BTV Tiếng Dân
Ngoài thực địa: cấp cứu ngư dân bị nạn ở Trường Sa
Báo Thanh Niên và báo Hải Quân đưa tin, 8h sáng ngày 12 tháng 8, Bệnh xá đảo Sơn Ca tiếp nhận và cấp cứu ngư dân Phạm Hữu Cường bị đột quỵ trên Tàu QNg 95122 TS khi tàu khai thác hải sản cách đảo Sơn Ca, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa 75 hải lý.
Do tình trạng của bệnh nhân rất nghiêm trọng, Bộ Quốc Phòng cho máy bay trực thăng ra đảo Sơn Ca đón ngư dân về đất liền cấp cứu. 19h40 phút ngày 12 tháng 8, trực thăng đáp xuống đảo Sơn Ca. Đến 2h35 phút ngày 13 tháng 8, bệnh nhân cùng ekip đã đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Trước đó, vào tối ngày 2-8, tàu cá KH 97580 TS đang đánh bắt hải sản gần khu vực đảo Đá Đông thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa thì bị phá nước và bị chìm do sóng to, gió lớn. 6 ngư dân trên Tàu KH 97580 TS được tàu cá KH 90746 TS đang khai thác hải sản gần đó cứu nạn và đưa về neo đậu cách đảo Đá Đông A hơn 1 hải lý về phía Đông Bắc.
Các ngư dân tàu cá bị nạn và Biên phòng tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị được hỗ trợ đưa 6 ngư dân vào bờ. Ngày 3-8, tàu KN 490 đang làm nhiệm vụ gần đó tổ chức tiếp nhận 6 ngư dân lên tàu để đưa vào đất liền. Sáng 13-8, tàu KN490 đã cập cảng Quốc tế Cam Ranh, đưa 6 ngư dân bị nạn trên vùng biển Trường Sa vào bờ an toàn.
Trên báo Nông Nghiệp, qua bài viết “Ám ảnh con tàu mang 201 vết đạn do vi phạm lãnh hải nước khác“, vấn đề cần trang bị hệ thống định vị trên ngư thuyền tốt hơn đang được đặt ra, để ngư dân có thể xác định được chính xác và không xâm phạm lãnh hải nước khác.
Lãnh đạo Việt Nam nhận định gì về tình hình thế giới và Biển Đông?
Sáng 13/8, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội), Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30. Trong dịp này, các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã có những bài phát biểu trong đó có quan điểm, nhận định về tình hình thế giới và Biển Đông.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Môi trường đối ngoại trong những năm tới sẽ còn phức tạp, khó lường. Các đối tác lớn của ta đang trong quá trình điều chỉnh chiến lược, bối cảnh thế giới thường xuyên biến động, môi trường chính trị, an ninh, kinh tế khu vực và thế giới đang trở nên bất ổn với các tác động nhanh, mạnh và bất ngờ hơn. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ quyết liệt, chính trị cường quyền quay trở lại mạnh hơn, nhất là trong khu vực. Việc thực hiện nhiệm vụ bao trùm là giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, do đó sẽ gặp nhiều thách thức.
Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia trên biển sẽ đứng trước một số thách thức mới. Đó là do sự biến động phức tạp của tình hình, sự thay đổi so sánh lực lượng, sự tính toán của các nước có liên quan, sự nổi lên của chủ nghĩa đơn phương, thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế. Các cơ chế kiểm soát bất đồng, khủng hoảng trong khu vực chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả; các thể chế đa phương khó đạt được lập trường chung đủ mạnh. Tình hình trên thực địa tiếp tục phức tạp, nguy cơ va chạm, đụng độ chưa được đẩy lùi.”
Ông Trọng cũng cho rằng: “Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược của mình với các nước, ngăn ngừa xung đột, tránh đối đầu, bị cô lập, phụ thuộc.”
Đáng chú ý, ông nói, đối với các vấn đề thuộc “lợi ích cốt lõi” của Việt Nam, Việt Nam phải thể hiện mạnh mẽ hơn và lập trường đối ngoại tích cực hơn, trước hết ở trong khu vực.
Câu hỏi đặt ra là: Lợi ích cốt lõi của Việt Nam cụ thể là những gì theo quan điểm của các nhà lãnh đạo ĐCS Việt Nam? Thứ tự ưu tiên của mỗi “lợi ích cốt lõi” là gì? “Lợi ích cốt lõi” nào sẽ được ưu tiên đặt lên hàng đầu nếu có lúc buộc Việt Nam phải chọn lựa? Ví dụ như giữa hoà bình ổn định và chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, nếu đến lúc Việt Nam phải lựa chọn một trong hai, Việt Nam sẽ chọn vấn đề nào?
Xem thêm: Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao 30 (TG&VN).
Trước đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh thẳng thắng nhận định, tình hình Biển Đông vẫn diễn biến ngày càng phức tạp, đe dọa an ninh và ổn định ở khu vực cũng như quyền và lợi ích chính đáng của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Ông cũng thừa nhận “công tác dự báo chiến lược” cần phải làm tốt hơn nữa.
Xem thêm: Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị Ngoại giao 30 của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh — (Trực tuyến) Hội nghị Ngoại giao 30: Định vị đất nước vững chắc, đặt vào dòng chảy thời đại (TG&VN).
Trong khi đó, theo thông tin từ VOA, dường như Trung Quốc đang ngầm cảnh báo Việt Nam khi VOA trích lời quan chức ngoại giao hàng đầu của nước này là Vương Nghị, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc “bày tỏ hy vọng rằng phía Việt Nam sẽ xử lý cũng như kiểm soát các vấn đề liên quan tới biển bằng cách xử sự khôn ngoan hơn nhằm duy trì một cách hiệu quả lòng tin và hợp tác giữa hai nước,” trong cuộc gặp Bộ trưởng Phạm Bình Minh bên lề sự kiện ngoại giao ASEAN hôm 3 tháng 8 vừa qua ở Singapore.
VOA đặt câu hỏi, chưa rõ “cách xử sự khôn ngoan hơn” mà Trung Quốc muốn chứng kiến từ phía Việt Nam cụ thể là gì.
Ông Vương cũng được trích lời nhắc nhở phía Việt Nam rằng: “Các lãnh đạo hàng đầu của hai bên đã đạt được sự đồng thuận chính trị quan trọng nhằm giải quyết hợp lý các vấn đề hàng hải mà cần phải được Trung Quốc và Việt Nam thực thi một cách nghiêm túc”.
Hôm 10 tháng 8, bà Lê Thị Thu Hằng, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, cáo buộc các hoạt động thực địa của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là “không phù hợp với nhận thức chung quan trọng của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc kiểm soát tốt bất đồng trên biển”.