Cho phép xả bùn xuống biển Vĩnh Tân: Những thắc mắc chờ giải đáp

TBKTSG

Đăng Nguyễn

8-7-2017

Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận. Ảnh Thành Hoa

Ngày 28-6-2017, Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) phát ra thông cáo báo chí về việc cấp giấy phép nhận chìm (bùn, chất thải) số 1517/GP-BTNMT cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, chủ đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Bộ TNMT cho biết khu vực nhận chìm thuộc vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, có diện tích 30 héc ta, cách khu bảo tồn Hòn Cau là 8 ki lô mét, nằm trong diện tích 300 héc ta đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận thống nhất đề nghị cho nhận chìm và xác định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đầu tư xây dựng bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được Bộ trưởng Bộ TNMT phê duyệt tại Quyết định số 1571/QĐ-BTNMT ngày 24-7-2014.

Những thắc mắc chưa được giải đáp

Bộ TNMT cho rằng “vật, chất được phép nhận chìm không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường” và “bao gồm 20% là bùn, 80% là cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, sét, đá phong hóa thu được từ hoạt động nạo vét”, nghĩa là về nguyên tắc chủ đầu tư có thể tận thu đến 80% của 918.533 mét khối vật, chất được nhận chìm. Trong khi đó, theo Sở TNMT Bình Thuận “vật, chất được phép nhận chìm không thể lưu giữ, xử lý trên đất liền vì cần phải có diện tích lớn” và “sẽ gây nhiễm mặn, ô nhiễm môi trường khu vực lưu giữ và khu vực lân cận”. Như vậy, liệu có mâu thuẫn giữa hai nội dung này chăng?

Trong bối cảnh tài nguyên cát xây dựng đang thiếu hụt nghiêm trọng và việc tận dụng cát biển làm bê tông chống xói lở bờ biển đã được phổ biến tại Việt Nam, vì sao chủ đầu tư Vĩnh Tân 1 lại “chê” nguồn lợi kinh tế này mà phải “nhọc công” xin phép rồi còn “nhọc công” hơn khi vận chuyển đi “nhận chìm” với bao nhiêu thủ tục quản lý và giám sát? Một giải pháp khả thi nữa là cho phép xuất khẩu cát nhiễm mặn như từng làm.

Gọi là giấy phép “nhận chìm” nhưng thực tế là xả thải trực tiếp từ việc mở đáy các xà lan phễu chuyên dụng. Điều quan trọng hơn là việc tính toán phát tán vật, chất từ việc “nhận chìm” được thực hiện như thế nào, quy mô tác động đến khu bảo tồn Hòn Cau cũng như các khu vực nuôi tôm giống ở Vĩnh Tân, Cà Ná không thấy được nói đến. Ngoài ra, dự án nhận chìm ở biển do Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 lập được công bố ở đâu để người dân và các nhà khoa học có thể xác thực thông tin?

Đã có quy định quốc tế chặt chẽ về xả thải xuống biển

Trên thế giới, hoạt động xả chất thải xuống biển từ các hoạt động trong đất liền đã được quy định chi tiết trong Công ước London (1972) và Nghị định thư London (1996) về phòng ngừa ô nhiễm biển do xả chất thải và các chất khác. Theo Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), tính đến ngày 9-12-2016, đã có 48 bên tham gia Nghị định thư London và 87 bên tham gia Công ước London, tổng cộng có 99 bên tham gia đầy đủ Công ước và Nghị định thư London. Nghị định thư London quy định rằng các bên tham gia cần phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu chất thải ngay cả khi chưa có đủ bằng chứng về các tác động tiêu cực của chất thải, đồng thời chủ nguồn thải phải chi trả tất cả các chi phí ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm cũng như các chi phí xã hội khác.

Là một quốc gia biển và đã xác định kinh tế biển đóng vai trò quan trọng thông qua Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn Công ước và Nghị định thư London.
Tuy vậy, có thể thấy danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển được quy định trong điều 60, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP hoàn toàn tương đồng với phụ lục 1 của Nghị định thư London về các chất thải có thể được xem xét nhận chìm ở biển.

Tổng hợp của IMO cho thấy có đến 80% nguồn ô nhiễm biển đến từ đất liền, trong đó việc nhận chìm chất thải xuống biển đóng góp 10% các chất ô nhiễm. Hiệu quả của Công ước và Nghị định thư London là khá rõ ràng về việc giảm thiểu lượng chất thải xuống biển, ví dụ như lượng bùn thải giảm từ 21 triệu tấn năm 1975 xuống còn 1 triệu tấn năm 2009. Để so sánh, lượng vật, chất được Bộ TNMT cho phép Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 thải xuống biển hiện nay tương đương với lượng bùn thải xuống biển của tất cả các quốc gia còn lại trên thế giới!

Nhóm nghiên cứu do Giáo sư Frederick Grassle thuộc Đại học Rutgers (Mỹ) thực hiện năm 1989 tại khu vực đổ bùn thuộc vùng biển ngoài khơi New York cho thấy tốc độ lắng chìm vật chất tùy theo kích thước và trọng lượng, cụ thể các hạt nặng cần 69 giờ đến 100 ngày để chìm xuống đáy, trong khi các hạt nhỏ hơn có thể lơ lửng cần từ 100-10.000 ngày để chìm xuống đáy. Ngoài ra, chỉ có khoảng 20% vật chất lắng trực tiếp xuống khu vực xả thải, còn lại bị phân tán đi các nơi khác theo dòng hải lưu và sóng biển.

Tham khảo kết quả này, với lượng xả thải dự kiến 918.533 mét khối và chỉ tính 80% là cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, sét, đá phong hóa như thông tin của Bộ TNMT, tính ra độ dày lớp vật chất này phủ trực tiếp lên đáy biển khu vực xả thải ngoài khơi Vĩnh Tân là 48,4 cen ti mét trong phạm vi 30 héc ta (300.000 mét vuông với 20% vật chất lắng trực tiếp xuống khu vực xả thải). Với độ dày gần nửa mét vật, chất bao phủ tầng đáy biển, đây rõ ràng là một sự xáo trộn rất lớn cho các rạn san hô, các thảm thực vật và động vật dưới đáy biển. Ngoài ra, mặc dù việc xả thải chỉ thực hiện trong 153 ngày từ tháng 6 đến hết tháng 10-2017, nhưng với tốc độ lắng đọng vật chất như tham khảo ở trên, có nguy cơ khu bảo tồn Hòn Cau cũng như các khu vực nuôi trồng hải sản ven bờ vẫn tiếp tục bị đe dọa lâu dài khi gió mùa và dòng hải lưu đổi hướng.

Nghị định thư London khuyến nghị bất kỳ vật chất nào nhấn chìm xuống biển cũng đều gây ra tác động đến môi trường biển, do vậy phải thực hiện đánh giá một cách toàn diện về nguồn lợi thủy sản và các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, đánh giá tác động đến sức khỏe con người, đến các hoạt động du lịch và khả năng gây cản trở giao thông hàng hải trước khi cấp phép xả thải.

Mời xem lại một bài viết cũ có liên quan: Nước trồi – hiện tượng thiên nhiên độc đáo ở vùng biển Bình Thuận (Soha). Để giúp độc giả hiểu thêm về hiện tượng nước trồi, mời tham khảo thông tin ở trang Wikipedia:

Nước trồi là nguồn cũng cấp quan trọng sản lượng về hải sản, nó thu hút hàng trăm loại động vật, khu vực này cũng là khu vực được nghiên  cứu nhiều từ trước đến này. Tuy chỉ nghiên cứu ở khu vực nhiệt đới và các yếu tố đặc trưng cho vùng nước trồi, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khu vực này có sự trao đổi wasp-waist. Trong loại trao đổi này, mức độ nhiệt đới cao và thấp được thể hiện rõ ràng qua độ đa dạng giống loài. Dù vậy, mức độ nhiệt đới tức thời chỉ thể hiện một hoặc vài giống loài. Lớp nhiệt đới này bao gồm các loài cá sống tầng mặt chiếm khoảng 3-4% tổng số lượng. Lớp nhiệt đới thấp hơn bao gồm khoảng 500 loài thuộc họ Chân kiếm, chân bụng và 2500 loại thân giáp. Tại mức độ nhiệt đới cao nhất hoặc gần cao nhất, có hơn 100 loài động vật biển có vú và hơn 50 loài chim biển.”

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Các nước (kể cả TQ) thì đang triển khai giảm nhiệt điện than vì ô nhiễm môi trường còn VN thì lại làm ngược lai – Tăng các nhà máy nhiệt điện than. Mới chạy thử mà đã gây ô nhiễm bụi thì đến lúc hoạt động chính thức thì không biết ô nhiễm bụi và lượng xỉ sẽ giải quyết thế nào đây?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây