Châu Âu ‘ngầm’ gây áp lực lên Việt Nam?

VOA

Viễn Đông

10-10-2017

EU là một trong những thị trường ngoài nước quan trọng nhất của Việt Nam. Ảnh: Reuters

Nhiều đại sứ quán các nước châu Âu tỏ ra hậu thuẫn Đức trong nỗ lực buộc Việt Nam phải “xin lỗi” vì “phá vỡ lòng tin”, gây lo ngại về hệ lụy kinh tế với một trong các đối tác thương mại lớn nhất của Hà Nội.

Các phái đoàn ngoại giao của nhiều nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) như Pháp, Thụy Điển, Italia, hay Bỉ mới đây đã đồng loạt đăng lại một tuyên bố từ trang Facebook của cơ quan đại diện ngoại giao của Đức ở Hà Nội, trong đó Berlin nêu ra một loạt các yêu cầu sau vụ bắt giữ ông Trịnh Xuân Thanh như “cam kết không vi phạm pháp luật tương tự trong tương lai”, nhưng không được Việt Nam đáp ứng, buộc chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel “tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam” cũng như “trục xuất thêm” một nhà ngoại giao.

Trên Facebook, đại sứ quán Thụy Điển ở Hà Nội hôm 22/9 đã đăng lại dòng trạng thái này, kèm theo bình luận: “Tuyên bố mạnh mẽ của Đức về mối quan hệ song phương, và với vai trò là một thành viên của EU, Thụy Điển ủng hộ những quan ngại hợp pháp của Đức, thúc giục Việt Nam tìm một giải pháp mang tính xây dựng”.

Bà Victoria Rhodin Sandström từ Đại sứ quán Thụy Điển sau đó nói với VOA tiếng Việt rằng “là một thành viên của Liên hiệp châu Âu, việc đại sứ quán Thụy Điển chia sẻ thông tin từ các đại sứ quán EU khác ở Hà Nội là lẽ tự nhiên”.

Bà nói thêm rằng “Thụy Điển là một đối tác và bạn hữu truyền thống vững mạnh của Việt Nam, và điều quan trọng đối với chúng tôi là khuyến khích chính phủ Việt Nam tìm ra một giải pháp liên quan tới các vấn đề song phương giữa Đức và Việt Nam”.

“Chúng tôi cảm thấy khích lệ vì có một cuộc đối thoại tiếp diễn giữa Việt Nam và Đức”, bà Sandström nói.

Tới tối ngày 10/10, cả phía Việt Nam và Đức chưa đưa ra bất cứ thông tin gì về các bước đi tiếp theo, sau tuyên bố hôm 22/9 của Berlin mà chính phủ của bà Angela Merkel khẳng định “bảo lưu quyền áp dụng thêm các biện pháp khác”.

Trong một diễn biến mới nhất, trang Facebook của Đại sứ quán Đức hôm 7/10 đăng toàn văn bài trả lời phỏng vấn với tờ Vietnam Investment Review (VIR) của ông Wolfgang Manig, Phó Đại sứ kiêm Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Đức tại Hà Nội.

Tờ VIR dường như đã bỏ không in đoạn cuối, trong đó ông Manig nói về việc hai chính phủ hiện “đối mặt với một cuộc khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng xuất phát từ việc Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế, và vì thế, vi phạm các giá trị cơ bản của châu Âu”.

Người phỏng vấn cũng đặt câu hỏi về việc Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA), vốn đang trong giai đoạn cuối rà soát pháp lý, chuẩn bị hướng tới ký kết và phê chuẩn, ảnh hưởng ra sao tới các doanh nghiệp và nhà đầu tư Đức ở Việt Nam.

Động thái trên của các nước châu Âu khiến một số nhà quan sát cho rằng nhiều khả năng châu Âu cũng sẽ vào cuộc trong vụ Trịnh Xuân Thanh, nhất là liên quan tới EVFTA.

Nhưng tháng trước, báo Tuổi Trẻ trích lời nghị sĩ Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu, trả lời báo chí trong nước ở Hà Nội rằng Hiệp định thương mại VN – EU “không chịu áp lực chính trị nào”.

Theo thông tin từ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, năm 2016, EU là một trong những thị trường ngoài nước quan trọng nhất của Việt Nam (EU xếp thứ hai sau Mỹ). EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam sau Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Phái đoàn này cho rằng “khoản thặng dư thương mại liên tục gần 22,9 tỷ USD mà Việt Nam có được trong giao thương với EU giúp cân bằng đáng kể thâm hụt thương mại khổng lồ của Việt Nam với Trung Quốc và Hàn Quốc và dẫn tới kết quả thặng dư thương mại khoảng 2,68 tỷ USD” nên “2016 đánh dấu một năm nữa mà trong đó Việt Nam có được thặng dư thương mại kỷ lục với EU”.

Bình Luận từ Facebook