Trang chủ Điểm Tin

Điểm Tin

Diễn biến Việt Nam và Thế giới

Bản tin tối 22-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông

Chiều nay, một nhóm ngư dân Quảng Nam báo tin, bị “tàu lạ” dùng súng uy hiếp, phá ngư cụ, theo báo Người Lao Động. Ngư dân Nguyễn Tấn Sơn kể: Sáng 18/3/2018, tàu cá của ông đang đánh cá ở vùng biển cách đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 16 hải lý thì bị một “tàu lạ” áp sát. Nhóm người trên “tàu lạ”, với một súng và 5 dùi cui điện, đã khống chế các thuyền viên, “bẻ gãy cột ăng ten bộ đàm có treo cờ Tổ quốc vứt xuống biển, đập, phá một số tài sản”.

Bản tin sáng 22-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông

VOA đặt câu hỏi: Vì sao tàu sân bay Mỹ tập trận ở Biển Đông sau khi rời VN? Thiếu tá Tim Hawkins, phụ trách truyền thông trên tàu USS Carl Vinson, cho biết: “Cuộc diễn tập cho thấy cam kết hợp tác của chúng tôi với các đồng minh và đối tác ở khu vực… Carl Vinson từng phối hợp với Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật năm ngoái, và năm nay chúng tôi lại thực hiện như vậy”.

Bản tin tối 21-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông

Báo Dân Trí đưa tin: Philippines “tố” Trung Quốc thách thức máy bay ở biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines khẳng định, nước này vẫn thường bị Trung Quốc cảnh báo “mỗi khi máy bay Philippines bay qua khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép trên Biển Đông”.

Báo Giáo Dục Việt Nam có bài: Việt Nam không phải “thành viên bóng tối” của bộ tứ, Trung Quốc nên lo việc khác. Bài viết cho rằng: Thay vì lo lắng về khả năng Việt Nam ngầm tham gia “tứ giác kim cương” gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc – liên minh các nước muốn bảo vệ quyền tự do hàng hải ở khu vực Ấn Độ, Thái Bình Dương – “Trung Quốc nên tìm cách hóa giải các ngón đòn chiến lược Tổng thống Donald Trump chuẩn bị giáng xuống”.

Bản tin sáng 21-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông

Trang Viet Times có bài: Báo Mỹ: 3 kịch bản dẫn tới chiến tranh Mỹ – Trung ở Biển Đông. Theo phân tích của National Interest, “viễn cảnh xảy ra xung đột khá rõ ràng. Nếu tàu hoặc máy bay Mỹ đi vào vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, thì các thủy thủ, binh lính và phi công Trung Quốc cần phải rất chú ý đến cách Mỹ phản ứng”.

Bản tin tối 20-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông

Báo Giáo Dục Việt Nam đặt câu hỏi: Thời báo Hoàn Cầu sao lại đăng bài cổ súy Trung Quốc “dùng gậy” với Việt Nam? Bài viết giới thiệu phần cuối của bài báo trên Hoàn Cầu Thời báo về vụ thảm sát Gạc Ma được đăng đúng dịp Việt Nam tưởng niệm 30 năm xảy ra cuộc chiến giành lãnh hải ở quần đảo Trường Sa, cùng với nhận định sai lệch và xuyên tạc của tác giả Bổ Nhất Đao về sự kiện Gạc Ma.

Về quan điểm của ông Đao cổ vũ Trung Quốc “dùng gậy” với Việt Nam để bảo vệ các phần lãnh hải Trung Quốc cướp được ở Biển Đông, bài viết nhận định: “Tác giả Bổ Nhất Đao lại cho thấy sự hiểu biết hời hợt, nông cạn về lịch sử cũng như pháp lý liên quan đến tranh chấp biên giới lãnh thổ và tranh chấp ứng dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 trên Biển Đông”.

Bản tin sáng 20-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông

Báo Giáo Dục Việt Nam có bài: Đánh giá của học giả Trung Quốc về chiến lược của Việt Nam ở Biển Đông. Về chuyện Việt Nam cố gắng bồi đắp các đảo đá, dù với quy mô nhỏ, cũng như đưa các lực lượng quân sự và dân sự đến Biển Đông, tác giả Bố Nhất Đao cho rằng “Việt Nam đường như đã chuẩn bị cho chiến tranh nhân dân trên Biển Đông”.

Bản tin tối 19-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông

Báo Kiến Thức có bài: Nhận diện biên đội tàu chiến Trung Quốc vừa kéo về biển Đông. Đó là đoàn tàu hộ tống số 27 của Hải quân Trung Quốc vừa trở về biển Đông ngày 18/3/2018. Hạm đội này “gồm tàu hộ vệ tên lửa Hải Khẩu thuộc lớp tàu khu trục Type 052C, tàu hộ vệ tên lửa Nhạc Dương thuộc lớp Type 054A và tàu hậu cần Thanh Hải”.

Bản tin sáng 19-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông

Úc và ASEAN kêu gọi ‘kiềm chế’ ở Biển Đông, theo VOA. Hãng tin Reuters trích dẫn tuyên bố chung ASEAN – Úc sau hội nghị thượng đỉnh: “Chúng tôi nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và sự cần thiết phải tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, tự kiềm chế cũng như tránh các hành động có thể làm phức tạp tình hình”.

Trang Viet Times có bài: Mỹ thừa sức “điều trị” Trung Quốc ở Đông Á. Theo phân tích của tác giả Michael Beckley trên National Interest, “Mỹ dĩ nhiên có đủ khả năng để tiêu diệt lực lượng đặc nhiệm của hải quân Trung Quốc ở gần Philippines trong trường hợp nổ ra chiến tranh mà không ảnh hưởng nhiều đến quân đội Mỹ”.

Bản tin tối 17-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông

RFI đưa tin: Tin tặc Trung Quốc xâm nhập các công ty quốc phòng Mỹ liên hệ với Biển Đông. Ông Fred Plan, chuyên gia của công ty bảo vệ an ninh mạng FireEye, nhận định rằng  nhóm tin tặc Trung Quốc với bí danh TEMP Periscop tìm cách xâm nhập vào các công ty quốc phòng Mỹ để “tìm thông tin có lợi cho chính phủ Trung Quốc. Họ tấn công vào các công ty công nghiệp hàng hải Mỹ hoạt động tại Biển Đông hoặc cung cấp dịch vụ cho đối tác hoạt động trong khu vực này”.

Theo ông Plan, “nhóm tin tặc Trung Quốc tìm kiếm những dữ kiện có giá trị chiến lược phục vụ mục tiêu tình báo quốc gia như là tầm ra-đa hay làm thế nào để một hệ thống dò tìm có thể phát hiện ra một hoạt động trên biển”.

Bản tin sáng 17-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông

Chính sách Mỹ ở Biển Đông ‘khởi động lại’ sau khi đổi ngoại trưởng, VOA đưa tin. Theo đó, chuyện ông Rex Tillerson bị Tổng thống Trump sa thải khỏi chức ngoại trưởng ngày 13/3/2018 “sẽ khởi đầu lại chính sách đối ngoại của Washington ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp”.

Theo GS Alan Chong từ Singapore, ông Mike Pompeo, người vừa được chỉ định làm tân Ngoại trưởng Mỹ là một nhân vật “diều hâu” về chính sách đối ngoại. “Ngay bây giờ, ông có một cơ hội để đưa chính sách của Hoa Kỳ về Biển Đông ra ngoài phạm vi quân sự”.

Bản tin tối 16-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia vận động khối ASEAN tuần tra Biển Đông, theo báo Một Thế Giới. Ông Ryamizard Ryacudu, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia phát biểu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của ASEAN:

“Về vấn đề Biển Đông, tôi đã gặp các đồng nhiệm ASEAN, kêu gọi mỗi nước đối diện Biển Đông tiến hành tuần tra khoảng 230 km (200 hải lý) và nếu chúng ta quan sát vùng biển hải từ Việt Nam đến Indonesia và đến Philippines, chúng ta có thể thấy chúng tôi đã bảo đảm tuần tra gần một nửa Biển Đông”.

Bản tin sáng 16-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông

Báo VnExpress dẫn lời chuyên gia John Blaxland nhận định: ‘Australia và ASEAN cùng lo về sự bất định của Mỹ ở Biển Đông’. GS Blaxland phân tích: Trước đây, Mỹ là nhân tố chủ yếu giúp đảm bảo an ninh ở khu vực Tây Nam Thái Bình Dương, thì nay Washington dưới thời Tổng thống Trump đang có những bước đi khó hiểu và không ổn định.

Bản tin tối 15-3-2018

Tin Việt Nam

Tưởng niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma

Trang Tài Nguyên và Môi Trường bàn về ký ức Gạc Ma qua những chứng nhân của lịch sử. Cựu binh Nguyễn Văn Thống chia sẻ: “Tôi nhớ những tháng ngày lao ngục, cực khổ biết bao nhiêu cùng những người đồng đội. Nhớ nhất là hình ảnh của liệt sĩ Trần Văn Phương- Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma trước lúc hy sinh, khi tay anh vẫn còn nắm chặt lá cờ Tổ quốc”.

Cựu binh Trần Thiên Phụng kể: “Khi ấy quân ta thì ít và thô sơ, sử dụng tàu vận tải, còn quân địch thì đông lại được trang bị vũ khí, tàu chiến hiện đại. Chúng chuẩn bị từ trước, chủ động tấn công còn bộ đội ta dù bất ngờ nhưng vẫn quyết tâm bám trụ”.

Bản tin sáng 15-3-2018

Tin Việt Nam

Tưởng niệm sự kiện Gạc Ma

Trong khi các báo lớn nhỏ ở trong nước đăng rất nhiều bài phóng sự, tưởng niệm sự kiện 30 năm Gạc Mạ, báo Nhân Dân im lặng mãi cho tới gần 21h tối 14/3, khi mọi người chuẩn bị đi ngủ thì tờ báo này mới dám rón rén đăng bài: Tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma. Trưa hôm qua thấy có một bài về Trường Sa, nhưng không phải về sự kiện Gạc Ma: Chụp ảnh Trường Sa bằng cả trái tim người ở đất liền.

Bản tin tối 14-3-2018

Tin Việt Nam

Tưởng niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma

Đại tá Nguyễn Huy Viện viết: Giỗ Gạc Ma nhìn lại quá trình Trung Quốc thôn tính Hoàng Sa, một phần Trường Sa. Bài viết thừa nhận, giai đoạn 1956-1974, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã cố gắng bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trước âm mưu xâm lược của Trung Quốc. Đến Hải chiến Hoàng Sa 1974, “trong tình thế quá chênh lệch lực lượng, toàn bộ các đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép”.

Ngày 14/3/1988, Trung quốc “huy động một lực lượng hải quân hùng hậu, gồm nhiều tàu khu trục trang bị tên lửa và pháo 100 mm” đến tấn công các tàu hải quân và lực lượng công binh Việt Nam ở đảo Gạc Ma. “Trung Quốc đã chiếm đóng bất hợp pháp các bãi đá: Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa, Gạc Ma và Su Bi từ đó đến nay”.

Bản tin sáng 14-3-2018

Tin Việt Nam

Tưởng niệm sự kiện Gạc Ma

Báo chí năm nay có vẻ như được viết xả giàn về sự kiện Gạc Ma, tưởng niệm 64 chiến sĩ hải quân làm bia cho lính Trung Quốc tập bắn. Báo Dân Việt viết: Hơn 1.300 ngày bị giam ở nhà tù Trung Quốc của cựu binh Gạc Ma. Báo Nông Nghiệp Việt Nam có bài: Những ngày lao tù trên bán đảo Lôi Châu của các chiến sĩ Gạc Ma. Báo Tài Nguyên và Môi Trường viết: Nghị lực phi thường của người vợ cựu binh Gạc Ma… và nhiều bài báo khác nữa.

Hy vọng khi người dân đi thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ hôm nay ở Sài Gòn, Hà Nội và các tỉnh, thành khác, sẽ không bị ngăn chặn, sách nhiễu hay bị hành hung như những năm qua.

Bản tin tối 13-3-2018

Tin Việt Nam

Tưởng niệm 30 thảm sát Gạc Ma

Trang VietNamNet bàn về Gạc Ma ngày 14 tháng 3 năm 1988. Theo lời kể của Cựu binh Trần Thiên Phụng, người trực tiếp chứng kiến cuộc thảm sát tại đảo Gạc Ma năm 1988, “64 đồng đội của ông đã ngã xuống dưới làm mưa đạn của quân xâm lược, còn ông và 8 chiến sĩ khác bị Trung Quốc bắt giữ và giam cầm suốt 4 năm sau đó”.

Báo VnExpress có bài: 30 năm ngày những người lính Hải quân Việt Nam ngã xuống ở Gạc Ma. Về vị trí chiến lược của đảo Gạc Ma, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân phân tích: “Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nằm ở giao điểm của đường hàng hải từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á, xuống Nam Thái Bình Dương, cũng là giao điểm hàng hải nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”.

Bản tin sáng 13-3-2018

Tin Việt Nam

30 năm thảm sát Gạc Ma

Một sự kiện lạ cần được ghi nhận, đó là báo “lề phải” năm nay có nhiều bài viết tưởng niệm sự kiện 30 năm Gạc Ma mất vào tay Trung Quốc. Không rõ đây là quyết định của Bộ Chính trị hay của riêng Ban Tuyên giáo, nhưng có thể thấy, những bài báo trong nước viết về sự kiện này năm nay rất nhiều và có vẻ các nhà báo được viết tự do hơn những năm trước.

Trang Nông Nghiệp Việt Nam viết về diễn biến vụ việc đẫm máu cướp đi mạng sống của 64 đồng đội. Cựu binh Lê Minh Thoa kể: Chiều 13/3/1988, khoảng vài chục phút sau khi tàu HQ 604 đến đảo Gạc Ma, phía Trung Quốc bắc loa tuyên bố, đảo này thuộc “chủ quyền” Trung Quốc và yêu cầu lính Việt Nam rời đảo.

Bản tin tối 12-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông

Trang Infonet dẫn lời ông Trương Văn Hiền, một cựu binh từng tham chiến ở sự kiện Gạc Ma, chia sẻ: “Cứ nằm ngủ là tôi lại mơ thấy đang chiến đấu ở Gạc Ma cùng các đồng đội”. Ông Hiền kể: Sáng ngày 14/3/1988, ông và các đồng đội chuẩn bị đưa hàng lên đảo Gạc Ma thì quân Trung Quốc bao vây, dùng pháo bắn tới tấp làm chìm tàu HQ 604. Sau khi bị phía Trung Quốc bắt làm tù binh, tới năm 1991 ông Hiền mới được trả tự do.

Trang VietNamNet có bài: Gạc Ma 1988: Trường Sa, bài học lịch sử bằng máu. Bài viết lưu ý: Sự kiện Gạc Ma là một cuộc thảm sát, quân Trung Quốc với ưu thế áp đảo về hỏa lực pháo tàu đã tàn sát những người lính công binh Việt Nam cố gắng giữ đảo. “Trung Quốc còn tàn độc hơn khi không cho phép các tàu của lực lượng chữ thập đỏ ra cứu các nạn nhân, cho dù đây luôn là thông lệ quốc tế trong chiến tranh”.

Bản tin sáng 12-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông

Hải quân Mỹ và hải quân Anh đồng thanh tương ứng trên biển Đông, theo báo Người Lao Động. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson đã tuyên bố lực lượng Hải quân Hoàng gia nước này sẽ tham gia các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ ở biển Đông trong năm nay, “đồng thời bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với các hoạt động FONOP của Mỹ trong khu vực”.

Bản tin tối 10-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông

Báo Giáo Dục Việt Nam bàn về tình hình cán cân quân sự Biển Đông dịch chuyển, ý đồ Trung Quốc và kế sách Mỹ-Nhật. Theo Báo cáo “Tình hình Biển Đông: Trung Quốc bồi lấp đảo – chuyển động của các nước liên quan” do Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vừa công bố, Trung Quốc hiện đang triển khai tổng cộng 744 chiến hạm ở Biển Đông, “bao gồm 28 tàu ngầm, 25 tàu khu trục và tàu hộ vệ”.

Bản tin sáng 10-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông

Sự kiện tàu sân bay USS Carl Vinson vừa kết thúc chuyến thăm Việt Nam, báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: Có học được bài học quá khứ? Bài viết lưu ý, chuyến thăm của tàu Carl Vinson diễn ra hầu như cùng lúc với chuyện Việt Nam – Ấn Độ tái khẳng định cam kết hợp tác vì sự ổn định của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Ngay sau đó, Trung Quốc tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng vì Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Bản tin tối 9-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông

Vụ tàu sân bay Mỹ ghé Việt Nam: Trung Quốc mượn lời báo chí tỏ ý bất bình, theo RFI. Bài viết nêu quan điểm của Hoàn Cầu Thời Báo, tờ báo của đảng CSTQ, nói về tác động của tàu sân bay USS Carl Vinson thăm Việt Nam: Sự kiện này không thể “gây nên rắc rối cho Trung Quốc trên Biển Đông”, cũng không thể tăng sức ép lên Bắc Kinh, chuyện Mỹ điều chiến hạm tới Biển Đông sẽ chỉ “lãng phí tiền bạc” mà thôi.

Bản tin sáng 9-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông

Ngoại trưởng Trung Quốc tiếp tục giở giọng “cướp biển”: Quyết tâm bảo vệ hòa bình ở Biển Đông ‘không lay chuyển’, theo VOA. Bộ trưởng Vương Nghị không quên đổ lỗi cho “một số thế lực bên ngoài đang nỗ lực quấy rối ở vùng biển tranh chấp”, trong khi chính Bắc Kinh là thế lực đang thách thức quyền tự do hàng hải và đe dọa an ninh ở Biển Đông.  

Bản tin tối 8-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông

Truyền thông Trung Quốc giải thích tăng ngân sách quốc phòng vì Biển Đông và Đài Loan, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Bộ Tài chính Trung Quốc ra kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng trong năm 2018 là 8,1%. Báo China Daily viết với giọng “cướp biển”: “Ngân sách quốc phòng nước này vẫn minh bạch và không đe dọa ai mà chỉ nhằm hiện đại hóa trang thiết bị cũ và bảo vệ lợi ích quốc gia, nhất là ở biển Đông và biển Hoa Đông”.

Bản tin sáng 8-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông

Viet Times có bài: Trung Quốc mưu biến Biển Đông thành “pháo đài” tàu ngầm hạt nhân. Quần đảo Trường Sa hoàn toàn không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc đã cố tình chiếm đóng và xây dựng các tiền đồn quân sự trên quần đảo này một cách phi pháp.

Trung Quốc đã xây đảo nhân tạo và xây dựng các hệ thống dân – quân sự trên 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa, xây các cảng nước sâu và đường băng, nhằm cải thiện khả năng phối hợp và thực hiện các hoạt động dân sự – quân sự ở khu vực này.

Bản tin tối 7-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung khẳng định: Việt Nam luôn kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, theo báo Dân Trí. Ông Trung thừa nhận: Tình hình Biển Đông năm 2017 “tuy không có các vụ việc nghiêm trọng nhưng tiếp tục có những diễn biến phức tạp mới, tiềm ẩn những nguy cơ và thách thức khó lường”.

Tuy nhiên, ông Trung vẫn giữ giọng quen thuộc của lãnh đạo CSVN khi bàn về Biển Đông: “Việt Nam tiếp tục kiên trì, kiên quyết đấu tranh trên thực địa, chính trị và ngoại giao với các vi phạm, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển”. Quan chức CSVN vẫn không đưa ra giải pháp, lộ trình cụ thể nào để đòi lại những phần lãnh hải của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Bản tin sáng 7-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông

Phó Đô đốc Phillip Sawyer bình luận: Trung Quốc thiếu minh bạch ở Biển Đông, theo VOA. Báo The Straits Times của Singapore đã dẫn lời ông Sawyer nói về Biển Đông trong tình hình Trung Quốc tiếp tục củng cố các đảo nhân tạo: “Không thực sự rõ chuyện gì đang xảy ra ở đó, và tôi nghĩ rằng sự tức giận cũng như sự thiếu minh bạch có khả năng phá vỡ an ninh và ổn định của khu vực”.

Bản tin tối 6-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông

Phó đô đốc Philip Sawyer, Tư lệnh Hạm đội 7 nói: ‘Tôi có rất nhiều ý tưởng hợp tác với Việt Nam’, báo VnExpress đưa tin. Khi được hỏi về hoạt động xây dựng, bồi đắp trái phép đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông, ông Sawyer nhận định rằng, hoạt động cải tạo và quân sự hóa của Bắc Kinh đang gây nên lo ngại ở khu vực xung quanh vùng tranh chấp lãnh hải, khi các nước không rõ “điều gì đang xảy ra”.

Tổng lãnh sự Mỹ tại Việt Nam Mary Tarnowka cho biết thêm: “Hợp tác quốc phòng của hai nước giúp tăng cường lợi ích an ninh chung mà hai bên cùng quan tâm, bao gồm tự do hàng hải ở Biển Đông, sự đề cao luật pháp quốc tế và sự công nhận chủ quyền quốc gia”.

Bản tin sáng 6-3-2018

Tin Việt Nam

Tin Biển Đông

Báo Pháp Luật TP HCM bàn về tàu sân bay USS Carl Vinson – nước cờ chiến lược của Mỹ. Trước khi đến thăm Đà Nẵng, USS Carl Vinson đã từng được điều động đi thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đông hồi tháng 2/2017. “Tàu sân bay này cùng các tàu hộ vệ đã thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển Đông và thậm chí tổ chức diễn tập huấn luyện chiến thuật”.

Trong tình hình Trung Quốc ngày càng quyết liệt quân sự hóa Biển Đông, “chuyến hải trình đầu năm của USS Carl Vinson có thể xem là một thông điệp gửi đến Bắc Kinh thể hiện sự quyết tâm của Washington trong khu vực”.