Mạng xã hội không phải Trịnh Xuân Thanh

FB Trung Bảo

4-11-2017

Khi ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên TV với bộ dạng thất thần, đây đó vẫn có người khen “nghiệp vụ” của công an, lại có người đem cớ chống tham nhũng để biện minh cho việc làm mà sau đó dẫn đến một khủng hoảng ngoại giao. Mọi sự bây giờ đã rõ ràng, việc vi phạm luật pháp quốc tế không chỉ khiến những thứ vô hình như uy tín quốc gia sụt giảm mà còn làm tổn hại đến các quyền lợi kinh tế rất thiết thực.

Mạng xã hội ở Việt Nam không phải là thứ gây “đau đầu và mất thời gian” như ông Cục trưởng Cục An toàn thông tin của Bộ 4T ngây ngô phát biểu. Mạng xã hội hoạt động không chỉ trong phạm vi luật pháp Việt Nam mà nó còn được bảo hộ bởi những điều ước quốc tế mà Chính phủ đã ký với cộng đồng thế giới. Đừng ngây thơ nghĩ rằng khi đặt bút ký họ không biết về “tác hại” của mạng xã hội, có thể họ không ngờ tới sự lớn mạnh nhanh đến như vậy, nhưng họ vẫn phải ký vì các quyền lợi kinh tế đem lại từ việc tham gia làm ăn với cộng đồng thế giới là to lớn và không cưỡng lại được.

Dự thảo đòi các nhà cung cấp mạng xã hội quốc tế phải đặt máy chủ ở Việt Nam để tiện bề kiểm soát là ngớ ngẩn, và vi phạm các thoả ước đã ký kết trước đây. Chính phủ Việt Nam, khi đi sâu vào nền kinh tế thế giới để nhận những lợi lộc từ đó, thì người dân đương nhiên cũng được hưởng các thành tựu của nền kinh tế ấy mang lại. Mạng xã hội là một ví dụ.

Thử tưởng tượng tự nhiên một sáng ngủ dậy bạn không vào được facebook, tạm chưa nói đến việc phát cuồng của các đôi lứa yêu nhau từ nay sẽ không thể kiểm soát được đối phương đang like hay thả tim cho con/thằng nào, tạm chưa nói đến việc cuống cuồng vì mất liên lạc với người thân trong cơn bão ở quê nhà, hãy nói đến thiệt hại của hàng triệu tài khoản lâu nay kiếm tiền từ mạng xã hội rất dễ dàng.

“…mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”, chính những người sẽ bị mất đi thu nhập từ facebook sẽ là đối tượng phẫn uất nhất nếu họ bị tước đoạt công cụ kiếm tiền. Nhiều người lâu nay trong bọn họ đã quen với việc tự ru ngủ “lo kiếm tiền không quan tâm đến chính trị”. Tiếc thay, cho dù cố dặn lòng không quan tâm đến chính trị thì chính trị cũng sờ đến họ.

Không có bất kỳ dự án mạng xã hội Việt Nam nào thành công được là bởi các dự án này không thể đảm bảo được điều cốt yếu của mạng xã hội: Sự tự do. Facebook mang lại cho người ta không chỉ là công cụ kiếm tiền, tương tác, hay kiểm soát người yêu. Facebook còn mang lại cho người dân phương tiện nói ra quan điểm của mình với xã hội và nhà cầm quyền, mang lại phương tiện giám sát những công bộc bấy nay vẫn quen nói một chiều và có quyền lực để bưng bít thông tin. Facebook, nói không ngoa, mang lại sự tiến bộ xã hội.

Mạng xã hội đâu phải là Trịnh Xuân Thanh mà Bộ Công an có thể “giam giữ” rồi dùng nghiệp vụ khai thác. Việt Nam đã đi vào guồng quay của kinh tế thế giới và buộc phải nói thẳng rằng chúng ta đã đi vào vòng quay của dân chủ, cho dù có những người cầm quyền vẫn muốn trì kéo tiến trình ấy. Đòi kiểm soát mạng xã hội là phi lý và trái với những gì Việt Nam đã cam kết. Đừng nghĩ muốn làm gì cũng được, cứ thử đi để rồi sẽ thấy mất điều gì. Để xem sức chịu đựng của Chính phủ Việt Nam trong hoàn cảnh kinh tế như hiện tại có thể chấp nhận được đến đâu.

Nhưng, trước tiên, phản ứng trước một dự luật vô lý và trái với chiều tiến lên của nhân loại phải là việc của tất cả mọi người. Vâng, đó là việc của tôi và của bạn.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Vâng, đó là việc của tôi và của bạn”

    Cho tớ xin phép đứng ngoài . You’re by yoself on this one.

    Không muốn khoe khoang nhưng tớ nghĩ tình yêu của tớ đ/v Đảng thiết thực hơn . So, tớ muốn Đảng nên biến thành hiện thực dự án kiểm soát oanh tạc nét . Trở lại với thời Bác Hồ là nguyện vọng của phần lớn trí thức nhà mềnh, và tớ, tuy không kính trọng nhưng hiểu & tôn trọng ước mơ của họ vì nó xuất phát từ tình yêu nguyên sơ đ/v Đảng Cộng Sản, ok, thì Lao Động . Kiểm soát oanh tạc nét (xuất phát từ DARPA, bộ quốc phòng Mỹ) là 1 trong những bước chủ yếu đưa Việt Nam trở lại thời Bác Hồ .

Comments are closed.