Chế độ BOT bảo vệ nhà thầu BOT

Blog RFA

JB Nguyễn Hữu Vinh

18-10-2017

Ảnh: internet

Câu chuyện các trạm BOT đã đến hồi gay cấn, buộc các cơ quan, quan chức nhà nước phải bày tỏ thái độ của mình. Trước đó, các quan chức của nhà nước như ở Bộ Giao thông vận tải đứng ra bao biện, dọa dẫm người dân và bênh vực BOT đã làm cho người dân khẳng định rằng BOT thực chất là của một nhóm lợi ích đang lũng đoạn nhà nước để kiếm ăn bất chính trên xương máu của người dân Việt Nam. Thế nhưng, câu chuyện mới dừng ở mức vài tay Thứ trưởng hay Bộ trưởng.

Ai cũng biết rằng, trong thực tế xã hội, người ta tuân thủ một nguyên tắc rất cơ bản không thể chối cãi là: Chỉ trả tiền những thứ mình mua, có quyền đòi hỏi được phục vụ khi mình trả tiền cho người khác. Thế nhưng, dường như ở dưới chế độ Cộng sản Việt Nam – nơi mà “có nền dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản, quyền lợi người dân được tôn trọng và mọi người bình đẳng trước pháp luật” – những lời lẽ ra rả trên các phương tiện truyền thông đại chúng để ru ngủ người dân – thì nguyên tắc xã hội sơ đẳng đó đang được thực thi ngược lại.

Câu chuyện các dự án BOT thời gian qua đã chứng minh rất rõ điều đó.

Nhiều người vẫn chưa hiểu được cách tường tận là BOT đã làm gì và cướp của người dân ra sao?

Bạn thử tưởng tượng rằng, bạn đang ở trong một xóm nhỏ, con đường ngõ xóm hàng ngày bạn đi là do bạn và những người trong xóm bỏ công sức, tiền của, đất đai ra đóng góp để xây dựng cho mọi người sử dụng chung. Hàng ngày, hàng năm, bạn đã đóng góp các khoản chi phí sửa chữa con đường qua các giai đoạn như nộp thuế phí khi mua cái xe bạn đi,  con trâu bạn cưỡi về chuồng, mua xăng dầu về dù để thắp sáng… Bỗng một hôm, có cái sào chắn ngang giữa đường và mỗi ngày bạn đi qua, phải nộp tiền do những kẻ lạ hoắc. Lý do họ đưa ra, là họ đã xây dựng thêm một con đường làng bên cạnh nên họ thu tiền của bạn để bù vào chi phí cho con đường làng bên.

Hẳn nhiên là bạn sẽ phải phản đối, và hẳn nhiên là mấy ông xóm trưởng, những người ăn lương của bạn trả hàng tháng lẽ ra phải ủng hộ bạn trong việc buộc cái thằng quái gở kia dỡ cây sào đi sang nơi chúng đắp đường mới. Nhưng kỳ lạ là mấy ông cán bộ xóm lại hùa vào bao che cho đám kia bóp nặn dân làng mình hàng ngày.

Ban đầu, bạn sẽ nghĩ rằng vậy là mấy tay xóm trưởng và cán bộ này làm ăn láo toét nhằm cướp tiền của của bạn và gia đình, họ hàng bạn chung chia với mấy tay BOT kia. Và khi bạn phản ứng, thì hẳn nhiên là bộ máy công quyền hoạt động sẽ phân rõ đúng, sai.

Thế nhưng ngược lại.

Mới đây, chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã “giao cho Bộ Công an chỉ đạo công an địa phương xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng gây rối an ninh, trật tự tại trạm thu giá dịch vụ để chống ùn tắc giao thông, bảo đảm trật tự an toàn xã hội”.  Điều này cũng có nghĩa là chính phủ đã xua đàn chó bảo vệ nhà ra bảo đảm cho đám cướp ngang nhiên hoành hành trấn lột ông chủ mình.

Như vậy, một lần nữa chính phủ đã chính thức đứng về phía những tập đoàn lợi ích – BOT – hiện thân những kẻ cướp của người dân với hành động trấn lột công khai khi người dân không mua, không bán. Việc trấn lột này được chính phủ bao che và tiếp tay bằng lực lượng “chuyên chính vô sản” – Công an.

BOT – Những tập đoàn lợi ích phe nhóm

Người dân Việt Nam đều hiểu rằng, đã có một thời, người giàu là đối tượng tận diệt của đảng Cộng sản. Với cái chủ nghĩa Tam vô, với chính sách vô sản công nông liên minh, nhà nước Cộng sản coi người giàu, tư bản như một đối tượng nguy hiểm và là mục đích lật đổ. Thế nên mới có những thảm họa về đạo đức xã hội qua các cuộc như Cải cách ruộng đất, cải tạo Công thương nghiệp tư bản tư doanh, đánh tư sản mại bản… mà xương máu, của cải dân Việt đổ ra khủng khiếp, nhất là việc băng hoại về đạo đức xã hội khi có một chế độ dung dưỡng một hệ ý thức cướp ngang nhiên và công khai, tập thể, có tổ chức.

Trong các lý lịch từ đứa học sinh đến ông cán bộ, chữ nghèo, phận nghèo, giai cấp vô sản được khai thác triệt để đến mức tối đa như một lá bùa bảo đảm cho sự trọng dụng và thăng tiến trong bộ máy cầm quyền. Ngoài các yếu tố thành phần chính trị, thì tầng lớp tư sản, địa chủ, trung, phú nông… là đối tượng tấn công mọi nơi, mọi lúc trong cuộc “cách mạng về quan hệ sản xuất và cách mạng về tư tưởng và văn hóa’.

Thế rồi, khi đảng đã đứng vững chân sau khi cướp được chính quyền, thiết lập được hệ thống nhà tù và nhất là tạo được sự khiếp hãi về tinh thần và thể chất trong người dân, hệ thống công an trị được thành lập… thì đảng nghiễm nhiên lột bỏ sự thù hằn đối với cái sự giàu có, sự phong lưu.

Cho đến khi đó, cả hệ thống thể hiện rõ nét sự khát khao của hệ thống cộng sản đối với việc giàu có, tài sản đến mức bất chấp mọi nguyên tắc, quy luật xã hội loài người.

Đảng Cộng sản đã thực hiện khát khao đó của mình lại chính bằng thủ đoạn và cách làm của đám lục lâm thảo khấu đã được dung dưỡng và coi là hệ ý thức của mọi hành động bao năm nay: Cướp, cướp có tổ chức.

BOT là thể hiện điều đó.

Một nhóm lợi ích với những đại gia làm giàu nhờ vào thể chế độc tài, bằng sân sau, bằng hối lộ và quan hệ với các quan chức, giàu lên nhanh chóng và kết hợp chặt chẽ với các quan chức “bạn dân” để trấn lột chính người dân mình.

Có thể khẳng định không sợ hớ rằng các đại gia ở Việt Nam, nếu không là sân sau của quan chức nào đó, thì cũng là người nhà hoặc phe nhóm với đám cộng sản cầm quyền. Với những lợi thế đó, các công ty, tập đoàn này sẽ được ưu ái vượt quy định để nhận các gói thầu, các dự án khủng khiếp mà kiếm tiền, còn sự minh bạch ở đây là điều xa xỉ.

Mới đây, chỉ kiểm tra sơ sơ, người ta đã thấy cả hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng của dân đã bị biển thủ bằng các sai phạm ở 7  dự án BOT được kiểm tra.

Và tiền dân cứ vậy rót vào túi quan chức nhà nước.

Nếu không thì ngay lập tức sẽ được sự thăm hỏi thường xuyên của đám lâu la phía dưới. Những những nhà thầu, những công ty tư nhân nếu không được sự bao che của ông nọ, bà kia… thì sẽ là miếng mồi ngon của cơ quan công quyền các cấp bậc đến quấy rối bằng mọi cách để không kịp mọc mầm.

Nguyên tắc của các đại gia ở đất nước này là hoặc cống nộp để làm giàu và làm giàu để cống nộp.

BOT Cai Lậy, một dự án chặn đường trấn lột của người dân, có nguồn tin cho rằng đây là của con trai ông Ngô Văn Dụ, nguyên Ủy viên BCT, nguyên Chủ nhiệm UBKTTƯ ĐCSVN là có cơ sở. Bởi nếu không phải là của con trai ông kễnh thì thử hỏi cả bộ máy có đập cho nó chết nhăn nhở từ vòng gửi xe không? Làm gì có chuyện “chưa đẻ đã làm quan” để nhận được dự án thi công từ tháng 2/2014 nhưng đến tháng 4/2014 thì công ty mới thành lập? Làm gì có chuyện nói theo cách nói dân gian là “Cứt một nơi bỏ gio một nơi” nhằm trấn lột tiền dân.

Tương tự, ai cũng rõ rằng trên mạng Internet lưu truyền một lá thư được cho là của Nông Thị Liên, con gái Nông Đức Mạnh, gửi các Ủy viên Bộ Chính trị đảng và công khai tố cáo Đỗ Huyền Tâm. Rằng Đỗ Huyền Tâm âm mưu quyến rũ anh chàng già dại gái mang họ Nông nhằm chiếm đoạt tài sản và cứu nguy cho cơ ngơi đứng trước sự sụp đổ và ả có nguy cơ vướng vòng lao lý như đồng đội là Châu Thị Thu Nga mới đây.

Tuy nhiên, số ả Tâm còn may, quả là như cha ông ta đã nói: “Ma lấy hồn không bằng… ồn lấy vía”, anh chàng già họ Nông đã bất chấp tất cả mọi ngăn cản, mọi lời thị phi để cưới ả.

Thế rồi để đền đáp công ơn đàn anh, Đinh La Thăng lúc bấy giờ làm Bộ trưởng GTVT đã dành cho mụ Tâm Dự án BOT Pháp Vân –  Cầu Giẽ – chỉ láng lại lớp mặt đường cũ và… thu tiền. Thế là hàng ngàn tỉ đồng tiền dân đã lập tức được xác định có chủ trao tay cứu nguy cho Tập đoàn Minh Tâm trở thành hùng mạnh.

Chỉ với vài ví dụ nêu trên, người ta đã thấy được thực chất các dự án BOT là chiếc bẫy mà các nhóm lợi ích đã ngang nhiên áp đặt một cách trắng trợn trên đầu, trên cổ người dân.

Và khắp nơi trên đất nước này, cứ ra ngõ là gặp BOT thu tiền, hàng loạt trạm BOT đặt sai chỗ với mục đích lùa tất cả người dân vào rọ vẫn nghênh ngang tồn tại và ngày càng phát triển thách thức dư luận.

Nguyên nhân: Chế độ BOT

Đến đây, ta cần tìm hiểu xem cụ thể BOT có ý nghĩa gì? Theo định nghĩa thì BOT (viết tắt của tiếng Anh: Build-Operate-Transfer, có nghĩa: Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao). Chính phủ có thể kêu gọi các công ty bỏ vốn xây dựng trước (build) thông qua đấu thầu, sau đó khai thác vận hành một thời gian (operate) và sau cùng là chuyển giao (transfer) lại cho nhà nước sở tại.

Vậy thì theo đúng nghĩa, thì đây là sự thỏa thuận kiểu mua bán, sản phẩm là công trình, mà đối tượng trả tiền là người dân. Việc xây dựng, vận hành phải được đại diện của người dân (theo đúng nghĩa là nhà nước) thương lượng, kiểm tra, giám sát… đầy đủ để khi xây dựng bảo đảm nhất về chất lượng, giá thành, vận hành và thu tiền đúng nghĩa nhất cũng như khi chuyển giao có hiệu quả nhất.

Nhưng, ngược lại, cái gọi là đại diện cho người dân đã không làm theo chức năng của họ, trái lại họ đã hùa vào với bên bán, để lấp liếm, giấu diếm và cuối cùng là trấn áp ông chủ – người dân trả tiền. Có lẽ phải có tên riêng cho dạng BOT này khi vào Việt Nam: BOT Việt Nam

Câu hỏi đặt ra, là vì sao chính phủ, nhà nước ăn tiền lương của dân để bảo vệ lợi ích của dân, lại làm những điều ngược đời như vậy?

Xin thưa rằng: Nhà nước này, chế độ này cũng là một hình thức BOT Việt Nam đúng nghĩa.

Nếu BOTVN là một nhóm lợi ích cá nhân, được dựng lên bởi các mối quan hệ của các quan chức cộng sản và sân sau, ở đó, các quan chức tuồn dự án tiền nong để họ làm giàu và ăn chia với mình. Thì chế độ Cộng sản VN này cũng được dựng lên bởi một nhóm gọi là Phong trào Cộng sản quốc tế. Ở đó, họ cũng tuồn cho nhóm này tiền bạc, súng đạn nhằm cướp chính quyền về tay mình, và qua đó phụng sự lợi ích của phong trào Cộng sản quốc tế.

Nếu BOTVN được đưa vào nhằm trấn cướp của người dân làm giàu cho một nhóm lợi ích, và khi bị người dân phản ứng, được chế độ này bao che. Thì chế độ này cũng được đưa vào VN bởi những người Cộng sản, trấn lột của người dân mọi quyền lực, quyền lợi, thực hiện mọi cuộc chiến tranh và được hà hơi tiếp sức, bảo kê bởi hệ thống cộng sản đàn anh.

Nếu BOTVN luôn mồm “Vì lợi ích của người dân mà phục vụ” thì cũng không khác gì hệ thống cai trị hiện nay luôn “lấy lợi ích, hạnh phúc của người dân làm trọng”.

Nếu BOTVN bị phản ứng mà bao biện rằng: Chỉ có vài doanh nghiệp phản đối, còn lại đa số không ý kiến để lấp liếm sự tồn tại bất chính của mình. Thì Đảng CSVN cũng luôn mồm rằng “tuyệt đại đa số người dân tuyệt đối tin tưởng vào con đường mà đảng và bác đã chọn”. Dù chính đảng cũng thừa biết đó là con đường mù.

Nếu BOTVN lợi dụng sự thiếu minh bạch để thắng các dự án béo bở làm thiệt hại cho người dân, thì Đảng CSVN cũng cố tình thiếu minh bạch trong việc dựng lên một chính quyền chỉ nhằm phục vụ lợi ích của mình, thể hiện qua các cuộc bầu cử bỏ túi “Đảng cử, dân bầu” xưa nay.

Nếu BOTVN thắng thầu nhờ sân sau, nhờ hối lộ… thì chế độ CSVN cũng dựng lên nhà nước bằng con ông cháu cha, bằng mua đại biểu Quốc hội hết 30 tỷ đồng…

Nếu BOTVN lợi dụng sự đặc quyền đặc lợi, để thi công ăn bớt, để khai khống giá, làm đểu… để hống hách trong quản lý thì BOTVN chẳng khác gì “đảng ta” đã tạo ra một bộ máy chỉ biết tham nhũng và luôn trung thành với đảng, dù múa mép “đại diện cho dân” nhưng hùa vào bóp dân tận xương tủy nhằm vinh thân, phì gia.

Nếu BOTVN tuyên bố rằng nếu chuyển vị trí khỏi đường quốc lộ, họ sẽ trả dự án, thì đảng CSVN tuyên bố “sẽ không bao giờ từ bỏ vũ đài chính trị cho bất cứ một giai cấp nào khác, chỉ có thể bị lật đổ bằng bạo lực cách mạng”.

Nếu BOTVN công khai gian lận, ăn trên máu xương người dân theo dạng trấn lột nhưng lu loa là phục vụ nhu cầu người dân, thì đảng CSVN cũng ngang nhiên tự nhận là đầy tớ người dân, nhưng bóp cho ông chủ lè lưỡi trơ xương, và “nếu không cho tao phục vụ tao đánh bỏ mẹ”.

Vì những lẽ trên, việc chế độ, nhà nước CSVN quyết tâm bảo vệ BOT như “bảo vệ con ngươi của mắt mình” là điều không có gì lạ.

Chỉ khốn khổ dân tôi khi nạn BOT lan tràn chưa biết bao giờ dừng lại.

Và cơ đồ đất Việt chỉ còn là một sự hoang tàn, người dân Việt chỉ còn là một bầy trâu ngựa do đảng chăn dắt.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Lỗi anh đánh máy, dư 1 chữ “BOT”

    Đúng phải là

    Chế độ bảo vệ nhà thầu BOT

    Chế độ này hổng phải chế độ BOT . I’ll take Chế độ BÓP . Và chính chế độ này bảo vệ nhà thầu BOT . Chắc họ sửa sai ngày xưa . Ngày xưa Đảng là đại diện của tầng lớp lao động cùng khổ, ngày nay họ sửa sai . Chắc thấy đại diện cho đám nghèo chả được cái giải gì, còn bị mang tiếng .

Comments are closed.