LTS: Hôm 30/7/2017, nhà báo Huy Đức đưa tin, ông Trịnh Xuân Thanh là người đã bỏ trốn và bị truy nã từ tháng 9/2016, hiện đã về nước. Ông viết trên Facebook: “Trịnh Xuân Thanh về mà báo chí im ắng nhỉ!”
Nhưng ngay sau đó, tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đính chính trên báo PLTP: “Chưa có thông tin gì về việc Trịnh Xuân Thanh về nước như mạng xã hội loan truyền“. Hôm nay, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin, ông Trịnh Xuân Thanh bất ngờ đến Bộ Công an đầu thú!
***
Cập nhật lúc 20h48′, tin từ Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà, cho biết:
“Tin ông Trịnh Xuân Thanh chính thức được Bộ Công An đưa vào chiều 31.7. Theo đó, Thanh đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra – BCA đầu thú và nhân viên ở đây đã làm thủ tục tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú theo đúng qui định pháp luật!
Cũng chiều nay tại Berlin, Đức văn phòng luật sư tư vấn và trợ giúp pháp lý cho Trịnh Xuân Thanh đã cung cấp một câu chuyện khác!
Ông Trịnh Xuân Thanh bị hai an ninh Việt Nam bắt tại Berlin vào 10h30 sáng ngày 23.7, khi đang ra phố hẹn với một cán bộ của Bộ Công Thương qua. Vụ bắt ông Thanh có hai người Đức làm chứng. Trên thực tế, ông Thanh không có tên trong lệnh truy nã quốc tế và được Đức bảo hộ quyền lưu trú. Sau khi bị bắt cóc, ông Thanh được đưa lên xe qua một nước châu Âu khác và cưỡng ép về Việt Nam ngày 30.7.
Hiện cảnh sát Đức đang điều tra vụ việc, và sẽ sớm có thông cáo báo chí. Tiếp tục theo dõi vụ này, ha #thoibao.de“.
_____
Tuấn Hợp
31-7-2017
Ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh, sinh ngày 13/2/1966, đăng ký hộ khẩu thường trú tại: Nhà 24 – C2 Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội; hiện là bị can bị truy nã theo Quyết định số 20/C46-P12 ngày 19/9/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đầu thú.
Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã làm thủ tục tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú theo đúng qui định pháp luật.
Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, trong thời gian Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) cùng các đồng phạm Vũ Đức Thuận, nguyên Uỷ viên HĐQT, cựu Tổng GĐ PVC và 3 thuộc cấp Nguyễn Mạnh Tiến – Phó tổng Giám đốc; Trương Quốc Dũng – nguyên Phó tổng Giám đốc; Phạm Tiến Đạt – nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty PVC, đã để công ty này thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng.
Ngày 15/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự: “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam” và các đơn vị thành viên; đồng thời ra quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét 4 bị can gồm: Vũ Đức Thuận, Nguyễn Mạnh Tiến, Trương Quốc Dũng, Phạm Tiến Đạt.
Với tội danh tương tự, cùng ngày Bộ Công an cũng tiến hành khởi tố đối với Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC.
Cơ quan điều tra xác định, bị can Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn nên ngày 16/9/2016, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty PVC.
Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2013, Trịnh Xuân Thanh lần lượt giữ các chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Năm 2007, Trịnh Xuân Thanh được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam điều về làm Phó tổng giám đốc PVC, đến năm 2009 được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT PVC.
Báo cáo của Ban kiểm soát tại Hội đồng cổ đông thường niên của PVC năm 2014 cho biết, năm 2013 PVC thua lỗ 2.228,5 tỉ đồng, trong đó riêng công ty mẹ lỗ 1.927 tỉ đồng. Lũy kế cuối năm 2013, công ty mẹ – PVC lỗ hơn 3.262 tỉ đồng…
Liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm, Bộ Công an đã điều tra mở rộng và bắt giữ thêm bị can Đỗ Văn Hồng (SN 12/03/1967, trú tại đường Trần Hưng Đạo, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty PVC- KB; Nguyễn Mạnh Tiến, (SN 18/8/1966, trú tại Tòa nhà CT5 Khu đô thị Mỹ Đình, Mễ Trì, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), nguyên là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam.
Cả 2 bị can trên đều bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trịnh Xuân Thanh tăng chức “siêu thanh” và “ngã ngựa”
Trước thực trạng PVC thua lỗ như vậy, nhưng vào tháng 9/2013 Trịnh Xuân Thanh bất ngờ rời khỏi vị trí “thuyền trưởng” PVC và được bổ nhiệm giữ chức Phó Chánh văn phòng Bộ Công thương – Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công thương tại Đà Nẵng.
Sau đó không lâu, Trịnh Xuân Thanh tiếp tục được Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm giữ chức vụ Vụ trưởng – Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương.
Đến tháng 5/2015, Trịnh Xuân Thanh được luân chuyển làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.
Ngày 22/5, Trịnh Xuân Thanh – Tỉnh uỷ viên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang trúng cử Đại biểu Quốc hội tại một đơn vị bầu cử ở tỉnh Hậu Giang.
Cuối tháng 5/2016, dư luận trong nước xôn xao về chiếc xe ô tô Lexus LX570 có giá trị gần 6 tỷ đồng gắn biển kiểm soát công vụ 95A-0699 lưu thông trên nhiều khu phố của Cần Thơ.
Cơ quan chức năng xác định, chiếc ô tô Lexus LX570 nói trên là phương tiện đi lại của Trịnh Xuân Thanh – nguyên Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Ban cán sự Đảng, Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Ngày 9/6/2016, Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố, ông Trịnh Xuân Thanh đã trúng cử đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang với tỷ lệ 75,28% phiếu tán thành.
Cũng trong ngày 9/6, Văn phòng Trung ương Đảng có Công văn chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao UB Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương; Ban Tổ chức Trung ương; Bộ Công an; Ban cán sự đảng các Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước; Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Tỉnh uỷ Hậu Giang và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung báo chí, dư luận đã nêu về vụ việc này.
Tổng Bí thư yêu cầu kiểm tra quy trình bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh qua các chức vụ và việc Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang đi xe Lexus tư nhân gắn biển số xanh.
Chiều 11/7, trong thông báo về Kỳ họp thứ IV và thứ V, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu: Tiến hành quy trình xem xét, xử lý kỷ luật đối với ông Trịnh Xuân Thanh; Tiếp tục kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xem xét việc kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm tại Tổng Công ty PVC; Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và đồng chí Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2010-2015. Cùng đó, Ủy ban đề nghị không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội với Trịnh Xuân Thanh.
Ngày 15/7, Hội đồng Bầu cử Quốc gia không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội với Trịnh Xuân Thanh.
Tại kỳ họp lần thứ 6 từ ngày 6-8/9, UB Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi đảng đối với Trịnh Xuân Thanh.
Ban Bí thư đã nhất trí (biểu quyết 100% bằng phiếu kín) quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố thêm tội danh “Tham ô tài sản”
Trong khi đang bỏ trốn và bị truy nã quốc tế, chiều 15/3, sau quá trình xét xử vụ án lừa đảo tại dự án Thanh Hà – Cienco 5 Land, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND Cấp cao tại Hà Nội công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), về hành vi “Tham ô tài sản”, theo quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự.
Cùng bị khởi tố tại tòa về tội danh trên còn có các bị can: Nguyễn Ngọc Sinh, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land); Đào Duy Phong, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land); Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (lao động tự do); Lê Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ 1/5; Nguyễn Thị Kim Thoa, Phó tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ 1/5; Thái Kiều Hương, Phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Vietsan.