3-8-2017
Một luật sư ở Sài Gòn nói với BBC rằng nếu có hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh thừa nhận rằng mình đã “đầu thú” để được hưởng tình tiết giảm nhẹ hình phạt thì đây sẽ là “câu trả lời thỏa đáng cho hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”.
Căng thẳng ngoại giao giữa Việt Nam và Đức dấy lên sau khi Bộ Ngoại giao Đức nói với BBC rằng ông Trịnh Xuân Thanh ‘bị bắt cóc’ và yêu cầu nhân viên tình báo Việt Nam rời khỏi Đức trong vòng 48 giờ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức Martin Schäfer, cũng được AFP dẫn lời nói nhân viên tình báo Việt Nam tại Tòa Đại sứ bị yêu cầu “phải ra khỏi Đức trong vòng 48 tiếng”.
Reuters đưa tin Ngoại trưởng Đức đã triệu Đại sứ Việt Nam tại Berlin đến làm việc chiều 1/8.
BBC vào đầu giờ chiều 2/8 liên hệ với Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin để lấy phản hồi, nhưng được trả lời “Chúng tôi chưa có thông tin gì về vụ này”.
Hôm 3/8, Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật Phạm Nghiêm ở TP Hồ Chí Minh, nói với BBC: “Theo như tôi được biết thì việc “bắt cóc” công dân nước khác tại Đức để đưa về bản quốc để xét xử hình sự không phải là chưa từng xảy ra.”
“Năm 1967, Hàn Quốc từng bị Cộng hòa Liên bang Đức phản đối việc “bắt cóc” 17 công dân Hàn Quốc tại thủ đô Born, Cộng hòa Liên bang Đức, để đưa về Hàn Quốc xét xử hình sự. Như vậy, đây không phải là lần đầu tiên có việc “bắt cóc” công dân nước ngoài tại Đức.”
“Tôi cho rằng, trong ngôn ngữ ngoại giao, sự kín kẽ không phải là chấp nhận hoặc phản đối, mà sẽ có trả lời chính thức một cách chừng mực từ người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam trước báo chí trong nước và quốc tế. Điều đó sẽ tùy vào lời khai của chính ông Trịnh Xuân Thanh trước tòa khi tòa án xem xét tình tiết “đầu thú” để lượng hình.”
“Nếu ông Thanh thừa nhận rằng mình đã “đầu thú” để được hưởng tình tiết giảm nhẹ hình phạt, đây sẽ là câu trả lời thỏa đáng cho hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.”
“Ngược lại, nếu ông ấy cho rằng ông bị bắt theo lệnh truy nã, và không xin được giảm nhẹ do đã “đầu thú” thì cũng chỉ là một lời khai mờ nhạt vì tòa sẽ không đi sâu về vấn đề ông bị bắt giữ trong trường hợp nào.”
“Do đó, tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ tiếp tục tuyên bố rằng ông Trịnh Xuân Thanh tự mình về Việt Nam “đầu thú”.
‘Tử hình’
“Ông Thanh bị cơ quan điều tra Bộ Công an cáo buộc hành vi tội phạm về chức vụ, tham nhũng, hoàn toàn không thấy nói gì về hành vi xâm phạm an ninh quốc gia.”
“Nhưng do từng là một chính khách, dư luận tin rằng hành vi bị cáo buộc đối với ông Thanh những tội phạm về chức vụ, tham nhũng chỉ là một phần, phần còn lại thuộc về bí mật an ninh quốc gia.”
“Cần lưu ý là các tội phạm về chức vụ, tham nhũng mà ông Thanh bị khởi tố có mức án đến tử hình, vì hậu quả thiệt hại được cho rằng ông Thanh đã gây ra là đặc biệt lớn.”
“Vấn đề là ngoài ông Thanh, còn những đồng phạm cao cấp nào đã cùng gây ra thiệt hại đặc biệt lớn cho nền kinh tế nhà nước thì trong quá trình điều tra người ta sẽ biết được,”
“Chỉ có điều là liệu các cơ quan tiến hành tố tụng có đi đến tận cùng của sự thật để buộc các tội phạm về chức vụ, tham nhũng trong vụ án này phải đền tội và nộp trả lại các khoản tiền tham nhũng đó hay không mà thôi.”
Luật sư Công Út cũng dự báo: “Những người đóng vai trò luật sư cho ông Thanh có thể sẽ bị hạn chế các quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia bào chữa cho ông Thanh.”
“Theo thông lệ là chỉ được giáp mặt ông Thanh khi “gạo đã nấu thành cơm”, nghĩa là chỉ có thể gặp ông Thanh sau khi ông Thanh đã hoàn tất quá trình “khai nhận tội”.
“Khi luật sư giáp mặt với ông Thanh trong trại giam, sẽ có không ít cán bộ công an ngồi kè kè ghi chép nội dung trao đổi giữa luật sư của ông Thanh với thân chủ, và chỉ cho đọc, sao chụp một phần hồ sơ tài liệu của vụ án”.
‘Nền tảng pháp quyền’
Cũng trong hôm 3/8, trả lời BBC, ông Đặng Tâm Chánh, cựu Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, nói: “Về thông tin ông Trịnh Xuân Thanh “bị bắt cóc”, có ý kiến cho rằng có thể lấy mục đích biện minh cho phương tiện.”
“Và có người đồng ý, có người chưa đồng ý cách này.”
“Nhìn chung, người dân có thể hoan hỉ mỗi khi có tin tóm được quan chức tham nhũng cỡ này, cỡ kia, nhưng họ không thể hưởng ứng phong trào chống tham nhũng vì không có trong tay công cụ để thực thi.”
“Ở Việt Nam, quan điểm chống tham nhũng là mục tiêu chính trị của đảng Cộng sản và được dân chúng đồng thuận.”
“Tuy vậy, chống tham nhũng chỉ là công cụ xây dựng đất nước khi nó được thực thi trên nền tảng pháp quyền, pháp trị vững chắc.”
“Còn thì người ta thấy dường như chống tham nhũng chỉ là công cụ để củng cố quyền lực, chưa phải là mục đích vì nhân dân.”
“Còn về chuyện khủng hoảng chính trị Việt – Đức sau vụ Thanh “bị bắt cóc”, tôi tin là hai nước có thể sắp xếp với nhau theo một thỏa thuận nào đó hoặc quy ước quốc tế cho phép.”
Đề cập về chuyện báo trong nước không cập nhập vụ Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố ông Trịnh Xuân Thanh ‘bị bắt cóc’, ông Tâm Chánh cũng cho hay: “Hình như chẳng có ai cấm cản báo chí trong nước đưa tin về diễn biến các vụ như thế này.”
“Nhưng có thể là do các nhà báo ở Việt Nam còn hạn chế trong việc tiếp cận và thẩm định nguồn tin.”
Trong một diễn biến khác, báo Tuổi Trẻ cùng ngày tường thuật, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng “lấy làm tiếc về phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức ngày 2/8 về vụ Trịnh Xuân Thanh” và rằng “hiện nay các cơ quan chức năng Việt Nam đang tiến hành điều tra”.
“Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức,” báo này viết.