Bản tin ngày 19/7/2017

Tin trong nước

Tin Biển Đông

Hôm nay CSIS tổ chức hội thảo Biển Đông lần thứ 7 ở Washington. Có 2 người Việt Nam tham dự là ông Trần Trường Thủy (như mọi năm) và bà Đặng Cẩm Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao. Như mọi người đã biết, GS Carl Thayer không được mời tham dự hội thảo này. Đây là 20 câu hỏi của GS Carl Thayer dự định đưa ra tại hội nghị Quốc tế về Biển Đông của CSIS.

Mời độc giả xem video hội thảo vừa kết thúc:

Dự án Đại sự Ký Biển Đông có bài dịch từ bài viết của GS Carl Thayer: Một Năm sau Phán Quyết Toà Trọng Tài: Vẫn Bế Tắc. Tác giả viết: “Không nước nào trong mười nước thành viên ASEAN và ASEAN đề cập tới tòa trọng tài hay phán quyết của nó trong các tuyên bố chính thức về biển Đông cho đến nay. Điều này đã cho phép Trung Quốc tiếp tục theo đuổi việc củng cố và quân sự hóa liên tiếp Quần đảo Trường Sa trên Biển Đông“.

Bài trên Diplomat đã được dịch và đăng trên Tiếng Dân: Một năm sau phán quyết PCA, bằng chứng Trung Quốc vi phạm luật lệ trên Biển Đông. Tác giả cho rằng, dù những gì đã diễn ra suốt một năm sau phán quyết là thất vọng, nhưng “nó vẫn sẽ là một sự kiện lịch sử, rằng vào năm 2016, Trung Quốc đã vi phạm nhiều cam kết của họ với tư cách là một bên ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển“.

Bài của RFI tóm lược từ bài viết trên báo Japan Times: Một năm sau phán quyết của tòa, Biển Đông không hề tĩnh lặng. “Với sự thay đổi trong thái độ và chính sách của Trung Quốc từ sau phán quyết, có thể vội vàng kết luận là quyết định của Tòa Trọng Tài đã mang lại tác động mong muốn. Thật ra cũng không hẳn là sai, vì căng thẳng giảm hẳn tại Biển Đông. Trong 12 tháng qua, hầu như không có vụ đụng độ nào với các nước láng giềng, và giọng điệu của Bắc Kinh cũng bớt phần hung hăng“.

– Báo PTI đưa tin, Mỹ kêu gọi các nước kềm chế trên Biển Đông và Hoa Đông. Bài báo cho biết, Lầu Năm góc kêu gọi các nước trong khu vực kềm chế, tránh những hành vi khiêu khích.

Người phát ngôn Lầu Năm góc, ông Jeff Davis nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo không ghi hình: “Chúng tôi tiếp tục kêu gọi tất cả các nước trong khu vực ở Biển Đông và Biển Hoa Đông kiềm chế, tránh những chuyện khiêu khích và tôn trọng chủ quyền lẫn nhau trong các hoạt động của họ“. RFI có bài tóm lược tại đây.

Tưởng niệm chiến tranh biên giới chống Trung Quốc xâm lược

Mặc dù đã 33 năm trôi qua, nhưng những ký ức và di chứng về một cuộc chiến “tàn nhẫn đến nay vẫn chưa lành. Theo tin từ báo VnExpress, người dân vùng Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên vẫn phải mưu sinh bằng nghề lượm mót vỏ đạn và phát rẫy làm nương. Tuy nhiên, rất nhiều người không may, đã bị đạn nổ cụt chân, tay, và mất mạng. Thậm chí có gia đình có 1 người chết, 3 người bị cụt chân vì bom mìn.

Trường hợp bà Choòng: “Bà đã già, nói năng đã chậm. Nhưng bà vẫn nhớ đứa con gái đầu lòng. Chị bị mảnh pháo văng xuyên qua ngực khi ngồi gần cửa hầm. Bây giờ ai hỏi, bà vẫn chỉ tay lên ngực mình. Đấy là chỗ mảnh đạn đã đâm vào ngực đứa con gái, xuyên qua lưng. Bao nhiêu năm bà vẫn ăn năn, vì phải đi sơ tán, chỉ kịp chôn cất con vội vàng, không kịp làm cái mộ đàng hoàng như người Tày phải có“.

Bà Choòng chỉ tay vào ngực, nơi mảnh đạn đâm con gái bà. Ảnh: VNE

Ngư dân Nghệ An tiếp tục khởi kiện Formosa

Theo tin từ Facebook Huy Jos, ngày 18/7/2017, có khoảng 30 người dân giáo xứ Phú Yên, đại diện cho ngư dân thuộc các giáo xứ Vĩnh Yên, Mành Sơn và vùng phụ cận như An Hòa, Sơn Hải, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Tiến, Quỳnh Phương … cùng các vị linh mục thuộc Giáo phận Vinh, đã nộp đơn khởi kiện Formosa ở tòa án tỉnh Nghệ An.

BBC đưa tin: Người dân Nghệ An lại tiếp tục kiện Formosa. LS Đặng Hữu Nam nói rằng, việc nộp đơn kiện sáng 18/7 không gặp nhiều khó khăn như những lần trước. Ông cho biết: “Lần này chúng tôi chỉ đi có 30 người dân cùng ba linh mục, và chúng tôi cũng báo trước cho họ chúng tôi sẽ đến vào ngày nào“. Tháng 10/2016 ngư dân ở đây cũng đã cũng đã nộp đơn khởi kiện Formosa, dù bị chính quyền tìm mọi cách cản trở.

Cập nhật thông tin về blogger Mẹ Nấm

Mẹ của blogger Mẹ Nấm, bà Nguyễn Tuyết Lan cho biết: 19 lần thăm con, 19 lần không được gặp. Bà Lan kể, ngày 18/7 là sinh nhật của con bà, bà đã đến trại giam mong được gặp con, nhưng trại giam Khánh Hoà đã viện mọi lý do để từ chối. Bà Lan nói rằng, hơn 9 tháng qua, kể từ khi blogger Mẹ Nấm bị bắt, bà chỉ được gặp con một lần duy nhất trong 5 phút, ngày 28/6, một ngày trước phiên xử con gái bà.

Tin từ Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà dẫn lời LS Luân Lê, một trong những người tham gia bào chữa cho blogger Mẹ Nấm, cho biết: “Theo điều 229 BL tố tụng HS, thì TAND Khánh Hòa phải gửi bản án sơ thẩm cho các luật sư và thông báo việc bị cáo kháng án. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản nào thông báo về việc bản án có kháng cáo hay kháng nghị gì. Và cũng không được giao cho bản án sơ thẩm, dù đã quá 10 ngày kể từ lúc tuyên án!

Hội Sinh viên Nhân quyền VN ra mắt

VOA đưa tin: Hội Sinh viên Nhân quyền VN ra mắt sau khi sáng lập viên bị bắt. Hội sinh viên Nhân quyền VN, nơi quy tụ một nhóm sinh viên có nguyện vọng cải cách giảng đường và tự do học thuật, cũng như nhân quyền cho sinh viên VN, vừa công khai tuyên bố thành lập. Trước đó, một sáng lập viên của hội là anh Trần Hoàng Phúc, đã bị bắt hôm 3/7 về tội “tuyên truyền chống phá nhà nước”, theo điều 88 Bộ luật Hình sự.

BS Nguyễn Đan Quế, cựu tù nhân lương tâm và là nhà hoạt động đấu tranh cho nhân quyền VN, cho biết: “Trước viêc mọi người than phiền, chán nản với hệ thống giáo dục, tôi ủng hộ việc thành lập Hội sinh viên nhân quyền. Các sinh viên hiện đang đi học có thể bị áp lực nhà trường đuổi học, nên mỗi người chọn một mã số để nhà trường và công an không biết tên. Khi các sinh viên thành lập hội, tôi rất vui nhận lời làm cố vấn cho hội.”

Cách xử lý khủng hoảng trong vụ bà phó quận Lê Mai Trang…

Hoan hô cơ quan công quyền, đã có một hành động thể hiện thái độ biết lắng nghe dân: Phạt chủ tịch phường Thanh Xuân Bắc lỗi không đội mũ bảo hiểm. Dù chậm tới 11 ngày, nhưng cũng đáng khen khi lãnh đạo đã sửa sai bằng cách phạt nguội ông Vũ Minh Lộ, chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Bắc, lỗi không đội mũ bảo hiểm.

Và cũng khen cho bà Huỳnh Thị Dung, giám đốc Trung tâm dân số và kế hoạch hóa gia đình quận Thanh Xuân, là người lái xe chở bà Lê Mai Trang, Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân, đi ăn bún hôm đó, đã tự nguyện đi nộp phạt vì đậu xe sai quy định.

Vẫn chưa thấy bà Lê Mai Trang lên tiếng xin lỗi bà Đinh Hải Lý là người đã bị công an phường yêu cầu xin lỗi bà Trang trước đó. Ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân, nói rằng: ‘Xin lỗi hay không là việc của bà Trang’. Báo Soha có bài: Quận Thanh Xuân yêu cầu Phó Chủ tịch Lê Mai Trang nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Bài trên BBC: ‘Tránh bôi nhọ’ trong vụ đỗ xe sai? Bài báo nói rằng, mặc dù truyền thông trong nước tường thuật khá chi tiết, từ nội dung cuộc họp giao ban báo chí, cho tới trả lời của quan chức các cấp, nhưng “trong lúc khá chủ động và cởi mở trao đổi với truyền thông trong nước, thì giới chức lại tỏ ra thận trọng trong việc để người dân trực tiếp liên quan kể về những gì đã xảy ra“.

Và vụ ông tướng trời con Võ Văn Liêm

Khác với vụ xử lý khủng hoảng ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, vụ ở Cần Thơ, nhân vật chính, Trung tướng Võ Văn Liêm vẫn còn tỏ thái độ ngạo mạn, coi thường pháp luật và thách thức dư luận.

Trang Cổng Tin có bài: Đề nghị xử lí kỷ luật Trung úy Nguyễn Văn Thành. Bài viết cho biết: “Ủy ban kiểm tra Quân ủy Trung ương, đơn vị Trung tướng Võ Văn Liêm từng công tác trước khi nghỉ hưu đã có công văn đề nghị Công an TP Cần Thơ xử lý kỷ luật đối với trung úy Nguyễn Văn Thành, vì đã có cư xử thiếu tế nhị, để lan truyền hình ảnh cự cãi xảy ra làm xấu hình ảnh người lính Quân đội nhân dân Việt Nam, làm mất lòng tin của nhân dân đối với quân đội trong bối cảnh tình hình chính trị xã hội hết sức phức tạp thời gian gần đây“.

Cập nhật lúc 7h56′: Facebooker Bùi Quang Thắng cho biết: “Cái tin “Đề nghị kỷ luật trung uý Nguyễn Văn Thành” đều được dẫn từ những trang nghe là lạ. Tôi nghi ngờ độ xác thực của nguồn tin này. Nếu UBKT Quân ủy TƯ có một đề nghị như vậy thì cũng thật khôi hài”.

Cập nhật lúc 11h45′: Không có chuyện đề nghị xử lý cảnh sát bị tướng về hưu lăng mạ (TT). – Bác bỏ tin đồn ‘đề nghị xử lý’ CSGT bị tướng Liêm lăng mạ (Tin Tức).

Bài trên báo Soha: “Mày biết nó là bảo vệ của tao không?”: Mùi nước mắm và lá bùa hộ mệnh. Tác giả viết: “Cả tấm thẻ mà ông đưa ra đe cách chức cả giám đốc CA Cần Thơ, cũng không thể trở thành một tấm bùa hộ mệnh, trước quyền lực tuyệt đối của sự thật trong một thế giới mà mọi hành vi đều có thể được phán xét của cả triệu người“.

Đây là thái độ chống chế của và coi thường dư luận của ông tướng Liêm: Trung tướng Võ Văn Liêm: Không chấp nhận được hình ảnh bắn tốc độ (VNN).Tướng Võ Văn Liêm: Tôi giận vì CSGT nói xe chở tôi đi nhậu với bồ (Zing).

Chuyện ông tướng về hưu lăng mạ viên CSGT rồi ngụy biện rằng không phải ông cố ý sỉ nhục, chỉ do cái lưỡi của ông nhầm, blogger Paulus Lê Sơn có bài: Nhầm Cái Lưỡi thôi, có gì lạ đâu! Tác giả viết, “Nói tóm lại là lưỡi của người càng có chức có quyền thì càng vi diệu, không cần biết lưỡi ấy là lưỡi gì. Ông Liêm là người có chức cao vị lớn, nên lưỡi ông Liêm có quyền, nói đúng hay sai là quyền của ông. Mà thật ra lưỡi ông Liêm đại điện cho lưỡi nhà sản, có gì lạ đâu?“.

Bài viết của tác giả Lê Minh Nguyên: Chuyện Trung Tướng Võ Văn Liêm cho thấy VN cần cách mạng dân chủ. Tác giả so sánh chuyện ông tướng Liêm coi thường luật pháp ở xứ “thiên đường”, với những chuyện xảy ra ở xứ “giãy chết”, nơi có nền dân chủ pháp trị, chẳng hạn như chuyện 21 trẻ em và thanh thiếu niên, tuổi từ 9-20, đã kiện chính quyền liên bang và đã thắng kiện.

21 trẻ em và thanh thiếu niên kiện Chính quyền Liên bang Mỹ và đã thắng. Ảnh: People

Khi quyền lực bị tha hóa

TS Nguyễn Sĩ Dũng, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có bài viết trên báo NLĐ, phân tích hai sự kiện ồn ào của ông Trung tướng Võ Văn Liêm bà Lê Mai Trang, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, Hà Nội, thể hiện thái độ trịch thượng, coi thường luật pháp. Ông Dũng cho rằng, nguyên nhân sâu xa của hai hiện tượng nói trên, có lẽ là do sự “tha hóa của quyền lực”.

Trường hợp ông tướng về hưu là người không còn quyền lực nữa nhưng tác động tha hóa quyền lực vẫn còn. Việc mắng nhiếc viên CSGT chỉ là một trong những “hiệu ứng còn sót lại của chức quyền“. Còn bà Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân, quyền lực làm tha hóa là “quá rõ“.

Ông Dũng kết luận: “Quyền lực phải được giám sát bằng rất nhiều công cụ khác. Trước hết, đó là việc hạn chế quyền lực bằng sự ủy quyền của nhân dân theo nhiệm kỳ; sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước; vai trò giám sát của báo chí và truyền thông xã hội”.

Bài viết của nhà báo Ngô Nguyệt Hữu trên báo Phụ nữ Online: “Chửi mắng cảnh sát giao thông, cái sai đến từ đâu?” Tác giả cho rằng, có những kẻ được hưởng đặc quyền và được những người thi hành luật cho phép đứng trên luật nên họ đã coi thường luật pháp.

Trường hợp Trung tướng Võ văn Liêm phạm luật, vì sao không mang luật ra xử “mà Công an TP Cần Thơ phải xin ý kiến của Bộ Quốc phòng lẫn Bộ Công an“. Tác giả cũng đã tự trả lời câu hỏi mình đặt ra: “cái sai đến từ một bộ phận được hưởng đặc quyền đặc lợi hơn phần còn lại của xã hội“.

Tác giả Hiệu Minh liên hệ những sự việc trên với chuyện bên Mỹ qua bài viết: Lộng quyền quát dân. Theo tác giả, ở Mỹ không có ai đứng trên luật và luật pháp áp dụng cho tất cả mọi người, nên chẳng bao giờ có chuyện một ông tướng về hưu dám quát nạt một người thi hành công vụ. Cho nên, “Luật bất vị thân sẽ giúp xã hội trong sạch và thượng tôn pháp luật“.

Cập nhật sự kiện Đồng Tâm

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, có bài: Dân bị ngăn đến gặp thanh tra Hà Nội. Tác giả cho biết, chiều hôm qua bà con thuê xe, tính ra trụ sở Thanh tra Hà Nội để hỏi xin bản dự thảo kết luận thanh tra. “Nhưng xe thuê vừa đến nơi thì công an huyện Mỹ Đức đã có mặt, dọa nạt sẽ bắt luôn cả tài xế nếu dám chở dân làng vào thành phố. Do đó bà con đã không thể thực hiện được chuyến đi của mình, đồng nghĩa với việc không có bản dự thảo để tranh luận, trong khi hạn ra kết luận chính thức chỉ còn 3 ngày nữa“.

Đài BBC có bài tổng hợp xung quanh vấn đề đâu là khu vực tranh chấp chính hiện nay giữa người dân Đồng Tâm và chính quyền.

Quân đội vẫn làm kinh tế

Sự việc sân golf Tân Sơn Nhất chưa kịp lắng thì hôm qua, báo Tiền Phong đưa tin tại Hà Nội, hàng loạt công trình như sân tập golf và nhà điều hành câu lạc bộ golf hoành tráng được xây dựng trên đất quốc phòng do Quân chủng Phòng không Không quân quản lý nằm sát đường Lê Trọng Tấn.

Thế nhưng, UBND quận Thanh Xuân cho biết, chính quyền địa phương không được cung cấp thông báo khởi công, giấy phép xây dựng (GPXD), các hồ sơ liên quan theo quy định. Và mặc dù UBND quận Thanh Xuân đã có văn bản gửi Tư lệnh Quân chủng PKKQ đề nghị xem xét căn cứ pháp lý của việc xây dựng các công trình nêu trên, nhưng đến nay chưa nhận được hồi âm.

Báo QĐND đưa tin, Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã tới thăm, chúc sức khỏe các cựu quan chức đảng và nhà nước, trong đó có các ông Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh, Phạm Văn Trà và Đại tướng Phùng Quang Thanh, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Qua chuyến tham này, dường như ông Lịch muốn tìm sự hậu thuẫn “quân đội vẫn làm kinh tế” từ các cựu quan chức lãnh đạo?

Lâu quá không gặp Phùng Tướng quân, trông ông dạo này khác nhiều quá:

Đại tướng Ngô Xuân Lịch thăm, chúc sức khỏe Đại tướng Phùng Quang Thanh. Ảnh: báo QĐND VN

Huy động đô la trong dân!

Ối, chính phủ hết tiền trả nợ nước ngoài rồi, nên: Thủ tướng yêu cầu sớm có chủ trương huy động đô la trong dân. VietNamNet đưa tin, “Thủ tướng nhắc lại 3 lần là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm có chủ trương huy động nguồn lực trong dân, làm thế nào huy động được nguồn lực đô la Mỹ đang nằm trong dân“.

À mà dân đâu có in được đô la Mỹ, chỉ có bọn “phản động”, cái đám “ăn bơ thừa sữa cặn” ở Mỹ gửi về cho dân, thì dân mới có cho thủ tướng huy động. Cần phải hối thúc cái “khúc ruột ngàn dặm” chúng gửi về cho mà trả nợ, thủ tướng ơi!

Trả lời Thủ tướng, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng: Đã có giải pháp huy động vàng, USD trong dân. Bà con cẩn thận, chớ có nghe lời dụ khị, đổi tiền đô ra tiền Việt, để rồi có ngày ôm một mớ giấy lộn.

À mà sao Thủ tướng không huy động đô la từ giới nhà giàu ở VN vì chúng lắm tiền nhiều của, lại toàn tiền đô. Báo Business Insider có bài: How Instagram’s ‘Rich Kids of Vietnam’ spend their fortunes. Bài viết nói tài khoản trên mạng xã hội Intergram có tên là Rich Kids of Vietnam, có hơn 33.000 người follow, đăng tải nhiều hình ảnh về cuộc sống xa hoa của những trẻ em giàu có ở Việt Nam, chi xài tiền như thế nào.

Một bức ảnh đăng trên ‘Rich Kids of Vietnam’ từ nick huyenbaby89 trên Intergram.

Vụ xả thải ở nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân

Về vụ đổ 1 triệu m3 bùn xuống biển, cựu Bí thư Bình Thuận gửi thư cho Thủ tướng. Báo VietNamNet cho biết, ông Đinh Trung gửi thư cho thủ tướng, yêu cầu việc xả thải “phải đủ căn cứ khoa học” và “cần tìm giải pháp khác an toàn hơn”.

Ông Trung đặt câu hỏi: “Tại sao không tìm một giải pháp khác an toàn hơn mà cứ phải quyết đem đổ xuống biển? Chẳng hạn như khảo sát quy hoạch một vùng bờ biển nào đó rồi đem hàng triệu m3 các chất nạo vét này lấn biển, xây kè, bờ bao kiên cố ‘nhốt’ nó lại vừa có thêm diện tích đất sử dụng vừa tương đối an toàn hơn có được không?”

Báo Tiền Phong ghi lại hình ảnh khu vực nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân hoạt động, cuộc sống của người dân ở gần đó bị xáo trộn, do môi trường ô nhiễm, đất nhiễm mặn, và việc đánh bắt nuôi trồng thủy sản suy giảm. Giờ đây còn thêm một mối lo lớn về môi trường sinh thái biển, khi Bộ TN-MT cấp phép cho công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm cả triệu m3 chất thải xuống khu vực biển Hòn Cau.

Tin quốc tế

Tự do báo chí ở Ba Lan tụt hạng

Bài trên BBC của nhà báo Mạc Việt Hồng cho biết, tự do báo chí ở Ba Lan bị tụt hạng, sau khi một phóng viên làm việc ở đài phát thanh quốc gia ‘Polskie Radio’ dường như bị cho thôi việc, sau cuộc phỏng vấn thủ tướng đương nhiệm Beata Szydlo.

Bài viết kết luận, “những chuyện xảy ra ở Ba Lan cũng cho thấy giành được tự do chỉ là khởi đầu, để xã hội luôn sống trong bầu không khí dân chủ và cởi mở cần nỗ lực không ngừng nghỉ của những thế hệ tiếp theo“.

Chuyện Bắc Hàn: từ xứ “giãy chết” chạy về xứ “thiên đường”

Đài CNN đưa tin: Cô Jeon Hye-sung, một người đã từng trốn khỏi Bắc Hàn hồi tháng 1/2014, đến Nam Hàn và rất nổi tiếng trong các chương trình TV nước này, đã trở về Bắc Hàn hồi tháng 6/2017 và đã xuất hiện trong một chương trình TV Bắc Hàn, nói rằng cô bị yêu cầu “vu khống và nói xấu” Bắc Hàn.

Video clip cô Jeon xuất hiện trong một chương trình tuyên truyền của Bắc Hàn:

Các viên chức tình báo Nam Hàn đang điều tra, liệu có phải cô gái đào tị nổi tiếng này đã bị bắt cóc rồi đưa trở lại Bắc Hàn hay không. Bài tóm lược của VOA: Một người đào tị nổi tiếng quay về Bắc Triều Tiên.

Cũng tin Bắc Hàn, Tướng Mỹ: Bắc Triều Tiên không có khả năng tấn công đích xác. Đại tướng Paul Selva, Phó Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nói với Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, rằng vụ thử nghiệm phi đạn liên lục địa hôm 4/7 của Bắc Hàn, cho thấy nước này không có khả năng tấn công Mỹ “với bất cứ mức độ chính xác nào và cũng không có cơ sở hợp lý nào để tin tưởng về sự thành công đó“.

Phóng viên Không biên giới mở văn phòng ở Đài Loan

VOA đưa tin, Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) đã mở văn phòng làm việc tại Đài Loan. Bà Thái Anh Văn, Tổng thống Đài Loan, hôm qua đã tiếp đón những người của tổ chức này. Đây là là trụ sở đầu tiên của RSF tại Châu Á, có phạm vi hoạt động bao gồm các nước Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Bắc Hàn, Nam Hàn và Mông Cổ.

Bình Luận từ Facebook