Thông tin về phiên tòa phúc thẩm vụ Đồng Tâm

Nguyễn Văn Miếng

5-3-2021

Ngày 8/3/2021, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đưa vụ án “Đồng Tâm” ra xét xử phúc thẩm, dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày.

Vì sao người Luật sư lại phù hợp với công việc của một Đại biểu Quốc hội?

Ngô Ngọc Trai

4-3-2021

Tổng thống Mỹ hiện nay là ông Joe Biden xuất phát điểm là một luật sư, với tuổi đời ngoài 70, ông ấy đã có mấy chục năm liên tục làm Nghị sĩ. Trước đó Tổng thống Obama cũng xuất phát là một luật sư rồi ứng cử thành công làm Nghị sĩ, hay như bà Hillary Clinton cũng là luật sư rồi trở thành Nghị sĩ. Nếu không kể những luật sư trở thành tổng thống thì có thể nhận định ở Mỹ có rất nhiều Nghị sĩ vốn là luật sư.

Án mạng Đồng Tâm: Cảnh sát giết dân và Tòa án giết luật pháp

Phạm Đình Trọng

4-3-2021

Ngày 8.3.2021, tại Hà Nội, tư pháp Việt Nam sẽ trình diễn phiên tòa phúc thẩm vụ án mạng Đồng Tâm.

Tôi không được triệu tập tham dự phiên toà?

Ngô Anh Tuấn

26-2-2021

Theo thông tin tôi có được từ các đồng nghiệp, ngày 8/3/2021 tới đây Toà án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Đồng Tâm cách đây hơn một năm về trước.

9 điều cần biết về dự thảo nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân

Luật Khoa

Trịnh Hữu Long

18-2-2021

Dự thảo nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng lại xuất hiện, nhưng dưới một cái tên khác.

Luật sư Philadelphia

Nhã Duy

15-2-2021

“Philadelphia Lawyer” là cụm từ đã được đưa vào tự điển, ngụ ý chỉ người luật sư tài ba, am hiểu cặn kẽ pháp luật. Ra đời từ thời kỳ đầu của nước Mỹ, cụm từ xuất phát từ vụ thắng kiện của một luật sư tại Philadelphia, thành phố được xem là trung tâm của cơ cấu chính phủ và pháp luật Hoa Kỳ thời thuộc địa.

Việt Nam có xây dựng nhà nước pháp quyền?

Nguyễn Hoàng Trường

12-2-2021

Trên trang “Tiếng Dân” ngày 6/2/2021, có đăng bài viết của LS Ngô Ngọc Trai, nhan đề “Thượng tôn pháp luật” hay “Chính trị là thống soái”. Cuối bài, tác giả kết luận: “Việt Nam đang trên lộ trình xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội thượng tôn pháp luật, thay vì như Trung Quốc coi chính trị là thống soái”.

Ngày luận tội thứ ba ở Thượng viện: Những hệ lụy nếu ông Trump không bị kết tội

Joaquin Nguyễn Hòa

12-2-2021

Ngày thứ ba của phiên tòa xét xử ông Trump ở Thượng viện diễn ra hôm thứ Năm, ngày 11/2/2021. Các công tố viên của đảng Dân chủ kết thúc phần trình bày cáo trạng của mình.

Trump bị luận tội vì ông kích động cuộc nổi dậy có vũ trang, tấn công vào chính quyền Hiệp Chúng quốc Hoa Kỳ

Nguyễn Thị Ngọc Giao, chuyển ngữ

12-2-2021

Trình bày của Dân Biểu David Cicilline (D-RI) tại Thượng Viện ngày 9 tháng 2 năm 2021:

Luận tội tổng thống đã mãn nhiệm được không? Để làm gì?

Hải Vân

10-2-2021

Ngày 8/2/2021, trong văn bản dài 14 trang gởi đến Thượng viện, nhóm pháp lý của cựu tổng thống yêu cầu hủy vụ kiện. Họ sử dụng một lý lẽ chính: Không thể cách chức một tổng thống không còn tại vị.

Thư của nhà hoạt động Hoàng Bình gửi cho em gái, thông báo bệnh tình của mình

Hoàng Nguyên

9-2-2021

Hôm nay em gái tôi nhận được thư của anh trai gửi về từ trại giam An Điềm. Đã rất lâu rồi gia đình chúng tôi không được nhận thư của anh, không phải là anh không viết thư về, mà lần nào anh viết về cũng bị kiểm duyệt rất khắt khe, nên các lá thư anh viết không thể gửi về cho gia đình được.

Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) chơi không đẹp!

Nguyễn Hoài Nam

9-2-2021

Đáng lẽ tôi không viết stt này, nhưng hôm qua có thông tin cho tôi biết C01 bắt đầu đào bới về tôi, bằng cách gửi công văn cho Công an nhiều tỉnh, thành rò xem trong quá trình tác nghiệp, tố giác có tiêu cực không?. Có lẽ cay cú vì C01 bị tố bỏ lọt 15 tội phạm, mà từ trước tới nay không ai dám tố.

Vụ án BOT bắc Thăng Long – Nội Bài

Lê Đình Việt

8-2-2021

ĐƠN ĐỀ NGHỊ KHÁNG NGHỊ THEO THỦ TỤC GIÁM ĐỐC THẨM

(Đối với bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật)

Kính gửi: Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội;

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội;

Tôi là Lê Đình Việt (Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Minh Tín), là người bào chữa cho bà Đặng Thị Huệ (Sinh năm 1981; ĐKTT: xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) và ông Bùi Mạnh Tiến (Sinh năm 1983; ĐKTT: số 309 đường Trần Hưng Đạo, phường Sao Đỏ, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) theo Thông báo người bào chữa tham gia tố tụng số 339/2020/TB-TA ngày 08/7/2020 của Tòa án nhân dân TP Hà Nội. Bà Đặng Thị Huệ và ông Bùi Mạnh Tiến bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử về tội “gây rối trật tự công cộng” và tuyên phạt mỗi người lần lượt 15 và 12 tháng tù. Hiện cả hai người đang phải chấp hành hình phạt tù của bản án này.

Tôi làm đơn này kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội xem xét lại các bản án sau để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm:

– Bản án hình sự sơ thẩm số 30/2020/HSST, ngày 08/5/2020 của Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, và

– Bản án hình sự phúc thẩm số 508/2019/HS-PT ngày 29, 30/7/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

Lý do yêu cầu xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm: Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

I. NỘI DUNG VÀ QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT VỤ ÁN

Khoảng 15 giờ 06 phút ngày 11/6/2019, ông Bùi Mạnh Tiến điều khiển xe ô tô con Toyota Altis, BKS 30T – 6473 chở theo bà Đặng Thị Huệ di chuyển theo chiều sân bay Nội Bài đi cầu Thăng Long. Khi đi đến trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài, do barie của trạm chắn ngang làn đường nên buộc xe ô tô phải dừng lại. Tại đây, bà Huệ và ông Tiến đã yêu cầu nhân viên của trạm mở barie để xe tiếp tục di chuyển nhưng nhân viên của trạm không đồng ý. Nhân viên của trạm đã yêu cầu họ mua vé thì mới mở barie để cho xe đi qua trạm. Bà Huệ và ông Tiến hỏi lý do thu tiền thì được nhân viên của trạm này cho biết: việc thu phí là nhằm hoàn vốn cho dự án xây dựng Quốc lộ 2, đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) do Công ty CP BOT Vietracimex8 là chủ đầu tư.

Do không đi qua dự án của Công ty CP BOT Vietracimex8 nên nhận thấy việc thu phí tại trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài là bất thường, bà Huệ và ông Tiến đã yêu cầu người quản lý của trạm cung cấp tài liệu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép Công ty CP BOT Vietracimex8 thu phí. Do người quản lý của trạm và nhân viên thu phí không hợp tác để cung cấp tài liệu chứng minh quyền thu phí nhưng vẫn không chịu mở barie nên xe của bà Huệ và ông Tiến đã không đi qua trạm thu phí được. Do có công việc bận nên sau đó, bà Huệ đã lấy tiền trả cho nhân viên của trạm để mua vé. Nhân viên của trạm nhận tiền nhưng sau đó quay ra trả lại cho bà Huệ. Sau đó, Công an huyện Sóc Sơn đã cưỡng chế xe ô tô BKS 30T – 6473 và đưa ông Tiến, bà Huệ về Công an huyện Sóc Sơn để làm việc.

Ngày 11/10/2019, Cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn ra Quyết định số 315 khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” xảy ra ngày 11/6/2019 tại Trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài, đồng thời khỏi tố bị can đối với bà Huệ, ông Tiến về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự.

Ngày 16/10/2019, bà Đặng Thị Huệ bị bắt theo Lệnh bắt bị can để tạm giam số 18 ngày 11/10/2019. Ông Bùi Mạnh Tiến bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 11/10/2019.

Ngày 04/3/2020, Viện kiểm sát nhân dân huyện Sóc Sơn ra Cáo trạng số 24/CT-VKS truy tố ra trước Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn để xét xử bà Đặng Thị Huệ và ông Bùi Mạnh Tiến về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Ngày 08/5/2020, Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn đưa vụ án ra xét xử. Kết quả, Hội đồng xét xử xử phạt bà Đặng Thị Huệ 18 tháng tù về tội “gây rối trật tự công cộng”, tổng hợp hình phạt với Bản án hình sự trước đó (bà Huệ bị tuyên phạt 24 tháng tù nhưng được hưởng án treo) thành 42 tháng tù; ông Bùi Mạnh Tiến bị xử phạt 15 tháng tù về tội “gây rối trật tự công cộng”.

Cả bà Đặng Thị Huệ và ông Bùi Mạnh Tiến đều kháng cáo kêu oan.

Ngày 29, 30/7/2020, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Tại Bản án số 508/2020/HS-PT, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của bà Huệ và ông Tiến. Bà Huệ bị xử phạt 15 tháng tù, tổng hợp hình phạt với bản án trước đó là 39 tháng tù. Ông Tiến bị xử phạt 12 tháng tù.

II. CĂN CỨ ĐỂ KHÁNG NGHỊ

1. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án

a) Về điều kiện khởi tố vụ án

Ông Tiến và bà Huệ bị khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm các cơ quan tiến hành tố tụng chưa chỉ ra họ bị khởi tố theo trường hợp nào trong 02 trường hợp (hay còn gọi là cấu thành cơ bản) được quy định tại khoản 1 Điều 318 (1. Gây rối trật tự công cộng mà hậu quả là ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; 2. Gây rối trật tự công cộng mà trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích.).

Nếu không đưa được lý do khởi tố và chứng minh được lý do đó là có căn cứ thì việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy tố và kết tội ông Tiến, bà Huệ là trái pháp luật. Việc khởi tố, truy tố và kết tội ông Tiến, bà Huệ là không có căn cứ, kể cả nếu có đối chiếu với hai cấu thành cơ bản quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015, chi tiết:

– Nếu xác định ông Tiến và bà Huệ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng: Thực tế, ông Tiến và bà Huệ lần lượt bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng theo Quyết định số 113/QĐ-XPVPHC ngày 16/3/2019 và Quyết định số 188/QĐ-XPHC ngày 20/5/2019 của Trưởng Công an huyện Sóc Sơn. Tuy nhiên, cả hai người đều khởi kiện Trưởng Công an huyện Sóc Sơn tại TAND huyện Sóc Sơn. Như vậy, theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính thì các quyết định này của Trưởng Công an huyện Sóc Sơn đang trong thời gian xem xét lại giá trị pháp lý.

Về nguyên tắc, CQĐT huyện Sóc Sơn phải đợi kết quả giải quyết các vụ án hành chính cho đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật của TAND có thẩm quyền, dựa vào quyết định của bản án để ra một trong các quyết định: 1) Khởi tố vụ án hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự khi các quyết định xử phạt vi phạm hành chính là hợp pháp; 2) Không khởi tố vụ án khi Tòa án xác định các quyết định này bất hợp pháp. Mặc dù Tòa án chưa đưa các vụ kiện hành chính nêu trên ra xét xử nhưng vẫn khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, truy tố, xét xử và kết tội đối với ông Tiến, bà Huệ. Do còn “nợ đầu vào” nên toàn bộ các hoạt động điều tra, truy tố và xét xử trái với chính quy định tại khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự.

– Nếu xác định ông Tiến, bà Huệ gây rối trật tự công cộng mà hậu quả là ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội: Quá trình điều tra, truy tố, xét xử đều không chứng minh được hậu quả do ông Tiến, bà Huệ gây ra.

b) Cả 03 cơ quan tham gia việc “kết tội” bị cáo

Bút lục 269 là văn bản số 54/Cv-LNNC ngày 14/10/2019 (ban hành sau khi khởi tố vụ án 03 ngày) của “Liên ngành nội chính huyện Sóc Sơn” (03 cơ quan THTT huyện Sóc Sơn gồm: Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án). Văn bản này là kiến nghị chung gửi đến Công an thành phố Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Trang 2 của văn bản có nội dung: “Để tuyên truyền phòng ngừa loại tội phạm này. Ngày 14/10/2019 lãnh đạo liên ngành nội chính huyện Sóc Sơn đã họp Quyết định đưa vụ án trên ra xử điểm tại địa phương”.

Như vậy, mặc dù mới khởi tố vụ án được 03 ngày và đang còn ở giai đoạn điều tra nhưng cả 03 cơ quan tiến hành tố tụng vì mục đích tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm mà đã tính đến cái đính còn đang rất xa là “đưa ra xử điểm tại địa phương”. Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật TTHS thì vụ án có thể bị đình chỉ ở giai đoạn điều tra, truy tố.

Với sự “thống nhất” này thì các nguyên tắc pháp luật cơ bản của Hiến Pháp và Bộ luật TTHS (thẩm pháp xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nguyên tắc tranh tụng,…) khó có thể được vận dụng. Và đương nhiên chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng dường như được hòa chung với nhau: Tòa án tham gia giải quyết vụ án khi đang còn trong giai đoạn điều tra (trong khi đáng ra cơ quan này chỉ tham gia tố tụng sau khi có Cáo trạng của VKS), còn CQĐT và VKS lại tham gia khâu xét xử khi cùng tham gia quyết định “đưa ra xử điểm tại địa phương” và định tội “xác định án điểm”.

Sự thống nhất này đã tạo ra một hệ quả vô cùng bất lợi cho bị cáo, một loạt các nguyên tắc cơ bản trong TTHS bị vô hiệu hóa (suy đoán vô tội; xác định sự thật của vụ án; đảm bảo quyền bào chữa; đảm bảo sự vô tư của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng…), đẩy các bị can vào tình trạng “không lối thoát”.

Như vậy, việc họp thống nhất án của Liên ngành nội chính huyện Sóc Sơn là trái pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm hoạt động tư pháp. Chính vì có sự thống nhất án này nên không thể đảm bảo tính khách quan của các hoạt động điều tra, truy tố và xét xử ở giai đoạn sơ thẩm, do đó cần phải hủy bỏ toàn bộ kết quả trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm.

2. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật

Cả bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm đều không thể chấp nhận khi những điều trái pháp luật và bất công lại thắng thế những nguyên tắc cơ bản của pháp luật và chính nghĩa.

a) Xác định người bị kết tội có nghĩa vụ trả tiền dịch vụ cho Công ty CP BOT Vietracimex8 là không đúng vì:

– Theo quy định của pháp luật:

Ông Tiến và bà Huệ không thuộc trường hợp phải mua “vé dịch vụ sử dụng đường bộ” qua trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài (vé do Công ty CP BOT Vietracimex8 phát hành). Bản chất của việc mua vé chính là thanh toán cho dịch vụ mà mình đã sử dụng (theo quy định tại Điều 513 và Điều 515 Bộ luật Dân sự).

Dịch vụ do Vietracimex8 cung cấp là lưu thông trên Quốc lộ 2 đoạn tránh TP. Vĩnh Yên. Trong khi ông Tiến và bà Huệ chỉ lưu thông trên đường Võ Văn Kiệt theo hướng từ Sóc Sơn về trung tâm TP. Hà Nội, cách nơi Vietracimex8 cung cấp dịch vụ đến hơn 40km. Như vậy, giữa ông Tiến, bà Huệ và Vietracimex8 không có giao dịch dân sự nào vào ngày 11/6/2019. Họ không có nghĩa vụ trả phí dịch vụ cho Vietracimex8.

– Theo hợp đồng ký kết giữa Cục Đường bộ Việt Nam và Công ty CP BOT Vietracimex8:

Mục 6 Phần III của Phụ lục Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT) Dự án xây dựng Quốc lộ 2, đoạn tránh TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 15/01/2009 thì Vietracimex8 chỉ được phép thu phí của các phương tiện tham gia giao thông tại dự án do mình làm chủ đầu tư là đường chánh TP. Vĩnh Yên. Việc Vietracimex8 thu phí dịch vụ của ông Tiến, bà Huệ là trái với nội dung của hợp đồng ký với Cục Đường bộ.

Mặc dù theo quy định của pháp luật và theo nội dung của Hợp đồng ký giữa Cục Đường bộ Việt Nam và Công ty CP BOT Vietracimex8 thì các bị cáo không thuộc trường hợp phải mua vé (tức trả phí dịch vụ) khi đi qua trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài. Tuy nhiên, Hai cấp xét xử đã cố ý giải thích sai quy định của pháp luật và các văn bản của các cơ quan nhà nước theo hướng các bị cáo phải mua vé qua trạm BOT. Chẳng hạn, Quyết định số 2465/QĐ-BGTVT thể hiện việc chuyển giao Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài cho Công ty CP BOT Vietracimex8 để thu phí hoàn vốn cho dự án xây dựng Quốc lộ 2, đoạn tránh TP. Vĩnh Yên;

Công văn số 783/BTC-HCSN ngày 17/01/2011 của Bộ Tài chính và Công văn số 7909/VPCP – KTN ngày 09/10/2014 của Văn phòng Chính phủ xác định tiền thu phí tại Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài dùng để hoàn vốn cho dự án BOT xây dựng Quốc lộ 2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên theo Hợp đồng đã ký kết với Nhà đầu tư. Các văn bản này không quy định Vietracimex8 được thu phí của cả những phương tiện không sử dụng dịch vụ đường bộ. Tuy nhiên, HĐXX sơ thẩm và phúc thẩm đã giải thích theo hướng các văn bản này cho phép Công ty CP BOT Vietracimex8 thu phí của tất cả các phương tiện là ô tô tham gia giao thông đi qua trạm thu phí.

Giả sử Quyết định số 2465/QĐ-BGTVT cho phép Vietracimex8 thu tiền của cả các phương tiện không sử dụng dịch vụ thì khoản tiền mà Vietracimex8 yêu cầu ông Tiến, bà Huệ trả chắc chắn không phải là nghĩa vụ của các bị cáo phát sinh từ việc sử dụng dịch vụ. Khoản thu này nằm ngoài các căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự và chưa được pháp luật định danh. Nếu Vietracimex8 thu loại tiền này thì phải phát hành một loại chứng từ riêng, không thể là “vé dịch vụ sử dụng đường bộ”. Do Vietracimex8 chỉ bán “vé dịch vụ sử dụng đường bộ” nên các bị cáo hoàn toàn có quyền từ chối mua.

Như vậy, bản án sơ thẩm của TAND huyện Sóc Sơn và bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã giải thích sai các quy định của pháp luật và quyết định của Bộ Giao thông Vận tải khi xác định ông Tiến và bà Huệ không sử dụng dịch vụ nhưng vẫn phải mua vé để qua trạm BOT. Việc này chẳng khác nào thừa nhận Công ty CP BOT Vietracimex8 có quyền lợi đặc biệt, nằm ngoài và vượt qua mọi quy định pháp luật.

b) Xác định các bị cáo cố tình dừng đỗ tại làn, gây cản trở, ùn tắc giao thông là không đúng vì:

Vào ngày 11/6/2019, khi đang lưu thông qua trạm BOT, ông Tiến đã phải miễn cưỡng dừng xe do trạm này hạ barie chắn không cho đi. Khi bà Huệ yêu cầu nhân viên của trạm cung cấp tài liệu chứng minh quyền thu phí thì chỉ nhận được sự lảng chánh. Trạm BOT đã yêu cầu ông bà thực hiện những điều trái pháp luật và bất công là mua “vé dịch vụ sử dụng đường bộ”.

Trong trường hợp này quyền tự do đi lại của ông Tiến, bà Huệ đã bị xâm hại. Họ bị khống chế và không có cách nào để ra khỏi trạm thu phí, mặc dù thậm chí sau đó họ đã đưa tiền cho nhân viên của trạm nhưng bị trả lại và từ chối bán vé. Với cách làm như vậy thì thời gian “dừng đỗ” sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào trạm BOT và thời điểm cẩu xe của lực lượng chức năng.

III. KIẾN NGHỊ CỦA NGƯỜI LÀM ĐƠN

Từ các căn cứ đã nêu trên cho thấy có đủ cơ sở để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 30/2020/HSST ngày 08/5/2020 của Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn và Bản án hình sự phúc thẩm số 508/2019/HS-PT ngày 29, 30/7/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

Vậy, đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 371, khoản 3 Điều 373, Điều 378 Bộ luật Tố tụng Hình sự kháng nghị toàn bộ Bản án hình sự sơ thẩm số 30/2020/HSST ngày 08/5/2020 của Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn và Bản án hình sự phúc thẩm số 508/2019/HS-PT ngày 29, 30/7/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội theo hướng yêu cầu hủy hai bản án trái pháp luật và đình chỉ vụ án.

Mọi phúc đáp, đề nghị gửi về Luật sư Lê Đình Việt (địa chỉ: Công ty Luật TNHH Minh Tín, tầng 4 tòa nhà Hà Thành Plaza, số 102 Thái Thịnh, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội)

Trân trọng cảm ơn!

Hà Nội, ngày 02 tháng 02 năm 2021

LS Lê Đình Việt

_____

Tài liệu gửi kèm đơn kiến nghị:

1) Thông báo người bào chữa tham gia tố tụng số 339/2020/TB-TA ngày 08/7/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

2) Bản án hình sự sơ thẩm số 30/2020/HSST ngày 08/5/2020 của Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn và Bản án hình sự phúc thẩm số 508/2019/HS-PT ngày 29, 30/7/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

3) Bản kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố số 06 ngày 11/10/2019 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Sóc Sơn.

4) Cáo trạng số 24/CT-VKS ngày 04/3/2020 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Sóc Sơn.

5) Một số tài liệu của hồ sơ vụ án, gồm:

– Bút lục số 1 – Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 315, ngày 11/10/2019;

– Bút lục số 34, 35 – Quyết định khởi tố bị can số 425 và 426;

– Bút lục từ số 43 đến số 50 – các tài liệu về áp dụng biện pháp ngăn chặn;

– Bút lục từ số 131 đến số 152 – các tài liệu liên quan đến dự án đường chánh thành phố Vĩnh Yên và trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài;

– Bút lục 269 – Văn bản của Liên ngành Nội chính huyện Sóc Sơn số 54/CV-LNNC ngày 14/10/2019;

– Bút lục 276 – Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 113/QĐ-XPVPHC của Công an huyện Sóc Sơn;

– Bút lục từ 277 đến 294 – Lời khai của Bùi Mạnh Tiến;

– Bút lục 314 – Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 188/QĐ-XPHC của Công an huyện Sóc Sơn;

– Bút lục từ 339 đến 363 – Lời khai của Đặng Thị Huệ.

Không biết luật

Nhã Duy

4-2-2021

Tòa án Singapore vừa xử phạt 14 người Việt Nam đã tụ tập vui chơi bất hợp pháp, vi phạm lịnh cấm tụ tập đông người của Singapore trong việc kiểm soát dịch Covid-19. Ra tòa, người thì bảo chỉ đến xin thuốc nhức đầu, người thì mang mì gói cho bạn, người thì đến lấy đồ để quên, đủ mọi lý do.

Một phiên tòa dị hợm

Hàn Vĩnh Diệp

30-1-2021

(Chuyện bên lề thời cuộc)

Một thời gian khá dài phải cách ly bởi Covid-19, hôm rồi mấy ông phó công dân mới tụ hội trò chuyện ở quán bà Tám Lương. Sau khi mấy ông và bà Tám thăm hỏi sức khỏe lẫn nhau và gia đình, mọi người vui vẻ vì không có sứt mẻ gì lớn…

Ông Tám Hà rầu rĩ nói: “Thế mà cũng sắp đến ngày giỗ cụ Kình rồi đấy. Thương cụ quá”. Ông Năm xích lô giận dữ nói:

– Đừng nhắc đến cái chuyện kinh khủng, đáng xấu hổ đấy. Đám giỗ cụ Kình là vào ngày 3 tháng 11 Âm lịch chớ không phải cái ngày 9 tháng 1 đâu.

Nhắc đến chuyện này, ông Tư Nhựt kể câu chuyện đôi co giữa ông Chín Cân với bà xã nhà ổng: Hôm ấy vừa có lệnh giải tỏa, ông Chín cầm mấy tờ báo đến nhà bọn tui. Ổng nói:

– Anh chị đã đọc báo xem đài về phiên tòa xử bọn phản loạn ở Đồng Tâm chưa? Một phiên tòa nghiêm khắc nhưng đầy tính nhân văn, nhân đạo!

Bà xã tui đáp lại ngay:

– Nhân đạo, nhân văn cái nỗi gì? Tàn bạo, nhố nhăng, dị hợm thì có.

– Sao bà lại nói vậy? Dị hợm là thế nào?

– Dị hợm là chẳng giống ai, xử lấy được, bề trên khiến thế nào xử thế ấy, chớ chẳng có luật lệ gì cả.

– Ơ! cái bà này ăn nói kiểu gì vậy? Tòa người ta xử theo phép nước, theo luật pháp, xử đúng tội, đúng người, chớ sao bảo tùy tiện, dị hợm? Chắc là bà lại nghe cái bọn thù địch xuyên tạc rồi. Mình là người dân, mình phải nghe, phải đi theo đảng, theo nhà nước, chứ lại đi nghe cái bọn phản động…

– Cái đó thì còn tùy, đúng thì nghe. Không phải các ông nói cái gì cũng đúng cả đâu. Ông cứ đi hỏi các ông các bà dân đen trong lối phố này coi.

Tôi hỏi ông: Thiên hạ người ta nói rần rần cái chuyện “án bỏ túi” của các ông, có không? Bầy tui chả biết cái mặt thằng “thù địch”, “phản động” các ông thường nói nó tròn méo thế nào, cứ thực tế sao nói vậy, không rỗi hơi đâu mà nghe chuyện xuyên tạc…

– Thế theo các bà, thực tế là thế nào?

– Tui hỏi ông, vì sao nửa đêm gà gáy, công an bộ đội hàng mấy ngàn quân có cả xe tăng, thiết giáp, súng lớn súng nhỏ lại có cả chó săn nữa, càn quét vào một thôn dân lành mấy trăm dân, đột nhập vào nhà cụ Kình què cụt, giết chết rồi phanh thây cụ, bắn trọng thương bạn ổng và con gái nuôi, xịt hơi độc làm đứa chắt ổng suýt chết, bắt gần 30 người dân cả đàn bà, đàn ông, thanh niên, phụ lão vu cho họ cái tội chống đối, vơ vét tịch thu tài sản của họ.

Cứ cho là họ chống đối như các ông nói thì dù là công an đi nữa cũng phải có lệnh của viện kiểm sát, tòa án mới khám xét, tịch thu, bắt bớ người dân, chớ sao lại ngang ngược, tàn bạo với dân vậy?

Rồi cũng chính cái đám công an đó đi điều tra, lập án để tòa xử. Một vụ án kinh thiên động địa như vậy mà tòa chỉ xử mấy buổi, đã đưa ra bản án độc địa: Tử hình, chung thân con cháu cụ Kình; mấy chục năm tù với những người thân cận của cụ, số còn lại kêu án treo cho về địa phương quản lý, kêu đó là chính sách nhân đạo, khoan hồng của đảng, nhà nước?!

Giả sử họ có chống đối như tòa buộc tội thì thử hỏi, nửa đêm xông vào nhà, họ tưởng là cướp, chống lại thì họ đâu có sai! Còn tòa nói con cháu cụ Kình đổ xăng giết ba ông sĩ quan công an, chuyện đó chỉ có các ông tin thôi, chớ dân chẳng ai tin được chuyện tầm phào đó.

– Chứng cớ rành rành ra đấy, mấy sĩ quan bị chúng đổ xăng đốt thành than, không nhận diện được, ti vi đưa rõ ràng, các bà không thấy à?

– Thấy chớ sao không? Nhưng đó là chuyện của mấy ông dựng lên thôi chứ bầy tui chẳng ai tin. Tôi hỏi ông xác người đưa vào lò hỏa táng, hàng ngàn đô mà xương hẳn còn, đằng này mấy thau xăng mà sao cháy rụi thế được? Còn chuyện mấy ông sĩ quan, có ông chức rất to đột nhập vào nhà người ta rồi tháo chạy sao không ra cửa chính lại nhảy qua cửa sổ, cửa hẹp chắc không thể cả ba nhảy qua cùng một lượt.

Người trước lọt xuống hố, người sau phải dừng lại, sao vẫn cứ nhảy theo để chết chùm. Với lại, cái giếng thông gió ấy nông chèn chèn cho dù có rớt xuống thì cũng bị thương, sao không kêu cứu, quân tướng đông nghìn nghịt quanh đấy, thấy người ta đổ xăng đốt sao không xịt khí để cứu, nghe nói trong đám quan quân đấy cũng có một đội cứu hỏa mà.

– Nhưng, tất cả bọn chúng trước tòa đều thành khẩn nhận tội cả đấy thôi!

– Đúng là họ có nhận tội nhưng thành khẩn thì chưa chắc. Không biết ông có để ý không, bọn họ trước tòa mặt mũi đều bầm dập, mắt họ cứ len lén nhìn mấy ông cảnh sát đang kèm cặp bên cạnh. Ai đời mà trước tòa tất cả bọn họ – trừ bà con nuôi cụ Kình, đều nói y chang như trẻ nhỏ đọc bài học thuộc lòng cho cô giáo. Tui đoán nếu không đúng xin ông miễn cho cái tội phản động, chớ chắc chắn họ được mấy ông điều tra viên tận lực dạy dỗ nên mới có được cái cung cách hay ho kia!

Họ là nạn nhân, tội phạm phải đưa ra tòa chính là kẻ chỉ huy đám lính và người đã ra lệnh, cho phép chúng hành hạ, sát hại dân lành. Tui mạn phép đố ông, chớ cứ bắt mấy ông to bà lớn, cả mấy ông bà quan tòa “mặt sắt đen sì” giao cho mấy ông điều tra viên kia thử coi, chắc chẳng mấy lúc mà không thành khẩn nhận tội mình không hề làm.

Ông Chín mặt hầm hầm đứng dậy nói:

– Tôi không đôi co với bà nữa. Các bà mà cứ nói cái kiểu đó, không khéo lại được cái bọn thù địch, phá hoại, cấp tiền cho, như cái đám đi biểu tình chống Trung Quốc đó.

Ông Chín quay lưng đi, bà xã tui nói với theo:

– Dân đi biểu tình chống bọn xâm lược Trung Quốc là sai hả? Các ông đừng hàm hồ nói xấu họ.

Các cụ phó thường dân, cả mấy ông khách ngồi mấy bàn xa nãy giờ cũng dỏng tai nghe lén chuyện bà Tư, có vẻ hả hê hài lòng. ông Năm Hà xoa xoa chòm râu bạc, nhấp ngụm cà phê, rồi phán:

– Kể ra bà Tư nói cũng tạm được, gần đúng với sự thật đã diễn ra.

Bà Tám Lương chỉnh luôn:

– Sao lại tạm với gần. Mụ Tư Nhựt nói quá hay, quá đúng đấy chớ. Mụ này ngày thường chỉ giỏi áp chế chồng con, chớ với bà con hàng phố hiền khô, chẳng bao giờ cãi vả với ai, sao hôm ấy đối thoại với ông cựu cán bộ bự lão thành cách mạng lại lý luận sắc bén thế!

Ông Năm cười, mặc nhiên chấp nhận mình còn dè dặt, nói tiếp:

– Thực tình tôi cũng rất ngạc nhiên với cái cung cách xử án của tòa sơ thẩm và bản án quá cay nghiệt, độc địa ấy.

Ông cựu giáo chức rủ rỉ:

– Tôi thì chẳng ngạc nhiên chút nào. Ngay từ đầu bổn kịch ấy đã soạn sẵn, các ngành chức năng cứ thế mà diễn. Nếu tòa không xử như vậy, chẳng hóa ra việc làm của các cụ trước và sau vụ ấy là sai à! Tôi nghĩ đến tòa chung thẩm, phúc thẩm tới bổn kịch ấy cũng thế thôi!

Ông Năm Xích lô lên tiếng:

– Mọi tội lỗi đều đổ lên đầu dân tay trắng – cổ ngắn. Nếu nhà nước muốn lấy đất sinh sống của người dân để cho ai đó thì cứ bàn bạc rành mạch, trả tiền đàng hoàng, cấp đất chỗ khác cho dân mưu sinh, chứ đằng này lại muốn cướp không. Cụ Kình nắm cái lý lịch của mảnh đất đó, bà con thì đồng lòng nghe cụ. Các cấp đảng, chính quyền, đoàn thể từ thành phố, đến xã thôn đều bất lực, ra rìa cả, nên mới giở trò đem quân hùng tướng dũng đến đàn áp.

Họ làm thế được một công hai việc: Cướp được gần 60 ha đất, tiêu diệt người cầm đầu, đè bẹp sự phản kháng của dân làng Hoành, xã Đồng Tâm; đồng thời cảnh cáo dân các nơi khác dù có uất nghẹn cỡ nào thì chỉ làm đơn kêu oan, khiếu kiện, thậm chí tự sát, chứ đừng tập hợp lại ăn thua với đảng, nhà nước, công an, quân đội. Sách “rung cây nhát khỉ” các cụ chắc học được của sư tổ Tào Tháo đấy.

Bà Tám Lương kết thúc cuộc hội ngộ:

– Nói thế đủ rồi. Tám Lương – Thượng úy biệt động thành sài gòn năm xưa đây xin chiêu đãi các cụ và khách quen có mặt bữa tiệc trà – cà phê hôm nay; nhờ ông Tư mang giúp ly cà phê sữa và hộp bánh về cho mụ Tư.

Một tình huống Hiến pháp

Lê Nguyễn Duy Hậu

27-1-2021

Một trong những khó khăn cho sinh viên luật ở Việt Nam đó là việc thiếu vắng những sự kiện, vấn đề đòi hỏi phải áp dụng các kĩ thuật giải thích pháp luật để làm sáng tỏ vấn đề. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực luật hiến pháp. Tuy nhiên, những tình huống thú vị lại xuất hiện khá nhiều trong hai kì đại hội đảng gần đây và là cơ hội cho sinh viên luật rèn luyện khả năng phân tích của mình, thay vì lười biếng chấp nhận hoặc bỏ qua.

Trên tinh thần đó, hãy thử phân tích một tình huống cho đến nay vẫn là “giả định”, và có thể là một bài test thú vị cho sinh viên luật hiến pháp thay vì những điều luật khô khan. Nếu như hiến pháp nói rằng không một ai có quyền được bổ nhiệm làm nguyên thủ quốc gia quá hai nhiệm kỳ, thực tế thì lại có một ứng cử viên quá đủ tiêu chuẩn và sự ủng hộ nhưng ông đã làm đủ hai nhiệm kỳ.

Vậy câu hỏi đặt ra là liệu Quốc hội – với tư cách cơ quan quyền lực tối cao và có cả quyền sửa hiến pháp – có quyền nói rằng “đây là trường hợp đặc biệt” với một “nhân sự đặc biệt” nên vẫn sẽ bổ nhiệm ông mặc dù trái với câu chữ hiến pháp? Hay trước khi bổ nhiệm thì phải bắt buộc sửa đổi hiến pháp trước để phù hợp về mặt hình thức?

Tất nhiên lựa chọn nào cũng có cái dở và có cái được. Sửa hiến pháp nhìn chung khá dễ nếu Quốc hội đã đồng lòng. Nhưng vốn dĩ đây là “trường hợp đặc biệt”, việc sửa đổi hiến pháp như vậy sẽ khiến cho các trường hợp không đặc biệt về sau lợi dụng nó để làm quá hai nhiệm kỳ. Vì vậy đây cũng là vấn đề cần cân nhắc.

Vậy có thể tiếp tục với cách giải thích “sáng tạo” kia không? Cách giải thích này thật ra không tồi, vì nó cho phép “uyển chuyển” trong vận dụng hiến pháp, đồng thời cũng phù hợp với nguyên tắc ý chí của Quốc hội phải được tôn trọng. Quốc hội vốn dĩ cũng có quyền sửa hiến pháp, tức là nếu Quốc hội đồng lòng đề cử một ai thì tuy hơi trái trình tự nhưng cũng không phải cái gì quá đáng xét về mặt ý chí.

Nhưng nếu chấp nhận cách giải thích như vậy thì cũng phải chấp nhận cả một kết luận rằng hiến pháp thành văn trong trường hợp này là không có giá trị tối cao. Nếu hiến pháp thành văn không áp dụng cho những trường hợp đặc biệt, vậy thực chất hiến pháp là gì – nếu hiểu hiến pháp không chỉ là cuốn luật mà là tất cả những quy định liên quan đến vận hành nhà nước?

Theo logic trên thì hiến pháp trong trường hợp này đó là bất kỳ những gì Quốc hội quyết định. Có khi Quốc hội sẽ quyết định làm theo hiến pháp thành văn, hoặc có khi Quốc hội quyết định đây là trường hợp đặc biệt, hiến pháp thành văn không áp dụng. Kết quả đó là ta sẽ có một hệ thống Quốc hội tối cao thay vì hiến pháp thành văn tối cao. Hệ luỵ của nó chính là bản hiến pháp thành văn sẽ trở nên không còn giá trị trong mắt những người có quyền làm không đúng với câu chữ của nó, nhân danh các “trường hợp đặc biệt”.

Như vậy, lựa chọn phương án nào cũng sẽ dẫn đến một định nghĩa “luật hiến pháp ra gì” đáng suy nghĩ. Đây vốn dĩ là câu hỏi đầu tiên của bộ môn luật hiến pháp. Xuất phát từ câu hỏi này, giải pháp sáng tạo nghe chừng phù hợp cho tình huống trước mắt và rất hấp dẫn, nhưng nếu được phân tích kĩ lưỡng, chưa chắc các đại biểu Quốc hội sẽ chấp nhận với giải pháp này.

Trên thực tế, việc một quốc gia (hay một tổ chức) tạo ra những quy định thành văn chính là để kiểm soát con người, tránh trường hợp quá lạm dụng các tình huống để quyết định không theo hệ thống. Nhưng ở khía cạnh người thực thi pháp luật thì có khi sẽ thấy những quy định như vậy lỗi thời, không phù hợp, và có xu hướng “thay trời hành đạo”.

Một cái nhìn thực chứng thì sẽ chấp nhận rằng luật là những gì các tác nhân xã hội đồng ý và thực thi lâu dài, tạo thành những quy luật, và do đó nếu một quốc gia chọn hiến pháp là những gì Quốc hội nói đó là hiến pháp chứ không hẳn là hiến pháp thành văn thì cũng là điều chấp nhận được. Đây là vấn đề thứ hai của môn luật hiến pháp, đó là các cơ quan nhà nước nên làm gì với quyền lực mình được trao (ngụ ý hoặc minh bạch).

Vì vậy, rất có thể một đề xuất sẽ phải là tuy Quốc hội có quyền thay đổi hiến pháp thành văn và rằng việc dựa vào “tình huống đặc biệt” là không quá sai thì quyền lực này cũng không nên được thực thi một cách quá dễ dàng như vậy. Khi lựa chọn một giải pháp nào, các tác nhân có quyền quyết định phải hiểu là họ đang làm gì và hệ luỵ của nó về sau sẽ ra sao, chứ không đơn thuần là tìm lý lẽ để giải quyết xong chuyện trước mắt.

Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc (1935-2021), người để lại nhiều dấu ấn cải cách

Huy Đức

27-1-2021

Ông Nguyễn Đình Lộc, cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp (người ngồi giữa) trong một cuộc họp. Ảnh: Báo Giáo Dục

Thời kỳ sau Đổi Mới, tiến sỹ Nguyễn Đình Lộc là một trong những người để lại dấu ấn lên tiến trình lập hiến và lập pháp của Việt Nam nhiều nhất. Cho dù được đào tạo theo tinh thần “pháp chế xã hội chủ nghĩa”, ông Lộc vẫn chịu ảnh hưởng bởi tư duy pháp quyền từ thế hệ cha anh Tây học.

Với Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc

Lê Ngọc Sơn

25-1-2021

10-15 năm trước, tôi hay qua lại mạn đường Huỳnh Thúc Kháng, và vào nhà của hai cựu Bộ trưởng ở hai con ngõ cạnh nhau: Nguyên Bộ trưởng Tư pháp TS. Nguyễn Đình Lộc và nguyên Bộ trưởng Thủy sản TS. Tạ Quang Ngọc.

Kẻ sĩ của nền pháp quyền dang dở

Tâm Chánh

25-1-2021

Ông Nguyễn Đình Lộc cùng nhóm “Kiến nghị 72“. Ảnh: internet

Một khung cảnh không hẳn đáng buồn nhưng lại thấm buồn khi nhận tin cựu bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc từ trần.

Người Việt và luật pháp

Jackhammer Nguyễn

23-1-2021

Người Việt cộng sản

Những người Cộng sản Việt Nam rất e ngại luật pháp. Đây là nhận xét của luật sư Nguyễn Mạnh Tường, nhân chứng trong những ngày đầu tiên khi chế độ cộng sản được thiết lập trên miền Bắc Việt Nam:

Tranh cãi chuyện ông Trump có nên bị xử tội hay không?

Joaquin Nguyễn Hòa

17-1-2021

Ngay sau khi ông Joseph Biden chính thức bước vào tòa Bạch Ốc chiều ngày 20/1/2021, Thượng viện khóa mới của nước Mỹ có thể sẽ mở một phiên tòa luận tội ông Donald Trump, khi đó không còn là tổng thống Mỹ nữa.

Chống Cộng, phò Trump bằng tin vịt

Jackhammer Nguyễn

15-1-2021

Tin vịt từ những người Cộng sản Việt Nam

Năm 1970, sự kiện phi thuyền Apollo 13 đổ bộ lên mặt trăng là một thành công lớn, mang lại uy tín cho nước Mỹ. Đó là điều không thể bàn cãi, tuy nhiên, để đánh bại uy tín của Washington trong cuộc chiến Việt Nam, những người cộng sản Hà Nội chọn một phương pháp rất hữu hiệu: Tin vịt.

Mỹ: Khi quyền tự do ngôn luận đụng quyền tư hữu, quyền tư hữu thắng

Luật Khoa

Vũ Quí Hạo Nhiên

12-1-2021

Quyền tự do ngôn luận là một quyền phổ quát, nhưng không phát triển đồng bộ mọi nơi mọi lúc.

Twitter, bài học về dân chủ

Nhã Duy

9-1-2021

Một ngày sau khi tạm đóng danh khoản của tổng thống Donald Trump trong 12 tiếng, Twitter đã ra thông báo chính thức đóng vĩnh viễn danh khoản này vì đã tiếp tục tái phạm các quy định và chính sách sử dụng của Twitter sau khi được phép hoạt động lại. Twitter nêu lý do là các tin nhắn ẩn chứa “nguy cơ tiếp tục xách động bạo lực” (risk of further incitement of violence) và “những tái phạm nghiêm trọng” (repeated and severe violations).

Tuyên bố của Diễn Đàn Việt Nam 21 về việc Toà án CSVN tuyên án tù đối với ba nhà báo

Diễn Đàn Việt Nam 21

8-1-2021

Ngày 5 tháng 1 năm 2021, Hội đồng xét xử phiên toà sơ thẩm của toà án thành phố Hồ chí minh đã tuyên án ba nhà báo, thành viên của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (HNBDLVN) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Xét xử vụ án Đồng Tâm: TAND Thành phố Hà Nội đã tuyên án tử hình nền tư pháp

Vũ Hữu Sự

7-1-2021

(Viết nhân ngày giỗ đầu cụ Lê Đình Kình)

Đầu tiên, phải khẳng định rằng từ trước đến 3 giờ ngày 9/1/2020, không có bất cứ vụ án hình sự nào ở làng Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, bị khởi tố, lại càng không có người dân nào ở làng Hoành trở thành bị can. Điều đó có nghĩa là không có bất cứ một người dân nào ở làng Hoành vi phạm pháp luật. Đó là điều không ai có thể phủ nhận.

Nghĩ gì sau cuộc bạo động hôm qua ở điện Capitol?

Thụy Mân

7-1-2021

Thật ra quyền biểu tình đã được ấn định trong hiến pháp Mỹ, là một cách người dân thể hiện quyền công dân của mình, nhưng khi có bạo động và đổ máu thì nó lại là chuyện hoàn toàn khác.

Thấy gì qua vụ án Hội Nhà Báo độc lập?

Dương Quốc Chính

6-1-2021

Cơ quan xét xử xác định bị cáo Dũng viết 25 bài, bị cáo Thụy viết 5 bài, bị cáo Tuấn có 6 bài. Tất cả những bài viết trên đều có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, xâm phạm uy tín của Đảng nhằm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Sân khấu tòa án Sài Gòn lại đang trình diễn vở diễn pháp quyền XHCN

Phạm Đình Trọng

5-1-2021

Sáng 5.1.2021, xe bịt bùng của công an cộng sản rú còi gắt gỏng chạy trên đường phố Sài Gòn đưa những khí phách hiên ngang đòi quyền con người, quyền công dân, những công dân trung thực hoàn toàn vô tội trước pháp luật Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ, Lê Hữu Minh Tuấn chạy từ nhà giam ra sân khấu toà án Sài Gòn, tham gia vở diễn có tên Pháp Quyền Xã Hội Chủ Nghĩa trong phiên toà vu tội công dân lương thiện với bản án đã có sẵn trong túi quan toà.

Tù và tội – Bài 2. Không thể giao cái không có

Đỗ Thành Nhân

4-1-2021

Tiếp theo bài 1

I. Công hàm 1958

Những năm gần đây, Trung Quốc (TQ) ngày càng ngang ngược lấn chiếm biển đảo Việt Nam. Ngày 17/04/2020, TQ gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Trong đó, TQ khẳng định Chính phủ Việt Nam cũng đã công nhận điều này thông qua “Công hàm năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng” [*] [2.1] (“Công hàm 1958” – Hình 2.1).