Việt Nam làm gì để giảm căng thẳng với Đức?

BBC

7-8-2017

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hamburg ngày 7/7/2017. Ảnh: ODD ANDERSEN/Getty Images

Một số nhà quan sát nước ngoài bày tỏ lo ngại về hệ lụy của ‘khủng hoảng ngoại giao’ Việt – Đức liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh.

Một cựu đại sứ Đức nói với BBC ông cho rằng vụ việc “trên cả nghiêm trọng” này là một “bước lùi” cho quan hệ Việt – Đức, trong khi một chuyên gia về nghiên cứu Đông Nam Á người Đức đánh giá vụ việc này có tính “nhạy cảm” vì Đức đã có Chương trình Hội thoại Nhà nước Pháp quyền với Việt Nam từ năm 2009.

Khả năng Việt Nam đưa ra một lời xin lỗi chính thức và thừa nhận đã có hành động vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Đức là “gần như không thể có”, một nhà nghiên cứu pháp lý về truy bắt tội phạm xuyên biên giới bình luận với BBC.

Ông Joachim Bitterlich, Cựu đại sứ Đức tại Tây Ban Nha (1999-2002), bày tỏ với BBC suy nghĩ về vụ việc này:

“Trong mắt tôi, đây là một trường hợp còn trên cả nghiêm trọng, một bước lùi trở lại những vụ việc tàn bạo của thời kỳ chiến tranh lạnh ở châu Âu và ở Đức (khoảng 50 năm trước), nhưng vẫn còn tồn tại trong các nhà nước độc đoán ở châu Á (hãy xem các ví dụ ở Bắc Hàn gần đây).

“Chính phủ Đức phải có phản ứng gay gắt với chính phủ Việt Nam để giữ được uy tín ở nước Đức. Người Đức không thể xử lý vụ việc này theo cách thức ngoại giao không ồn ã thông thường…

Ông Bitterlich cho rằng hai bên sẽ có một cuộc thương thảo “khó khăn và kéo dài” sau cánh gà để không làm ảnh hưởng đến những lợi ích kinh tế và chính trị quan trọng hơn.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và cựu Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại một cuộc họp báo ở Berlin năm 2014. Ảnh: Sean Gallup/Getty Images

VN có thể làm gì để ‘giảm nhẹ thiệt hại?

Bình luận về bước đi tiếp theo của Việt Nam sau các động thái của chính phủ Đức, Tiến sỹ David Sadoff, nhà nghiên cứu pháp lý, tác giả cuốn sách “Đưa những kẻ đào tẩu ra công lý” (“Bringing International Fugitives to Justice”, Đại học Cambridge ấn hành 2016), bình luận với BBC:

“Trong hoàn cảnh hiện tại, dù chịu sức ép, rất ít khả năng Việt Nam sẽ chọn con đường trao trả ông Thanh về Đức. Cũng rất ít khả năng, ngay cả khi được phía Đức yêu cầu, Việt Nam sẵn sàng dẫn độ về Đức nhân viên tình báo chịu trách nhiệm cho hoạt động bắt người.

“Việt Nam có thể đưa ra một lời xin lỗi chính thức và công khai thừa nhận rằng hành động của mình vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Đức. Nhưng vì tại thời điểm này, làm vậy sẽ là trái với kịch bản của Việt Nam là ông Thanh “tự nguyện” về nước, nên con đường này cũng gần như không thể có.”

Nhận xét về những khả năng làm giảm nhẹ thiệt hại cho quan hệ Việt – Đức mà phía Việt Nam có thể xem xét, TS Sadoff cho rằng đàm phán ngoại giao khéo léo và đưa ra những điều khoản có lợi cho phía Đức về thương mại, dẫn độ hay truy quét tội phạm có thể là bước đi cần thiết cho Việt Nam.

“Thay vào đó, Việt Nam có thể tham gia đàm phán ngoại giao, qua đó tìm cách giảm nhẹ thiệt hại đến quan hệ hai nước.

“Chẳng hạn bằng cách đưa ra những điểu khoản thương mại thuận lợi, sẵn sàng thảo luận để ký kết thỏa thuận dẫn độ song phương, nhanh chóng đưa những kẻ đào tẩu Berlin đang truy nã đang ẩn náu ở Việt Nam về Đức.

“Việt Nam cũng có thể giúp phía Đức thu thập tài liệu dẫn chứng trên lãnh thổ Việt Nam liên quan đến những cuộc điều tra tội phạm Đức đang diễn ra hoặc sẽ xảy ra trong tương lai.”

Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến đi thăm Việt Nam năm 2011. Ảnh: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images

Trong khi đó, TS. Martin Grossheim, Khoa Nghiên cứu Đông Nam Á, Trường Đại học Passau, Đức, cho rằng phát ngôn của của bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam về vụ Trịnh Xuân Thanh trong buổi họp báo tuần trước là “không thuyết phục” nhưng “không có gì ngạc nhiên”.

“Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố họ có bằng chứng rõ ràng rằng Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc, và giới chức Việt Nam có liên quan. Đó là lý do vì sao ông tùy viên tình báo tại Đại sứ quán Việt Nam bị tuyên bố là người không được hoan nghênh (“persona non grata”).”

Ông Grossheim nói ông đoán rằng đằng sau hậu trường, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an Việt Nam vẫn đang bàn cãi phải làm sao để “giải quyết khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng này.”

“Toàn bộ vụ Trịnh Xuân Thanh này còn nhạy cảm hơn nữa vì Đức đã có Chương trình Hội thoại Nhà nước Pháp quyền với Việt Nam để ủng hộ cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp Việt Nam từ năm 2009,” GS Grossheim nhận định.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây