13-12-2024
Thú thực, là một người chỉ đọc sách và mua sách, tôi không biết gì đến những quy định và quy trình xuất bản sách. Lần đầu tiên tôi biết có tới hai cái “giấy phép” là cách đây khoảng nửa năm khi làm sách: quyết định xuất bản và quyết định phát hành là khác nhau và thuộc về hai “công đoạn” cũng khác nhau. Đến bây giờ tôi vẫn không tài nào hiểu được tại sao nhà nước đã cấp phép xuất bản cho một cuốn sách nhưng cũng chính nhà nước lại cần phải cấp cho nó một cái giấy nữa để nó được phép phát hành (bán, cho, tặng, biếu…).
Cấp phép xuất bản tức là đồng ý cho anh in bởi nội dung của nó là không có “vấn đề” gì, thì khi in ra rồi nó phải nghiễm nhiên được phát hành chứ? Tại sao đã cho in mà lại còn phải xem có nên cho nó được phép lưu hành hay không? Tôi vẫn không tài nào tìm ra được một logic hữu lý nào cho cái quy trình rất quái này.
Anh cấp phép cho người ta rồi, họ in ra một lúc 5.000 cuốn sách chẳng hạn, hết một đống tiền, rồi nếu vì… không vui, anh không cho họ phát hành, thế thì họ phải làm gì với 5.000 cuốn sách ấy? Đào hố chôn hay mang đốt đi? Hành chính như thế có khác gì đẩy người dân (đặc biệt là trí thức, văn nghệ sĩ và các công ty kinh doanh sách) vào một canh bạc may rủi? Phải nghĩ đến người dân, nghĩ đến sự phát triển văn hóa và tri thức cho đất nước mà làm việc chứ?
Cái thắc mắc bất khả giải trên kia của tôi cho đến hôm nay đã gặp đúng một trường hợp như thế, là cuốn “Hương bay ngược gió” ghi lại “ngôn hành” của tu sĩ Minh Tuệ, do soạn giả Phạm Hiền Mây phối hợp với Khai Tâm thực hiện: nó được cấp phép xuất bản nhưng đến nay đã 58 ngày sau khi in xong vẫn không được phép phát hành! Chẳng trách gì cách đây hơn một tháng, giám đốc của Khai Tâm – anh Hoàng Nhơn nhắn tin cho tôi, nói gửi tặng tôi một bản, nhưng đến nay vẫn không thấy, thì ra là vì chưa có “giấy phép phát hành”! Tặng còn không dám, ai dám mang bán! Một doanh nghiệp nhỏ, chỉ gặp vài “cú đập” như thế là tan xương, sập tiệm.
Đã cấp phép xuất bản thì nghiễm nhiên phải được lưu hành. Còn nếu vì sợ rằng giữa bản thảo được cấp phép và bản in có sự sai khác thì trách nhiệm của nhà nước là phải đọc ấn bản ấy rồi xử lý và xử lý nghiêm sau đó nếu phát hiện có điều ấy (như thu hồi, phạt hành chính…). Chứ làm chính sách mà chỉ “chọn việc nhẹ nhàng” và quan liêu như thế, sao xã hội phát triển được?