Song Hà
22-7-2017
Đây không phải ngôi nhà của chị Dậu, mà là nhà của một trong hai người phụ nữ nghèo khổ, lam lũ hành nghề bán tăm dạo. Ngày ngày họ bắt xe bus lang thang đến các vùng quê để bán tăm. Một ngày đẹp trời, hai người bất ngờ biến thành các đối tượng bắt cóc trẻ em.
Sự việc vừa xảy ra tại thôn Thái Phù, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn. Sau khi đứng trước cổng hỏi một đứa bé 6 tuổi, để xem bố mẹ nó có nhà không, hai chị Dậu đen đủi thay, đã lọt vào tầm ngắm của một em gái bán hàng online đang đến kỳ đói like. Á à, bắt cóc trẻ em hả? Cái mặt này là quen trên mạng lắm rồi đây! Đánh. Đạp. Cùi chỏ thúc vào mặt. Song phi. Lên gối vào bụng.
Chỉ mấy phút sau đó, hai chị Dậu chính thức nằm bê xê lết và tả tơi như hai cái giẻ rách trước đám đông trai làng hung hãn, ngu muội, mọi rợ và độc ác.
Tôi đã đi hết từ cảm xúc này sang cảm xúc khác khi xem lại những hình ảnh này. Càng xem càng không hiểu điều gì đang xảy ra ở nhiều làng quê và nông thôn Việt Nam nói chung.
Làng quê của chúng ta sau gần thế kỷ trôi qua kể từ khi Nam Cao viết Chí Phèo, dường như không thay đổi là mấy, thậm chí càng ngày càng nhiều cậu Chí hơn trước. Những cậu Chí này từ đâu mà ra? Cái gì đã sinh ra chúng? Và sự ngu dốt, tăm tối trong nhận thức của họ có phải do được đào tạo hay bẩm sinh đã có?
Tôi thì cho rằng do cả hai nguyên nhân, bởi vì cùng một môi trường (sau lũy tre làng), cùng được giáo dục như nhau, nhưng vẫn có những con người tử tế, hiểu biết và nhân hậu.
Đã có những phong trào nhằm xóa dốt đồng thời kích thích thói quen đọc sách cho giới trẻ ở các làng quê, để họ được tiếp cận với tri thức, với ánh sáng văn minh và hơn hết là học cách làm một con người tử tế – như phong trào “Sách hóa nông thôn” – nhưng e rằng tính hiệu quả không cao. Vì bọn dốt không bao giờ thừa nhận và biết mình dốt để cần phải đọc sách.
Một cái vòng luẩn quẩn mà chưa biết sẽ bắt đầu từ đâu và làm gì để thoát khỏi. Tất cả dường như vẫn đang tối om như tiền đồ chị Dậu, như căn nhà xập xệ, tiêu điều của những người đàn bà tận cùng của cơ cực, nghèo khổ bán tăm dạo ở Mỹ Đức, ở Ứng Hòa và nhiều nơi khác.
Từ thành phố nhìn về, nông thôn vẫn là một bức tranh buồn bã, rất buồn.
Mời xem thêm: Hai phụ nữ bán tăm bị đánh nhập viện vì nghi bắt cóc trẻ em (Zing). – 2 phụ nữ bị đánh bầm dập vì nghi bắt cóc trẻ em (PLTP). – Hà Nội: Xôn xao clip hai phụ nữ bị đánh dã man vì nghi bắt cóc trẻ em, nhưng sự thật là họ đã bị oan (Kênh 14).
Mời xem clip: