Trang chủ Quan Điểm

Quan Điểm

Kể điều bạn biết, nói điều bạn nghĩ

Dân oan văn hoá

Phạm Đình Trọng

20-7-2022

1. Gần cuối những năm sáu mươi thế kỉ hai mươi, trước khi mất, Chủ tịch Hồ Chí Minh hàng ngày đều chăm chỉ làm một việc là đọc tất cả những bài viết về người thật làm việc tốt trên tất cả các báo, từ báo trung ương đến báo các tỉnh thành. Bài báo viết về việc tốt nổi bật được Hồ Chí Minh ghi vào bên lề bài báo “tặng huy hiệu”.

Sợ hãi phong trào tượng đài ngành

Mạc Văn Trang

18-7-2022

Phong trào dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam cũng như các loại “tượng đài chiến thắng” đã tương đối bão hoà chăng? Nên việc tìm tòi ý tưởng tượng đài có phát kiến mới: TƯỢNG ĐÀI NGÀNH. Đây sẽ là mảnh đất vô cùng màu mỡ để mọc lên một rừng tượng đài ngành.

Nạn đói toàn cầu: Hiện trạng, nguyên nhân và giải pháp

Đỗ Kim Thêm

18-7-2022

Theo LHQ, hơn mười một triệu trẻ em ở Yemen sống bằng viện trợ nhân đạo; hơn hai triệu bị suy dinh dưỡng cấp tính. Nguồn: Mohammed Hamoud / Getty Images

Tôn Thất Thạnh, giám đốc CDC Đà Nẵng có thể bị thủ tiêu

Mai Hoa Kiếm

17-7-2022

Trong những ngày gần đây, dư luận Đà Nẵng dấy lên hai luồng thông tin về Tôn Thất Thạnh, giám đốc CDC Đà Nẵng, là người đã bị cơ quan điều tra bắt giam hôm 20-6 vừa qua.

Rúng động cung đình Cộng sản

Lê Văn Đoành

15-7-2022

Nhiều người dự báo, đại hội lần thứ 13 của đảng CSVN là con số “tử”, không tốt, sẽ lắm nhiễu nhương. Thực tế xảy ra đúng vậy.

Liệu người giàu nhất Việt Nam có an toàn?

FULCRUM

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Trúc Lam, chuyển ngữ

15-7-2022

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng và Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm nhà máy VinFast ở huyện Cát Hải hồi năm 2019. Nguồn: Wikimedia Commons

Những đồn đoán gần đây cho rằng, người giàu nhất Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, có thể gặp rắc rối với các cơ quan chức năng, có lẽ đã qua cơn khốn đốn. Tuy nhiên, chiến dịch chống tham nhũng của Hà Nội có nghĩa là các chủ doanh nghiệp của Việt Nam phải thận trọng trong việc tìm kiếm lợi nhuận.

Vì sao cột điện “dự ứng lực” ở Việt Nam đổ hàng loạt sau cơn bão nhẹ?

Trịnh Hải

14-7-2022

Mùa bão ở Việt Nam thường bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào khoảng giữa tháng 12. Từ giờ đến cuối năm, dự báo khu vực Biển Đông sẽ có khoảng 10 cho đến 12 cơn bão và trong đó sẽ có từ 4 cho đến 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Ngoài việc lũ lụt, người dân trong nước sẽ phải chứng kiến nhiều cột điện đổ hàng loạt, giống như những gì đã xảy từ vài năm nay.

Phiếm luận về các con đực đầu đàn

Jackhammer Nguyễn

13-7-2022

Con đực Putin

Ông Putin chắc chắn rất ghét ông Boris Johnson, đương kim và sắp thành cựu thủ tướng Anh. Ngay khi ông Johnson tuyên bố từ chức vì điều hành nội bộ dở quá, ông Putin nói ngay: Chúng tôi không ưa hắn ta. Chẳng là trước đó vài ngày ông Johnson nói: Nếu Putin là phụ nữ thì chắc không có chiến tranh!

Phu Nhân Akie Abe, người phụ nữ cấp tiến và mạnh mẽ

Nhã Duy

13-7-2022

Vợ chồng cựu Thủ tướng Shinzo Abe mừng sinh nhật mẹ chồng. Ảnh trên mạng

Nước Nhật vừa xót xa tiễn biệt cựu Thủ tướng Shinzo Abe lần cuối. Thi hài ông được đưa qua đường phố Tokyo, ngang qua văn phòng Thủ Tướng và Nghị viện Nhật, nơi ông đã từng làm việc.

Nhân ngày Giỗ Bố 15/6 âm lịch: Thương bố

Mạc Văn Trang

13-7-2022

Ảnh tư liệu của tác giả

Bố tên là MẠC VĂN TỰ, sinh năm 1900, mất 1963 (ngày 15 tháng 6 năm Quý Mão).

Quyền hạn lớn, năng lực nhỏ – Làm việc nhỏ cũng gây hại lớn

Phạm Đình Trọng

8-7-2022

Liệt Sĩ Vô Danh không phải chỉ là hàng chữ vô hồn ghi trên tấm bia mộ xi măng trong nghĩa trang để những hiểu biết nông cạn, những tâm hồn thô thiển muốn tuỳ tiện vứt bỏ, thay đổi hàng chữ đó thế nào cũng được.

Cuộc chiến Ukraine và tình hình an ninh lương thực toàn cầu

BPB

Tác giả: Tobias Heidland

Đỗ Kim Thêm dịch

21-6-2022

Vụ thu hoạch trước chiến tranh trong khu vực quanh hải cảng Odessa. Nguồn: Oleksandr Gimanov / AFP

Cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine: Phương Tây có tiềm năng chia rẽ

NTV

Sebastian Schneider trò chuyện với Gerhard Mangott

Vũ Ngọc Chi, chuyển ngữ

6-7-2022

Tàn dư của một cuộc tấn công tên lửa Nga vào thành phố Bachmut của Ukraine, địa điểm tấn công tiếp theo của Điện Kremlin. Nguồn: Reuters

Chiến dịch chống tham nhũng của ‘người đốt lò’ ở Việt Nam tiếp tục thất bại

Asia Sentinel

Tác giả: David Brown

Song Phan, chuyển ngữ

5-7-2022

Mười năm ‘đốt lò’ ở Việt Nam

Các con số rất lớn, cho thấy sự gia tăng ấn tượng về phạm vi và số vụ truy tố. Dù vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khôn ngoan chọn cách không tuyên bố chiến thắng vào ngày 29 tháng 6, dịp đánh dấu kỷ niệm 10 năm chiến dịch chống tham nhũng được nhận định gắn liền với Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo già cỗi của đảng.

Tình quê hương trong nhạc Phạm Duy và những chân dung

Ngô Thế Vinh

4-7-2022

Hình 1: Nhạc sĩ Phạm Duy 90 tuổi; nh chụp vào dịp chuẩn bị sinh nhật thứ 90 của ông, trên đại lộ Thống Nhất tại bức tường trường Đại học Dược khoa, lúc này đang có một gốc cây đa bám vào vách tường rất đẹp, tôi chọn địa điểm này với ý nghĩa Phạm Duy là cây đa cổ thụ trong nn tân nhạc Việt Nam. Photo và ghi chú của Nguyễn Phong Quang.

Lời Dẫn Nhập: Cám ơn bạn hữu gần xa, những người yêu mến nhạc và cả con người Phạm Duy, trong sự tin cậy, đã gửi và cả cho phép sử dụng các nguồn tài liệu quý giá trong đó có những thư từ trao đổi riêng tư với Phạm Duy cách đây cũng đã ngót 30 năm, không ngoài mục đích giúp người viết có chất liệu – đủ cho một cuốn sách, nhưng đó là công trình của tương lai. Đây chỉ một bài viết ngắn, nhưng cũng mong phác thảo được đôi nét chân dung của một nghệ sĩ lớn Phạm Duy – thần tượng của nhiều người qua nhiều thế hệ, với một cuộc sống đầy cảm hứng nhưng cũng rất phức tạp. Phạm Duy đã sống qua hai thế kỷ, “khóc cười theo vận nước nổi trôi” trong suốt chiều dài của một bi kịch Việt Nam cận đại, vừa hào hùng và cũng vô cùng bi thảm.

***

PHẠM DUY VÀ NHỮNG KHOẢNG CÁCH

Phạm Duy sinh năm 1921 hơn tôi 20 tuổi, khoảng cách một thế hệ, khác biệt trong mọi bối cảnh sinh hoạt và cuộc sống. Những năm 1940, thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, khi cùng gia đình tản cư lên sống ở một vùng quê Thanh Hoá trong Liên khu IV; trên những thửa lúa vàng, giữa tuổi ấu thơ, tôi đã cùng với đám trẻ quê nghêu ngao hát bài Em Bé Quê và mấy bài ca kháng chiến khác của Phạm Duy. Ký ức chiến tranh lúc đó chỉ là hình ảnh một thị xã Thanh Hoá đang nguyên vẹn đẹp đẽ bị san bằng do chính sách “tiêu thổ kháng chiến” của Việt Minh. Liên Khu IV vẫn được coi như an toàn khu, không có lính Tây Lê-dương đến càn quét, và cảnh bom đạn nếu có là từ trên cao, với những chiếc máy bay Bê-Vanh-Nớp / B29 của Pháp bay dọc theo con sông Mã, gầm rú trên bầu trời, rồi từng đợt xả xuống những băng đạn lửa đum đum bắn chìm các thuyền đò, không có bộ đội chỉ có dân dã buôn bán di chuyển trên sông. Cảnh tang thương chết chóc lớn nhất mà tuổi thơ tôi đã chứng kiến là từng đợt máy bay Pháp bỏ bom oanh tạc ngôi chợ Rừng Thông với nhiều máu me và xác chết.

Năm 1951, khi hồi cư về Hà Nội, qua câu chuyện trong gia đình, tôi được biết, Phạm Duy tác giả Em Bé Quê đã có thời gian làm thợ sửa radio cho ông bác tôi ở phố Hàng Gai. Câu chuyện được nghe qua rồi cũng quên đi. Nhưng phải tới 70 năm sau, khi đọc cuốn Hồi Ký PD Tập I, tôi mới được biết về một Phạm Duy ở tuổi niên thiếu:

Học chưa hết một niên khoá, tôi bị đuổi ra khỏi trường Kỹ Nghệ Thực Hành vì tôi phạm kỷ luật hơi nhiều: đánh nhau, bị cấm túc mà trốn ra khỏi trường. Tội nặng nhất là có một hôm, phạm một lỗi lầm nào đó nhưng không chịu được cái bợp tai của Besancon, tôi chửi nhau với xếp xưởng! Lại còn giơ búa định đánh nó nữa. Tôi bị đuổi ra khỏi trường ngay lập tức. Sợ ông anh quá, tôi không dám về nhà, đáp xe hàng về Trạm Chôi ở với gia đình vú… Sau vài ba tuần trốn mặt ông anh, tôi lò mò về nhà và bị đuổi ngay xuống garage ở. Thế là sau khi đã bị coi như đứa bé rắn đầu ương ngạnh, tôi trở thành mục tiêu của sự dè bỉu nơi hai người anh ruột và anh rể. Một buổi tối nào đó, trong bữa cơm, không nhớ một trong hai người anh nói một điều gì quá đáng, tôi đập cửa ra đi. Đúng như lời mỉa mai của người anh rể, thường cho tôi là một kẻ sans foutiste, tôi ”đếch” cần tới sự vồn vã thương yêu hay sự che chở nâng đỡ của người lớn nữa rồi. Tới ở chung với một gia đình quen rồi sau vài tuần lễ, tôi xin được việc làm ở hiệu sửa radio Nguyễn Đình Thụ tại phố Hàng Gai.

[Kỹ sư Nguyễn Đình Thụ là anh của mẹ tôi, bạn của Thạc sĩ Phạm Duy Khiêm, anh của nhạc sĩ Phạm Duy – khi cả hai cùng du học tại Pháp. Ghi chú của người viết]. Phạm Duy kể tiếp:

Trước đây, dù mới ngoài 16 tuổi, tôi cũng có đôi chút kiến thức về radio và đã tự tay lắp được một máy radio nhỏ nghe bằng galène rồi, do đó tôi rất thích thú trong công việc mới mẻ này. Các máy radio của thời điện tử sơ khai còn dùng các bóng đèn và những mạch dẫn điện theo kiểu hétérodyne. Nếu so sánh với những chips điện tử bây giờ thì có thể nói rằng tôi đã đi vào điện tử ngay từ thời kỳ hồng hoang của nó. Làm thợ phụ, lương lậu không nhiều nhưng tôi rất vui vì kiếm ra những đồng lương đầu tiên trong đời mình. Hiệu sửa radio KS Nguyễn Đình Thụ ở ngay đầu Hàng Gai, tôi có dịp chứng kiến lối sống của lớp trẻ Hà Nội vào cuối thập niên 30 này.

Ghi lại sự kiện này, chỉ để tôi không còn ngạc nhiên và hiểu được tại sao Phạm Duy lại có khả năng nhạy bén khi đi vào lãnh vực high tech của máy điện toán rất sớm từ thập niên 1980. Phạm Duy có lẽ là nhạc sĩ Việt Nam duy nhất và đầu tiên đã biết ứng dụng máy điện toán [computer] để sáng tác nhạc, viết hồi ký và phổ biến âm nhạc của mình.

PHẠM DUY VỚI CD-ROM MULTIMEDIA 1995

Những năm tháng sống ở Mỹ, xứ sở của khoa học kỹ thuật, Phạm Duy đã mau chóng tự học hỏi và thích nghi. Phạm Duy đã rất hãnh diện về bộ CD ROM Multimedia đầu tiên không phải của riêng ông mà của cộng đồng người Việt hải ngoại. Trong cuốn Hồi Ký PD Tập 4, Phạm Duy viết:

“Tôi là kẻ may mắn nhất vì được làm quen với computer từ buổi bình minh của phát minh này. Từ cuối thập niên 80, tôi và Duy Cường đã khởi sự dùng máy computer. Trước tiên, chỉ để thay máy đánh chữ, nhưng khi đó chưa có ai đưa được “fonts chữ Việt” vào máy computer. Chúng tôi phải tìm mãi mới kiếm ra được một ông kỹ sư tên là Nguyễn Văn Tâm * – đang làm cho Tổ Chức Không Gian NASA — là người đầu tiên viết ra ”fonts chữ Việt”.

*Ghi chú của người viết: từ trước cho đến nay, tôi chỉ được biết và quen hai kỹ sư Việt Nam ở Mỹ đã làm nên hai bộ nhu liệu [software] tiếng Việt.

Sớm nhất là KS Nguyễn Việt, sinh quán ở Hà Nội, lớn lên ở Đà Lạt, xuất thân là sĩ quan Hải quân VNCH từ 1969 tới 1975, di tản sang Mỹ 1975, tốt nghiệp kỹ sư BS 1979, rồi MS 1985. Anh sáng lập công ty Diplomat, có trụ sở ở Newport Beach, đã sản xuất được bộ chữ tiếng Việt VN Labs và được cấp bằng sáng chế từ 1985.

Người thứ hai là KS Hồ Thành Việt, sinh quán ở Nha Trang, trẻ hơn Nguyễn Việt 6 tuổi, cũng di tản sang Mỹ 1975, tốt nghiệp kỹ sư BS 1985, bước đầu làm cho công ty Diplomat sau đó có trụ sở riêng ở Westminster, sản xuất bộ chữ tiếng Việt VNI từ 1988. Tuy bộ chữ Việt VNI ra sau VN Labs của Nguyễn Việt, nhưng do Hồ Thành Việt có khả năng marketing tốt hơn, bộ VNI được sử dụng rộng rãi hơn trong giới truyền thông và cộng đồng người Việt.

Do Phạm Duy hai lần nhắc tới tên KS Nguyễn Văn Tâm làm cho NASA là “người đầu tiên viết ra fonts chữ Việt”, với sự thận trọng, người viết đã liên lạc với TS Trương Hồng Sơn tức nhà văn hoạ sĩ Trương Vũ, sang Mỹ từ 1975 và làm cho NASA cho tới khi nghỉ hưu, tôi nhận được email hồi âm của TS Trương Hồng Sơn: “Anh Ngô Thế Vinh ơi, tôi thật sự không biết. Hơi lạ. Tôi cũng không quen k sư nào ở NASA tên Nguyễn Văn Tâm. NASA có nhiều trung tâm, ngoài số cơ hữu thì thành phần contractor khá đông nên có thể có mà mình không biết. Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ như anh về những người đầu tiên làm nên bộ chữ Việt cho computer.

Hình 2: Trái, trang báo Los Angeles Times 21/02/1993 có bài của ký giả Dean Takahashi viết về hai kỹ sư điện toán người Mỹ gốc Việt đã song hành thiết kế ra hai bộ chữ tiếng Việt cho máy điện toán: KS Nguyễn Việt với bộ chữ VN Labs, Hồ Thanh Việt với bộ chữ VNI. Phải, KS Nguyễn Việt được cấp bằng sáng chế bộ chữ VN Labs từ 1985 và cho biết anh là người đã tới nhà nhạc sĩ Phạm Duy trên đường Hunter, Midway City để giúp cài đặt bộ chữ VN Labs vào máy điện toán IBM PC của Phạm Duy. Tư liệu Ngô Thế Vinh

Hình 3: Cuốn sách Phạm Duy Ngàn Lời Ca xuất bản lần đầu tiên năm 1987, trang trong có ghi chú: Ngàn Lời Ca được sắp chữ bằng máy computer Apple Macintosh với bộ chữ Việt Âu Á do Kỹ Sư Nguyễn Văn Tâm sáng chế. Công việc typesetting được thực hiện bởi tác giả, ở ngay trong nhà với toàn bộ Desktop và chương trình Page Maker 2.0. Tư liệu của Đỗ Việt Anh

Vào thời điểm 1985, mới chỉ có bộ chữ VN Labs, và 1988 có thêm bộ chữ VNI, cả hai đều được dùng cho hệ thống máy vi tính IBM PC. Như vậy, có thể có một KS Nguyễn Văn Tâm đã sáng chế ra được bộ chữ Việt ban đầu cho máy Apple Macintosh của Phạm Duy.

Người viết không đưa ra một kết luận nào, chỉ mong rằng khi bài viết này được phổ biến, nếu KS Nguyễn Văn Tâm đọc được và lên tiếng, chúng ta sẽ có câu trả lời, để rồi ra “Cái gì của Caesar trả lại cho Caesar.”

Vẫn Phạm Duy viết tiếp: Thế là chúng tôi gài ‘’fonts chữ Việt’’ vào máy và bắt đầu dùng computer để viết thư, viết báo, viết Hồi Ký, viết sách nhạc và nhất để giữ lại những tài liệu cũ chất chứa trong những hồ sơ to tổ bố” — chữ của Phạm Duy. Và cũng phải mất một thời gian khá lâu để chúng i tìm mua những softwares về âm nhạc để viết nốt nhạc, để hoà âm. Và mua thêm những softwares về hội họa để làm tranh ảnh, trang trí v.v… Cho tới khi nhờ có computer mà tôi tiến đến giai đoạn làm ra được những CD-ROM…

Như đã từng là người đầu tiên phát hành đĩa CD-Audio, bây giờ, với sự cộng tác của một kỹ sư trẻ, anh Bùi Minh Cương ở San Jose, chúng tôi cho ra đĩa CD-ROM đầu tiên của Việt Nam. [*KS Bùi Minh Cương là cháu gọi ký giả Bùi Bảo Trúc là cậu, ghi chú của người viết].

Đây là một cuộc hôn phối rất tốt đẹp của nghệ thuật và kỹ thuật. Vi đĩa CD-ROM đầu tiên của Việt Nam này, với chủ đề HÀNH TRÌNH TRÊN ĐẤT MẸ, chúng tôi có khát vọng đem chút gia tài văn hoá của người đi trước tặng cho thế hệ đi sau, mà có thể vì sinh ra và lớn lên ở hải ngoại, các em bị cắt đứt với dòng sống tinh thần và tình cảm của dân tộc. Hồi Ký PD Tập 4.

Hình 4: Bộ CD-ROM của Phạm Duy tặng Ngô Thế Vinh và đây cũng là CD-ROM đầu tiên của Việt Nam ở hải ngoại. Một bác sĩ Mỹ gốc Do Thái, bạn làm việc cùng một bệnh viện với tôi, không chỉ khá ngạc nhiên về tỉ lệ cao các nội trú thường trú người Việt tới thực tập tại đây và khi anh cầm trên tay đĩa nhạc CD-ROM Con đường Cái quan của Phạm Duy, rồi đĩa nhạc Chopin của Đặng Thái Sơn… Anh ta nhận định rằng: “Cộng đồng di dân Việt Nam các anh chỉ mới 20 năm mà đã tiến bằng hoặc nhanh hơn các sắc tộc Á châu khác tới đây trước cả trăm năm, và tôi không nghĩ rằng các anh có thể đi vào lãnh vực High Tech sớm như vậy. Tư liệu Ngô Thế Vinh

HAI MƯƠI NĂM SÁNG DỘI MIỀN NAM

Trở lại giai đoạn 1954-1975, sau Hiệp định Genève (1954) chia đôi đất nước, do có kinh nghiệm với cộng sản, đã có hơn một triệu người từ miền Bắc bỏ hết nhà cửa ruộng nương di cư vào Nam. Từ Hà Nội, tôi theo gia đình vào Nam.

Phạm Duy thì đã rời bỏ kháng chiến về Hà Nội sau đó vào Nam từ 1951. Từ trong Nam ra Bắc, Phạm Duy và gia đình đã nổi tiếng ngay với Ban Hợp ca Thăng Long, gồm 6 người: Phạm Duy, Hoài Bắc, Hoài Trung, Thái Hằng, Thái Thanh, và Khánh Ngọc.

Hình 5: Ban Hợp Ca Thăng Long và Đêm Màu Hồng Sài Gòn, hàng trước từ trái: Thái Hằng, Khánh Ngọc, Thái Thanh; hàng sau: Phạm Duy, Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Hoài Trung (Phạm Khắc Viêm). Nguồn: internet

Tới thập niên 1960, khi tôi đã vào Đại Học Y khoa Sài Gòn, với sinh hoạt báo chí qua tờ báo Sinh Viên Y Khoa Tình Thương, quen biết với anh Lê Ngộ Châu, tôi có đôi lần gặp Phạm Duy ở toà soạn Bách Khoa. Phạm Duy không phải cây viết cho báo Bách Khoa nhưng rất thân với chủ nhiệm Lê Ngộ Châu, họ đã là bạn với nhau từ trong Liên Khu IV thời kỳ đầu kháng chiến. Bách Khoa có đăng một số bài của nhà nghiên cứu nhạc học George E. Gauthier người Canada viết về Phạm Duy [BK 332 (1/11/70), 334, 335, 337/338 (Xuân Tân Hợi), 339, 340, 342, 345, 346, 347, 350, 353, 354, 355, 363, 367, 372, và 375 (15/8/72), và cả bài phỏng vấn Phạm Duy của ký giả Lê Phương Chi. [BK 241-242, 243]. Tư liệu Phạm Lệ Hương

Như câu chuyện dật sự, qua anh Lê Ngộ Châu, tôi còn được biết thêm về một số nét chân dung khác của Phạm Duy, kể cả trường hợp ra đời của bản nhạc Còn Chút Gì Để Nhớ phổ từ bài thơ Vũ Hữu Định ra sao.

Giai thoại 1: từ Lê Ngộ Châu và Trí Đăng [1970]

Vào khoảng năm 1970 tòa soạn Bách Khoa nhận được bài thơ Còn Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định, một tên tuổi còn rất xa lạ với Lê Ngộ Châu nhưng do thấy bài thơ quá hay với hình ảnh nhẹ nhàng về phố núi Pleiku, Lê Ngộ Châu đã nhờ anh Trí Đăng [chủ nhà in Trí Đăng đang in báo Bách Khoa], chở xe gắn máy tới nhà Phạm Duy ở cư xá Chu Mạnh Trinh ngã tư Phú Nhuận, nơi quy tụ nhiều gia đình nghệ sĩ nổi tiếng như Năm Châu, Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh, Minh Trang, Kim Tước… Lê Ngộ Châu đã đề nghị Phạm Duy phổ nhạc bài thơ Vũ Hữu Định – dù anh chưa biết Vũ Hữu Định là ai. Chỉ hai ngày sau Phạm Duy đã chắp cánh cho bài thơ bằng một ca khúc cùng tên và được phát ngay trên đài phát thanh Sài Gòn với giọng ca vượt thời gian của Thái Thanh. Phổ nhạc các bài thơ là một khía cạnh tài năng khác rất đặc biệt của Phạm Duy.”

Gia đình Bách Khoa và một Lê Ngộ Châu khác

Hình 6: Bìa gốc bản nhạc Còn Một Chút Gì Để Nhớ, thơ Vũ Hữu Định, Phạm Duy phổ nhạc 1970.

Giai thoại 2: từ Trương Điện Thắng với lời kể của Phạm Duy [2006]

Theo một nhà báo trong nước, Trương Điện Thắng thì: Những năm 1971-1972, bài hát Còn Chút Gì Để Nhớ của Phạm Duy là một trong những bài hát được yêu cầu nhiều nhất trong “Chương trình nhạc yêu cầu” trên đài Phát thanh Sài Gòn. Lúc đó tác giả bài thơ là nhà thơ Vũ Hữu Định — vừa qua tuổi 30, anh đang … trốn lính ở Sài Gòn và lang bạt ở Lâm Đồng, Bảo Lộc, Pleiku… Từ trong bóng tối với nhiều bút danh như Hàn Giang Tử, Vũ Hữu Định… chàng trai gốc An Cựu nhưng nói giọng Quảng Lê Quang Trung không nghĩ mình được nhạc sĩ tài ba Phạm Duy để ý. Với bút danh Vũ Hữu Định, anh bắt đầu xuất hiện trên tạp chí Bách Khoa của Lê Ngộ Châu, tuần báo văn nghệ Khởi Hành của Viên Linh… Bài Còn Chút Gì Để Nhớ đăng trên Khởi Hành và được nhà văn Võ Phiến chép vào sổ tay. Sau này, khi chúng tôi gặp lại Phạm Duy ở Nha Trang trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 16 (12/2006), trong buổi ăn tối, Phạm Duy kể, ông đến chơi nhà Võ Phiến nhưng bạn đi vắng. Lân la chờ bạn trong phòng viết, thấy cuốn sổ tay bỏ ngỏ, ông giở vài trang đọc và bắt gặp bài thơ. “Lúc đó, tôi chưa biết anh Định là ai nhưng nhịp điệu và ngôn ngữ bài thơ làm tôi nảy ra ý định phổ nhạc. [Còn Chút Gì Để Nhớ hay Số phận của mỗi tác phẩm, Trương Điện Thắng @T.Van 2017]

Giai thoại 3: từ Phạm Duy với mảng trí nhớ cuối đời [2012]

Trong cuốn sách Vang Vọng Một Thời do Phạm Duy biên soạn, Công ty Sách Phương Nam xuất bản 2015, Phạm Duy đã lại viết một phiên bản khác nữa về trường hợp phổ nhạc bài thơ Còn Chút Gì Để Nhớ, như sau:

“Saigon 1972. Tôi đi Pleiku để nghiên cứu nhạc Tây Nguyên. Trong một tuần lễ ở đó, tôi được gặp vài nhà thơ trẻ bị động viên đang đóng quân tại miền biên giới này. Lúc đó tỉnh lỵ Pleiku còn nhỏ hẹp lắm. Một nhà thơ trẻ Vũ Hữu Định, đã mô tả cái thành phố đi dăm phút đã về chốn cũtrong một bài thơ rất dễ thương. Tôi phổ nhạc ngay lập tức, không thêm thắt hay sửa đổi một chữ nào trong bài thơ. Cũng vì tôi đang nghiên cứu nhạc Thượng nên tôi dùng ngay ngũ cung cơ bản – cung (do mi fa sol si do) trong phần giai điệu. [Vang Vọng Một Thời, Phạm Duy biên soạn, Phương Nam xuất bản, 2015]

­Hình 7: Cuốn sách Vang Vọng Một Thời và trang sách Phạm Duy kể về hoàn cảnh phổ nhạc bài thơ Còn Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định. Tư liệu Phạm Phú Minh

Chỉ riêng việc Phạm Duy phổ nhạc một bài thơ Còn Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định, mà đã có tới 3 giai thoại / với 3 phiên bản khác nhau, và có thể còn thêm nhiều giai thoại khác nữa, tưởng cũng nên ghi lại ở đây, để độc giả tự tìm cho mình câu trả lời: đâu là một “sự thật – thật”.

Một đôi dịp khác, thảng hoặc tôi còn gặp Phạm Duy thoáng qua tại Quán La Pagode, nơi mà bạn văn Nguyễn Đình Toàn, ngoài giờ làm việc ở đài phát thanh, hầu như hàng ngày ra ngồi viết nơi quán Cái Chùa. Nguyễn Đình Toàn kể như một giai thoại vui là: Phạm Duy nó bị chứng cứng tay toa ạ, không bao giờ nó đưa được tay ra túi sau đụng vào chiếc ví của nó. Toàn nhỏ hơn Phạm Duy 15 tuổi, nhưng vẫn cứ xưng là mày tao – cũng như Mai Thảo vẫn xưng mày tao với Vũ Hoàng Chương hơn Mai Thảo tới gần một con giáp.

Vào thời gian đó, tôi cũng được đọc hai cuốn sách viết về Phạm Duy, một của Tạ Tỵ: Phạm Duy Còn đó Nỗi Buồn (1971), một của Nguyễn Trọng Văn: Phạm Duy đã Chết Như thế nào? (1971)

Sau 1975, từ trong trại tù cải tạo, tôi và các bạn tù cũng đã nghe những tin đồn lạ từ xa vọng về: nào là thống tướng Nguyễn Cao Kỳ đã về tới khu Công Giáo Tân Sa Châu, cầm đầu một tổ chức kháng chiến mưu đồ phục quốc, ly kỳ hơn nữa là câu chuyện Phạm Duy bị thổ huyết chết ngay trên một sân khấu ở Mỹ khi ông đang ôm đàn hát bài “Bầy Chim Bỏ Xứ”…

CON ĐƯỜNG CÁI QUAN RA TỚI HOÀNG SA – TRƯỜNG SA.

Tôi qua Mỹ 8 năm sau, và gặp lại Phạm Duy ở miền nam California trong một bối cảnh hoàn toàn khác. Không biết tôi đã gắn bó với dòng Mekong-Cửu Long từ bao giờ, nhưng bài hát Chiều Về Trên Sông của Phạm Duy cũng đã góp phần không nhỏ nuôi dưỡng tình yêu của tôi với con sông thắm đỏ phù sa ấy.

Vào thập niên 1990s khi tôi đang viết những chương sách cuối cho cuốn Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng, trước viễn cảnh một Việt Nam bị hãm vây bởi Trung Quốc, không chỉ với con sông Mekong đổ xuống từ thượng nguồn, mà cả ngoài Biển Đông, Trung Quốc đã cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam từ 1974, và đánh chiếm đảo đá ngầm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa 1988.

Với Trường Ca Con Đường Cái Quan của Phạm Duy – con đường Việt Nam thống nhất chạy xuyên suốt từ ải Nam Quan xuống tới mũi Cà Mau đã như một nối kết lòng người. Nhưng nếu nhìn xa, Con Đường Cái Quan không dừng lại ở đó, bởi vì trong tâm khảm mỗi người Việt, Con Đường ấy còn thêm cả khúc đường biển tiếp nối ra tới hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam. Đó cũng là lý do cuộc gặp gỡ giữa tôi với nhạc sĩ Phạm Duy với một gợi ý cách đây 27 năm. Chắc ông còn nhớ buổi nói chuyện với tôi trong căn nhà thân thuộc trên đường Hunter nơi Thị trấn Giữa Đàng ngày nào. Bởi vì sau cuộc gặp gỡ ấy, Phạm Duy vẫn đều đặn gửi cho tôi các tài liệu liên quan tới những sinh hoạt của ông.

Trước viễn ảnh một Biển Đông Dậy Sóng, những dòng chữ này một lần nữa gửi tới ông (2006) qua một chương sách Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch, vẫn với tâm cảnh của “tam bách dư niên hậu” với niềm tin rồi ra cho dù thời gian xa tới đâu, Hoàng Sa Trường Sa cũng sẽ lại “châu về Hợp Phố”.

HỒI KÝ PHẠM DUY

Bộ Hồi Ký 4 Tập của Phạm Duy, với 3 tập đầu do Phạm Duy Cường Xuất Bản, từ trái, Tập I: Thời Thơ Ấu – Vào Đời (1990), Tập II: Thời Cách Mạng – Kháng Chiến (1989), Tập III: Thời Phân Chia Quốc Cộng (1991); Tập IV: Thời Di Cư Qua Mỹ: chưa in, chỉ phổ biến qua bản PDF.

Hình 8: Hình bìa 3 Tập Hồi Ký 1, 2, 3 của Phạm Duy do Phạm Duy Cường Xuất Bản. Tập 4: Thời Di Cư Qua Mỹ: phổ biến qua bản PDF. Ảnh bìa của Trần Đình Thục. Tư liệu của Nguyễn Công Thuần

Bộ hồi ký 4 tập của Phạm Duy với hơn 1500 trang, qua giọng văn mộc mạc và bộc trực, Phạm Duy đã ghi lại khá trung thực các giai đoạn hào hùng và thăng trầm của cuộc đời ông và cũng là của đất nước qua hai thế kỷ. Điểm tích cực là qua bốn tập sách ấy, Phạm Duy không hề bêu xấu ai, và cả không che giấu những chi tiết rất riêng tư của mình. Không chỉ là một nhạc sĩ với tài năng lớn – có người gọi ông là thiên tài, nhưng qua bộ hồi ký, Phạm Duy còn là một nhà văn, với những trang sách ông viết tràn đầy sức sống và cảm xúc, rất hấp dẫn và cảm động. Với Một Ngàn Lời Ca, Phạm Duy còn là một nhà thơ.

Một học giả Mỹ, Tiến Sĩ Eric Henry đã cho rằng bộ hồi ký đồ sộ của Phạm Duy không chỉ hấp dẫn, nó còn giúp cho giới nghiên cứu tìm hiểu về xã hội Việt Nam qua các cuộc chiến tranh và những năm tháng hoà bình. Bản dịch tiếng Anh cuốn Hồi Ký Phạm Duy / The Memoirs of Phạm Duy đã được TS Eric Henry hoàn tất và được Cornell University Press nhận xuất bản. Một dự án hai bước [có một bản dịch hoàn chỉnh, và tìm được một nhà xuất bản Mỹ uy tín]; là điều mà Phạm Duy khi còn sống đã vô cùng ao ước. Nhưng sau khi Phạm Duy mất, do không có được sự đồng thuận của các người con Phạm Duy, The Memoirs of Phạm Duy cho đến nay vẫn chưa được phép xuất bản.

Hình 9: Phạm Duy và TS Eric Henry, dịch giả Bộ Hồi Ký Phạm Duy, đã gặp lại nhau trong một quán cà phê tại Sài Gòn ngày 30/07/2009. Bộ ảnh cùng với các ghi chú hài hước của nhiếp ảnh gia Nguyễn Phong Quang, bạn của Eric, được sắp xếp theo chiều kim đồng hồ, từ trên trái: (a) kể lể cho nhau nghe, trên phải: (b) tranh luận, dưới phải: (c) không dễ để thuyết phục được nhau, dưới trái: (d) cuối cùng chúng tôi đã có tiếng nói chung. Photo & ghi chú của Nguyễn Phong Quang, tư liệu Eric Henry gửi cho Ngô Thế Vinh

Hình 10: Phạm Duy đang khoe với hai ký giả Phố BolsaTV bản dịch tiếng Anh bộ Hồi Ký Phạm Duy 4 tập của TS Eric Henry. Theo dịch giả Eric Henry, sau khi Phạm Duy mất, vì chưa có được sự đồng thuận của tất cả những người con Phạm Duy nên cho đến nay The Memoirs of Phạm Duy vẫn chưa được phép xuất bản. Tư liệu của BolsaTV 26.01.2012

MỘT GIAI ĐOẠN CHỐNG CỘNG VÀ LAO ĐỘNG NUÔI CON

Phạm Duy tuy “nổi tiếng” về cuộc đời tình ái rất đa đoan của ông; nhưng nếu đã quen Phạm Duy, ai cũng biết ông là người cha rất thương các con. Cho dù đã là một nhạc sĩ với tên tuổi, nhạc của ông được ưa chuộng và hát khắp năm châu, tiền cachet của ca sĩ hát nhạc Phạm Duy có thể cao, nhưng lại không có phần đền bù tương xứng cho người nhạc sĩ sáng tác tài danh ấy. Có thể nói, ở hai thập niên đầu sau 1975, cuộc sống tỵ nạn của gia đình Phạm Duy khá chật vật, nhưng Phạm Duy vẫn luôn luôn lạc quan, và không từ nan làm bất cứ công việc gì để cải thiện sinh kế nuôi vợ là Thái Hằng và một đàn 8 đứa con. Hai năm đầu tỵ nạn sống ở Florida, ngoài các tours trình diễn nhỏ, Phạm Duy còn viết sách nhạc dạy Tự Học Đàn Guitare, in lại các băng cassette* cũ mà ông mang theo được theo lối thủ công để bán và phát hành qua đường bưu điện… vậy mà ông “nuôi nổi cả gia đình, một nửa ở Mỹ, một nửa ở Saigon”.

[*Trong Hồi Ký PD Tập IV, Chương I, Phạm Duy kể: Khi vội vã ra đi, vợ chồng mang theo được 2 va li nhỏ, tới đảo Guam thì bị mất một va li đựng quần áo ấm, nhưng may mắn còn chiếc va li thứ hai đựng nhiều kỷ vật vô giá như ảnh cũ, băng nhạc cũ.]

Bao nhiêu tiền kiếm được Phạm Duy hết sức dành dụm để gửi về nuôi 4 người con trai còn kẹt lại ở Việt Nam, và sau đó đủ tiền mua chỗ cho chúng vượt biển thành công sang đoàn tụ với bố mẹ. Phạm Duy tiết kiệm tới mức, khi hai đứa con nhỏ xin tiền bố mua đồ chơi và ông không cho, tụi nó gọi Phạm Duy là “Bố keo”.

Tính “keo” của Phạm Duy là một đức tính của ông – nhưng lại bị nhiều người đem ra bỉ thử. Phạm Duy có người vợ hiền là Thái Hằng, được nhiều người tôn vinh là bà thánh. Bà đã hy sinh sự nghiệp ca hát rất sớm từ khi sinh đứa con cuối cùng là Thái Hạnh, và để toàn thời gian chỉ để chăm sóc chồng và tám đứa con. Nhưng Thái Hằng không phải là Bà Tú Xương:

Quanh năm buôn bán ở ven sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng

Khác với ông Tú, Phạm Duy một vợ và có tới 8 người con, chỉ có một mình ông cáng đáng lo toan phần sinh kế gia đình. Ông không chỉ là một nghệ sĩ lớn có sức sáng tác rất sung mãn, đi trình diễn khắp đó đây, khiến nhà thơ Nguyên Sa đã gọi ông là “Phạm Duy Đại Lực Sĩ”, và cả ví von “Hình ảnh Phạm Duy là một thanh niên ngàn năm hai mươi tuổi.” [trích Nghệ Sĩ Việt Nam ở Hải Ngoại]. Không những thế ông còn là một người cha rất có trách nhiệm và thương con. Có lần ông nói thẳng với người bạn thân: “Nếu không như vậy thì ai là người nuôi đám con moa.” Biết được như vậy, người ta chỉ có thể cảm phục Phạm Duy hơn.

Từ Florida dọn về California, nơi có đông đảo cộng đồng người Việt, Phạm Duy vẫn phải lao động cật lực nuôi một gia đình đông đúc 12 người: vợ chồng Phạm Duy, với 8 người con và cả các cháu nội ngoại trong một căn nhà 3 buồng ở Midway City, mà Phạm Duy đặt tên là Thị Trấn Giữa Đàng.

Hình 11: Gia đình Phạm Duy đông đúc 12 người đoàn tụ trong một căn nhà 3 buồng nơi Thị Trấn Giữa Đàng / Midway City. Tư liệu Phạm Duy, Hồi Ký PD 4

Điều mà không phải ai cũng biết là Phạm Duy đã từng có dự định: mở quán ăn hay làm nhân viên địa ốc mua bán nhà cửa, và rồi ông nhận làm cả dịch vụ tài xế hàng ngày lái xe đưa đón các bệnh nhân tới phòng mạch các bác sĩ ở Quận Cam. Cùng một lúc ông vẫn dành tất cả thời giờ còn lại cho âm nhạc, cho niềm đam mê của mình.

Phạm Duy viết trong Hồi Ký PD Tập 4:

Trong thời gian tôi gặp Nguyễn Chí Thiện, anh bạn của tôi là bác sĩ Trần Ngọc Ninh đã từ Denver (Colorado) dọn về mở phòng mạch tại Santa Ana. Tôi vừa mua được một căn nhà mới ở ngay cạnh căn nhà cũ để “cứu sống” mười hai mạng người trong gia đình, bấy lâu nay vì ở chung một nhà chỉ có ba phòng ngủ và một phòng vệ sinh độc nhất cho nên vào mỗi buổi sáng (nói đùa đấy nhé) phải “giết” nhau mới làm được việc tiểu tiện, đại tiện, đánh răng, rửa mặt, tắm rửa! Bỏ thêm chút tiền xây thêm phòng ngủ, phòng tắm cho cả hai căn nhà, từ nay trở đi gia đình chúng tôi sống êm thắm như trong bài học của sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Tôi có đầy đủ sự yên tĩnh để làm hai công việc vừa khởi sự là soạn tài liệu cho bài thuyết trình về Năm Mươi Năm Tân Nhạc và phổ một số bài thơ của Nguyễn Chí Thiện thành 20 bài ngục ca.

Giải quyết xong vấn đề ăn ở cho toàn thể gia đình, tôi rất rảnh rỗi, nhân anh chị Ninh cần người đưa đón bệnh nhân (người già hoặc mới qua Mỹ chưa có xe hơi), tôi không nề hà nhận làm việc này ngay. Tôi đã từng làm thợ rèn, thợ điện, nông phu, thầy giáo trong thời niên thiếu. Qua Mỹ, đáng lẽ tôi cũng phải làm việc chân tay nhưng tôi khéo xoay sở nên được làm công việc trí óc.

Bây giờ tôi đang có phương tiện (xe hơi), sức khoẻ và thời giờ — lúc này chưa được nhiều nơi mời tôi đi hát như trong những năm sau –, tại sao tôi không dùng nó để kiếm tiền nhỉ? Dù chỉ là tiền “petty cash” cao hơn tiền xăng nhớt một chút thôi! Nhưng công việc rất nhàn nhã này không kéo dài vì xy ra vụ một số y sĩ gian lận về medicare bị đưa ra toà. Khi nhận giúp việc cho cả hai bên bệnh nhân và bác sĩ, rất ngây thơ và ngay thẳng, tôi không biết tới chuyện lạm dụng này, bởi lẽ giản dị anh Ninh không hề làm chuyện đó. Nay thấy cần phải tránh xa cái thế giới đang có “sì căng đan” lớn nên tôi “sì tốp” ngay việc giúp bệnh nhân đi khám bệnh. Vả lại tôi đã khởi sự được mời đi hát sau khi soạn xong 20 bài ngục ca.

Dù sao đi nữa, tôi muốn cám ơn những ngày được làm nghề tài xế cao quý (giống như các ông hoàng Nga trắng tị nạn Cộng Sản ở Paris) vì tôi có dịp tiếp xúc với người dân thường, hoặc đã qua Mỹ từ 1975 hoặc vừa mới tới đây bằng đường vượt biên.

Tôi được biết rõ tâm tình của người tị nạn, biết thêm những chuyện vui buồn thầm kín trong xã hội lưu vong. Cuộc tiếp xúc thân mật với dân chúng lần này trong chiếc xe hơi chẳng khác chi lúc tôi đi hát bằng xe lửa, ô tô buýt, bằng thuyền và thời tôi đi bộ trong kháng chiến, đi tới đâu tôi cũng học hỏi rất nhiều ở người dân.

Hình 12: Nhạc sĩ Phạm Duy và Bác sĩ Trần Ngọc Ninh, trong thập niên 1980. Bác sĩ Trần Ngọc Ninh là thuyền nhân rất sớm từ 1977 tới được Mã Lai, rồi tỵ nạn ở Mỹ – sau khi lấy lại bằng hành nghề y khoa xong, từ Denver (Colorado) dọn về mở phòng mạch tại Santa Ana. Phạm Duy viết: “nhân anh chị Ninh cần người đưa đón bệnh nhân (người già hoặc mới qua Mỹ chưa có xe hơi), tôi không nề hà nhận làm việc này ngay.

Ngoài ra, đưa bệnh nhân tới phòng mạch phải ngồi chờ rất lâu rồi mới đưa bệnh nhân về nhà, tôi có nhiều thời giờ để sáng tác. Tại phòng khám bệnh của bác sĩ Ninh, trong khi anh bạn bắt bệnh nhân thè lưỡi ra coi hay xn tay đo tension, tôi ngồi cắn bút viết ngục ca bên cạnh những chai nước khử trùng. Hèn gì ngục ca có mùi nhà thương trong nhạc, ngoài mùi nhà tù của thơ. Có lúc rỗi rãi, chúng tôi ngồi nói chuyện văn nghệ văn gừng trong phòng mạch hay trong quán ăn trưa ở gần đó. Có thể nói bác sĩ Trần Ngọc Ninh là thính giả đầu tiên của những bài ngục ca.

LÁ THƯ ĐẦU NĂM ẤT HỢI 1995

Mùng Một Tết Ất Hợi, 31 February 1995

Hôm nay, ngày đầu năm, tôi khai bút (đúng ra là khai máy vi tính) để báo cáo anh chị vài tin mừng:

1. Gia đình tôi vừa có thêm cháu ngoại, con gái của Thái Thảo/Tuấn Ngọc, ra đời vào đúng ngày cuối năm, giống như bà ngoại cháu 65 năm về trước.

2. Tổ chức Phạm Duy Foundation dự tính thành lập từ lâu, nay đã chính thức ra đời. Người sáng lập là chị Phan Tú Khanh ở Los Altos, CA-USA. Hiện nay đã có bản điều lệ (by-law) (1) để gửi tới những người mà tôi mời vào Hội Đồng Quản Trị (Board of Trustees) (2) Lẽ tất nhiên tôi kính mời bạn làm hội viên hoặc bảo trợ viên của foundation này. Có thể foundation sẽ chính thức công bố (hay mở kỳ họp đầu tiên) vào tháng 4-1995 để đánh dấu 20 năm hải ngoại. Và một trong những công tác đầu tiên là tổ chức một cuộc hội thảo (symposium) về Nhạc PD hay chỗ đứng của PD trong lịch sử tân nhạc.

3. Dù chưa chính thức hoạt động, foundation đang bảo trợ tinh thần việc thực hiện một CD ROM về Nhạc PD. Tôi và kỹ sư Bùi Cương (là người nắm phần kỹ thuật) đã đồng ý đưa nhạc phẩm CON ĐƯỜNG CÁI QUAN vào CD ROM này có thể hát phần Việt ngữ theo kiểu karaoke. Hoặc cho con cháu hát theo để không quên tiếng Việt.

Vì là đĩa audio-visual có tính chất multimedia, ngoài trọng tâm là âm nhạc ra, CD ROM này còn có thêm những mục như:

a. mục giải thích (bằng Anh, Việt ngữ) (3) những nhân vật hay sự việc mang tính chất huyền sử, lịch sử trong trường ca.

b. mục viết về trường ca ra đời trong hoàn cảnh nào, phổ biến ra sao…

c. mục giải thích nhạc ngữ, lời ca của trường ca.

d. tất cả những bài báo viết về trường ca này trong mấy chục năm qua đều được cho vào CD ROM.

e. Rất nhiều hình ảnh quê hương cũng hiện diện trong CD ROM.

Những tin vui này đã đến với tôi trước khi chúng ta bước vào năm mới, một năm mà tôi tưởng rằng sẽ chẳng còn gì để nói, để làm nữa. Tôi không ngờ rằng trước khi nhắm mắt lại được thấy phần thưởng cao quý nhất đến với tôi, không phải đến từ chính quyền trong nước hay một hàn lâm viện quốc tế… mà hoàn toàn đến từ những người yêu nhạc mà chị Phan Tú Khanh là đại diện tích cực nhất. Phần thưởng không kém phần quý báu là kỹ sư Bùi Minh Cương đã giúp tôi phổ biến tác phẩm qua hình thức CD ROM. Trong tương lai gần, với sự giúp đỡ của bạn bè, tôi có thể dễ dàng cho phần văn chương gồm cuốn NGÀN LỜI CA và 4 cuốn hồi ký, và phần âm nhạc với một số hoặc tất cả trên dưới 1000 nhạc phẩm của tôi vào CD ROM.

Tôi nghĩ rằng, vào ngày đầu của một năm mới, điều đẹp nhất đối với tôi là xin được chia vui cùng bạn. Không tiêu cực như vào lúc đầu của kiếp lưu vong, hai mươi năm đã trôi qua, được tiếp tục hành nghề hát rong và nhất là được sống ở một nước với nền kỹ thuật cao nhất và biết đem kỹ thuật vào nghề mọn của mình, với kết quả tích cực nhất… thật là đáng sống! Hoan hô cuộc đời.

Chúc bạn, bước vào một năm mới, cũng vui như tôi. Rất thân ái ./.

—–

1. Trang đầu đính kèm vào thư này. Xin coi mục đích của tổ chức nơi Article 2: Purposes

2. Tôi trân trọng mời các bạn Đỗ Văn (Anh Quốc), Thuỵ Khuê (Pháp Quốc), Mộng Thường (Úc), Đỗ Quý Toàn (Gia Nã Đại), Steve Addiss, Nguyễn Ngọc Bích, Đỗ Ngọc Yến, Phạm Văn Kỳ Thanh (Mỹ)…

3. Ai là người có thể giúp tôi Pháp Ngữ?

T.B._ Lê Hữu Khoá có đồ án về Symposium, đính kèm.

Hình 13: Trên, thư viết tay Phạm Duy gửi Ngô Thế Vinh. Giữa, Khai bút đầu năm Ất Hợi 1995 của Phạm Duy gửi bằng hữu. Từ trái dưới, trang phác thảo dự án cuộc hội thảo “nghiên cứu về sự nghiệp âm nhạc của Phạm Duy” của Lê Hữu Khoá, Giám đốc Nhóm Nghiên cứu về Di dân Đông Nam Á / GRISEA (Groupe de recherche sur l’Immigration du sud-est asiatique) từ Paris; và bản điều lệ của Phạm Duy Foundation. Tư liệu Ngô Thế Vinh

 

VỀ VIỆT NAM VÀ NHỮNG CHUYẾN ĐI THĂM DÒ

Nhiều người vẫn nghĩ Phạm Duy chỉ có ý định về sống ở Việt Nam sau cái chết của Thái Hằng 1999, nhưng không hoàn toàn đúng như vậy.

Khá sớm từ trước 1994, qua nhưng thư từ gửi về Việt Nam, và cho bằng hữu, Phạm Duy đã có những ngỏ ý là muốn về sống ở Việt Nam, cả với hy vọng đòi lại được 3 căn nhà ở Phú Nhuận mà ông bỏ lại khi vội vã bỏ nước ra đi năm 1975.

Trong một thư riêng viết ngày 16/08/1994 gửi cho người bạn trẻ đang làm việc ở Singapore là Võ Tá Hân, tốt nghiệp MIT, một chuyên gia kinh tế ngân hàng, đang là Tổng Giám đốc của Singapore Finance, Võ Tá Hân cũng là tay đàn guitare cổ điển có hạng và rất mê nhạc Phạm Duy và là cháu ruột gọi nhà văn Linh Bảo là cô.

Phạm Duy viết: Anh Hân thừa biết tôi đang được dân chúng hải ngoại yêu mến như thế nào rồi. Bây giờ mà tôi trở về với nhà nước vẫn còn là cộng sản, thì họ sẽ tẩy chay ngay”.

Cũng trong bức thư ấy, Phạm Duy viết tiếp: “Anh nên nhớ từ 1988, với 10 bài Rong Ca, tôi đã chấm dứt cái thứ âm nhạc được gọi là “chống cộng” rồi. Rong Ca là bỏ quên thế kỷ 20 đi, nhắm tới thế kỷ mới mà sống.Rồi Thiền Ca là gì? Là: Tròn như viên đạn đồng đen, đã khô vết máu quên miền chiến tranh. Viên đạn sinh ra để giết người, thế mà nó còn quên được chiến tranh huống chi con người. (Chính quyền cũng đã quên được “lũ giặc lái Mỹ” ném bom cơ mà). Và nếu nghe Bầy Chim Bỏ Xứ thì thấy tôi đưa ra chủ trương chim lành chim dữ đều có thể sống chung với nhau được. Trong phần cuối bài tôi nói: diều hâu bạo dữ mời đi giữ biên cương… có nghĩa là chúng ta cũng rất cần có người cộng sản để ngừa Trung Hoa lúc nào cũng lăm le tràn xuống nước ta chứ!

Dầu sao đi nữa, tôi sung sướng vô cùng khi thấy có một số người trẻ hiểu tôi như anh Đỗ Trung Quân, Lưu Trọng văn (*con trai Lưu Trọng Lư). Hồi tôi gặp Trần Tiến ở Pháp cũng nghe nói Dương Thụ hết lòng bênh vực tôi. Thế là đủ rồi! Chẳng cần tới một hay hai vị quan chức “đoái thương” tới l’enfant prodigue — đứa con hoang đàng này ! Tôi nghe anh Trần Văn Khê nói rằng trong ban thường vụ chỉ có 2 người chống tôi thôi… Thư Phạm Duy, 16/08/1994*

HOÀNG THƯỢNG KHANH VÀ CA KHÚC VỀ MIỀN TRUNG

Qua nhà văn Phan Lạc Tiếp từ San Diego, Phạm Duy mừng rỡ tìm lại được người bạn kháng chiến từ Bình Trị Thiên hơn nửa thế kỷ trước, hiện đang sống ở Hà Nội, anh tên Hoàng Thượng Khanh. Và tiếp ngay sau đó là những bức thư đầy cảm xúc của Phạm Duy gửi cho Hoàng Thượng Khanh.

Hình 14: Hình trên là bức thư thứ nhất, Phạm Duy viết tay ngày 19/06/1994 gửi qua máy Fax của Võ Tá Hân ở Singapore để được chuyển về Hà Nội. Tư liệu của Võ Tá Hân

Bức thư thứ hai,

Ngày 04/07/1994,

Anh Hoàng Thượng Khanh,

Hai tuần trước, khi Phan Lạc Tiếp gọi điện thoại cho tôi biết đã gặp Hoàng Thượng Khanh ở Hà Nội thì tôi rất mừng và sau vài dòng chữ viết vội cho Khanh, tôi đã nhận được thư Khanh. Thư vẫn là của con người super sensible mà tôi đã quen ở Huế hồi 1944 khi tôi là ca sĩ của gánh hát Đức Huy và hồi 1946 khi tôi hát ở Quán Nghệ Sĩ, con người sau đó vào năm 1948, đã chia ngọt sẻ bùi với tôi trong một thời gian khá lâu ở chiến khu Ba Lòng, Quảng Trị.

Trong một nửa thế kỷ mà C.V. Gheorghiu và Günter Grass gọi là thời chó má, Camus gọi là thời dịch hạch, Marquez gọi là thời thổ tả vì sự tung hoành của những guồng máy quyền lực liên tiếp xô đẩy thế giới xuống chết chóc tan lìa (Việt Nam là nạn nhân của mấy đế quốc này)… và nhất là sau gần nửa thế kỷ xa cách nhau, thế mà anh và tôi vẫn còn sống sót để gặp nhau ngày hôm nay qua thư từ, và một ngày gần gũi nào đó qua một cái ôm hôn “cười trong nước mắt, khóc trong nụ cười”… chao ôi là hạnh phúc !

Tôi nhớ nhất là những ngày cùng anh ngồi bên những con suối không tên ở chiến khu, lau rửa những vết sâu quảng đỏ loét ở chân mình, đời sống lúc đó cực kỳ gian khổ mà tại sao lòng mình thảnh thơi đến thế? Tại sao chỉ ăn cơm hẩm với mắm tôm, chịu đựng một cơn bão rừng ghê gớm (Khanh còn nhớ trận bão đó không?) sống rất nguy nan giữa lòng địch ở Đại Lược… thế mà tôi vẫn có thể soạn được những bài hát cao lớn như Về Miền Trung, Bà Mẹ Gio Linh, Mười Hai Lời Ru? Câu trả lời cũng giản dị: vào lúc đó chúng ta còn rất trẻ, chúng ta rất yêu nước và riêng tôi thì được hưởng một tình bạn rất thân thiết mà anh đã ban tặng cho tôi. Trong thư, anh viết” “không một lúc nào quên Duy”, trong thư này tôi cũng xin viết như anh: “không một lúc nào quên Khanh”. Và xin viết thêm: “không có Khanh, chưa chắc tôi đã có bài Về Miền Trung!

Với thư này, tôi mong Khanh còn nhớ được kỷ niệm nào của chúng mình trong ba lần gặp nhau đó thì viết vào giấy hay nói vào băng cassette rồi gửi cho tôi để giữ làm tài liệu sống cho một bảo tàng viện về tôi (chắc chắn) phải có trong tương lai. Ở hải ngoại, tôi đã có vài “PD Học Hội” được thành lập để người yêu nhạc làm công việc sưu tập tài liệu và truyền bá nhạc PD. Nhạc của tôi như Khanh sẽ thấy, không chỉ hoàn toàn là những hùng ca hay bi ca của một dĩ vãng vừa huy hoàng, vừa bi đát hay là những dằn vặt về thân phận con người (nhất là con người biệt xứ) hoặc những nỗi bất bình về tình hình đất nước… Nó còn mang dấu tích tư liệu của một người chứng thời đại, chẳng hạn Rong Ca là những trầm tư của một người Việt đã qua cầu thế kỷ 20, nay hát cho những năm 2000, nhưng nó không có cái nhìn khe khắt như các vị C.V. Gheorghiu và Günter Grass gọi là thời chó má, Camus gọi là thời dịch hạch, Marquez gọi là thời thổ tả kể trên.

Một nhà phê bình về tôi đã cho rằng “Hát về thế kỷ, hát về những chiều kích không gian thoáng rộng và thời gian dài không thể hát từ cõi tâm chật hẹp bị vướng mắc trong những khoảng cách, phân biệt. Phải đủ sức bay của chim Bằng mới bay khỏi tầm nhìn hữu hạn của thế gian mà có cái nhìn mênh mông hơn.” Đạo Ca, Thiền Khúc của tôi cũng không là tiếng hát của thằng mõ trong làng nữa, nó là tiếng ca vừa nhân hoà, vừa nhiên hoà của một bõ già chứng nhân của thời đại. Có câu hát này tôi cho là đắc ý :

Tròn như viên đạn đồng đen

Đã khô vết máu quên miền chiến tranh

Lẽ tất nhiên, Khanh cũng cho tôi biết Khanh đã sống ra sao trong một đất nước đã có quá nhiều oan khiên mà sự giải oan không có thể được giải quyết trong một năm, một tháng hay một ngày được. Chúng ta sẽ tránh không nói chuyện chính trị. Chúng ta chỉ trao nhau những lời tâm sự của hai thằng bạn già. Đúng như Khanh nói: “thì giờ còn lại ít lắm”! Và tôi cũng đã từng hát: “còn một ngày, vui muôn nỗi vui”! Vậy viết thư dài nhé, nên nhờ người bạn của tôi là chị Văn Dương Thành – mà chắc anh đã gặp — gửi đi cho đỡ tốn tiền tem.

Cuối cùng, vì được hân hạnh biết Tố Uyên, là bạn của Băng Thanh [là em gái nhà văn Linh Bảo, ghi chú cùa người viết], xin cho tôi gửi lời chào thân mến tới cô gái Huế họ Võ, người đã cùng em gái và tôi – trong một tiền kiếp nào đó — rảo bộ trên một con đường Vỹ Dạ, có nắng hạ có gió hè, xiết bao êm ấm.

Rất thân ái,

Phạm Duy

Kèm theo bức thư này, là một thư viết tay 3 ngày sau 7/7/94 gửi Võ Tá Hân:

Ngày 15/08/1994, Phạm Duy cũng từ Thị Trấn Giữa Đàng fax cho Võ Tá Hân, một bức thư thứ ba viết cho Hoàng Thượng Khanh, người bạn cố tri đang sống ở Hà Nội. Trong bức thư gửi bạn, Phạm Duy muốn bộc lộ hết tâm can:

Anh Hân,

Tôi vừa nhận được thư của Hoàng Thượng Khanh. Vội fax thư sau đây nhờ Hân chuyển cho ông ta. Cám ơn nhiều./.

Bức thư thứ ba

15 tháng 8, 1994

Anh Hoàng Thượng Khanh,

Hôm nay bà Nguyễn trở về Mỹ, đem theo thư của Khanh và ảnh Khanh do bà ta chụp. Khanh có vẻ bình tĩnh hơn trong ảnh do anh Võ Tá Hân chụp tháng trước. Bravo!

Vì Khanh muốn biết “gia cảnh” của mình nên xin “báo cáo”:

“Tới tháng 10 này, Duy vừa đúng 75 tuổi. Là người có nhiều tình nhân nhất trong đám văn nghệ sĩ lãng mạn thời 45, vậy mà Duy là người chồng ngoan nhất, vẫn cứ thờ một bà Thái Hằng mà tướng Nguyễn Sơn làm mối và chủ hôn, (này, nếu Khanh gặp bà Nguyễn Sơn thì hỏi có còn giữ tấm ảnh đám cưới của Duy-Hằng không?). Vợ chồng nhà này sống với nhau gần nửa thế kỷ rồi, có 8 con (5 trai, 3 gái và 6 cháu nội ngoại) hầu hết đã có vợ có chồng nhưng vẫn còn ở chung với cha mẹ trong ba căn nhà ở cùng phố. Tụi này ở nước Mỹ đã 20 năm, trước kia đi làm có đóng thuế đầy đủ nên từ ngày về hưu (từ 1985 – PD nghỉ hưu ở tuổi 64) được lĩnh tiền vừa đủ để sống mà không cần nhờ vả tới các con. Nói chung, từ ngày rời miền Bắc vào Nam (1951) gia đình này lúc nào cũng đủ ăn và trước khi đi Mỹ, có 3 căn nhà ở Phú Nhuận. Qua Mỹ với 20 dollars trong túi, tụi này làm lại cuộc đời và cuối cùng cũng có được 3 căn nhà như xưa.

Trong mấy năm qua, tình hình thay đổi, Duy ngỡ rằng có thể bán nhà ở Mỹ đem tiền về sống nốt những ngày còn lại ở quê nhà… Thế nhưng vào tháng 4 năm nay 1994, vợ con Duy về Việt Nam rồi khi họ trở về Mỹ, thì Duy thấy rằng sự trở về của Duy chưa thuận tiện chút nào cả. Thôi thì đành ở lại cái đất “tạm dung” này vậy! Nói cho ngay, Duy cũng đã quá quen với đời sống Mỹ Quốc rồi, về già, vấn đề sức khoẻ rất quan trọng, ở đây y học rất tối tân mình đỡ lo hơn (Duy đã 2 lần mổ rồi, ở phổi và ở bọng đái).

Voilà! Vì Khanh hỏi nên phải khai ra là như vậy, chứ không dám khoe khoang gì đâu nhé…

Khanh nhắc tới trường Hàng Vôi, 16 Carreau, Hưng Yên… làm Duy cảm động. Nhưng nếu có ngày nào Duy trở về đường xưa lối cũ, liệu có còn dư hương của kỷ niệm xưa hay không?

Có người* đã viết về Duy như sau: PD cảm nhận được khúc ngoặt to lớn của dân tộc, viết Tình Hoài Hương như một tổng kết, rằng từ nay không chỉ xa quê nhà trong không gian mà là xa mãi trong thời gian, tình cảm kết tinh thành một nostalgie như là chứng liệu một thời. Nước Việt Nam sau 1945 đã bước vào một thời đại mới của cuộc diện thế giới, vĩnh viễn xoá bỏ ý niệm “cố hương” theo kiểu cũ. Cho nên Duy mô tả quê hương với tất cả các nét đằm thắm một thời của nó, đồng ruộng, luỹ tre, làn khói, con sông, cây đa, con trâu, bà mẹ… nhưng không một lời mơ ước là sẽ trở về. Còn đâu nữa mà về! Ông không mang ảo tưởng quay về cái cũ của những ngày đầu kháng chiến, ông cảm nhận được cú định mệnh đang giáng xuống Việt Nam bắt buộc đi vào một thời đại hoàn toàn mới, từ tình hoài hương ông kịp chuyển qua các báo hiệu cho một tâm cảm mới:

Chiều xoay hướng!

Sống vui trong mối tình muôn đường

Tình ngàn phương!

Biết yêu nhau như lòng đại dương

Thời đó ông chỉ có thể hát lên cung bậc chuyển tiếp cho một dự cảm. Người Việt Nam buộc phải ra khỏi cái nôi ấm áp thôn dã hàng ngàn năm của mình, cái bước đi đã được ý thức và được thực tập từ thời Đông Kinh Nghĩa Thục, thời Đông Du nhưng chưa bao giờ thật sự thành hiện thực. Sau cuộc chiến chín năm thì giấc mơ của Hoàng Giác:

Về quê xưa để đời sống êm đềm giấc mơ

Về quê xưa tìm bóng những ngày đã qua…

… rõ ràng không bao giờ thực hiện được nữa, “bóng những ngày đã qua” đã bay luôn. Phạm Duy đã nhìn ra những buổi chiều đã xoay hướng, chẳng có gì bắt phải nhìn mãi về phía quê nhà, và cũng đã chuyển làn khói ấm hương thôn ra thành tình ngàn phương, biến tình yêu đất nước thành tình đại dương rộng rãi. Con người thành người phiêu lãng, chứ không còn của một mảnh đất thân yêu cố định. Phiêu lãng là phiêu lãng đối với quê hương đã mất…”

[*Người viết ấy chính là nhà văn nhà báo Phạm Xuân Đài, tác giả bài Giấc Hương Quan (trong cuốn tùy bút Hà Nội trong mắt tôi xb 1994) mà Phạm Duy trích dẫn trong bức thư này. Và PXĐ cũng. đã viết bài “Cái Chết Trong Ca Khúc Phạm Duy” đăng trên báo Thế Kỷ 21 khiến Phạm Duy cảm hứng làm một chuỗi video giới thiệu và diễn giải các ca khúc của Phạm Duy liên quan tới chủ đề này:

https://www.youtube.com/watch?v=8uzseMiSGOo.

PXĐ là người yêu mến và ngưỡng mộ nhạc Phạm Duy từ lâu. Khi nghe tôi đang viết về Chân Dung Phạm Duy, PXĐ đã cung cấp cho tôi tài liệu và anh cũng khuyên tôi chỉ nên viết những điều lớn lao của Phạm Duy, hãy quên đi những chi tiết đời thường của ông. Ghi chú của người viết]

Duy mượn những lời trên để nói với Khanh về một vấn đề dễ làm ta mủi lòng: quê hương! Quê hương không chỉ là chùm khế ngọt mà thôi, quê hương trước hết là con người, là bạn bè, là người tình… Con người Việt Nam bây giờ ra sao? Bạn bè của Duy còn ai nữa đâu, nếu không tình cờ tìm ra Khanh thì có lẽ chỉ còn có Văn Cao là người bạn duy nhất. Người tình (hiểu theo nghĩa là người yêu nhạc PD), thì họ đâu được tự do nghe nhạc? Do đó, nếu chẳng bao giờ được trở về Việt Nam (vì lý do này nọ), thì Duy cũng đã chọn làm người của ngàn phương từ lâu rồi.

Thôi nhé, thư đã dài, hẹn thư sau. Mong thư Khanh. Chào Tố Uyên, Băng Thanh. Chúc quý bà tất cả những điều tươi tốt./.

Phạm Duy

Ba bức thư Phạm Duy gửi người bạn kháng chiến Hoàng Thượng Khanh — cả hai nay đã là người trăm năm cũ, không những là áng văn chương mà còn ghi lại những diễn biến nội tâm rất trung thực và phức tạp của con người yêu nước là Phạm Duy.

Cũng qua mấy bức thư ấy, để thấy rằng một Phạm Duy tuy nói thì như dỗi vậy thôi, nhưng ông vẫn kiên nhẫn tìm cách “vượt mọi cửa ải”, mong chờ ngày được trở về Việt Nam. Phải đến năm 2000, lần đầu tiên Phạm Duy mới được phép về thăm Việt Nam — để tự thân ông quan sát thực địa. Và như kỷ niệm cho chuyến đi đó, khi Phạm Duy trở về Mỹ, ông có ký tặng tôi bức ảnh khi ông đang đổ rượu trên mộ nhạcVăn Cao, người bạn kháng chiến thân thiết của Phạm Duy thuở nào.

Hình 15: trái, Phạm Duy thăm mộ nhạc sĩ Văn Cao Mùa Xuân Năm 2000 với chai rượu muộn màng: trong hình Phạm Duy đang đổ rượu trên mộ Văn Cao trong chuyến trở về thăm Việt Nam lần đầu tiên. Tư liệu Ngô Thế Vinh

Với tất cả thận trọng và dĩ nhiên cả sự khôn ngoan – như một bản năng sinh tồn, trong suốt 5 năm sau đó, Phạm Duy tiếp tục các chuyến đi thăm dò, và sau khi có Nghị Quyết 36, và nhất là khi ký được một Hợp Đồng 20 năm [2005-2025] với Phan Thị Lệ Giám đốc Công Ty Sách Phương Nam, Phạm Duy thấy có thể về sống được ở Việt Nam, ông đã chính thức ngỏ lời xin về Việt Nam từ năm 2000. Câu trả lời từ Hà Nội là phải chờ tới năm 2005. Và rồi thời điểm ấy cũng đã đến với Phạm Duy và gia đình.

TIỄN PHẠM DUY HỒI HƯƠNG 01.05.2005

Sau ba mươi năm sống ở Mỹ, tới tuổi 84, với chuẩn bị rất chu đáo cho một chọn lựa cuối đời, Phạm Duy về sống hẳn ở Việt Nam. Trước ngày về của Phạm Duy, nhà báo Đỗ Việt Anh, người rất yêu mến nhạc tâm linh của Phạm Duy – lúc đó đang là chủ nhiệm nhật báo Người Việt, đã cùng bạn hữu tổ chức một buổi họp mặt ấm áp tiễn đưa Phạm Duy.

Hình 16a: Thái Thanh, giọng ca vượt thời gian, trong bao năm đã chắp cánh cho nhạc Phạm Duy bay bổng. Có thể nói, Thái Thanh – Phạm Duy là một cặp đôi nghệ sĩ hoàn hảo. Thái Thanh với bó hoa đang nói lời giã từ, tiễn nhạc sĩ Phạm Duy trước ngày hồi hương. Photo by Huỳnh Tuấn Kiệt, tư liệu Đỗ Việt Anh

Hình 16b: Ban tứ ca: Thái Thanh, Quỳnh Giao, Lệ Thu, Mai Hương hát tiễn đưa Phạm Duy trước khi về Việt Nam ngày 01.05.2005 tại quán Nghệ Sĩ, Little Saigon và nay thì Phạm Duy và toàn ban tứ ca đã là những người trăm năm cũ. [photo by Huỳnh Tuấn Kiệt, tư liệu Đỗ Việt Anh]

PHẠM DUY “NGÀY TRỞ VỀ”

Thời tuổi trẻ, có thể nói Phạm Duy đã có một cuộc sống hào hùng của một thanh niên dấn thân yêu nước, ông đặt chân tới khắp miền đất nước từ Bắc vô Nam. Rồi với ba mươi năm sống ở Mỹ, Phạm Duy đã có dịp đi trình diễn khắp 5 châu. Tới tuổi 84, Le Repos du Guerrier, Phạm Duy đã dứt khoát có một chọn lựa không phải là không khó khăn với cả nhiều vật vã nội tâm: Phạm Duy từ bỏ một cộng đồng Việt Nam hải ngoại yêu mến ông và chọn về sống những năm cuối đời ở Việt Nam.

Khi đã an cư lạc nghiệp nơi quê nhà từ 2005, Phạm Duy đã thích thú hồi tưởng lại “những ngày sau 1975, đã có một tấm ảnh Phạm Duy “to tổ bố” — vẫn chữ của Phạm Duy, được trưng bày trong khu bảo tàng Tội Ác Mỹ Nguỵ”, 28 Trần Quý Cáp – cũng là địa chỉ trường Đại học Y Khoa Sài Gòn cũ năm nào. Chính quyền mới lúc đó đã xem ông như kẻ phản bội kháng chiến và là biểu tượng cho nọc độc của “Văn hoá Mỹ Nguỵ”.

[Riêng với người viết, cuốn Vòng Đai Xanh viết về các sắc dân Thượng cũng bị kể là thứ rác rưởi của tàn dư văn hoá Mỹ Nguỵ nên cũng “được” trưng bày trong đó.]

Nhưng rất may mắn là mấy ngày cuối tháng Tư 1975, Phạm Duy có tên trong danh sách được nhân viên CIA Ed Jones giúp di tản, qua Mỹ kịp thời. Và hơn ai hết, Phạm Duy hiểu rất rõ rằng nếu kẹt ở lại, bị lùa vào trong các trại tù cải tạo cùng với bao nhiêu ngàn văn nghệ sĩ miền Nam khác, thì Phạm Duy sẽ “đi đoong” — vẫn chữ của Phạm Duy và chắc chắn là sẽ không có “Ngày Về” như hôm nay.

Như một flashback, tưởng cũng nên trích dẫn trong bài viết này: mấy dòng bút ký của Phạm Duy từ Guam một hòn đảo Mỹ trên Thái Bình Dương rất xa Việt Nam, và là chứng nhân cho những giờ phút sụp đổ của Sài Gòn:

“Ngày hôm nay cũng là ngày Saigon vừa được Bắc quân gọi là giải phóng. Giờ lịch sử đã điểm. Một ông nằm cạnh tôi đang dò đài Saigon với cái máy radio nhỏ tí. Mọi người trong phòng lặng lẽ kéo tới, khi nghe thấy có chương trình phát thanh về cuộc thắng của Bắc quân và cái thua của Cộng Hoà Việt Nam. Tôi cảm thấy buồn bã vô cùng! Chẳng nhẽ nằm đó và bịt tai lại, tôi vùng dậy, xuống thang ra khỏi chung cư.

Bây giờ tôi mới ý thức được rằng Guam là một hòn đảo. Tôi lững thững bước ra bãi biển. Đứng trước cảnh trùng dương bát ngát, lòng tôi rất im lặng, dửng dưng. Tôi không còn một chút rung động nào nữa trước cảnh biển cả mênh mông như những ngày trước đây. Tôi không còn là tôi nữa rồi ! Quay lưng lại biển, tôi lặng lẽ bước về chung cư.

Đi qua phòng thông tin của trại, bỗng nghe từ các loa lớn phóng ra tiếng nói của một xướng ngôn viên: — Tổng Thống Dương Văn Minh kêu gọi binh sĩ Cộng Hoà đầu hàng.

Tôi càng buồn rầu hơn nữa, rảo bước về chung cư, ngồi bệt xuống sàn gỗ. Mọi người vẫn vây quanh cái radio để nghe những tin tức liên quan tới ngày Bắc quân tiến vào Saigon. Trong radio bỗng có tiếng Trịnh Công Sơn hát bài Nối Vòng Tay Lớn với giọng hát thất thanh và với tiếng đệm đàn guitare rất là sai dây. Tôi chạnh lòng nghĩ tới thân phận mình, nếu bị kẹt lại liệu mình có phải hành động như thế không? [ngưng trích dẫn, Hồi Ký PD tập 4]

Cũng trong Hồi Ký PD tập 4 Phạm Duy viết:

“Từ trước tới nay ‘người ta’ thường dùng đủ mọi cách để chia rẽ tôi và Trịnh Công Sơn, nhưng không ai ngăn được tình đồng nghiệp giữa chúng tôi, dù có khi hai người không có chung một quan điểm. Năm 1988, tình cờ Phạm Duy gặp lại Trịnh Công Sơn ở Paris, cùng Đặng Tiến, chúng tôi rong chơi trên vỉa hè hay ngồi quán café tán gẫu. Tuyệt nhiên chúng tôi không nói chuyện chính trị chính em, văn nghệ văn gừng gì cả… nhưng khi tôi nhờ “người tình trẻ” mang về Việt Nam một cassette Mười Bài Rong Ca tôi vừa thực hiện xong thì Sơn OK ngay. Do đó tâm sự “người tình già” đã được phổ biến ở trong nước. Mùa Hè 2001, tôi có việc phải về Saigon, vài ngày sau đám tang Sơn, tôi rủ Trần Văn Khê tới thắp hương trước bàn thờ anh, riêng tôi đã khấn ơn anh ngày nào, thay mặt tôi đem Rong Ca về quê hương.” [Hết trích dẫn, Hồi Ký PD 4]

Hình 17: Năm 1988, ngẫu nhiên Phạm Duy gặp lại Trịnh Công Sơn tại Paris, từ trái: Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Đặng Tiến. Tư liệu Phạm Duy

Bây giờ Khu bảo tàng Tội Ác Mỹ Nguỵ đã đổi tên, là nhà Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (War Remnants Museum), nơi vẫn còn trưng bày với các cỗ đại bác, bom mìn, đạn dược trong đó có cả bom 7 tấn, bom CBU, cả xe tăng, máy bay trực thăng, của Đế quốc Mỹ bỏ lại và cả những chuồng cọp kẽm gai biểu tượng cho tội ác Mỹ Nguỵ đầy ải các chiến sĩ cách mạng, được mang về từ Côn Đảo và Phú Quốc, đã trở thành một “tụ điểm nóng” của du lịch và tuyên truyền, với hàng trăm ngàn khách thăm viếng mỗi năm.

PHẠM DUY VỚI NHỮNG ĐIỀU VIẾT VÀ NÓI RA

Từ Việt Nam, qua các cuộc phỏng vấn, khi được hỏi về động cơ nào khiến Phạm Duy chọn về sống ở Việt Nam, ông đã nói rất hùng biện và thuyết phục, Phạm Duy nhấn mạnh ông lúc nào cũng là người Việt Nam nên chọn lựa đó chỉ là: lá rụng về cội, cá lội về nguồn. Ông đem theo 1000 lời ca về tặng cho quê hương và sống với những người yêu nhạc của ông bấy lâu.

Với đôi chút dè dặt ban đầu, Phạm Duy nói về đây, ông sẽ chọn “làm thinh”, và nếu có “ồn ào” thì chỉ là làm thương mại, ông làm theo yêu cầu của Công Ty Phương Nam chỉ để bán CDs và bán sách.

Nhưng rồi sau đó ông đã “không còn làm thinh” nữa mà mạnh dạn nói tới nhiều điều. Người viết trích dẫn ra đây đôi lời của Phạm Duy từ hai cuộc phỏng vấn cùng vào tháng Giêng 2012, để thấy một Phạm Duy rất nhất quán về những điều ông nói ra, và không đưa ra thêm lời bình luận nào.

_ (1) Cuộc phỏng vấn của TS Nguyễn Nhã với nhạc sĩ Phạm Duy ngày 12/01/2012, https://www.youtube.com/watch?v=9mS22Qu71EI

_ (2) Cuộc phỏng vấn của 2 ký giả Eccetera và Vũ Hoàng Lân PhốBolsaTV.com với nhạc sĩ Phạm Duy ngày 28/01/2012

https://www.youtube.com/watch?v=TBaGpXMqihQ

https://www.youtube.com/watch?v=0gMKBykyp8Y

Hình 18a: Chân dung Phạm Duy 91 tuổi trong cuộc phỏng vấn ca TS Nguyễn Nhã ngày 12/01/2012. Phạm Duy đã chuẩn bị rất kỹ cho cuộc phỏng vấn này và đã đọc những điều đã được ông ghi trước trên giấy.

Hình 18b: Phạm Duy 91 tuổi trong một cuộc phỏng vấn khác của 2 ký giả Eccetera và Vũ Hoàng Lân ngày 29/01/2012. Phạm Duy khen ngợi và cũng cho biết ông là khán giả thường xuyên của đài PhốBolsaTV.com từ ngày về sống ở Việt Nam.

[Ghi Chú của Người viết: Hai cuộc phỏng vấn Phạm Duy, với thời lượng đã hơn hai tiếng đồng hồ, chỉ làm làm công việc trích dẫn đôi câu nói của Phạm Duy có thể không hoàn toàn đúng với ngữ cảnh, khiến có thể có những suy diễn bất lợi và cả không công bằng với Phạm Duy, vậy đề nghị với bạn đọc bỏ ra thời gian để xem / nghe trọn vẹn từng lời nói của Phạm Duy từ hai cuộc phỏng vấn ấy – tiếng Anh gọi đó là: Phạm Duy In His Own Words – trên cả hai YouTube với đường dẫn / links đã ghi ở trên.].

Đôi Dòng trích dẫn:

_ Nói về người Việt tỵ nạn đang sống ở hải ngoại

Phạm Duy khi nói về người Việt Nam hải ngoại, về sự chia rẽ của cộng đồng tỵ nạn ấy, cũng là nơi Phạm Duy chung sống với họ 30 năm. Và nay  từ căn nhà ba tầng trong cư xá Lê Đại Hành, Quận 11 được Công Ty Phương Nam cung cấp, ông nói về họ như sau: “Đúng là chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng, họ mới tới Mỹ, không một xu dính túi, còn ăn tiền trợ cấp mà đòi chống cộng cái gì, có tổ chức hội đoàn nào có được tới 4 người đâu, 3 là cùng.”

Với những người còn giữ trong lòng mối hận thù cộng sản, Phạm Duy nói với họ như một lời khuyên là: “Phải biết cám ơn, phải biết xin lỗi, và phải biết quên!”  Với tướng Nguyễn Cao Kỳ từng là thông gia của Phạm Duy, ông khen: “Ông Kỳ can đảm, đã từng là Phó Tổng Thống mà biết hạ mình khi quyết định về Việt Nam”. Phạm Duy còn nói tới khả năng là nếu một chính phủ “hoà hợp” trong tương lai và ông Kỳ có thể sẽ đại diện cho cộng đồng hải ngoại tham gia chính phủ ấy.” [sic]

Đọc lại Tập 4 Hồi Ký Phạm Duy để thấy: một Phạm Duy trong suốt 2 thập niên đầu sống ở hải ngoại, ông đã rất tích cực hoà mình tham gia các phong trào chống Cộng cùng với cộng đồng người Việt tỵ nạn, ông phổ nhạc các bài thơ của Cao Tần Lê Tất Điều, phổ 20 bài Ngục Ca rất nổi tiếng của “ngục sĩ” Nguyễn Chí Thiện, hợp tác với Phong trào Kháng Chiến Hoàng Cơ Minh đi trình diễn văn nghệ khắp năm châu. [PhamDuyHoiKyIV.pdf]

_ Nói về Nghị Quyết 36 và chính sách hoà hợp hoà giải của Hà Nội

Phạm Duy nhắc tới NQ36, ông tâm đắc với Thứ trưởng Ngoại Giao Nguyễn Thanh Sơn về chính sách hoà hợp hoà giải, và đó cũng chính là động lực khiến ông tin tưởng quyết định xin về sống ở Việt Nam. Ông xin hồi tịch, và hãnh diện với tấm thẻ CMND (Chứng Minh Nhân Dân) và Hộ khẩu mà ông được cấp một năm sau, và ông sung sướng với mỗi bài hát của ông khi được nhà nước cho phép hát.

Ra thăm Hà Nội, Phạm Duy ca ngợi một Hà Nội đời sống hết sức tiến bộ, nhà cửa nguy nga, “đó là điều tôi rất vui”; [2] và cả với một Sài Gòn phát triển, ông khen khu Sài Gòn Mới như Phú Mỹ Hưng với nhà cửa đẹp hơn cả ở bên Mỹ, khen một đất nước mà nay người dân đã được ăn no mặc đủ và cách tiêu tiền ở Việt Nam còn hơn cả ở Mỹ. [sic] Và người ta cũng được biết là sinh nhật của ông đã có lần được tổ chức ở nhà ông Lê Thành Ân, người Mỹ gốc Việt từng là Tổng Lãnh Sự Sứ Quán Mỹ ở Sài Gòn. Môi trường sống của Phạm Duy ngày nay đã không còn là với Bà Mẹ Quê, Em Bé Quê mà là với xã hội trên cao.

Hình 19: Phạm Duy và gia đình được tuyên thệ vào quốc tịch Mỹ từ cuối 1984. Về Việt Nam năm 2005, ông xin hồi tịch, và chính nhà thơ Nguyễn Quốc Thái, rất yêu Phạm Duy đã giúp nhạc sĩ Phạm Duy đi làm sổ Hộ khẩu và thẻ CMND một năm sau đó. Nhưng Phạm Duy vẫn giữ “passport” với quốc tịch Mỹ, nên ông đã “nói đùa” với TS Nguyễn Nhã, người phỏng vấn ông ngày 12/01/2012 là: “Nếu Trung Cộng có đánh tới Nha Trang, thì ông vẫn có thể trốn vào Toà Đại Sứ Mỹ vì ông vẫn còn là công dân Mỹ. [sic] [nguồn: Hồi Ký PD Tập 4, và tư liệu Nguyễn Quốc Thái]

_ Nói về mối đe doạ từ Trung Quốc và đại hoạ Biển Đông

Phạm Duy khen chính sách ngoại giao khôn ngoan của nhà nước cộng sản khi Việt Nam phải sống “dưới nách” của Trung Quốc. Theo ông, hiểm hoạ Việt Nam trở thành thuộc quốc và mất các quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa qua cuộc chiến tranh là không có và ông tin vào các hội nghị thương thuyết giữa các nước. Nếu ai vội vã chống đối có thể gây trở ngại cho giải pháp hoà bình và Phạm Duy có nhắc tới phản ứng “nóng nảy” của Cù Huy Hà Vũ*, con trai của Huy Cận bạn ông thuở nào.

[*Cù Huy Hà Vũ 2011 đã công khai lên tiếng phản đối đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc trong đó bao gồm cả Hoàng Sa – Trường Sa, ghi chú của người viết]

Rồi bằng một giọng nói khinh bạc / cynical Phạm Duy còn nói thêm với Nguyễn Nhã, người đang phỏng vấn ông: “Giả sử như Trung Quốc có đánh đến Nha Trang, thì tôi — Phạm Duy vẫn còn có thể trốn vào toà Đại Sứ Mỹ, vì tôi vẫn còn Passport với quốc tịch Mỹ.” [sic] [1]

_ Nói về Tạ Tỵ người bạn chí cốt chí thân 42 năm sau

Mùa Thu năm 1970, khi được biết Tạ Tỵ viết một cuốn sách về Phạm Duy, ông đã có một bức thư viết tay hai trang gửi Tạ Tỵ, nói lên nỗi xúc động của mình. Trích dẫn:

“Gửi Tạ Tỵ thân mến,

Thật là cảm động và cũng thật là ngượng ngùng khi biết rằng Tỵ sẽ dành một cuốn sách cho cái mặt mẹt này, sau khi đã viết xong 10 khuôn mặt cao quý của làng văn nghệ nước ta.

Cảm động vì trong cơn hoả mù hiện tại, ít ra cũng có một người muốn soi sáng đến tận cùng con người và sự nghiệp Duy, nhất là người đó lại là Tỵ, từ thuở tiền kháng chiến, trong kháng chiến, hậu kháng chiến và trong những ngày sắp tàn cuộc chiến này, lúc nào cũng gần mình, hiểu biết mình, kể cả cái hay lẫn cái dở…” [Phạm Duy Còn Đó Nỗi Buồn, do Văn Sử Học của Nguyễn Nhã xuất bản, 1971]

Hình 20a: trái, bìa sách Phạm Duy Còn Đó Nỗi Buồn của Tạ Tỵ (Nxb Văn Sử Học, 1971), giữa: chân dung Tạ Tỵ tự hoạ; phải, bìa sách Phạm Duy Đã Chết Như Thế Nào của Nguyễn Trọng Văn (Nxb Văn Mới,1971). Tư liệu của Thành Tôn

Hình 20b: từ trái, Ký hoạ Phạm Duy qua Tạ Tỵ 1970; Phạm Duy với hai trang thư viết tay cảm ơn Tạ Tỵ đã viết cuốn sách Phạm Duy Còn Đó Nỗi Buồn. Trích từ cuốn sách Phạm Duy Còn Đó Nỗi Buồn, do Văn Sử Học của Nguyễn Nhã xuất bản,1971

Nhưng rồi 42 năm sau lần xuất bản đầu tiên cuốn Phạm Duy Còn Đó Nỗi Buồn, 7 năm sau ngày Phạm Duy trở về sống ở Sài Gòn – ở tuổi 91, ông đã nói rất khác về Tạ Tỵ, người bạn chí cốt chí thân của ông từ tuổi thanh xuân thuở nào. Khi TS Nguyễn Nhã cầm trên tay cuốn sách Tạ Tỵ viết về Phạm Duy do chính Nxb Văn Sử Học của Nguyễn Nhã xuất bản 1971, thì Phạm Duy với giọng bỉ thử gọi đó là Nỗi Buồn Cười hay Nỗi Buồn Nôn, và rồi nhận định: Cuốn sách ấy viết quá dở, không trách được vì ông ấy làm Tâm lý chiến, nên chỉ viết được thế thôi.

Cũng vẫn từ miệng Phạm Duy nói với Nguyễn Nhã: Tạ Tỵ là người nói láo khi kể lại những ngày đi tù cải tạo khi viết cuốn sách… *[Phạm Duy thì không nhớ tên cuốn sách ấy, nhưng ai cũng biết đó là cuốn hồi ký Đáy Địa Ngục, Thằng Mõ xuất bản, 1985] [1]

Hình 21: Hình bìa cuốn sách Đáy Địa Ngục, Thằng Mõ xuất bản ở hải ngoại 1986. Là cuốn hồi ký viết về 6 năm tù cải tạo của của Tạ Tỵ. Không rõ Phạm Duy có đọc cuốn sách này chưa nhưng Phạm Duy đã lên án: Tạ Tỵ là người nói láo khi kể lại những ngày đi tù cải tạo khi viết cuốn sách… Tạ Tỵ là bạn cố tri của Phạm Duy và đã mất trước đó 7 năm (2004).  

Sau 1975, Tạ Tỵ không được may mắn như Phạm Duy được CIA đưa đi, ông bị bắt đi tù cải tạo 6 năm, hồi ký Đáy Địa Ngục ghi lại kinh nghiệm Tạ Tỵ đã trải qua trong những năm tháng nghiệt ngã tù đày với lao động khổ sai “ăn không đủ no, đói không đủ chết.” Ra tù 1981, khi gặp lại Lê Ngộ Châu tại toà soạn Bách Khoa cũ, Tạ Tỵ chỉ còn là một hình hài tàn tạ với đầu bạc răng long. Tạ Tỵ sau đó đã can đảm vượt biên, lần thứ hai mới tới được đảo Pulau Bidong, Mã Lai và cuốn hồi ký Đáy Địa Ngục đã được Tạ Ty viết ngay từ ngày đặt chân trên đảo. [Tuyển Tập II Chân Dung Văn Học, Ngô Thế Vinh, Việt Ecology Press 2022]

Lịch sử cận đại Việt Nam, rồi ra vẫn còn đó một “cuốn sách trắng” về quần đảo ngục tù Việt Nam từ Nam ra Bắc sau 1975, nơi đày ải bao nhiêu nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ miền Nam, và không thiếu người là bạn hoặc nếu không cũng đồng trang lứa với Phạm Duy, họ đã bị chết rũ trong tù như Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Nguyễn Mạnh Côn, Hoàng Vĩnh Lộc, Phạm Văn Sơn, Trần Văn Tuyên, Trần Việt Sơn, Vũ Ngọc Các, Anh Tuấn Trần Tuấn Phát, Dương Hùng Cường… hay vừa ra khỏi tù thì chết như Vũ Hoàng Chương, Hồ Hữu Tường.

Và nay, trên báo chí trong nước, lại thấy ảnh Phạm Duy cùng mấy người con đang trở lại quê nhà, để một lần nữa đi trên Con Đường Cái Quan ngày nào. Và từ trên những sân khấu chói loà ánh sáng từ Sài Gòn ra tới Hà Nội, là hình ảnh Phạm Duy hoàn toàn khác, vẫn với mái tóc bạc phơ, khi nói thì cầm giấy đọc, và rồi tay ôm những bó hoa nhiều màu giữa những tiếng vỗ tay của khán giả.

PHẠM DUY: MỘT TÀI NĂNG LỚN VÀ NHÂN CÁCH

Sau 30 năm sống ở Mỹ, trong tình yêu thương của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, nay Phạm Duy chọn về sống ở Việt Nam, đó là quyền của ông, cần được mọi người tôn trọng. Và như ước nguyện, ông được sống và chết ở Việt Nam.

Sự nghiệp âm nhạc lớn lao của Phạm Duy thấm đẫm “Tình Quê Hương” đã in sâu vào tâm khảm nhiều thế hệ. Phạm Duy hiện diện như một tượng đài uy nghi trong nền âm nhạc cận đại của Việt Nam. Thế hệ này và cả những thế hệ sau sẽ vẫn hát một số những bài ca của Phạm Duy.

Giới trẻ thì muốn tìm tới Phạm Duy như một thần tượng, họ không chỉ ngưỡng mộ tài năng lớn của Phạm Duy, họ còn ao ước thấy một nhân cách lớn nơi ông. Nhưng rồi họ ngộ ra rằng Phạm Duy không có được cả hai.

Cùng với nhiều văn nghệ sĩ khác, Phạm Duy đã rất sớm rời bỏ kháng chiến để về thành, với lý do chính đáng là không chấp nhận một nền văn nghệ chỉ huy của những người cộng sản, và bảo vệ quyền tự do sáng tạo.

Với cảm hứng và có tự do, Phạm Duy đã sáng tác những bài ca bất hủ từ nốt nhạc tới ca từ. Nhưng rồi qua thời gian, qua từng thời kỳ, người yêu nhạc Phạm Duy không tránh khỏi ngạc nhiên khi thấy “ông đã tự kiểm duyệt mình”, ông sửa lời ca gốc của những bài hát viết trong thời gian kháng chiến sao cho hợp cảnh hợp thời. Ai đã từng theo dõi từng bước chân đi của Phạm Duy, không thể không rất lấy làm tiếc nhiều khi họ cũng đã bị lạc lối.

Nhạc sĩ Phạm Duy có đủ tuổi thọ để sống qua hai thế kỷ, trải qua mọi hoàn cảnh, khóc cười theo vận nước nổi trôi”.

Không ai có thể nghĩ Phạm Duy không hiểu cộng sản, chỉ có thể nghĩ ở những năm cuối đời với tuổi tác, sự phán đoán của ông không còn sắc bén nữa. Để rồi vẫn thấy đó, một Phạm Duy của đời thường, theo tất cả cái nghĩa “trần ai” của một kiếp nhân sinh. Không nói tới cuộc đời tình ái đa đoan của Phạm Duy vì đó là phần đời tư của ông cần được tôn trọng, người viết chỉ đề cập tới ở đây một Phạm Duy của quần chúng và những gì liên quan tới sự nghiệp sáng tạo của ông.

Khi viết về chân dung Phạm Duy, để thấy rằng một Phạm Duy có nhiều chân dung trong các giai đoạn cuộc đời nghệ sĩ của ông. Phạm Duy luôn luôn khẳng định ông là một nhạc sĩ, một người Việt Nam, không quan tâm tới chuyện chính trị. Nhưng điều rất nghịch lý là vào giai đoạn cuối đời, với sự nghiệp đã to tát đến như thế Phạm Duy lại chọn trở về sống trong một đất nước vẫn chưa có tự do, vẫn có đó một nền văn nghệ chỉ huy – Phạm Duy đã chọn một cuộc sống an phận với cảnh “chim hót trong lồng”. Không ai ép buộc ông, nhưng ông đã tự nguyện nhiều lần có những phát biểu mang màu sắc chính trị, mang tính cách “xuôi dòng”, khiến ngay cả những người vốn yêu mến và luôn luôn bênh vực ông cũng đã phải sượng sùng đến chau mày.

Sau khi Phạm Duy mất, không ít những bài nhạc của Phạm Duy vẫn còn bị cấm kỵ. Việt Nam Việt Nam là bài rất tâm đắc của Phạm Duy — được ông nhắc tới năm 2012, tuy đã xin phép nhưng lúc đó vẫn chưa được phê duyệt. Lý do thầm kín, mà “bên thắng cuộc” không bao giờ muốn nghe, là đã có nhiều người nghĩ tới là bài hát này có thể được chọn làm bài quốc ca cho một đất nước Việt Nam tương lai có dân chủ.

Phạm Duy đã chết, con bài Phạm Duy, một sản phẩm của NQ36 đã chết theo ông. Tuy không có văn bản chính thức, nhưng dường như đã có một chỉ đạo từ trên cao là từ nay tên tuổi Phạm Duy không còn được ồn ào nhắc tới nữa, sách của Phạm Duy / bộ Hồi Ký đồ sộ 4 tập hay các sách viết về Phạm Duy cũng không dễ dàng có được giấy phép xuất bản sau khi Phạm Duy mất.

CUỐN SÁCH ẢNH PHẠM DUY NGÀY VỀ (2005-2013)

Một ví dụ điển hình là cuốn sách ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Phong Quang, với nhan đề Phạm Duy Ngày Về, cho dù trước đó đã được Nxb Trẻ nhận in, và dự định phát hành nhân kỷ niệm ngày giỗ đầu của Phạm Duy 28/01/2014 nhưng cho đến nay, tám năm sau (2022) sách vẫn không được cấp phép xuất bản mà không nêu bất kỳ lý do nào.

Nguyễn Phong Quang tuy là nhiếp ảnh gia tài tử, nhưng chụp hình rất đẹp, do anh rất ngưỡng mộ và có niềm say mê âm nhạc của Phạm Duy, nên ngay khi Phạm Duy trở về Việt Nam Nguyễn Phong Quang đã theo sát bước chân Phạm Duy và có thể nói Nguyễn Phong Quang là người duy nhất sở hữu một bộ ảnh đầy đủ về 13 năm cuối đời của nhạc sĩ Phạm Duy từ khi đặt chân trở lại Việt Nam cho tới khi Phạm Duy mất trên giường bệnh.

Người am hiểu tình hình trong nước đã đưa ra nhận định: “Những năm sau ngày Phạm Duy mất, có một chủ trương không qua văn bản, là không cho phép xuất bản các tác phẩm mới nào liên quan đến Phạm Duy! Dường như họ dùng Phạm Duy cho một giai đoạn gọi là “cởi mở” đã đủ, nay không cần nữa nên thôi! Bên cạnh đó, cònvài nhân vật lãnh đạo văn hoá thành phố vẫn không muốn các tác phẩm của Phạm Duy đứng bên cạnh tác phẩm của họ, không muốn mọi người tung hô, xưng tụng Phạm Duy nhiều hơn họ…

PHẠM DUY VÀ NHỮNG CHÂN DUNG

Phác thảo chân dung một con người sống động như Phạm Duy không phải là điều dễ dàng. Sẽ không thể thụ động quan sát Phạm Duy chỉ ở một góc nhìn mà phải qua nhiều góc cạnh để thấy được những khuôn mặt khác nhau của ông. Các mảng khác nhau ấy nếu kết hợp có thể tạo ra được hơn một bức chân dung có thần. Nói theo ngôn từ hội hoạ của Tạ Tỵ thì đó là: “chiều thứ tư / 4ème dimension” còn gọi chiều động trong kỹ thuật tạo hình của trường phái lập thể. Theo nghĩa đó, sẽ không có duy nhất một chân dung Phạm Duy – mà có những chân dung Phạm Duy luôn luôn biến dạng và cả đổi màu theo thời gian.

Một Phạm Duy đã sống qua hai thế kỷ, ông cưu mang tất cả sức nặng của tấn thảm kịch đất nước bốn ngàn năm thăng trầm — cả tấn bi kịch của một con người Việt Nam: vừa lớn lao và nhỏ nhoi, vừa đẹp đẽ và cả xấu xí.

Phạm Duy mất ở tuổi 92, qua câu thơ của thi hào Nguyễn Du: “thác là thể phách còn là tinh anh,” tinh anh ấy là gia tài âm nhạc đồ sộ của Phạm Duy, để rồi qua đãi lọc của thời gian, của “tam bách dư niên hậu”, sẽ chỉ còn lại những giai điệu bất tử, thanh thoát bay bổng với thấm đẫm tình quê hương, mang theo cả một phần hồn của dân tộc. Chúc ông an nghỉ ngàn thu trong lòng đất mẹ có tên thiêng liêng là Việt Nam – hay còn gọi là quê nhà.

Hình 22: trái, Tượng đồng nhạc sĩ Phạm Duy do điêu khắc gia Nguyễn Văn Anh, sáng tác dựa trên bộ hình của nhiếp ảnh gia Nguyễn Phong Quang và với chỉ dẫn của Duy Cường, con trai Phạm Duy; phải, chữ viết của Phạm Duy được khắc trên tấm bia mộ là câu mở đầu của bản Tình Ca: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi.” Photo by Nguyễn Phong Quang

THAY CHO MỘT KẾT TỪ

Ngày mất của Phạm Duy 27/01/2013, nhà thơ Trần Mộng Tú trong niềm cảm xúc đã viết “Lời Cám Ơn Nhạc sĩ Phạm Duy”, tuyệt vời như một bài thơ, gói ghém toàn sự nghiệp của Phạm Duy. Nay được phép của Chị Trần Mộng Tú, người viết xin trích đăng ở đây bài thơ xuôi ấy, như một Kết Từ cho bài viết Chân Dung Phạm Duy.

Trần Mộng Tú – Lời Cám Ơn Nhạc sĩ Phạm Duy

Trên mười ngón tay anh chẩy xuống ngàn ngàn dòng lệ long lanh ngũ sắc, bật lên những tiếng cười hoan ca cho dân tộc Việt.
Anh viết những dòng sử Việt bằng âm nhạc, anh bắn những nốt nhạc thay đạn vào suốt chiều dài của cuộc chiến ngoại xâm.

Anh nhắc nhở công ơn tổ tiên, anh hùng dân tộc mỗi ngày trên môi người Việt.

Anh khóc cười bằng nốt nhạc lời ca cho tình yêu, con người, quê hương, dân tộc,

Anh băng bó vết thương trong chiến tranh, anh đốt lửa tìm kiếm hòa bình.

Anh vung tay, mây trôi như lụa giũ, nước như thủy tinh vỡ, anh khắc hình cha Lạc Long Quân vào núi, núi không còn là đá, anh thả tình mẹ Âu Cơ xuống biển, biển không còn là đại dương.

Ngôn ngữ trong những ca khúc của anh trong suốt, lãng mạn, bát ngát tình tự dân tộc, đẹp như những viên ngọc trắng, trong như những giọt nước mưa.

Anh lên rừng, rừng thay lá, anh xuống suối, suối khóc òa. Bằng âm nhạc, bằng tình tự dân tộc anh đi từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau suốt cuộc đời mình không ngơi nghỉ.

Tình yêu quê hương trong ca từ của anh làm cho cả người hát và người nghe ứa lệ.

Ở những vết thương anh cho máu chẩy thành mật ong, đám khói là hơi thở của mái nhà, em bé là con trâu, cái áo rách, cái bếp lửa là mẹ, củ khoai, bát nước chè là những người con.

Ngôn ngữ Việt dưới ngón tay anh trở thành Tiếng Nước Tôi thiêng liêng của dân tộc. Anh mang những tinh hoa của ngôn ngữ Việt tặng cho người Việt.

Âm nhạc lời ca của anh ngập tràn tình yêu thương người Việt, nước Việt.

Trong tình yêu đôi lứa của nhân gian anh cho cô tiên hiện xuống giữa đời, cỏ hồng mọc trên những sườn non không bao giờ úa, anh rùng mình hạnh phúc bằng âm giai.

Anh thanh, anh tục, anh thiền, anh đập phá bằng âm nhạc.

Anh uống, anh ăn, anh thở, giữa âm điệu và lời ca.

Anh sống đời mình trong mỗi phân vuông của cuộc đời bằng âm nhạc, anh chưa để lãng phí một giây phút nào của cuộc sống.

Anh để lại cho đồng chủng anh, cho kho tàng âm nhạc của dân tộc Việt một khối gia tài không một ngoại bang nào chiếm đoạt được.

Anh là một món quà quý giá mà cuộc tiến hóa của bao đời tổ tiên Việt Nam đã đúc kết nên và trao cho dân tộc vào thế kỷ 20.

Anh sinh ra và nằm xuống trên quê hương mình, nước Việt Nam.

Xin gửi anh một lời Cám Ơn Trân Quý.

 TRẦN MỘNG TÚ 27/01/2013

 

 NGÔ THẾ VINH

Little Saigon, 04/07/2022

 

 

THAM KHẢO:

1/ Hồi Ký Phạm Duy, Tập I, II, III. Nxb Phạm Duy Cường, [Tập IV bản PDF]

2/ Phạm Duy Còn Đó Nỗi Buồn. Tạ Tỵ. Nxb Văn Sử Học, Saigon, 1970

3/ Ngàn Lời Ca. Phạm Duy. Phạm Duy Cường Musica Production, 1987

4/ Vang Vọng Một Thời. Phạm Duy. Công ty Sách Phương Nam, 2015

Ông Xít Ta lin

Trịnh Hải

3-7-2022

Tôi đã có cơ hội ra Hà Nội từ rất sớm, chỉ vài năm sau ngày cộng sản cưỡng chiếm được miền nam. Ngày ấy, sau khi thấy được những cái “phồn vinh giả tạo” ở miền nam, cộng sản đâm ra mặc cảm và lo sợ người dân trong nam thấy những cái nghèo đói thực sự của miền bắc nên việc người dân nam ra bắc không phải ai cũng làm được dù rằng đất nước đã hòa bình và thống nhất.

Tôi đã gặp một số họ hàng ở Hà Nội. Tuy liên hệ ruột thịt, nhưng họ lại là những người mà tôi được gặp lần đầu tiên trong đời. Sau những phút bỡ ngỡ ban đầu, chúng tôi cũng nhanh chóng thân thiết lại gần với nhau.

Một người bạn của ông cậu tôi đã ghé thăm sau khi nghe nói có người từ trong nam ra.  Sự hiện diện của một dân đen trong nam ra bắc ngày ấy là chuyện vô cùng hiếm hoi nên được gặp tôi để tìm hiểu về miền nam là một chuyện thú vị đối với họ. Sau những lời chào và thăm hỏi, ông ta âu yếm, cẩn thận lấy ra khoe tôi bản nhạc “Diễm Xưa” của Trịnh công Sơn được in trên giấy mà chúng ta thường thấy ở trong nam trước năm 75. Với tôi thì vì nó quá thường nhưng tôi cũng lịch sự cười và cầm lấy bản nhạc đó nhìn qua loa. Lúc ấy tôi không biết đó là một “di tích lịch sử” quý giá mà người dân miền bắc phải thu lượm từ trong nam hoặc mua bán lại với một giá rất cao.

Ảnh: Tờ nhạc Diễm Xưa

Hóa ra rằng người cộng sản miền bắc coi Trịnh Công Sơn là một thiên tài, như một Mozart hay Beethoven của Việt Nam. Ngay cả lúc chiến tranh còn gay gắt, họ cũng biết Khánh Ly đã trình diễn bản nhạc Diễm Xưa, tựa đề tiếng Nhật là Utsukushii Mukashi, ở hội chợ Osaka, Nhật Bản vào năm 1970, đã khiến dân Nhật phát sốt. Hãng đĩa Myrica Music sau đó đã mời Khánh Ly sang Tokyo để thu âm một số bản nhạc bằng cả 2 ngôn ngữ Việt – Nhật.

Ca sĩ Khánh Ly vào những năm đầu thập niên 70 được dân Nhật gọi là “Công chúa áo dài”

Chúng ta phải hiểu trong chế độ cộng sản miền bắc, những người công nhân hay nông dân trình độ thấp kém là nồng cốt trong guồng máy cai trị. Thế nhưng họ cũng hiểu và mơ ước Việt Nam có được những người có thể đem chuông đi đấm xứ người và Trịnh Công Sơn đã được coi là người có khả năng nhất vào lúc đó. Có thể vì lý do đó, họ đã tìm cách kết thân và mua chuộc Trịnh Công Sơn, trước là để giành giựt nhân tài về phía họ, sau là sẽ dùng Trịnh Công Sơn để tuyên truyền và chinh phục cảm tình thế giới.

Rất tiếc trước khi Trịnh Công Sơn ngả về phe cộng sản, ông ta đã sáng tác ra những bản nhạc đã được “thế lực thù địch” ngày nay ưa thích vì ông ta đã vạch ra những điều sai trái của chế độ cộng sản bằng những lời nhạc ghi sâu vào lòng người.

Tại sao “gia tài của mẹ” lại là “một bọn lai căng”? Bốn ngàn năm văn hóa của người Việt tồn tại là vì chúng ta không bao giờ đưa một người ngoại quốc lên bàn thờ. Hãy đọc bài thơ “Đời đời nhớ ông” [1] của Tố Hữu để chúng ta thấy được mức độ mất gốc, lai căng của chế độ miền bắc như thế nào:

Xta-lin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng con thơ gọi Xta-lin!
Mồm con thơm sữa xinh xinh
Như con chim của hoà bình trắng trong…

Lời nhắn nhủ “Mẹ dạy cho con tiếng nói thật thà” trong bài Gia tài của mẹ cũng là chủ yếu để gởi gấm đến cho phe cộng sản miền bắc. Ông Thiệu sau này có nói một câu để đời mà nội dung cũng không mấy khác với lời nhắn nhủ của Trịnh Công Sơn trong bài Gia tài của mẹ trước đó nhiều năm.

Chuyện “hai mươi năm nội chiến từng ngàу” đó là sự thật. Toàn dân Việt Nam ai cũng đều nỗ lực chống Pháp, nhưng chắc chắn một điều là không phải ai cũng theo cộng sản. Việc Hồ Chí Minh trải thảm đỏ đón Pháp về, mà hậu quả là biến Việt Nam trở thành nước thuộc địa duy nhất còn lại trên thế giới sau thế chiến thứ hai [2] là một nỗi đau không nguôi của dân tộc. Những người còn ở lại VN sau năm 75 không thể làm gì khác hơn là chịu đựng, nhưng những người may mắn thoát được ra nước ngoài, họ vẫn tiếp tục kiên cường chiến đấu, chống lại chủ nghĩa lai căng ở bên nhà.

Nói gì thì nói, theo Nghị định 144 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được cộng sản VN ban hành thì quy định cấp phép ca khúc miền Nam trước năm 1975 bị bãi bỏ từ ngày 1/2/2021 trở đi, nên nói về lý, người hát bản Gia tài của mẹ trong nước không vướng vào tội gì. Họ chỉ có thể bắt bẻ chuyện Khánh Ly hát một bài ngoài danh mục mà ban tổ chức đã xin phép. Tội đó thì chỉ đánh nhẹ lên mu bàn tay người phạm tội là hết chuyện. Thế nhưng dư luận trong và ngoài nước đã biến nó từ một ụ đất nhỏ thành một ngọn núi khổng lồ.

Không biết ca sĩ Khánh Ly có cố tình trình diễn bản nhạc ‘Gia tài của mẹ’ trong lần trình diễn cuối cùng được coi là “như một lời chia tay” hay không, nhưng người Việt không cộng sản xin được cám ơn Khánh Ly đã gửi gấm đến đồng bào trong nước một bản nhạc nhớ đời.

__________

Tham khảo

[1]Thơ “Đời Đời Nhớ Ông”: https://www.thivien.net/T%E1%BB%91-H%E1%BB%AFu/%C4%90%E1%BB%9Di-%C4%91%E1%BB%9Di-nh%E1%BB%9B-%C3%94ng/poem-phQI-0H5–cb4jP8jTUWDw

[2] Chính Nghĩa Nào Cho Đảng Cộng Sản Việt Nam: https://lsvn101.blogspot.com/2019/12/viet-lai-nhung-dong-lich-su.html

Gia Tài Của Mẹ

Lê Minh Nguyên

2-7-2022

Tất cả những công trình vĩ đại do con người làm ra trên thế giới, từ vật chất như đường hầm dưới biển, cho tới tinh thần qua các tác phẩm văn chương nghệ thuật như truyện Kiều của Nguyễn Du, đều do sức tưởng tượng phong phú của trí tuệ con người mà ra.

Nguyễn Phú Trọng, người chiến sĩ sát cộng số một của Việt Nam

Nguyễn Tiến Dân

2- 7- 2022

1.- “Cộng sản sinh ra từ đói nghèo và ngu dốt, lớn lên bằng dối trá và bạo lực”. Tùy thời điểm, tùy sắc tộc và tùy vị trí địa lý, bọn chúng có thể khác nhau vài thứ râu ria. Riêng cái khoản bất nhân – thất đức và ăn tàn – phá hại, đứa nào cũng thế. Nhắc tới chúng, là phải nhắc tới những tội ác hủy diệt tự nhiên, nhắc tới những tội ác chống lại loài người. Dưới ách cai trị của Cộng sản, luân thường, đảo lộn – đạo lý, suy đồi. Quyền lợi, chúng riêng giành – quyền hành, chúng độc chiếm. Đi theo Cộng sản, Đất nước nào cũng lầm than và trì trệ – Dân tộc nào cũng lụn bại và luôn đối mặt với họa diệt vong. Bởi thế, “nó chỉ là giấc mơ của vài người. Nhưng nó lại là cơn ác mộng kinh hoàng của toàn nhân loại”. Khi đã nhìn ra cái bản chất tột cùng xấu xa và đê tiện của Cộng sản, ai cũng căm ghét chúng và ai cũng mong, sẽ góp được một phần công sức, để tru triệt chúng.

Nhưng than ôi! Cộng sản, chúng giống như loài cỏ dại. Triệt được chúng, nào có phải là cái công việc dễ dàng:

– Ngay sau khi Nga Xô được thành lập, thế và lực của họ, chỉ có thể gói gọn trong mấy chữ: “ngàn cân treo sợi tóc”. Trước tình thế ấy, ai cũng tưởng, có thể dễ dàng “ăn sống – nuốt tươi” được họ. Nhân đó, triệt đi cái di họa cho nhân loại về sau. Hệ quả, 14 nước Đế quốc đã đồng sức – đồng lòng, đã góp quân – góp của cho lực lượng Bạch vệ của Nga. Những mong, đánh Nga Xô cho đến khi nó đổ sụp. Ai ngờ, chẳng những không sụp đổ, mà sau cuộc chiến, nó còn nuốt chửng thêm hàng loạt lân quốc, để trở thành một thế lực có số má trên vũ đài Chính trị Thế giới.

– Trong Đệ nhị Thế chiến, chỉ riêng nước Đức Quốc xã, họ đã mạnh vô cùng. Ngay sau khi dùng xe tăng và lưỡi lê đè bẹp châu Âu, thế và lực của ho, khác nào “hổ mọc thêm cánh”. Tấn công Liên Xô, họ tự tin: “sẽ hoàn thành nốt cái công việc, mà nội chiến ở Nga đã phải bỏ dở”. Kết quả, chẳng những Liên Xô không tan vỡ, mà trên đường phản công, nó còn thôn tính hàng loạt quốc gia Đông Âu. Dân chúng ở đó, họ chưa kịp vui mừng vì vừa tránh được cái vỏ dưa Phát xít, thì đã phải ôm trọn vào lòng cả một đống vỏ sầu riêng mang cái tên Cộng sản. Thê thảm, vô cùng.

Bất hạnh, nào đã dừng lại. Chế độ Cộng sản, nó còn nhuộm đỏ cả Trung Hoa, Bắc Triều Tiên và Việt Nam.

– Đến thời chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ đổ quân vào tham chiến tại Việt Nam. Lúc đó, mọi con số thống kê đều cho thấy, họ áp đảo đối phương. Nhưng cuối cùng, Hoa Kỳ vẫn buộc phải rút quân và bất lực nhìn miền Nam nước Việt rơi vào tay Cộng sản. Tuy không thắng, nhưng nhờ có họ, đại dịch Cộng sản, nó mới bớt ngông cuồng và chỉ còn có thể tự tung – tự tác ở xứ Đông dương. Vĩnh viễn, không có cơ hội, để bung ra và tràn tiếp xuống vùng Đông Nam Á.

– Liệt ra những sự kiện ấy, để minh chứng cho cái Chân lý phổ quát: “Chiến tranh, đó là mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng Cộng sản. Bởi thế, chiến tranh không thể làm cho chúng yếu đi, mà ngược lại”. Sinh thời, Mao Trạch Đông cũng rất tâm đắc với luận điểm này. Có điều, nó được ông diễn đạt một cách hết sức thô lỗ: “Súng, đẻ ra chính quyền” và Thế giới chỉ có thể được cải tạo bằng súng đạn”. Tuy “bầu dục chấm mắm cáy”, nhưng nó vẫn nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của đám lâu la cuồng tín và lũ chư hầu bưng bô. Bởi, giống như Mao, tất cả bọn chúng, đứa nào cũng ưa bạo lực và phải thừa nhận, chúng rất mạnh về cái khoản này. Thế nên, dùng “nắm đấm” để phân thắng – thua với Cộng sản, đó chỉ là cách làm của những người, mà “trái tim nhầm chỗ, để trên đầu”.

Muốn ganh đua với chúng, phải đi đường vòng. Phải mở ra và kéo chúng vào những cuộc chiến, mà ở đó, sở trường của chúng không được phát huy. Trái lại, cái sở đoản ngu dốt và dối trá của chúng, nó phải bị bộc lộ.

2.- Người xưa, tổng kết: 狮子身中虫 自食狮子肉. Sư tử thân trung trùng, tự thực sư tử nhục. Tạm hiểu, Sư tử là chúa sơn lâm. Nó thắng tất cả mọi loài trong rừng sâu – núi thẳm. Nhưng cuối cùng, kẻ có thể hạ gục được nó, chính là cái loài dòi bọ được sinh ra ngay trong những vết thương đã nhiễm trùng của nó.

Cộng sản, cũng vậy. Không ai có thể thắng được chúng, trừ những khiếm khuyết được nảy sinh ngay trong lòng chế độ thối nát của chúng. “Cơ đồ xây dựng 75 năm có nguy cơ sụp đổ. Không ai mang máy bay, đại bác đến để lật đổ ta. Ta không làm tốt, thì ta tự lật đổ ta. Chẳng phải, do kẻ thù đâu” – Trần Quốc Vượng, nguyên thường trực Ban Bí thư.

Từ cái nguyên lý sâu xa này, ngay sau khi được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Liên Xô, Gorbachev và những cộng sự, họ đã nhanh chóng vạch kế hoạch và khẩn trương bắt tay hành động. Tất cả, đều hướng tới mục đích: “xóa bỏ chế độ Xô viết”. Cách họ làm, là cấy những ấu trùng độc vào trong cái vết thương đã lở loét của chế độ Xô viết và cuối cùng, chính cách làm đúng đắn đó, nó đã góp phần quyết định, để hạ gục chế độ Xô viết.

Trong cuốn hồi kí của mình, Yakovlev nhớ lại: “Chúng tôi có thể xóa bỏ hệ thống chính trị Xô viết bằng nhiều cách khác nhau. Tỷ như, công khai ủng hộ và tôn vinh những người bất đồng chính kiến. Tuy vậy, biện pháp này không triệt để và hiệu quả không cao. Cần phải phá Liên bang Xô viết từ bên trong và cách duy nhất để đạt được mục đích, đó là: “Kết hợp công khai hóa với việc áp dụng cơ chế kỷ luật toàn trị của Đảng”.

Lợi dụng chiêu bài công khai hóa, họ bóc mẽ những yếu kém, lệch lạc và bệnh hoạn của nền kinh tế Xô viết – những thứ, mà chế độ Xô viết vẫn giấu, như “mèo giấu cứt”. Thay vì “khoan thư sức dân”, những đồng tiền thu được từ bán tài nguyên và thu được từ thuế, phần lớn được ném vào việc phát triển Quốc phòng và luôn coi đó là niềm tự hào, là nhân tố quyêt định, để bảo vệ Liên bang Xô viết. Qua đó, chỉ ra vực thẳm ngay trước mặt: “Sự thực, không ai có thể phủ nhận được sức mạnh quân sự khủng khiếp của chúng ta. Nhưng nó đang được vận hành, để đứng trên đôi chân kinh tế đã èo uột, lại còn được nặn bằng đất sét. Quốc phòng càng mạnh, sức ép của nó lên nền kinh tế càng lớn và đến một ngưỡng nhất định, đất nước sẽ đổ sập xuống, như trời long – đất lở”.

Với việc công khai hóa, cái mặt nạ của chế đô Xô viết được vén tới đâu, bộ mặt quái thai, phi nhân và thất đức của nó sẽ được phơi ra đến đó. “Chúng ta ăn cắp từ chính bản thân chúng ta. Chúng ta coi đưa và nhận hối lộ, là việc tất yếu. Chúng ta nói dối trong các báo cáo, nói láo trên báo chí và man trá trên các diễn đàn cấp cao. Đắm mình trong dối trá, rồi chúng ta trao huân chương cho nhau và trên hết, tất cả những điều này, nó diễn ra từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên” – Nikolai Kyzhkov, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng của Liên bang Xô viết. Khi ma quỉ hiện nguyên hình, dân chúng sốc và suy sụp toàn tập. Từ đây, chẳng cần ai xúi dục, họ cũng quay lưng lại với nó.  众志成城, chúng chí thành thành. Mất đi sự ủng hộ của dân chúng, chế độ Xô viết, nó cũng chỉ như một con tàu đang nằm bờ. Ngày 18 – 8 –1991, những người cộng sản theo đường lối cứng rắn, họ đã làm một cuộc đảo chính, hòng lật đổ Gorbachev. Việc, bất thành. Nguyên do, ở đó.

Với việc áp dụng cơ chế kỷ luật toàn trị của Đảng, tất cả những kẻ không ăn cánh và những kẻ cuồng tín Mác – Lê, chúng đều bị đưa vào tầm ngắm và cuối cùng, đều bị thải hồi. Trong hơn sáu năm cầm quyền, Gorbachev đã thay máu toàn bộ Bộ Chính trị và các bộ phận chủ yếu của Ban Chấp hành Trung ương. Thế vào đó, là những người cùng chung chí hướng. Trong số đó, nổi bật nhất là Yakovlev và Shevardnadze. Khi nanh đã bị nhổ, vuốt cũng chẳng còn, con cọp Xô viết, nó chỉ hơn con mèo ở mỗi chỗ: Đó là, to xác.

Với chiến lược tổng thể này, không tốn một mũi tên – một hòn đạn, không hao một người lính – một cỗ xe, nhưng Gorbachev và những cộng sự, họ đã hãm Đảng Cộng sản Liên Xô vào thế, chỉ còn sống thực vật. Như rắn mất đầu, Liên bang Xô viết, nó phải tự tan rã.

Chớp thời cơ, tất cả các nước Cộng sản Đông Âu, họ đều đồng loạt đứng lên, để tự phá tan xiềng xích, ngục tù và sau hơn 30 năm đoạn tuyệt với cái mớ rác rưởi Mác – Lê, chửa thấy ai lưu luyến hồi đầu.

3.- Viết tới đây, không thể không nhắc tới luận điểm nổi tiếng của Tôn tử: 是故百战百胜,非善之善者也;不战而屈人之兵,善之善者也. Thị cố, bách chiến bách thắng, phi thiện chi thiện giả dã. Bất chiến nhi khuất nhân chi binh, thiện chi thiện giả dã. Tạm hiểu, “đánh thắng” hết Thực dân to này, đến Đế quốc nhớn khác, có gì gọi là giỏi. Bởi sau “chiến thắng”: đất nước, tan hoang – dân chúng, kiệt quệ. Không đánh mà hạ gục được đối phương, như cách mà Gorbachev đã làm, ấy mới tài.

Tài giỏi thế, nhưng Gorbachev và những cộng sự, họ cũng chửa được thiên hạ phong Thần. Bởi dẫu sao, Liên bang Xô viết, nó cũng được phát triển trên một nền tảng nhất định của Tư bản công nghiệp và mặt bằng dân trí ở đó, nó cũng không đến nỗi nào. Riêng Việt Nam, ngoài 2 trở ngại bất khả kháng nói trên, nó còn phải đối mặt với “tâm lí ngu trung” đã trở thành thâm căn – cố đế của vô số những kẻ mù quáng. Những kẻ, luôn cúc cung thần phục bề trên một cách vô điều kiện. Không đánh, mà vẫn phá tan được những bức tường thành kiên cố đó, ấy mới xứng, là bậc vĩ nhân.

Người xưa nói: “Mục đích, biện minh cho phương pháp”. Lịch sử, rồi sẽ phán xét mọi việc một cách công bằng và trước sau, sẽ dành vị trí xứng đáng cho Nguyễn Phú Trọng – một ông già “mặt nhân từ, mà ruột hiểm sâu”. Ngay từ những bước đi đầu tiên, cho tới những “mưu, hiểm độc – kế, xảo quyệt”, chàng luôn khiến cho quỷ khốc – thần sầu. Chỉ với cái mẹo vặt 假痴不癫, giả si bất điên – vờ lú lẫn, chàng cũng khiến cho bao cao thủ võ lâm phải lả tả rớt đài và lâm vào thảm cảnh “sống, không bằng chết”.

4.- Bàn về cái sự bất tài của Đảng Cộng sản Việt Nam, có lẽ, không ai thâm và sắc bằng Vũ Khoan: “Thụy sĩ không có gì, mà có tất cả. Trong khi, mình có tất cả, nhưng lại không có gì”.

Nôm na, Việt Nam là một trong những nơi hiếm hoi trên trái đất, mà cùng lúc, hội tụ được “tất cả” các yếu tố “thiên thời, địa lợi và nhân hòa”. Nhưng khi những thứ đó rơi vào tay lũ côn đồ có cái đầu đất, chúng đã đẩy cả Xã hội Việt Nam vào vòng hỗn loạn và làm băng hoại nó về mọi mặt:

Luật pháp, không còn – dối trá, lên ngôi – đồng tiền, thống trị.

Từ đường lối cho đến đường đi, chỗ nào cũng vá chằng – vá đụp như cái váy rách của nhà chị Dậu. Nền “công nghiệp hóa” mà chúng ta hằng ao ước, cho đến giờ, nó đang đánh vật với “những con ốc vít tiêu chuẩn”. Một nước nông nghiệp, mà từ giống má, phân bón, thuốc trừ sâu, cho đến giá nông sản, tất cả, đều bị thả nổi và chịu sự thao túng của thương lái nước ngoài. “Được mùa – mất giá” và ngược lại. Đó là thảm cảnh của người nông dân Việt Nam dưới thời Cộng sản. Công nông, nào phải là cá biệt. Mọi tầng lớp khác trong Xã hội, nó cũng đều y như thế.

Tài nguyên và khoáng sản, tất cả đều bị đám Cộng sản đào bới tới mức cạn kiệt. Đất đai, chỗ nào chưa sang nhượng hoặc chưa cho ngoại bang thuê, chúng đều nhăm nhe đem phân lô – bán nền, rồi nhượng lại cho dân chúng với cái giá cắt cổ. Kiều hối, đều như vắt chanh. Năm nào cũng tiệm cận ở mức 20 tỷ USD. Còn dân chúng, ai cũng điêu đứng, vì bị chế độ bóp nặn qua sưu cao – thuế nặng. Thu nhiều như thế, nhưng “ngân sách” Quốc gia, lúc nào nó cũng “như dòng sông đã cạn”. Trái lại, cán bộ Cộng sản, đứa nào cũng giàu ú ụ. Xe sang và biệt phủ khủng, xưa rồi. Cái mà chúng hãnh diện đem khoe, đó là những tài khoản ngoại tệ và những bất động sản ở nước ngoài. Hữu sự, chế độ “đóng cửa”, để xách bị gậy “đi ăn mày” ở khắp bốn phương trời. Thậm chí, sẵn sàng “đeo mo vào mặt”, rồi lân la đi ăn dỗ của những đứa trẻ miệng vẫn còn hoi mùi sữa và lừa đảo cả những ông bà già đã cập kề miệng lỗ. An sinh Xã hội ư? Đừng có hòng. Bước chân ra khỏi cửa, mỗi bước đi, là một bước phải xuống tiền.

Rõ ràng, lãnh đạo Cộng sản Việt Nam, chúng gồm một lũ bất tài – vô dụng. Chúng kinh doanh thứ gì, thứ đó lỗ chỏng cu. Chúng quản lí cái gì, cái đó đều tồi tệ và ngược lại. Chỉ cần so sánh việc cung ứng lương thưc và thực phẩm trước và sau thời bao cấp, chúng ta sẽ nhận ra ngay cái điều đó. Bởi thế, chừng nào chưa “giải thể cái đám ăn hại – đái khai Cộng sản” và “trả lại quyền lực thực sự cho Nhân dân”, chừng đó, Việt Nam còn sấp mặt. Trong bối cảnh đó, Phú Trọng được sinh ra, để “thế Thiên”, mà “hành” cái “đạo” triệt Sản.

5.- “Lượng đổi – chất đổi”. Người ta chẳng nên hấp tấp, để nặn một cái mụn, khi nó còn non. Thế nên, Lê nin mới đưa ra luận điểm: “Muốn cho chế độ Nga hoàng chóng sụp đổ, hãy đẩy nó tới tận cùng của sự khốn nạn”. Sang Nga du học, Phú Trọng rất tâm đắc với chiến lược này. Về nước, “vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê vào hoàn cảnh Việt Nam”, ông thay chữ “Nga hoàng”, bằng từ “Cộng sản” và kiên định, đẩy nhanh quá trình chín mõm của cái ung nhọt Cộng sản Việt Nam. Giống như bậc tiền bối, ông cũng dùng 2 thứ vũ khí: “Công khai hóa” và “Kỉ luật toàn tri”, để bẻ nanh – cắt vuốt và rút gân của cái Đảng Cộng sản Việt Nam. Có điều, Gorbachev phá Cộng sản theo cách, từ trong phá ra. Riêng Phú Trọng, ông phá nó, từ gốc rễ.

a- Hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh

– Chuyện dân gian, kể rằng: Nguyễn Sinh là một dòng họ nghèo kiết xác ở xứ ông Đồ. Muốn đổi đời, họ tìm đến nhà một thầy Địa lý nổi tiếng, để xin giúp đỡ. Nhìn thấu hoàn cảnh và âm đức của nhà đó, thày phán: “Ta vừa tìm được một huyệt mộ. Mả táng vào đó, phú quý tột cùng. Ngặt nỗi, kết cục sẽ là tuyệt tự. Các người, nghĩ sao?”. Còn gì, để mà mất. Cả nhà mừng quýnh, đồng ý liền. Việc, hoàn tất. Tạ ơn thầy xong, họ bỏ đi như chạy. Vì thế, chẳng nghe thấy thầy gọi với theo: “Này, ta nói đùa đó. Muốn không bị tuyệt tự, việc đầu tiên, là phải lấy vợ”.

– Theo chính sử, Hồ Chí Minh không có cả vợ lẫn con và có lẽ, đó chẳng phải là ước nguyện của ông ta. Bởi lẽ, “từ rốn trở xuống, bác cũng như các chú”. Làm ra cái việc thất đức này, là mưu đồ của đám đệ tử. Chúng muốn lợi dụng ông ta, để lôi kéo cái đám đông u mê, mà có lúc, nó chiếm tới 95% dân số Việt Nam. Vì thế, chúng buông xuống một bức màn sắt, rồi thêm râu – vẽ ria và bắt ông phải trở thành một vị Thánh nhân. Dĩ nhiên, không chút tì vết.

Đầu tiên, chúng khoác tấm long bào của Thiên tử lên vai ông Hồ: “Đụn Sơn phân giải/ Bò Đái thất thanh/ Thủy đáo Lam thành/ Nam Đàn sinh Thánh” và giải thích bừa rằng: “Khi núi Đụn, chẻ đôi/ Nước chảy xuống từ khe Bò Đái, mất tiếng/ Sông Lam, phạm núi Lam thành/ Lúc đó, Nam Đàn sinh ThánhThánh ở đây, chính là bác Hồ (!)

Bước 2, chúng tìm một kẻ bẻm mép, rồi đôn y lên hàng Giáo sư và giao cho việc “sưu tầm” và “sáng tác” những mẩu chuyện có thật và kể cả không có thật về ông Hồ. Kế đó, mang chúng đi kể ở khắp hang cùng – ngõ hẻm. Đám quần chúng u mê, ai cũng há hốc mồm ra nghe và ai cũng tin, bác của họ, là Thánh sống. Bác của họ, tài đến mức, thông thạo “29 ngoại ngữ” – giỏi đến mức, “tiên tri được ngày ta thắng Mỹ” và nhân văn đến mức, gặp các cháu gái miền Nam, bác hỏi luôn: “Các cháu kinh nguyệt có đều không?”.

Tuy vậy, ối lúc y nhỡ mồm. Y kể, hồi ở Paris, bác đã từng tham gia sản xuất hàng giả. Đã từng, vì quyền lợi ích kỉ của mình, mà nhẫn tâm 移尸嫁祸 di thi giá họa cho dân lành. Khiến họ, tan cửa – nát nhà và nếu sống ở Việt Nam thời Sản trị, cái thòng lọng của giá treo cổ, chắc chắn, nó sẽ được tròng vào cổ họ.

Ở xứ Văn minh, nói láo như y, thiên hạ bôi vôi vào mồm. Nhưng ở chốn “thiên đường”, y và đám đồng đảng, chúng lại thành công rực rỡ. Hình tượng Hồ Chí Minh với những gam màu sáng, nó đã được khắc ghi đậm nét trong trái tim và khối óc của đa số dân chúng Việt Nam. Nó trở thành cái bình gốm đẹp đẽ, để những con chuột cống Cộng sản có chỗ chui vào và yên ổn hưởng thụ những gì mà chúng có được do ăn cướp. Ai cũng biết, nếu không đập vỡ cái bình, hoặc không dốc ngược nó lên, muôn đời, không bao giờ tiêu diệt được đàn chuột ở trong cái bình đó. Các bác “thế lực thù địch và phản động”, họ biết rất rõ về cái luận điểm này và diễn đạt nó dưới dạng: “Muốn giải Cộng, trước tiên, phải giải thiêng được hình tượng Hồ Chí Minh”.

Nhưng rồi, bao nhiêu thời gian và công sức mà các bác ấy đổ vào đó, nó đều như “nước đổ lá khoai”. Chẳng mấy ai tin các bác ấy cả. Phải đến khi Phú Trọng nhập cuộc, tình thế mới bắt đầu thay đổi. Vậy, Phú Trọng đã làm những gì, để người đời dần tin rằng, Hồ Chí Minh cũng hết sức tầm thường?

– Ai cũng biết, những “khai quốc công thần” của chế độ Cộng sản, từ Ba – Đồng – Chinh – Bằng – Tôn, cho đến Mười – Phương – Kiệt – Nguyên – Liệu, ai cũng đội ông Hồ lên đầu và tranh nhau nhận mình là “người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Riêng Phú Trọng, học hàm và học vị đầy mình, sao phải khuất thân mà nhận rằng, mình là học trò của cái ông chẳng có mảnh bằng nào giắt lưng? Tệ hơn, ông còn bật đèn xanh, để Võ Văn Thưởng thổi đít mình lên: “Tổng bí thư hiện nay, thực sự là nhà lý luận có tầm tư tưởng”. Nghe nói, dạo còn trốn trong núi rừng Việt bắc, có kẻ cũng đã nói ra câu đó với ông Hồ. Không ngờ, ông ta gạt phắt: “Bác không có tư tưởng gì cả. Mọi tư tưởng, là của ông kia, ông kia và ông kia”. Miệng nói, tay chỉ vào hình của Mác, Lê nin, Staline và Mao Trạch Đông. Cái mà ông nhận, chỉ là “tác phong Hồ Chí Minh”.

Chẳng biết, lúc đó ông Hồ khiêm tốn, hay ông không muốn tự lâm vào tình thế hiểm nghèo, khi dám đặt mình ngang hàng với các tay kia. Trong khi, tầm của bọn kia, còn lâu chúng mới sánh được với những nhà tư tưởng và triết học vĩ đại của Trung hoa như Khổng tử 孔子, Mạnh tử 孟子. Nếu công tâm, Thưởng hãy nói xem, cụm từ “tư tưởng Hồ Chí Minh” nó xuất hiện trước hay sau khi ông Hồ từ trần? Ông Hồ còn không tự nhận mình là Hồ tử 胡子. Hà cớ gì, con ễnh ương Võ Văn Thưởng phải cố tự phình mình, để đẻ ra nhà tư tưởng Trọng tử 仲子. Tuy chưa chết, nhưng “tiếng vang như mõ”?

– “Miếng ăn, là miếng nhục”. Thiên hạ, thiếu gì kẻ, chỉ vì miếng nhục đó mà bán rẻ đi cái lương tâm của mình. Mượn sân khấu của Thưởng, chúng véo von hót rằng, Phú Trọng có cái tiết tháo của một bậc sĩ phu Bắc hà. Bởi thế, trừ Tập tiên sinh, ông không bao giờ khuất phục trước cường quyền và tà quyền. Khi đã ở trong cái chăn Cộng sản, hơn ai hết, ông ta phải biết rất rõ về thân thế và sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Nhưng đã lâu lắm rồi, thiên hạ thấy ông vẫn một mực lẩn tránh việc vào Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, để cúi chào người quá cố. Có lẽ, ông đã học được chiêu độc của các vị vua chúa nước Nam: Khi không muốn quì lạy, để nhận chiếu chỉ/ sắc phong của phương Bắc, ai cũng nại ra việc mình đi săn, bị ngã ngựa. Phú Trọng, cũng vậy. Ông ta có thể một lần nại ốm, để không phải lạy ông Hồ. Nhưng triền miên “ốm”, thì vấn đề, nó lại nằm ở chỗ khác. Xin độc giả hãy chiêm ngưỡng bức ảnh “Phú Trọng dâng hương trong nhà Bác”.

Hương dâng rồi, ông ta quay lại và điềm nhiên ngồi luôn lên cái ngai của Bác mình. Việc này, Phong kiến thời nào, họ cũng “nâng cao quan điểm”, để khép vào tội: “khi quân – phạm thượng”. Cố tình, thì bị chém đầu – vô ý, thì đem treo cổ. Đã thế, ông còn ngồi quay lưng vào bàn thờ, nơi mà khói hương vẫn đang nghi ngút.

Thế gian, nào ai mà biết, “chuyện ma ăn cỗ”. Bởi thế, “anh em, khinh trước – làng nước, theo sau”. Chắc ông Hồ cũng phải như thế nào, thì mới bị Tổng Trọng giỡn mặt đến mức ấy chứ?

– Nào, đã hết. Sinh ra từ đói nghèo và ngu dốt, nên khát vọng cháy bỏng của tầng lớp bần cố nông Cộng sản, nó cũng chỉ dừng lại ở cái nồi cám lợn nơi xó bếp. Vì thế, khi được ăn bo bo, ai cũng tưởng, mình đã đặt được một chân tới thiên đàng. Trong bối cảnh đó, họ tung ông Hồ lên tận chín tầng mây và “thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng”, nó đã làm lóa mắt tất cả cái lũ mù quáng ấy. Cơn lên đồng tập thể, nó chỉ chấm dứt, khi Thánh mới lừng lững xuất hiện cùng với xô nước đá trên tay. Thánh phán: “Nhìn một cách tổng quát, Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”. Nôm na, từ thủa khai thiên – lập địa của nước Việt đến giờ, chưa một chế độ nào, chưa một triều đại nào có được những thành tích vẻ vang và đặc biệt xuất sắc bằng thời Phú Trọng.

Không phải nhỡ mồm, Thánh lặp đi, lặp lại nó ở mọi nơi, mọi lúc và có lẽ, ngay cả trong giấc ngủ. Lũ bê hồng, nghe rõ chửa: “Thánh Hồ, sao mà bằng Thánh TrọngCòn Thánh Trọng, đang ở ngoài bức màn sắt và đang sống trong thời @. Bởi thế, chỉ những kẻ đui mù và đần độn, chúng mới không đánh giá được những lời nói và những việc làm của ông ta.

b- Đưa Luật rừng vào, để phá nát Xã hội Việt Nam.

– Trên danh nghĩa, Việt Nam có một Nhà nước “Pháp quyền”. Ấy thế mà, đến Hiến pháp, nó còn bị Phú Trọng cho đặt ngồi bệt xuống dưới chân Cương lĩnh của Đảng. Đến lượt Cương lĩnh của Đảng, nó lại được ông nâng niu và sử dụng như một vật lót mông của mình. Bằng chứng, kệ con mẹ Điều lệ Đảng và mặc xác cái gọi là dư luận, ông lì lợm giữ rịt cái ghế Tổng Bí thư tới tận 3 khóa liền tù tì.

Lột mặt nạ của Đảng như thế, chưa đủ. Ông còn cố tình trì hoãn việc xây dựng Luật về Đảng và Hội, để bắt cái Đảng của ông, lúc nào nó cũng hoạt động trong tư thế bất hợp pháp. Quyền lãnh đạo, nó giành – trách nhiệm với Dân, nó bỏ. Có quyền rồi, chúng ngang nhiên lấy tiền của Ngân sách, để chi tiêu một cách vô tội vạ và tùy ý lèo lái Đất nước đi theo những cái sở thích riêng quái đản của mình. Tạm kể ra, 2 vụ:

Theo Hiến pháp: “Nhiệm kì của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng, đều theo nhiệm kì của Quốc hội”. Thậm chí, họ còn phải đương nhiệm cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra được người thay thế. Nhưng, Quốc hội khóa 13 còn chưa kết thúc, “tam trụ” kia, chẳng ai bị kỉ luật, chẳng ai bị liệt hoặc chết, cũng chẳng có ai làm đơn xin từ chức. Ấy thế mà, ông Tổng vẫn lùa họ lên toa xe lửa, đóng cửa lại, rồi cho họ “đi tàu suốt”. Lạ cái, từ 3 vị kia cho tới dân chúng cả nước, chẳng thấy ai dám hé răng, để bình phẩm lấy một lời. Hèn đến thế, là cùng.

Ăn cắp, quen tay – ngủ ngày, quen mắt”. Trong nước, chà đạp lên Luật pháp mà không sợ bị trừng trị, nó quen rồi. Ra nước ngoài, bệnh cũ, tái phát. Mồm nói, tôn trọng chủ quyền Quốc gia và Luật pháp của Đức quôc, nhưng ấm đầu lên, ông vẫn tìm mọi cách, để “khều” cho bằng được cừu thù Trịnh Xuân Thanh về nước. Bất chấp, vụ “khều” người này, nó sẽ còn “ám” mãi vào nước Việt.

Trên, vô pháp – dưới, vô luân. Từ đó, cả Xa hội được vận hành theo những “khẩu dụ”, theo những Chỉ thị và Nghị quyết của Đảng – những thứ, luôn trong tình trạng “sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng”. Khi không còn tiêu chuẩn để phân biệt trắng – đen; phải – trái; đúng – sai, cả Xã hội lộn tùng phèo: “Bây giờ, làm việc gì cũng sợ sai. Làm xong rồi, cũng không biết có sai hay không. Sai rồi, cũng không biết sai ở chỗ nào và thậm chí, không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm(!)” – Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội. Khi trói được chân – buộc được tay cán bộ, đó là lúc mà Phú Trọng đã đạt đến đỉnh cao của việc: “vô hiệu hóa bộ máy Nhà nước Việt Nam”. Gorbachev, tuổi gì.

Kỷ cương, không có – đường lối, ưỡn ẹo như cây tre trước gió và ông trùm, một tay thao túng tất cả. Đó là đặc điểm chung của mọi băng nhóm được tổ chức theo kiểu Mafia hoặc thổ phỉ. Phú Trọng, ông đã có công làm cho cả Thế giới thấy rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam, nó cũng đang tiệm cận với cái mức ấy.

c- “Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”. Bần cùng hóa nhân dân, ép họ phải đối đầu với chế độ.

– Ở một nước nông nghiệp, tất yếu, phải lấy “Nông dân làm trụ đỡ”, phải đặt “Nông nghiệp vào trọng tâm”. Mồm thì nói thế, nhưng tay này cướp đất của nông dân, tay kia dựng lên cả một rừng thuế phí, để vặt lông người cày. Một quả trứng, chúng thu tới 14 loại phí. Đến con lợn, con số đó, nó đã nhảy lên thành 51. Nào, đã hết. Khi mang hàng hóa đi tiêu thụ, họ phải khóc ròng với giá cước vận tải. Do xăng tăng – xe đắt, do dày đặc những trạm cố định thu phí mãi lộ và do bị “ăn cháo hành” khi qua đầy rẫy những trạm di động, chuyên xin đểu “bánh mì”. Trừ hết chi phí, đồng tiền mang về, may lắm cũng chỉ đủ để nuôi vợ con. Làm gì có dư, để mà tái sản xuất mở rộng. Khi bị ép phải lựa chọn giữa “sống, hay là chết”, những người nông dân ở Văn Giang, Đồng tâm, Dương nội…, tất cả, đều không chọn vế sau. Cho dù, có bị đàn áp khốc liệt.

Nước lụt, thì lút cả làng”. Khi đại dịch cúm Tàu tràn qua nước Việt, nó đã phơi ra trước bàn dân thiên hạ: Một hệ thống truyền thông, dối trá. Một hệ thống quan chức, ngu dốt. Một hệ thống tham nhũng và thối nát, từ trên xuống dưới. Một sự vi phạm nhân quyền trắng trợn dưới rất nhiều hình thức. Cuối cùng, là một hệ thống nhóm lợi ích siêu quyền lực. Chúng đã tạo ra cả hệ thống chính sách, để trục lợi và trên hết, đó là một sự lũng đoạn Nhà nước, ở quy mô khủng khiếp…” – Nhà báo Nguyễn Vũ Bình.

Chỉ bằng vài tháng phong tỏa, ông Tổng và những cộng sự, họ đã khiến đồng bào ta: người chết – nhà tan – của tàn – đói khát. Giữa lúc tứ bề thọ khổ, cái mà dân chúng cần, đó là lương thực, thực phẩm, thuốc men, y bác sĩ và phác đồ điều trị. Nhưng chế độ, không làm thế. Trái lại, họ vẫn hối hả tăng giá xăng dầu, điện nước, khí gas… Mặt khác, tiếp viện cho họ: bộ đội, cảnh sát cơ động, cùng AK 47, xe bọc thép và hàng rào dây kẽm gai. Chẳng cần nói, ai cũng biêt nguyên nhân sâu xa của những việc làm thất nhân tâm này.

d- Xói mòn sức mạnh chiến đấu của Đảng CS Việt Nam, bằng cách bồi dưỡng và đề bạt những cán bộ vô tài – thất đức.

Muôn việc thành công, ở khâu cán bộ. Luận về cái việc này, Nguyễn Trãi viết: “Sĩ tốt, kén người hùng hổ. Bầy tôi, chọn kẻ vuốt nanh”. Đến thời Phú Trọng, ông không làm thế. Bỏ qua qui luật “chọn lọc tự nhiên”, ông “phát hiện, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ” theo kiểu “hôn nhân cận huyết”. Vì thế, nhắc tới bất cứ một cán bộ nào, nhân gian cười nửa miệng: “Đồng chí này, là con của đồng chí nào?”.

Trong khi, ghế thì ít, mà đồng chí đểu lại hơi bị nhiều. Dựa vào chiêu “luân chuyển cán bộ”, ông thay máu xoành xoạch trong những cơ quan đầu não của Đảng. Có điều, “hòn ngọc, ném đi – hòn chì, giữ lại”. Việc “dây thép” ông giao cho một thằng “bán trời không văn tự”. Không phụ lòng chủ, y “vén tay áo xô”, chỉ một phát, đốt trên ngàn tỉ tiền thuế vào cái “mạng xã hội Lotus” với lời hứa chắc như đinh đóng cột: “Lotus sẽ lật đổ facebook(!)”. Đến lượt, “Giáo dục và Đào tạo nhân tài cho Đất nước”, ông giao cho một kẻ đạo văn, có bằng đểu, lại còn nói ngọng. Kết quả nhãn tiền, thi gian – học dối, nó nở rộ ở khắp mọi nơi. “Phi công, bất phú – phi thương, bất hoạt”. Để mạnh giàu, thời nào cũng phải coi trọng Công thương. Biết thế, nên ông giao nó cho một cán bộ Đoàn, mà sở trường của y là chăng đèn, kết hoa và quét cống rãnh. Hệ quả, nghe chàng nói – nhìn chàng làm, dân chúng càng thêm tin yêu bọn… Tư bản.

Với cán bộ yếu kém, Gorbachev chọn cách thải hồi. Riêng Phú Trọng, ông biến chúng thành củi. Chính tay ông đã huấn luyện, nâng đỡ và đặt La Thăng ngồi trên cái núi vàng ở Sài gòn. Nhưng khi không lay chuyển được lòng trung thành của y với chủ cũ, ông trở mặt, đem những tội lỗi của y từ thuở “Naponeon còn cởi truồng” ra, để tống La Thăng vào lò. Hằng hà sa số những cán bộ khác, cũng thế, Tay này, ông bồi dưỡng và bổ nhiệm họ. Còn tay kia, ông bới lông – tìm vết, để kỉ luật họ. Sau đó, cười hềnh hệch và khoe thành tích chống tham nhũng với bàn dân thiên hạ. Khốn nạn ở chỗ, ông luôn coi mình, là kẻ vô can.

6- “Cùng trong một tiếng tơ đồng”. Nhưng ở Nga, Gorbachev đã hoàn thành việc giải thể cả Đảng Cộng sản lẫn Liên bang Xô viết và chứng kiến việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Riêng Phú Trọng, ông sẽ không có được cái cơ may đó. Ngày ra đi, cái mà ông để lại, chỉ là một đống đổ nát bừa bãi. Ước mơ Tự do và Dân chủ, đành gửi gắm vào những kẻ thay thế mình. Tiếc rằng, Trí của chúng, đều ngắn – Đức của chúng, đều mỏng. Bởi thế, giỏi lắm, chúng chỉ đóng vai trò trái độn như Hoa Quốc Phong ở Trung hoa. Có điều, sau Quốc Phong, đã có sẵn Tiểu Lọ. Còn Việt Nam, chẳng biết, ông có để lại cái túi gấm nào, hay không?

7- Này, ông Tổng!

Có đi có lại, mới toại lòng nhau”. Mọi lần khác, bỏ qua. Riêng lần này, lão viết ra bài điếu tân thời, để chiêu tuyết, để tế sống ông. “Sống khôn – thác thiêng”, hãy cười lên một tiếng. Sau đó, nhớ viết bài phản biện, để người trong thiên hạ, không ai phải lăn tăn về trình độ của một “nhà lí luận, có tầm tư tưởng” và cũng đừng hấp tấp, để làm những chuyện ngu ngốc, khiến người trong thiên hạ, ai ai cũng phải đàm tiếu: “Tưởng, sĩ phu Bắc hà. Ai ngờ, cũng chỉ là một thằng côn đồ nơi đất Bắc”.

Nguyễn Tiến Dân

Tel: 038 – 50 – 56 – 430

Địa chỉ: Vì tin vào cái lũ Cộng sản đê hèn, nên bị chúng lừa đảo và cướp sạch của cải. Bởi thế, mất nhà và trở thành dân du mục. Nay đây, mai đó, chưa có nơi ở cố định.

Làm sao để cấm một bài hát?

Jackhammer Nguyễn

30-6-2022

Tác giả Nguyễn Khoa đặt câu hỏi như thế trong một bài viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên trang Viet-Studies.

Hậu quả của cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga đối với Ba Lan

BPB

Tác giả: Piotr Arak

Đỗ Kim Thêm, dịch

16-5-2022

Tóm tắt: Là một lân bang, Ba Lan đang gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề trong cuộc chiến tranh xâm lược của Nga tại Ukraine. Cuộc xung đột vũ trang đã tác động đến từng người dân Ba Lan, một phần vì sự hiện diện của người tị nạn ở Ba Lan. Do Belarus hỗ trợ, sự xâm lược của Nga tại Ukraine ngoài ra cũng có tác động đến toàn cầu và cả nền kinh tế Ba Lan. Các hậu quả của chiến tranh đã thể hiện rõ trong các chỉ số lạm phát, tâm lý xã hội, thị trường lao động, khí đốt và dầu mỏ.

***

Trong năm nay, do hậu quả của cuộc gây chiến của Nga tại Ukraine, mức tăng trưởng kinh tế Ba Lan có thể thấp hơn khoảng 3,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đặc biệt là cuộc chiến dẫn đến sự suy yếu đáng kể các hoạt động trong khu vực sử dụng đồng euro. Vào tháng 12 năm 2021, Viện Kinh tế Ba Lan (Polski Instytut EkonomicznyPIE) dự đoán là GDP sẽ tăng lên 4,3%. Hiện nay, không thể ước tính đầy đủ và chính xác về tác động kinh tế và tài chính của cuộc chiến Ukraine đối với nền kinh tế Ba Lan. Do cuộc chiến còn đang tiếp diễn, các hậu quả này sẽ chịu những rủi ro cực kỳ bất thường, ngoài ra cũng còn kèm theo sự bất trắc về hậu quả của chính sách Zero-Covid của Trung Quốc và các hạn chế nghiêm trọng liên quan đến đại dịch, hiện đang ảnh hưởng ngày càng nhiều trong các khu vực công nghiệp của Trung Quốc.

Theo các nghiên cứu của PIE và Ngân hàng Kinh tế Quốc gia (Bank Gospodarstwa KrajowegoBGK) vào tháng 3 năm 2022, cuộc chiến Ukraine là mối đe dọa đối với các hoạt động kinh tế của 42% các doanh nghiệp được khảo sát. 54% các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, giao hàng và hậu cần bày tỏ mối quan tâm nhất. Cũng trong lĩnh vực xây dựng, 42% các doanh nghiệp cho thấy các rủi ro nghiêm trọng hoặc rất cao đối với các hoạt động của họ. Nỗi lo sợ của các doanh nghiệp Ba Lan đã được nhìn thấy trước khi Nga bắt đầu xâm lược, nhưng hiện nay thậm chí trở nên rõ ràng hơn. Cuộc chiến Ukraine cũng gây rất nhiều bất ổn giữa các doanh nghiệp có liên quan đến tình hình kinh tế, 3/4 các doanh nghiệp tin rằng đây là một trở ngại rõ ràng cho kinh doanh.

Hậu quả rõ ràng nhất của cuộc chiến đối với nền kinh tế Ba Lan là các nguồn năng lượng ngày càng đắt đỏ, đáng chú ý là việc tăng giá tại các trạm xăng. Nếu giá hàng nguyên liệu tăng cao kéo dài trong một thời gian, sức mua của hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, điều này sẽ dẫn đến sự suy giảm mức tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Mặt khác, có dự kiến là dòng người tị nạn từ Ukraine sẽ làm tăng các chi phí về tiêu dùng. Chi phí bảo trợ cho một triệu người đến Ba Lan sẽ lên tới hơn 20 tỷ Zlotys mỗi năm, tức là khoảng 1% GDP. Tuy nhiên, mức chi tiêu có thể dao động, vì một số người tị nạn sẽ chuyển đến các nước Tây Âu (bao gồm Đức, Tây Ban Nha và Ý) và một số trở về Ukraine.

Do mức xuất khẩu sang Ukraine và Nga giảm đi, nên tác động trước mắt đối với nền kinh tế Ba Lan được ước tính là vừa phải, vì tỷ lệ của các quốc gia này trong mức xuất khẩu của Ba Lan chiếm không cao quá đặc biệt. Năm 2021, con số này chỉ là 2-3%. Sự gián đoạn nghiêm trọng có thể xảy ra là do tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực nhập khẩu, vì Ba Lan vẫn phụ thuộc nặng nề vào nguyên liệu năng lượng của Nga.

Chính sách tài sách nới lỏng hơn liên quan đến chiến tranh có thể tạo thuận lợi cho việc tăng trưởng kinh tế Ba Lan. Chi phí ngày càng tăng cho việc trợ giúp người tị nạn và vũ khí có thể mang lại một sự thúc đẩy tích cực cho nền kinh tế, mặc dù nó không quá nhiều đến mức là sẽ bù đắp đầy đủ cho các ảnh hưởng tiêu cực trong hoạt động kinh tế.

Đồng thời, chiến tranh có thể là một cơ hội lớn lao để đạt được nhanh hơn một thỏa hiệp với các định chế của châu Âu về lĩnh vực nhà nước pháp quyền (*). Việc đề ra hiệu lực của kế hoạch phát triển quốc gia do chính phủ Ba Lan đệ trình (mà các quỹ tài trợ cho kế hoạch này hiện nay đang bị Ủy ban Liên Âu phong toả) sẽ là một tín hiệu rất tích cực không chỉ cho nền kinh tế, mà còn cho các thị trường tài chính. Do các biện pháp hành chính tiên khởi cần thiết trong việc phân bổ cho Ba Lan, nên ảnh hưởng thực sự của các nguồn lực tài chính khả dụng theo khuôn khổ của kế hoạch phát triển đất nước đối với nền kinh tế sẽ thể hiện vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Dựa theo Bảng chỉ số giá tiêu dùng, mức lạm phát được ước tính trung bình hàng năm cho năm 2022 là 10,8%. Tương tự như các dự báo tăng trưởng kinh tế, nó sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình địa chính trị và giá cả hàng hóa. Giá lúa mì, ngô và dầu hiện đang đạt gần như đến mức kỷ lục. Đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, vì Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu ngũ cốc đứng hàng đầu. Trong năm nay, có thể giả định rằng thế giới không thể mong đợi Ukraine cung cấp ngũ cốc, vì đã cấm xuất khẩu các loại cây trồng cơ bản và hoạt động của cảng Odessa sẽ còn bị gián đoạn bởi chiến cuộc.

Chính phủ Ba Lan ủng hộ việc duy trì cái gọi là biện pháp chống lạm phát cho đến cuối năm 2022. Điều này liên quan đến việc giảm thuế tiêu thụ gián thu, chẳng hạn như thuế trọ giá gia tăng (VAT) đối với xăng dầu và thực phẩm. Nếu mức giảm này được huỷ bỏ vào cuối tháng 7 năm 2022, như dự kiến ban đầu, thì đà tăng giá tiêu dùng trong năm nay sẽ cao hơn khoảng hai phần trăm điểm so với mức trung bình hàng năm.

Nằm trong dự kiến là việc tăng lãi suất sẽ tiếp tục. Trong các quý tới, mức lạm phát sẽ không trở lại mức tăng hoặc giảm 1% điểm trong mục tiêu 2,5%. Cần cứu xét đến việc giá gia tăng trong phạm vi hai con số, nên có thể giả định rằng Hội đồng Chính sách Tiền tệ (Rada Polityki Pieniężnej) sẽ tăng lãi suất tham chiếu của Ngân hàng Quốc gia Ba Lan (Narodowy Bank PolskiNBP) lên ít nhất 5,5%. Con số thấp hơn có thể xảy ra, nếu hoạt động kinh tế suy yếu nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong hiện tại, chúng ta dự kiến sự suy yếu là trong chừng mực.

Mức lãi suất cao hơn là cần thiết để cân bằng cho nền kinh tế Ba Lan đang có phần giao động, nhưng hậu quả sẽ là tiêu dùng ít hơn, đầu tư yếu hơn và tăng trưởng kinh tế chậm hơn. Mức tăng trưởng GDP được đề ra trong quý IV/2021 là 7% và quý I/2022 8% không thể kỳ vọng là đạt, do hậu quả của các vấn đề về chính sách tiền tệ và nhu cầu, nên nền kinh tế sẽ hạ nhiệt.

Sau khi chiến tranh bùng nổ, đồng tiền Ba Lan đã mất giá đáng kể. Vì đồng tiền Zloty vốn dĩ đã yếu kém trước đó, trên thị trường tiền tệ Ba Lan đã đạt được các kỷ lục mới: Hơn 5 Zlotys mới tương đương cho 1 đồng Euro và gần như nhiều hơn cho 1 đồng Franc Thụy Sĩ. 1 đô la Mỹ đổi 4,60 Zloty là mức giá cao nhất cho đồng tiền này trong hơn 21 năm qua. Tuy nhiên, chúng ta cần cân nhắc đến việc nếu Bộ Tài chính Ba Lan có kế hoạch trao đổi các quỹ của Liên Âu trên thị trường tiền tệ, thì triển vọng suy yếu lâu dài của tỷ giá hối đoái Zloty là ít. Mặt khác, việc đồng tiền Ba Lan có giá cao hơn chắc chắn sẽ có thể sẽ xảy ra, nếu các căng thẳng địa chính trị giảm.

Do dòng người tị nạn, tỷ giá hối đoái yếu hơn và doanh thu ngày càng tăng của các công trái phiếu Ba Lan có nghĩa là khoảng công chi to tát không được bù đấp bởi các nguồn thu trong hiện tại. Kết quả có thể tiên đoán là mức thâm hụt ngân sách và nợ công ngày càng tăng. May mắn thay, sau cuộc khủng hoảng do đại dịch Corona gây ra, tình trạng nợ công và thâm hụt của Ba Lan đang trên đà đi xuống. Một thách thức đối với ngân sách công cũng sẽ là sự gia tăng kinh phí quốc phòng. Ngay từ năm 2023, 3% GDP sẽ được cung cấp cho mục đích này.

Mức thâm hụt ngân sách Ba Lan năm 2021 là 1,9% của GDP và mức nợ tính theo GDP là 54%. Chính phủ dự báo mức thâm hụt sẽ là 4,3% vào năm 2022 và sau đó hy vọng là sẽ giảm xuống còn 3,7% của GDP và mức nợ giảm xuống còn 51,5% so với GDP (2023). Trong những năm tiếp theo, dự báo giảm thêm xuống còn 2,5% GDP hoặc 49,7% so với GDP (2025).

Ba Lan tiếp nhận hơn 3 triệu người tị nạn

Đến cuối tháng 4 năm 2022, hơn 3 triệu người đã vượt biên đến Ba Lan. Họ được cung cấp thực phẩm, thuốc men và nhận trợ giúp xã hội. Đây là một phong trào nhập cư đến từ Ukraine hoàn toàn khác, nếu so với cuộc chiến Donbass năm 2014. Vào thời điểm đó, chủ yếu là nam giới trong độ tuổi lao động đã đến Ba Lan, hàng trăm ngàn người, họ đã tăng cường cho thị trường lao động Ba Lan và tăng hiệu quả cho nền kinh tế Ba Lan.

Hiện nay, nhiều phụ nữ và trẻ em đến Ba Lan, họ là những người chủ yếu gây ra chi phí trong ngắn hạn và trung hạn. Họ được cung cấp nơi cư trú, thực phẩm, giáo dục và chăm sóc y tế. Một đạo luật đặc biệt về viện trợ cho người Ukraine ước tính chi phí này là 1,8 đến 3,5 tỷ Zlotys. Tuy nhiên, trên thực tế, các công chi chắc chắn sẽ cao hơn đáng kể, đó là nghĩa vụ đạo đức của Ba Lan đối với lân bang. Trong trung hạn, một số người tị nạn sẽ nhận việc làm và có thể tự quyết định lấy là có nên ở lại Ba Lan hay không.

Đồng thời, nhiều người Ukraine đang rời Ba Lan và vào quân đội Ukraine để chiến đấu cho đất nước. Có tin cho là có đến hàng chục ngàn người về, mặc dù các con số đích thực không được biết rõ, vì do tình hình nhập cư luôn biến động giữa Ukraine và Ba Lan.

Ba Lan đã có rất nhiều người tiêu dùng mới, điều này chắc chắn sẽ làm tăng doanh thu của các chuỗi bán lẻ, và ít nhất là trong ngắn hạn, thúc đẩy cho mức tiêu dùng tư nhân và GDP cũng như tăng số thu thuế. Tuy nhiên, về lâu dài, phần lớn chi phí hỗ trợ cho người tị nạn sẽ phải được ngân sách chi trả.

Phong trào tị nạn cũng có thể là một thách thức lớn đối với thị trường lao động Ba Lan. Theo các công nhân từ Ukraine cho biết, những người di cư kinh tế đến Ba Lan trước chiến tranh chủ yếu tìm được việc làm trong ngành xây dựng, công nghiệp chế biến, hoạt động hành chính (bất động sản, kế toán) và các dịch vụ kinh doanh hỗ trợ, cũng như trong lĩnh vực vận tải và kho bãi. Đa số đã làm việc ở Ba Lan dưới trình độ của họ. Hiện nay, phụ nữ sẽ tìm kiếm việc làm. Nhìn chung đầu tiên, có thể kết luận rằng, trong số những người tị nạn có nhiều phụ nữ có trình độ mà Ba Lan đang có nhu cầu, thí dụ như y tá, giáo viên, thợ may, đầu bếp, thông dịch viên và nhân viên hành chính. Do đó, có những cơ hội tương đối rộng mở để tìm việc làm, bởi vì trong lĩnh vực sản xuất, nhờ tự động hóa và công nghệ mới, nhiều công việc cũng có thể do phụ nữ đảm nhận mà trước đây chỉ dành cho nam giới. PIE thực hiện các nghiên cứu và cung cấp thông tin về các công việc tiềm năng có thể được tạo ra ở Ba Lan vào năm 2022 và sẽ được những người tị nạn đảm nhiệm.

Dựa trên cơ sở các chỉ số về phụ nữ trong từng lĩnh vực của nền kinh tế, người ta đã đánh giá cao mức tỷ lệ phụ nữ trong số các công nhân mới. Các ước tính cho thấy, vào đầu tháng 3 năm 2022, các doanh nghiệp Ba Lan đã hoạch định tuyển dụng khoảng 253.000 phụ nữ trong ba tháng tới. 3/4 các công việc này nằm trong lĩnh vực ẩm thực và khách sạn, thương mại và các dịch vụ khác, tức là các lĩnh vực đang tìm kiếm công nhân và hướng đến việc tìm phụ nữ nhiều hơn.

Việc mở cửa để thu dụng cho thị trường lao động và đơn giản hóa thủ tục hợp đồng nhận việc hợp pháp ở Ba Lan, cũng như các cơ quan Lao Động sẽ tạo điều kiện tối đa để giúp cho người tị nạn tìm việc làm và giới chủ nhân cung ứng việc. Một cơ sở dữ liệu tổng hợp các thông tin về khả năng người tỵ nạn và nhu cầu của giới chủ nhân qua hệ thống Woiwodschaften giúp các doanh nghiệp có thể tìm ra các thông tin về năng lực của các nhân viên Ukraine tương ứng. Việc phân phối đồng đều người tị nạn ở Ba Lan sẽ có tầm quan trọng đáng kể để tránh một cuộc khủng hoảng về người tị nạn và cho phép người Ukraine tự lo sinh kế của họ. Một thách thức sẽ là việc trẻ em Ukraine đến các trung tâm giáo dục và nhà trẻ hằng ngày, bởi vì nhà trẻ đã có vấn đề trước khi dòng người tị nạn đến các thành phố lớn.

Những kinh nghiệm đến nay cho thấy, chủ thường tìm nhân viên, khi ít nhất họ có thể giao tiếp bằng tiếng Ba Lan. Trong các trường hợp riêng biệt, tiếng Anh cũng có thể gọi là đủ. Điều này dẫn đến sự cần thiết là phải tổ chức các khóa học cơ bản về ngôn ngữ Ba Lan, đặc biệt là đối với phụ nữ có cơ hội làm việc trong lĩnh vực y tế, giáo dục và các lĩnh vực khác có tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

Trong tương lai, việc đào tạo theo từng ngành chuyên biệt sẽ cần thiết, nhưng các chi phí cho các khoá này mà giới chủ nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, có thể sẽ không thể trả nổi. Đây là vấn đề mà các hiệp hội các chủ nhân và các tổ chức công có thể giúp đở với các dự án đào tạo đặc biệt.

2/3 người Ba Lan tự nguyện giúp người Ukraine

Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine đã gây ra một làn sóng đoàn kết ở Ba Lan. Ba Lan và Ukraine có một lịch sử chung đầy khó khăn, trong đó không thiếu chiến tranh và tội ác. Đặc biệt, người Ba Lan bị tổn thương bởi vết thương chưa lành của vụ thảm sát thường dân Ba Lan ở Volhynia do Quân nổi dậy Ukraine (UPA) gây ra vào năm 1943/44. Tuy nhiên, ngày nay, người Ba Lan đã đặt lịch sử qua một bên, mở rộng cửa và giúp đỡ những người tị nạn Ukraine.

Các cuộc thăm dò trước khi Nga xâm lược Ukraine cho thấy, người Ukraine là một trong những dân tộc không được ưa chuộng nhất đối với người Ba Lan. Viện Thăm dò Dư luận Ba Lan CBOS đã nghiên cứu về mối quan hệ của người Ba Lan với các quốc gia khác trong nhiều năm: thiện cảm dành cho người Ukraine thấp hơn so với phần lớn các quốc gia châu Âu. So với các nước láng giềng khác của Ba Lan, họ tự đặt mình giữa người Nga, những người có ít thiện cảm nhất và người Belarus. Tuy nhiên, kể từ những năm 1990, nói chung, mối quan hệ giữa Ba Lan và Ukraine đã được cải thiện. Các khảo sát của CBOS trước chiến tranh cho thấy, 41% số người Ba Lan được hỏi có mối quan hệ tích cực với người Ukraine và 25% có thái độ tiêu cực. Đối với người Nga, thiện cảm thể hiện là 29 % và ác cảm 38 %.

Vào giữa tháng 3 năm 2022, CBOS đã tiến hành các cuộc khảo sát về chủ đề viện trợ mà người Ba Lan đã cung cấp cho các nước láng giềng của họ. 68% người dân đã giúp đỡ người tị nạn Ukraine bằng hiện vật hoặc tài chính. Phần lớn người Ba Lan, 88%, cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ các sự kiện liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Hơn một nửa số người được hỏi, 57%, cho biết trong cuộc khảo sát là họ sẽ tẩy chay các sản phẩm của Nga.

Một số ít người được hỏi cho biết đang tìm cách để bảo vệ bản thân và gia đình do những hậu quả tiêu cực của chiến tranh có thể xảy ra. Trong nhóm này, 11% cho biết họ sẽ tích trữ tiền mặt, 8% dự trữ thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác, và 4% dự trữ xăng dầu. Ngoài ra, một số người được hỏi đã dự định hoặc cân nhắc việc di chuyển đến một nơi an toàn hơn, với nhiều người (8%) xem xét việc rời khỏi đất nước hơn là đi nơi khác trong Ba Lan (4%).

Nhà nước Ba Lan cũng phản ứng bằng các biện pháp trợ giúp. Giá trị ước tính về viện trợ quân sự của Ba Lan cho Ukraine là bảy tỷ Zlotys (1,5 tỷ euro). Vào tháng 3, Ngân hàng Quốc gia Ba Lan đã đề nghị Ngân hàng Trung ương Ukraine một hình thức trao đổi tiền tệ trị giá 963 triệu euro (**). Nếu tính bao gồm cả giá trị viện trợ nhân đạo, viện trợ của Ba Lan cho Ukraine đã lên tới hơn 2,5 tỷ euro. Tuy nhiên, số tiền này không tính đến số tiền viện trợ cho người tị nạn mà chính phủ Ba Lan ước tính sẽ trả thêm 2,1 tỷ euro (mười tỷ Zloty) cho đến cuối năm nay, số chu cấp tài chính cho người tị nạn, hoàn trả chi phí cho những người dân tiếp nhận người tị nạn và các qũy bổ sung cho chính quyền địa phương để nâng cấp trường học.

Một phần chính của sự hỗ trợ này là cấp tiền cho các gia đình Ba Lan mà họ cung cấp một căn hộ hoặc chỗ ở cho người tị nạn. Theo ước tính của chính phủ, dựa trên dữ liệu của chính quyền địa phương, khoảng 600.000 người sử dụng khoản hỗ trợ này. Nếu tính đến số trợ cấp tiền mặt được sử dụng cho chỗ ở và thực phẩm của người dân Ukraine (40 Zloty mỗi ngày), giá trị của khoản viện trợ này lên tới khoảng 720 triệu Zlotys.

Điều quan trọng trong bối cảnh này là việc trả tiền cho các gia đình sau khi họ nhận được mã số PESEL, một loại mã số mà dân Ba Lan sử dụng để liên lạc với chính quyền, và sau này thực tế đánh đồng công dân Ukraine với người Ba Lan sau hai năm. Do cuộc chiến còn đang diễn ra, nên việc chu cấp cho những người hỗ trợ người tị nạn sẽ được gia hạn (từ 60 ngày lên 120 ngày). Những người tị nạn nghèo nhất có thể nhận được trợ cấp xã hội trong những điều kiện tương tự như người Ba Lan, tức là không chỉ tiền dành cho trẻ em nói chung “trong khoảng trên 500 ” cho mỗi đứa trẻ, mà còn các dịch vụ chăm sóc khác. Ngoài ra, mỗi người Ukraine nhận được một khoản tiền chào mừng là 300 Zloty và tiền Hryvnia của Ukraina, gây ra các vấn đề trong việc trao đổi tiền tệ trong các ngân hàng nhà nước PKO BP Pekao SA. Việc này được phối hợp của NBP ở một tỷ lệ cố định (0,14 Zloty cho mỗi Hryvnia; tối đa 10.000 Hryvnia cho mỗi người).

Ngoài việc tiếp nhận riêng người tị nạn, người Ba Lan đã cung cấp các phương tiện vận chuyển người tị nạn từ Ukraine và quyên góp tiền cho những người còn ở lại Ukraine. Hàng ngàn tình nguyện viên đã tổ chức các trạm tiếp đón nhận người tị nạn, phân phối các hiện vật quyên góp, cung cấp thông tin và chỉ dẫn về pháp lý, cung cấp hỗ trợ tâm lý và trợ giúp ngôn ngữ. Gần hai tuần sau khi chiến tranh bùng nổ, riêng tại Warsaw có hơn 6.000 tình nguyện viên đã đăng ký tình nguyện giúp cho người tị nạn Ukraine. Theo đó, người ta có thể ước tính, trong cả nước có ít nhất là vài chục ngàn người. Người Ba Lan cũng trao các khoản quyên góp bằng hiện vật, bao gồm thuốc men, quần áo, thực phẩm, vật phẩm vệ sinh. Mức độ dấn thân thiện nguyện và phân phối các khoản đóng góp bằng hiện vật không thể xác định được giá trị tài chính thực sự.

Chỉ có một phần dữ liệu trong phần sưu tầm mức quyên góp qua Internet là khả dụng, bởi vì không phải tất cả các nhà tổ chức đều công bố thông tin về số tiền thu được. Các tin về số lượng quyên góp lớn nhất, được điều hành bởi các tổ chức phi lợi nhuận nổi tiếng, mang lại hơn 100 triệu Zloty (bao gồm Fundacja Siepomaga gần 50 triệu Zloty, Polska Akcja Humanitarna khoảng 30 triệu Zloty, Zundacja Pomagam.pl gần 11,5 triệu Zloty). Caritas Polska đã quyên được hơn 100 triệu Zlotys (ngoài các khoản quyên góp bằng hiện vật ước tính khoảng 136 triệu Zlotys). Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ của số hỗ trợ thực tế được cung cấp – vì nhiều khoản gây quỹ được thực hiện trong các doanh nghiệp, trường học, v.v. và kết quả của họ không được công bố, cả danh sách cuối cùng cũng như ước tính theo mẫu đại diện đều không thể thực hiện được.

Ngoài ra, còn có sự giúp đỡ của các doanh nghiệp tư nhân, bao gồm các chuỗi bán lẻ lớn nhất, ngân hàng, nhà cung cấp điện thoại di động, các doanh nhân ngành xây dựng. Giá trị hỗ trợ từ các doanh nghiệp lớn nhất hoặc hiệp hội các ban ngành thường vượt quá một triệu Zloty. Nhiều doanh nghiệp không công bố dữ liệu về sự đóng góp của họ, điều này gây khó khăn cho việc ước tính ngay cả giá trị quyên góp.

Ba Lan trên đường độc lập khỏi năng lượng Nga

Phản ứng trước sự xâm lược của Nga với Ukraine là nhiều quốc gia phương Tây muốn trở nên độc lập với nguồn cung cấp năng lượng của Nga, vì Nga có thể sử dụng số tiền thu được từ việc bán để tài trợ cho các thiết bị quân sự. Đối với Ba Lan, các hợp đồng dài hạn về cung cấp khí đốt và dầu mỏ của Nga sẽ sớm kết thúc. Vào tháng 4 năm 2022, chính Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan, do đó, nó phủ đầu cho việc chấm dứt hiệp ước. Tuy nhiên, Ba Lan đã chuẩn bị cho điều này. Các cơ sở tồn trữ khí đốt ở Ba Lan đã đong đầy với 76%, trong khi mức trung bình của Liên Âu là 32%.

Vào cuối năm 2019, sản lượng khí đốt tự nhiên ở Ba Lan chỉ đạt dưới 5 tỷ m3, phục vụ khoảng 1/4 nhu cầu trong nước, đứng ở mức 20 tỷ m3 vào năm 2019.

Tiến trình làm bớt phụ thuộc khí đốt của Nga đã diễn ra từ lâu ổ Ba Lan. Trong các năm từ 2015 đến 2019, tỷ trọng khí đốt nhập khẩu của Nga đã giảm khoảng 17 phần trăm điểm. Ba Lan nhập khoảng 17,5 triệu m3, trong đó 10 triệu m3 đến từ Nga, chiếm 55% trong tổng số nhập khẩu.

Mặc dù trong thực tế, hơn một nửa số lượng khí đốt nhập khẩu của Ba Lan đến từ Nga, việc thay thế nguyên liệu thô của Nga có thể được là nhờ sự đa dạng hóa dần dần của các tuyến đường cung cấp. Năm 2022, đã có kế hoạch cho việc bắt đầu vận chuyển khí đốt từ thềm lục địa Na Uy thông qua đường ống dẫn khí Baltic Pipe có công suất hàng năm là mười tỷ m3, cũng như dự kiến đưa vào vận hành đường ống dẫn khí Ba Lan-Lithuania (GIPL), nó tạo điều kiện cung cấp khí đốt từ nhà ga khí đốt ở Klaipeda. Điều này có thể làm thay thế cho một phần nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Ngoài ra, cũng có kế hoạch tăng công suất của nhà ga LNG ở Świnoujście lên 6,2 tỷ m3 vào năm 2022/23 và lên khoảng 8,3 tỷ m3 mỗi năm từ đầu năm 2024. Việc mở rộng này cho phép một số cung ứng lớn LNG được chuyển đến Ba Lan, ví dụ từ Mỹ và Qatar. Năm 2019, Ba Lan đã nhập khẩu khoảng 3,5 triệu m3 LNG, bao gồm 950.000 m3 từ Mỹ và 2,3 triệu m3 từ Qatar.

Liên quan đến việc Ba Lan nhập khẩu dầu của Nga, chính phủ Ba Lan tuyên bố rằng, các hợp đồng cung cấp có thời hạn sẽ hết hạn vào đầu năm 2022/23và họ không có kế hoạch ký kết các hợp đồng mới. Ba Lan cũng từ bỏ việc nhập khẩu than của Nga.

Điều quan trọng là toàn bộ châu Âu phải loại bỏ nguồn cung cấp năng lượng của Nga. Liên Âu nhập khẩu khí đốt từ Nga chiếm khoảng 45% trong tổng số lượng nhập khẩu và phục vụ 40% cho nhu cầu. Tương tự như trường hợp dầu mỏ, các quốc gia Đông và Trung Âu phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Tuy nhiên, về mặt danh nghĩa, các nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất là Đức, Ý, Hungary và Hà Lan.

Tháng 3 năm 2022, Ủy ban châu Âu đã đề xuất một kế hoạch tạm thời về cách Liên Âu có thể trở nên độc lập với nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2030 và kêu gọi giảm 65% nhập khẩu khí đốt từ Nga vào năm 2022. Tính toán của PIE cho thấy, nhờ đa dạng hóa nguồn cung, thay thế khí đốt bằng năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân và than đá, cũng như khai thác tiềm năng tiết kiệm (bao gồm thiết lập làm mát thấp hơn hai độ cho các hệ thống điều hòa không khí vào mùa hè) và các biện pháp tương ứng về phía nhu cầu để giảm tiêu thụ trong công nghiệp, việc giảm khoảng 91% nhập khẩu khí đốt sẽ có thể khả thi trên toàn Liên Âu.

Hơn nữa, việc đa dạng hóa lâu dài nguồn cung dầu không đòi hỏi đầu tư cơ sở hạ tầng đáng kể. Hiện nay, hầu hết việc nhập khẩu vào Liên Âu diễn ra bằng đường biển. Vào năm 2021, thậm chí không một nửa công suất của NAFTOPORT Ba Lan (Gdansk/Gdańsk) được sử dụng. Sự gia tăng sản lượng dầu ở Nam Mỹ sẽ cho phép chúng ta chỉ nhận được dưới một triệu thùng mỗi ngày, tức là khoảng 40% lượng dầu nhập khẩu từ Nga. Trong các cuộc đàm phán thuận lợi với các nước OPEC, bao gồm Saudi Arabia, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Iran, châu Âu có thể ngừng mua dầu của Nga, gình lấy được phương tiện của Nga dùng để tài trợ cho sự xâm lược chống lại các nước láng giềng.

***

Piotr Arak là Giám đốc Viện Kinh tế Ba Lan (Polski Instytut Ekonomiczny – PIE), Warsaw. Trước đây, ông làm việc trong Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, Bộ Hành chính và Số hóa Cộng hòa Ba Lan và Phủ Thủ tướng. Chuyên đề nghiên cứu của ông là chính sách kinh tế, số hóa và các vấn đề quốc tế.

_________

Phụ chú của người dịch:

(*) Trước đây, các dự án cải cách tư pháp tại Ba Lan đã gây xung đột gay gắt với Liên Âu. Cuộc chiến Nga-Ukraine làm xoa dịu các tranh chấp.

Trong chuyến viếng thăm Warsaw ngày 2/6/2022, Chủ tịch Ủy ban Liên Âu Ursula von der Leyen thông báo, sau khi kiểm tra, các khoản tiền dự định tài trợ cho Kế hoạch Krajowy Odbudowy (KPO) do Ba Lan đệ trình bị đóng băng theo cơ chế pháp quyền của Liên Âu nay được giải toả và việc giải thể Phòng Kỷ luật của Tòa án Tối cao (Sąd Najwyższy – SN) là điều kiện cho việc giải ngân. Biện pháp này bắt đầu thực hiện trong một vài tháng tới.

Các nhà phê bình chế độ tiếp tục lo ngại rằng việc cải cách về nhà nước pháp quyền của Ba Lan sẽ không có những thay đổi sâu rộng; ngược lại, các chính sách mị dân và độc tài ngày càng nhiều làm cho nền dân chủ sẽ lâm nguy.

(**) Một loại hợp đồng trao đổi giữa hai loại tiền tệ theo tỷ giá hối đoái cố định tại một thời điểm thỏa thuận trong tương lai.

Sự cần thiết của công lý

Nhã Duy

29-6-2022

Cô assidy Hutchinson. Ảnh trên mạng

Khi đưa tay tuyên thệ sẽ nói sự thật, những cá nhân ra điều trần trước Quốc Hội hay trước các viên chức công lực liên bang hiểu rằng họ đang ký kết một ràng buộc pháp luật để chỉ khai sự thật. Nếu bị chứng minh là man khai, họ sẽ phải diện tội đại hình với án tù có thể đến năm năm và sự nghiệp cùng đời sống xem như bị tiêu tan. Ai là người dám đánh cược với những rủi ro đó?

Tâm hồn cao đẹp

Mạc Văn Trang

28-6-2022

Yêu nước, hy sinh chống ngoại xâm thì thấy ở nhiều dân tộc và trải nghiệm biết bao cảm xúc ở Việt Nam mình. Nhưng cách mà người Ukraine phản ứng trước cuộc xâm lăng ào ạt, vô cùng tàn bạo, khủng khiếp của quân Nga từ ngày 24/2/2022, có một cái gì đó thật đặc biệt. Cái trạng thái tâm lý xã hội Ukraine đặc biệt ấy hẳn là đề tài vô cùng lớn cho các nhà nghiên cứu Tâm lý- xã hội, Văn học, Nghệ thuật, sử học …Ở đây tôi chỉ xin nêu mấy cảm nhận ban sơ từ quan sát những tấm hình thấy được.

Tâm “bao lô”, cựu thư ký riêng của Nguyễn Bá Thanh và giấc mơ quyền lực

Nông Văn Tiềm

26-6-2022

Phan Văn Tâm, sinh năm 1970, ở Đại Lộc, Quảng Nam. Học hết cấp 2, Tâm xin vào Trường Trung cấp nông lâm nghiệp Quảng Nam – Đà Nẵng để học kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Ra trường, Tâm về Phòng Nông nghiệp huyện Đại Lộc một thời gian.

Tối Cao Pháp Viện đảo ngược án lệnh Roe v. Wade

Nhã Duy

25-6-2022

“Với nỗi đau buồn, về tòa tối cao này nhưng hơn hết là cho nhiều triệu phụ nữ Mỹ đã mất đi sự bảo vệ căn bản hiến định trong ngày hôm nay, chúng tôi phản đối phán quyết này.

Nhóm thẩm phán đa số đã loại bỏ quyền hiến định bảo vệ sự tự do và bình đẳng của phụ nữ đã có gần 50 năm qua. Nó vi phạm nguyên tắc căn bản của hệ thống pháp lý, vốn thiết lập để giữ sự nhất quán của luật pháp. Và cuối cùng, nó làm giảm tính chính thống của tòa án tối cao này”.

Tôi xuất thân từ nông dân

Mạc Văn Trang

24-6-2022

Trong ảnh, nhà văn Đào Vũ đi bên trái tác giả. Ông cao hơn 1,80m; thật lòng muốn tìm hiểu, học làm thật một vài việc của nông dân chứ không cưỡi ngựa xem hoa như ông Nguyễn Khải rồi về viết “Cày 2 lưỡi” phịa ghê quá! Ảnh: Mạc Văn Trang

Năm 1957 tôi bỏ học cấp 3 về làm ruộng. Bố hướng dẫn cày, bừa, mọi việc. Bố khen sáng ý. Một năm thì thạo việc nhà nông, là lực điền nổi tiếng; xén lúa thì nhất làng, có thể cho 18-20 người cắt lúa để từng mô, thành hàng, tôi xén ra từng lượm lúa…

“Hút máu” dân mùa đại dịch, lãnh đạo Đà Nẵng kéo nhau đi xin Tổng Bí thư tha tội?

Trần Kỳ Khôi

21-6-2022

Chiều ngày 20-6-2022, Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam Tôn Thất Thạnh, giám đốc CDC Đà Nẵng và hai nhân viên dưới quyền, với tội danh “Tham ô tài sản”. Như vậy, đến thời điểm này, vụ án mà dư luận xã hội chờ đợi nhất, liên quan đến test kit Việt Á với các tội danh nghiêm trọng “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; “Đưa hối lộ, nhận hối lộ” và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, dính đến các quan chức Đà Nẵng, vẫn chưa được khởi tố.

Bà ngoại Nga và các ông ngoại Việt Nam

Jackhammer Nguyễn

21-6-2022

Có những hình ảnh rất cụ thể, có thể mô tả hiện trạng của một xã hội, hay là cho biết rằng xã hội đó có đang chuyển biến hoặc đang bị tù hãm trong những định kiến nào đó. Những hình ảnh ấy cho thấy xã hội đang bí lối, hay tệ hơn là bị tầng lớp cai trị kềm hãm một cách có chủ đích.

Tấm gương các doanh nhân nổi tiếng và bạn tôi

Dương Tự Lập

20-6-2022

Lâu lắm rồi tôi mới đến chơi với Tuân như đã hẹn trước. Cháu Tùng, con riêng của vợ Tuân chạy ra mở cửa mời tôi vào, nói rằng bố cháu bảo bác cứ ngồi chơi, đợi bố cháu đi đón mẹ cháu rồi quay về ngay.

Có một nền báo chí sơ sinh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Nguyễn Khắc Mai

20-6-2022

Chiều 18 tháng 6 năm 2022 tại Viện Think Tank Hà Nội, Trung tâm Minh triết đã tổ chức cuộc Tọa đàm, chủ đề “Có một nền báo chí sơ sinh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Quý ông sau đây đã phát biểu ý kiến: Nguyễn Khắc Mai, Nhật Hoa Khanh, Dương Trung Quốc, Điện Biên (Trưởng nam cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp), nhà văn Xuân Tửu, Lại Nguyên Ân, Hà Chính (con nhà báo Hồ Zếnh), nhà báo Nguyễn Đức Trọng (đài truyền hình), Tiến sĩ Đào Tiến Thi, đã phát biểu ý kiến.

Áp dụng kế hoạch Marshall cho chương trình tái thiết hậu chiến Ukraine?

Đỗ Kim Thêm

18-6-2022

Vấn đề

Trong khi cuộc chiến xâm lăng của Nga tại Ukraine còn đang diễn ra cực kỳ ác liệt, thì chính giới quốc tế đã bắt đầu thảo luận về chương trình viện trợ tái thiết hậu chiến cho Ukraine.