22-8-2017
Một nhà quan sát ở Hà Nội bình luận với BBC rằng “vấn đề không phải là tiêu chuẩn cho tứ trụ mà là việc bầu chọn những người này có đảm bảo tính dân chủ, phù hợp và tuân thủ hiến pháp hay không.”
Truyền thông Việt Nam hôm 22/8 cho hay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ban hành tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý.
Theo đó, ứng viên cho chức danh Tổng bí thư phải “bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực: Uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng; là trung tâm đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị…”
Bên cạnh đó, người này phải “có bản lĩnh chính trị, năng lực, nghiên cứu, phát hiện, đề xuất, phát triển tư tưởng mới và chiến lược lớn, lâu dài; quyết đoán, quyết liệt để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc; có năng lực lãnh đạo, điều hành Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư; có năng lực chỉ đạo chuẩn bị, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm.”
Ngoài ra, người này phải “là người đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định).”
Tài liệu này cũng đề cập về tiêu chuẩn cho các ứng viên chức danh chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội.
‘Dân chủ trong Đảng’
Hôm 22/8, trả lời BBC từ Hà Nội, Luật gia Nguyễn Đình Hà, nói: “Với tôi, chức danh tổng bí thư cần phải đảm bảo tiêu chuẩn gì không phải mối quan tâm, vì đó là chuyện nội bộ của Đảng và tôi không phải đảng viên Cộng sản.”
“Còn trên tư cách một cử tri, tôi quan tâm đến cơ chế bầu cử để chọn ra người đại diện cho dân trong cơ quan dân cử, quyền lực cao nhất trong bộ máy nhà nước.”
“Cơ chế bầu cử phải thực sự dân chủ, đảm bảo tranh cử công bằng, công khai, có sự giám sát của người dân và mọi người dân được thực hiện quyền của mình mà không bị gây khó khăn.”
“Mặt khác, báo chí phải thực sự tự do để người dân có thông tin đa chiều, chính xác, không bị bưng bít.”
“Theo tôi, với chức danh thủ tướng, chủ tịch nước, tiêu chuẩn quan trọng nhất là đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và người dân cao hơn lợi ích của đảng phái, phe nhóm; tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền công dân, quyền con người của người dân; và phải là con người trong sạch, được người dân và báo chí giám sát.”
Đề cập về việc công bố các tiêu chuẩn làm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng ở thời điểm này liệu có liên quan gì đến tin đồn về sức khỏe chủ tịch Trần Đại Quang cũng như tin sẽ hợp nhất chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước, ông Nguyễn Đình Hà cho hay: “Cho đến hiện tại, thông tin về sức khỏe của Chủ tịch Trần Đại Quang chưa có gì rõ ràng. Vấn đề hợp nhất chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước đã được nói nhiều lần, nhưng chưa bao giờ có sự tham vấn ý kiến người dân.”
“Điểm mấu chốt là việc bầu chọn các chức danh lãnh đạo nhà nước có đảm bảo tính dân chủ, phù hợp và tuân thủ Hiến pháp hay không, hay chỉ “dân chủ trong đảng”, đảng làm theo ý đảng mà thôi.”
Trong một diễn biến khác, hôm 20/8, Chủ tịch Trần Đại Quang có phát biểu được đăng trên website chính phủ về sự cần thiết của việc tăng cường đối phó với các nguy cơ an ninh mạng và sự cần thiết của việc phát triển hệ thống kiểm duyệt mạng chặt chẽ hơn.
Chính phủ trong năm qua đã đẩy mạnh việc trấn áp các nhà hoạt động với những vụ bắt giữ và ra án tù nặng, nhưng không có mấy dấu hiệu cho thấy giới chức dập tắt được các ý kiến chỉ trích trên mạng xã hội.
Chủ tịch nước nói các thế lực thù địch đã sử dụng Internet để tổ chức những chiến dịch công kích làm “giảm uy tín của các lãnh đạo Đảng và nhà nước, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các lực lượng nòng cốt, các đảng viên và người dân”.
Sự vắng bóng của ông Trần Đại Quang trong các hoạt động chính thức, công khai trong thời gian gần đây cũng là chủ đề cho các tin đồn đang lan truyền trên Internet, theo Reuters.