12-10-2017
Ba năm nay, từ mua điện thoại cho đến cái tai nghe hay dây sạc…tôi đều đến với chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động.
Đến đó, tôi được anh giữ xe nở nụ cười thân thiện chạy ra dắt dùm tôi cái xe vô chỗ đậu. Trưa nắng, anh cẩn thận đậy lên yên xe tôi tấm bìa giấy để khi tôi quay ra leo lên xe không bị bỏng bướm vì nóng.
Vào tới cửa, tôi được hai em nhân viên khi thì nam khi thì nữ mở cửa, hai tay chắp trước bụng cúi chào, cười tươi. Sau đó, một em đưa tay mời tôi vào cửa hàng, ân càn chào hỏi và hướng dẫn tôi đến đúng gian hàng mà tôi cần.
Khi loay hoay với các thiết bị không biết lựa chọn thứ tốt và phù hợp cho mình, tôi cười, ngó quanh, lập tức có một em đến hỏi thăm tôi cần gì và tư vấn. Tôi luôn chọn mua được thứ mình cần và hài lòng với sản phẩm.
Quầy tính tiền lưu thông tin khách hàng, đôi khi tôi được giảm giá. Có lần tôi mua một tai nghe, sau đó vài tháng tôi làm mất, tôi lại ra mua cái mới. Khi thanh toán, em hỏi, “Hệ thống ghi nhận chị đã mua một tai nghe vào ngày…ở…nay chị mua thêm hay cái tai nghe kia có bị trục trặc gì không ạ? Vì còn hạn bảo hành, nếu có trục trặc chị đem cái tai nghe đó ra chuỗi cửa hàng của chúng em chị nhé.” Tôi cười, “Cảm ơn em, mình làm mất, các em cung cấp dịch vụ rất tốt.”
Lần nào mua bán xong, tôi cũng nhận được lời cảm ơn và hẹn gặp lại từ các em. Và tôi cũng cảm ơn lại các em. Những nụ cười, lời cảm ơn chân thật. Tôi bước vào bất kỳ cửa hàng thế giới di động nào ở đâu từ Hà Nội, Nha Trang, Sài Gòn, Đồng Tháp…đều nhận được một cung cách phục vụ đi kèm chất lượng sản phẩm y như vậy. Đã đôi lần tôi viết stt khen ngợi. Tôi hi vọng cách buôn bán, phục vụ đó nhân rộng.
Thỉnh thoảng, ở nhà hàng này, quán cà phê kia, cửa hàng nọ tôi cũng được phục vụ như vậy. Dĩ nhiên tôi luôn tìm đến với họ lần sau, bởi ở đó tôi thấy mình được trở về là người Việt với hồn cốt người Việt đúng nghĩa.
Người Việt xưa với tiếng dạ lời thưa, với thái độ đón tiếp khách niềm nở hồn hậu thật thà, với sự khiêm cung, tương kính mà không hề mất đi phẩm giá. Văn hoá người Việt trong giao tiếp, trong đón khách đến nhà, trong mua bán, giao dịch không hề thua kém văn hoá nước khác. Vì đâu mà giờ nền tảng văn hoá đó dần biến mất để thay vào đó là thái độ ban phát, xin cho và trịch thượng kể cả với khách hàng?
Không có một sự nghi ngờ nào, tôi khẳng định do đảng. Với cái ý thức “đồng chí” “đồng đẳng” cào bằng, các đồng chí ấy phá nát tiếng dạ lời thưa trên dưới trong ngoài. Với cải cách ruộng đất, các đồng chí ấy phá nát sợi dây tình yêu, nhân bản và tình nghĩa trước sau của văn hoá Việt. Với thời bao cấp, các đồng chí phá nát sự khiêm cung và thật thà. Với sự ngông cuồng ngông muội tham lam, các đồng chí phá nốt sự hồn hậu và tính chân thật. Các đồng chí biến dân thành rô bốt, vô cảm, chỉ biết lợi ích của chính mình để có thể tồn tại như một động vật cấp thấp, không phải là người đúng nghĩa.
Mấy ngày nay, người ta ồn ào với văn hoá Nhật ở một cây xăng Nhật đầu tiên tại Việt Nam. Người ta ngợi khen ông tổng và nhân viên cúi người chào khách, ngợi khen sự thật thà của họ khi họ cam kết bán hàng đúng đủ. Tôi chợt buồn. Nỗi buồn khó có thể gọi tên.
Người Việt mình, cốt cách người Việt mình, tâm hồn dân tộc mình đâu có tệ. Chúng ta khen văn hoá Nhật, thái độ thật thà của họ, cung cách tôn trọng khách hàng của họ với sự ngưỡng vọng, mà chúng ta có nhận ra chúng ta đã mất cái gì chăng? Làm sao để phục dựng?
Tôi cũng nhận ra qua việc khen cửa hàng xăng của người Nhật, người dân mình đang tỏ rõ thái độ cho nhà cầm quyền biết người dân muốn gì. Và cái sự muốn của người dân có bao giờ được chính phủ của độc đảng lắng nghe? Chưa hề.
Lấy lại những thứ đã mất bằng cách nào? Xây dựng lại tâm hồn dân tộc bằng cách nào khi chính phủ vẫn lãnh đạo đất nước và đưa dân tộc đi về hướng vô định một cách duy ý chí, ngu xuẩn?
Những câu hỏi như những cái móc câu xoáy móc vào gan dạ. Dĩ nhiên, gây đau.