nhân dân” sẽ được khoác vào cổ là chắc chắn. Bởi điều mà người cộng sản hả hê tung hô xưa kia, giờ đã trở thành húy kỵ với người Cộng sản hôm nay. Bởi đó là điều thực tế nhưng là sự sỉ nhục nhất với đảng CSVN hiện nay.
Chỉ vì chính họ đang liếm lại những bãi nước bọt mà họ đã khạc nhổ ra cách đây mấy chục năm về chế độ phong kiến, thực dân và tay sai…
Thế nên, nhiều người vẫn không hiểu cái “Ngày nhà giáo Việt Nam” được tưng bừng kỷ niệm hôm nay là do đâu mà có.
Sau này, khi tìm hiểu mới biết được rằng, một số nước trên thế giới đã thống nhất lấy ngày 20/11 hàng năm làm ngày “Hiến chương các nhà giáo” bắt nguồn từ một sự kiện được ghi lại trên wikipedia như sau: Trích: “Tháng 7 năm 1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo được thành lập ở Paris đã lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo viên (tiếng Pháp: Fédération Internationale Syndicale des Enseignants – FISE).
Nǎm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo viên đã ra bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo”.
Mãi cho đến 28/9/1982 thì chính phủ Việt Nam mới có quyết định số 167-HĐBT lấy ngày 20/11 làm ngày nhà giáo Việt Nam.
Tưng bừng kỷ niệm
Ngày nhà giáo Việt Nam 20/10 hàng năm được tổ chức rầm rộ từ nhiều cấp, nhiều nơi và nhiều đối tượng.
Có phải vì nhà nước CSVN coi trọng sự nghiệp giáo dục?
Tôi nghĩ là chưa hẳn như vậy. Trong một bài viết trước đây về các “ngày” ở Việt Nam chúng tôi đã phân tích rõ rằng: Những giới, những lĩnh vực, nghề nghiệp được đảng ưu ái cho một “ngày” thì hãy coi chừng. Đó là những nơi gian truân nhất mà đảng, cán bộ đảng, con cái đảng chẳng ai thèm ngồi ở đó.
Họ chỉ tưng bừng khen ngợi, hò hét, hứa hẹn… nhằm xúi người dân đua nhau vào những chỗ đó mà thôi. Còn con cái họ thì chỉ vào những ngành nghề không thèm có “ngày” nào cả. Bởi ở Việt Nam không có những ngày như “Ngày con em cán bộ làm lãnh đạo là hạnh phúc dân tộc”, “Ngày cơ cấu”, “Ngày quan chức cộng sản” “Ngày tham nhũng, hối lộ”, “Ngày cậy chức, cậy quyền” hoặc “Ngày đưa du học nước ngoài”, “Ngày đi nước ngoài chữa bệnh”… Chẳng bao giờ có, và con cháu họ vào chính những nơi “không vinh quang” ấy thôi.
Những năm trước đây, khi mới cướp được chính quyền, người Cộng sản Việt Nam coi trí thức, việc học hành là tạo ra tầng lớp tiểu tư sản, tạo ra giai cấp trí thức là thứ mà người cộng sản không mấy ưa. Nếu cần dẫn chứng thì cũng không khó khăn lắm, bởi chính câu chủ trương của Đảng CSVN “Trí, Phú, Địa, Hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” đã nói lên đầy đủ.
Xa hơn chút trong hệ thống Cộng sản anh em, “Người anh cả vĩ đại”, lãnh tụ của bạn vàng, người anh em lớn của đảng CSVN là Mao Trạch Đông đã nói: “Trí thức chỉ là cục cứt”.
Cao hơn nữa, người thầy vĩ đại, lãnh tụ cộng sản của cả thế giới là Lenin trong thư gửi M.Gorki đã viết: “Bọn trí thức không bằng cục cứt”.
Vậy thì đám con cháu cộng sản của Lenin, cháu chắt Mao Trạch Đông tại Việt Nam có “đào tận gốc, trốc tận rễ” bọn trí thức là điều không có gì là lạ.
Việc tổ chức rầm rộ ngày nhà giáo Việt Nam, ngoài những lẽ trên, thì còn một vài yếu tố khác.
Người dân Việt thấy điều đó là hợp lẽ, bởi truyền thống tôn sư, trọng đạo của người Việt Nam là một truyền thống đẹp vốn tồn tại đúc kết từ ngàn đời nay. Nó được thể hiện qua từng hành động, từng lời răn dạy con cái, đời sau… cho đến tận ngày nay. Nào là:
– Không thầy đố mày làm nên.
– Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy
Nghĩ sao cho bỏ những ngày ước mong
– Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy.
– Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa.
Truyền thống tốt đẹp đó, dù đã trải qua mấy chục năm bị cuộc “cách mạng tư tưởng và văn hóa” của đảng tác động vẫn tồn tại không thể dập tắt.
Ngày nhà giáo để làm gì? Giáo dục là quốc sách hay… thất sách?
Trong bản Hiến chương các nhà giáo quốc tế gồm 15 chương, chủ yếu là: “đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo”.
Thế nhưng, “đảng ta” chỉ chú ý tập trung cho vế đầu, còn vế thứ hai là điều cấm kỵ, từ “đấu tranh bảo vệ quyền lợi nghề dạy học” hẳn nhiên là điều cấm kỵ, là “thoái hóa, biến chất và lật đổ chính quyền nhân dân”.
Hãy nghe người Cộng sản nói về nghề giáo viên là một “Nghề cao quý trong những nghề cao quý” – Phạm Văn Đồng. Và: ” “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?” – Hồ Chí Minh.
Vâng, đó là đào tạo nên những người cộng sản. Người cộng sản như thế nào, Chủ nghĩa xã hội là gì, chủ nghĩa cộng sản ra sao thì chúng ta đã thấy trên thực tế.
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa ông Nguyễn Văn Thiệu với kinh nghiệm một đời mình đã đúc kết: “Hãy nhìn việc cộng sản làm, đừng nghe những lời cộng sản nói”.
Thực tế “nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam” ra sao sau gần 80 năm – dưới “sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình” của người cộng sản? Đó là một “nền giáo dục không phải là lạc hậu mà là lạc hướng”
Một nền giáo dục đã sản xuất ra hàng triệu cán bộ cho đảng chỉ chăm chăm vào tham nhũng, hối lộ, sản sinh ra một bộ máy được chính chủ tịch nước Trương Tấn Sang hình tượng hóa là “một bầy sâu”.
Một nền giáo dục mà sản phẩm bị suy đồi từ nhân cách con người cho đến nề nếp đạo đức xã hội. Không chỉ là hiện tượng trò đánh thầy, con đánh cha, cháu giết bà, thảm sát hàng loạt mà là các thế hệ được trang bị một lý thuyết duy vật chất và thực dụng với nguyên lý “vật chất quyết định ý thức”.
Một nền giáo dục mà ở đó, thầy cô tự do báng bổ tôn giáo, thần thánh, tín ngưỡng và đạo đức của người dân nếu không phù hợp ý đảng.
Một nền giáo dục mà ở đó, học trò bị bịt tai, bịt mắt và bịt miệng để gò gẵng tạo thành những con robot biết nói tiếng người với những ngôn từ được cài sẵn vào bộ nhớ qua hàng trăm, hàng ngàn tiết dạy bắt buộc về Chủ nghĩa Mác – Lenin vô thần, vô đạo với phương châm “hồng hơn chuyên” thì việc phá vỡ đạo đức, luân lý xã hội nhằm phục vụ cho bản thân mình thỏa mãn bản năng là điều đương nhiên.
Một nền giáo dục trong môi trường Cộng sản khi mà cả nước từ lớn đến bé đều chỉ được “học tập và làm theo” một cái gọi là “tấm gương” từ hàng thế kỷ trước đây. Nghĩa là mọi sự sáng tạo, vượt cái trần kia đều là điều phản nghịch, cấm kỵ… thì việc đưa đất nước trở lại thời kỳ hoang dã là không có gì khó hiểu. Trong bài viết: “Không được cao hơn và học tập, làm theo: Tư duy của bầy cừu?” chúng tôi đã phân tích về cái phong trào học tập và làm theo tư tưởng đạo đức HCM.
Tiếc rằng, một dân tộc, một đất nước muốn tồn tại và phát triển được với thế giới đang tiến như vũ bão vào mọi mặt khoa học kỹ thuật và đời sống thì tư duy bầy cừu không thể áp dụng được.
Vì thế, việc tổ chức cái gọi là “Ngày nhà giáo Việt Nam” chỉ như một sự sỉ nhục và đưa các đối tượng là giáo viên thành tâm điểm xã hội để nhiều kẻ moi móc và bàn luận về những tiêu cực trong hoàn cảnh sống của họ. Đó cũng là việc làm vô lương mà chẳng có tác dụng gì cho họ.
Sống được bằng lương?
Ngày 17-11-2006, cách đây đúng 11 năm, trong buổi gặp gỡ 13 nhà giáo nhân dân và một số giáo sư ở khu vực phía Bắc, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã nói bộ sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình.
Mới nghe, cứ tưởng chuyện hài hước ở đâu đó. Câu hỏi đặt ra bởi bất cứ ai, đó là nếu đúng như lời ông Nhân nói, thì từ 2006 cho đến 2010 là bốn năm, giáo viên sẽ sống bằng lương của ai? Hay nói theo ngôn ngữ dân gian là “Cạp đất mà ăn”?
Thế nhưng, ngay cả điều tưởng như hài hước đó, cũng đã là câu chuyện không tưởng, dù cho đến nay, lời hứa của quan chức Cộng sản đó đã qua đi mới có… 11 năm và cái mốc hứa hẹn đã qua đi 7 năm.
Thế rồi, giáo viên vẫn phải bươn chải, nhục nhằn trong mưu sinh và tồn tại. Họ phải tìm đủ mọi cách để mưu sinh trong sự tủi hổ và khốn khổ cho sự nghèo khó của mình và trong sự rẻ rúng của xã hội.
Không phải ngẫu nhiên mà giáo viên bị điều động đi làm tiếp viên cho cán bộ đảng viên – một công việc mà người dân thường liên tưởng đến việc thường ngày của đám cave, gái mại dâm – và được cán bộ cho rằng như vậy không có gì là đáng nói.
Không phải ngẫu nhiên mà hết chỉ thị nọ, nghị quyết kia cấm dạy thêm, cấm đủ thứ thì người giáo viên nhân dân vẫn phải tìm mọi cách “lách nghị quyết” để “bán cháo phổi” của mình kiếm sống cho đủ khỏi “cạp đất mà ăn”.
Không phải ngẫu nhiên mà giáo viên buộc phải đi đầu bỏ những đồng lương chết đói của mình ra để “Cứu trợ lợn” bằng cách phải đăng ký mỗi tháng mua mấy chục ký thịt lợn ế.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà giáo viên ở Thạch Hà và một số huyện ở Hà Tĩnh buộc phải huy động học sinh đến các nhà hàng ăn hải sản nhiễm độc để làm gương cho dân mình bị đầu độc mà không biết sau thảm họa môi trường biển do Formosa mà họ vẫn cắn răng chịu đựng dù biết việc làm đó là thất đức.
Tất cả bắt nguồn từ việc coi nghề giáo dục là “Nghề cao quý trong những nghề cao quý” – một cách nói ngược của người cộng sản.
Bao năm đảng ra hết nghị quyết nọ, văn bản kia với ngành giáo dục đầy những ngôn từ kêu xủng xoảng rằng giáo dục là quốc sách, là tương lai đất nước, là ưu tiên của xã hội… bao cuộc cải cách, điều chỉnh… thì nền giáo dục vẫn cứ chậm dần đều về phía sau.
Thế nhưng, khi lời hứa của người Cộng sản đã qua đi theo gió, giáo viên vẫn cứ phải “cạp đất mà ăn” thì ông ta đã leo lên chức cao hơn là Ủy viên Bộ Chính trị.
Có lẽ không có nơi nào, không có gì dễ dàng và hào phóng như lời hứa của người Cộng sản Việt Nam.
Cũng chẳng có nơi nào, mà thực tế cuộc sống và hành động của người Cộng sản đã phỉ nhổ vào những lời từ miệng họ phán ra.
Nhưng, điều lạ nhất là chưa có một phản ứng tập thể nào từ phía các nhà giáo, những người đào tạo nên con người mới trong xã hội.
Khi những cỗ máy cái thể hiện sự chịu đựng nhẫn nhục của mình đến mức đó, thì sản phẩm là bầy cừu được sản xuất ra cũng mang sự nhẫn nhục cam chịu với triết lý “Sống nhục còn hơn chết” là bình thường.
Và người ta đàn cừu cứ mỏi mòn chờ đợi ông Ủy viên Bộ Chính trị Đảng CSVN thực hiện lời hứa với câu hỏi: Bao giờ cho đến năm 2010 để giáo viên được sống bằng lương?