Xe điện, tỉ phú và bộ trưởng

FB Mai Quốc Ấn

11-3-2018

1- Xe điện

Xe của Vinfast! Tôi chọn xe điện để viết trước vì xưa nay tôi chọn môi trường. Xe điện sẽ giải quyết các vấn đề về môi trường mà xe xăng và xe dầu còn hạn chế.

Hãy so Vinfast với Rimac- hãng xe điện Croatia chỉ được thành lập từ năm 2009. Ban đầu họ chỉ là một nhóm những người đam mê xe tìm cách độ một chiếc BMW 3 Series E30 đời 1984 thành xe điện. 4 năm sau, Rimac đã thành một trong những hãng cung cấp hệ động lực điện tốt nhất thế giới sau khi ra dòng siêu xe điện Concept One năm 2013.

Vinfast quá nhanh, không thể không thừa nhận họ đầu tư nghiêm túc mới nhanh vậy. Nhưng hạ tầng giao thông Việt Nam có đáp ứng được không lại là vấn đề khác.

Thắc mắc của tôi là xe sẽ sạc điện ở đâu khi đi đường dài và có bán sản phẩm ra nước ngoài được hay không… Nếu Vinfast chỉ quanh quẩn thị trường được bảo hộ (trong nước) thì cùng thường.

2- Tỉ phú

Một trong 4 tỉ phú Việt Nam được thế giới xác định là ông Trần Bá Dương của THACO. Đây cũng là nhân vật tôi hoàn toàn tự tin cho một cuộc phỏng vấn “face to face” kéo dài dù chưa gặp mặt, bởi tôi có nhiều thông tin về ông ấy.

Ông Bá Dương chưa sản xuất xe điện nhưng ông ấy là người hiện thực hóa giấc mơ ô tô của người Việt.

Có một điều tôi biết: nhà máy của ông Bá Dương ở Quảng Nam (tôi đã đến và quan sát kỹ) “to hơn” nhà máy KIA ở Hàn Quốc (tôi nghe và đối chiếu clip) nhưng chậm hơn. Đơn giản là Hàn Quốc tự động hóa tốt hơn, ít nhân công hơn và ra sản phẩm nhanh hơn.

Tôi mong ông Bá Dương sẽ phát triển nhà máy sản xuất máy nông nghiệp (cũng tại Quảng Nam) để phục vụ trong nước và xuất khẩu. Và tôi còn mong nhiều hơn ông Bá Dương sẽ đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất máy móc. Nhìn rộng ra, tôi mong có các triệu phú đô la, tỉ phú USD về sản xuất. Sản xuất tự thân mới là cốt lõi quốc gia…

3- Bộ trưởng

Nhiều người chúc mừng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đại diện Việt Nam ký kết thành công CP TPP tại Chile.

Đó là công lao lẫn nhiệm vụ của ông Trần Tuấn Anh đại diện cho Chính phủ. Cũng là công sức của cả một quá trình dài thương thảo cấp Chính phủ mà ông ấy là thành viên.

Cái tôi mong đợi hơn nữa là ông ta cầm trịch “cuộc chơi nội tại” của Bộ Công thương với những tập đoàn siêu quyền lực và siêu quyền lợi như Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) hay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

12 đại án ở Bộ Công thương làm mờ đi hiệu quả thương vụ bán cổ phần Nhà nước ở Tổng công ty nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Và số tiền bán cổ phần lại đem đi “cấp cứu” các dự án thua lỗ. Ông Trần Tuấn Anh cứ nói thẳng thuộc cấp lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước rằng: “Ai sướng như lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước? Đất, hạ tầng, thuế, vốn được Nhà nước lo ưu đãi mà làm hòa vốn đã xứng đáng ở tù chứ đừng nói tới lỗ.”

Nói xong trình Chính phủ, Quốc hội các chế tài kiểm tra và xử phạt “nặng đô” hơn giai đoạn hiện hành. Ghi điểm chắc!

….

Muốn dân đi xe tốt cần có hạ tầng tốt. Muốn có nhiều triệu phú, tỉ phú đô la thì môi trường kinh doanh tốt. Muốn có cán bộ tốt thì lắng nghe dân và doanh nghiệp. Nếu điều này được áp dụng gần 43 năm trước có lẽ Việt Nam đã không tụt hậu như hiện nay khi quanh quẩn tăng trưởng nhờ doanh nghiệp FDI và bán tài nguyên, đánh đổi môi trường.

Từ trên xuống, trái qua: Lễ ký CPTPP. Công trình 600 tỉ THACO tặng Quảng Nam. Xe Vinfast.
Bình Luận từ Facebook