16-8-2023
Với những điểm mờ ám và vi phạm tố tụng đặc biệt nghiêm trọng tôi nêu dưới đây, thì bất cứ ai dù không am hiểu lắm về luật pháp, cũng nhận thấy tử tù Nguyễn Văn Chưởng bị oan. Tôi kêu gọi lãnh đạo các cơ quan chức năng hãy đọc kỹ và tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chỉ đạo tạm hoãn thi hành án đối với Nguyễn Văn Chưởng để kiểm tra, làm rõ!
I- Chủ mưu dàn dựng và chỉ đạo lập chuyên án này là Đỗ Hữu Ca và Dương Tự Trọng (hai người này đã bị quả báo như mọi người biết).
II- Nếu Chưởng không oan thì sao chưa thi hành án mà để kéo dài sang năm thứ 17?
III- Trong quá trình khởi tố điều tra vụ án, CA Hải Phòng báo cáo Tổng cục trưởng Cảnh sát Phạm Quý Ngọ, không rõ ông Phạm Quý Ngọ chỉ đạo ra sao (nội dung này cần điều tra Đỗ Hữu Ca và Dương Tự Trọng để xác định trách nhiệm của từng người/ông Ngọ thì đã chết năm 2014).
IV- Viện KSND tối cao cũng đã e ngại, thiếu tự tin khi Kháng nghị Hội đồng Thẩm phán TAND TC xem xét Giám đốc thẩm theo hướng giảm hình phạt Tử hình xuống Chung thân cho Chưởng.
V- Tháng 1/2014, Tổ Kiểm tra, xác minh của Ban Nội chính Trung ương do tôi (Lê Văn Hòa là Tổ trưởng) báo cáo Trưởng ban Nội chính TW Nguyễn Bá Thanh (có ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án Tòa án tối cao + Thứ trưởng BCA Lê Quý Vương cùng nghe) là đơn kêu oan của Tử tù Nguyễn Văn Chưởng có cơ sở, Ban Nội chính TW cần báo cáo, đề nghị Bộ Chính trị cho thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành để kiểm tra làm rõ/ thì ngay sau cuộc họp, ông Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo Tổ Công tác của chúng tôi dừng nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý về vụ án này mà không nói rõ lý do (một năm sau ông Nguyễn Bá Thanh mắc bệnh rồi mất).
VI. VI PHẠM TỐ TỤNG ĐẶC BIỆT NGHIÊM TRỌNG:
1. CQĐT không tổ chức bảo vệ giữ nguyên hiện trường vụ án.
Vụ giết người xảy ra hồi 21h30’ ngày 14/7/2007 (thời điểm đó khu vực hiện trường trời mưa), nhưng đến 15h30’ ngày 15/7/2007 mới tổ chức khám nghiệm hiện trường.
2. Việc thu giữ, quản lý vật chứng của vụ án rất tùy tiện.
Nhân chứng Phạm Hồng Quang, chiến sỹ CAP Đông Hải 2 (người đầu tiên có mặt tại hiện trường vụ án mạng), anh này đã đem áo mưa, áo cảnh sát, dép… của nạn nhân Sinh gửi ở phòng bảo vệ Công ty New Hope; còn điện thoại di động và khẩu súng K59 + 1 băng đạn còn 1 viên của nạn nhân Sinh thì anh ta mang đi đâu không rõ, đến hơn 1h ngày 15/7/2007 mới được lập biên bản thu giữ và đến 17h cùng ngày mới làm thủ tục niêm phong (BL: 517; 535).
3. Có nhiều uẩn khúc nhưng không được CQĐT làm rõ.
– Tại hiện trường vụ án có một đôi dép cỡ 42 không được làm rõ là của ai (rất có thể là của kẻ chém nạn nhân, vì khi đi trực nạn nhân Sinh đi giày màu đen).
– Hiện trường vụ án mạng có một khẩu trang màu trắng kẻ xanh, nhưng cơ quan điều tra không làm rõ của ai (rất có thể là của kẻ giết người đánh rơi khi bỏ chạy) (BL:698).
– Về khẩu súng K59 thu tại hiện trường vụ án mạng:
+ CQĐT không tổ chức giám định vân tay trên cò súng và thân khẩu súng K59 (nên việc kết luận nạn nhân Sinh đã dùng khẩu súng đó bắn 4 phát sau khi bị nhóm Chưởng chém là không có cơ sở).
+ Việc Thiếu tá Sinh sử dụng khẩu súng này là không hợp pháp: Khẩu súng này vẫn thuộc sự quản lý của Công an huyện Cát Hải, chưa làm thủ tục chuyển giao về Công an quận Hải An [Biên bản xác minh ngày 16/4/2008 / BL.690].
+ Giấy phép sử dụng súng đã hết hạn 2 năm rưỡi (cấp ngày 25/1/2002 và chỉ có giá trị đến ngày 25/1/2005) [BL. 689].
– Việc nạn nhân Sinh đi dép hay đi giầy khi bị chém cũng chưa được làm rõ: Hai nhân chứng Phạm Hồng Quang, Nguyễn Văn Phước khai nạn nhân Sinh đi dép [BL. 517; 535]; nhân chứng Đặng Thái Sơn thì khai nạn nhân Sinh đi giầy màu đen có dây [khai 2 lần: BL. 523, 524].
– CQĐT không thu được hung khí giết người, nhưng cán bộ điều tra vẽ sẵn rồi đưa Nguyễn Văn Chưởng và Đỗ Văn Hoàng ký xác nhận.
– Có người lạ bí ẩn đến gặp nạn nhân Sinh trong lúc hấp hối tại hiện trường nhưng không được CQĐT làm rõ.
Tại BL.515, nhân chứng Phạm Hồng Quang (chiến sỹ CAP Đông Hải 2) khai: Ngay sau khi nạn nhân Sinh bị bắn, anh Quang nhìn thấy có một người lạ đi cùng Đặng Thái Sơn (chiến sỹ CAP Đông Hải 2) tới chỗ nạn nhân Sinh đang nằm hôn mê tại hiện trường (nhưng CQĐT không làm rõ người lạ đó là ai và đến với mục đích gì).
ĐẶC BIỆT, CHƯỞNG CÓ CHỨNG CỨ NGOẠI PHẠM, NHƯNG KHÔNG ĐƯỢC ĐIỀU TRA LÀM RÕ.
– Nhiều nhân chứng xác nhận thời điểm xảy ra vụ án, Chưởng có mặt ở quê Hải Dương nhưng không được điều tra, đối chất một cách khách quan. Nguyễn Trọng Đoàn (em trai Chưởng) nộp các xác nhận ngoại phạm đó lại bị CQĐT bắt khẩn cấp về tội “Che dấu tội phạm” và bị xử 2 năm tù về tội danh này.
– Chưởng đã cung cấp bản kê các cuộc gọi đi, gọi đến điện thoại của Chưởng (0974.863.087) trong thời điểm xảy ra vụ án và đề nghị CQĐT khôi phục các cuộc điện thoại đó để xác định toạ độ các cuộc gọi, làm rõ Chưởng có mặt hay không có mặt tại Hải Phòng khi xảy ra vụ án nhưng không được cơ quan điều tra thực hiện, lại bị công an thu giữ điện thoại của Chưởng.
HỌC GIẢ BÙI CHÍ VỊNH
Trong bộ đội khi tấn công một tên chỉ huy tham ô đàn áp lính
Là đã bị chụp mũ “mưu sát cán bộ, cướp đoạt chính quyền”
Năm 25 tuổi tôi đã từng nằm quân lao với tội danh như vậy
Nên chuyện ngậm máu phun người vốn là chuyện tất nhiên
Vì thế tôi không mơ hồ gì việc có người muốn Nguyễn Văn Chưởng quy tiên
Với lý do duy nhất là phạm nhân nhận tội
Xin lỗi, những thằng xử Nguyễn Văn Chưởng chỉ cần một ngày nằm ở nhà giam
Hứng tra tấn là mẹ cha không nhìn nổi
Quan tòa mà ở tù thì quan tòa cũng phải nói
Không khai man cũng khai đại, miễn khỏi bị đòn
Không giết người cũng sẵn sàng nhận dối
Sẵn sàng nhận mình là hung thủ ác ôn
Sẵn sàng nhận mình là hung thủ cho xong
Bất chấp hệ thống tư pháp được lập đầu danh trạng
Ở một xứ sở đầy ma quỷ cô hồn
Ai đang sống cũng chờ ngày lãnh án
Hỡi những kẻ nắm cán cân công lý mà tâm hồn chai sạn
Làm ơn một lần trong năm thở hơi thở con người
Làm ơn ngưng ngay việc tử hình Nguyễn Văn Chưởng
Để bia miệng ngàn đời không nguyền rủa tanh hôi…
NGUỒN MẠNG.
Nhà Thơ Nhân Dân: LÊ PHÚ KHẢI
Thêm một đại ca lên tướng
Thêm một cô gái đứng đường
Thêm một bà già mất đất
Thêm một em bé vé số lang thang.
Thêm một lon tướng
Thêm một thằng ăn cướp đeo lon
Thêm một phiên toà ô nhục
Thêm một lời thách thức nhân dân.
Đất nước nghèo như cọng cỏ, cọng rơm
Đi làm ô sin khắp năm châu bốn biển
Nhưng ra đường là gặp tướng
Ra đường là gặp dân oan
Nguồn mạng.
ĐÊM CUỐI trước Rạng đông Bình minh sau 78 NĂM DÀI ĐÊM TỐI ĐEN KINH HOÀNG !
**************************
Hãy để Tuổi Thanh Xuân tôi vỡ lệ thầm ròng
Để Thế hệ Trẻ Việt chúng tôi khóc cho số phận bạc bẽo của mình
Trí nô + Cô dâu xứ Hán + Lao nô + Ô sình
Nước Non Vạn dặm ra đi vì thương Mẹ thương Cha
Giúp Chị anh em lên đường về rừng thẳm Phi châu
Về sa mạc nóng cháy hoang mạc khô cằn Ả rập
Hãy để Tuổi Thanh Xuân tôi vỡ lệ thầm ròng
Để Thế hệ Trẻ Việt chúng tôi khóc cho số phận bạc bẽo của mình
Như Thế hệ Cha anh uất hận ngậm ngùi
Thấy chúng rơi mặt thật phỉnh lừa phản bội bội phản
Chiêu bài MAO XẾNH XÁNG đuổi Pháp rước Tàu + Chống Mỹ cứu Tàu
Qua tay tên đại tội đồ phản quốc hồ chí meo nhỏ nước lú vào tai
Hãy để Tuổi Thanh Xuân tôi vỡ lệ thầm ròng
Để Thế hệ Trẻ Việt chúng tôi khóc cho số phận bạc bẽo của mình
Khao khát Nhân vị Dân quyền Dân chủ Tự do !
Hãy để Tuổi Thanh Xuân chúng tôi vỡ lệ thầm ròng
Để Thế hệ Trẻ Việt chúng tôi khóc cho số phận bạc bẽo của mình
Khao khát sách vở thư viện đến trường
Xin Mẹ Việt Nam cho phép Chúng con thở dài
Thở dài cho Hà Nội sau 20 tháng Bảy Mưa Ngâu 1954 !
Xin Mẹ Việt Nam cho phép Chúng con thở dài
Thở dài cho Sài Gòn sau 30 tháng Tư Đen 1975 !
Hãy để Tuổi Thanh Xuân NGUYỄN VĂN CHƯỞNG vỡ lệ thầm ròng
Tử tù án oan trong hành lang của Tử thần
Hãy để Tuổi Thanh Xuân HỒ DUY HẢI vỡ lệ thầm ròng
Tử tù án oan trong sà lim ngục tù song sắt bao năm
Để Thế hệ Trẻ Việt chúng tôi khóc cho số phận bạc bẽo của mình
Trước khi Rạng đông Bình minh sau 78 NĂM DÀI ĐÊM TỐI ĐEN
Vùng dậy đứng lên đập nát cỗ máy do MAO XẾNH XÁNG bạo tàn
https://www.hanoiparis.com/construct.php?page=poesie2&idfam=28
TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT
Có một câu chuyện được luật sư Triệu Quốc Mạnh – Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định, kể lại như vầy: Ngày 29/4/1975, sau khi nhậm chức Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định, ông Mạnh đến Tòa Sài Gòn – Gia Định thì thấy lực lượng cảnh sát tư pháp ở đây vẫn tề tựu đầy đủ, quân trang gọn gàng đứng chào ông nghiêm cẩn. Ông mới vội vã hỏi: “Các anh còn làm gì ở đây mà chưa đi di tản?” Chỉ huy trưởng cảnh sát tư pháp mới nói: “Tại sao chúng tôi phải di tản? Chúng tôi đâu có liên quan gì đến chính quyền?”
Chuyện này tôi được nghe chính một người cùng trong “lực lượng thứ ba” với ông Mạnh kể lại. (Vì sự riêng tư của ông, tôi sẽ không nói tên, nhưng tôi tin ông, và cũng không thấy ông có lý do để bịa đặt chuyện này).
Bây giờ nghe chuyện này chúng ta có thể thấy vô lý, nhưng đó chính là nhận thức của những người thời đó, cụ thể là của những người trong ngành tư pháp Sài Gòn bấy giờ: “TƯ PHÁP ĐỘC LẬP”.
Chính vì thế mới có chuyện, những “trùm sinh viên” của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn như Huỳnh Tấn Mẫn, Dương Văn Đầy… được thả ngay tại tòa, trước sự tức tối của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, trong vụ “10 tháng 3” nổi tiếng.
Tư pháp độc lập không phải sự đảm bảo tuyệt đối cho công lý, nhưng nó là điều kiện tối cần thiết để có được công lý.
Công lý cần cho tất cả chúng ta. Công lý cần cho mọi người dân, và cần cho cả chính quyền.
Một chính quyền muốn thực sự vững mạnh, muốn giữ được xã hội thực sự ổn định bền vững thì phải đảm bảo công lý cho từng người dân và tất cả nhân dân.
Hôm qua, đọc bức thư của Nguyễn Văn Chưởng trên trang FB của luật sư Lê Văn Hòa tôi chợt nhớ lại câu chuyện của luật sư Triệu Quốc Mạnh ở trên.
Có lẽ cũng đã đến lúc nghiêm túc đặt ra vấn đề độc lập tư pháp và thành lập một lực lượng cảnh sát tư pháp độc lập, để hạn chế tối đa những oan sai do sự chồng chéo của hệ thống điều tra – xét xử hiện hành.
FB NĐK
Trong lịch sử tư pháp của Việt Nam mà tôi quan sát, hiếm khi có một vụ trọng án mà cơ quan điều tra chịu bó tay. Không ít vụ án được phá trong một thời gian kỷ lục. Nhưng, cũng hiếm khi tôi thấy những vụ án oan nghiêm trọng nhất được chủ động phát hiện bởi các cơ quan tố tụng.
Năm 1983, cho dù mang “trái tim trong trắng” [kịch Lưu Quang Vũ], ông Nguyễn Sỹ Lý vẫn bị giam cầm 2.000 ngày. Và, ông Lý chỉ được minh oan khi một người bạn tù được tha trước, âm thầm giúp ông tìm ra thủ phạm. Ông Huỳnh Văn Nén cũng chỉ nhìn thấy ánh sáng sau 17 năm nhờ hung thủ, bị giữ tình cờ trong một vụ vi phạm luật giao thông, tự thú. Ông Nguyễn Thanh Chấn ở tù 10 năm cho đến khi hung thủ tự đến đồn công an.
Chuyện không phải của thời mông muội. Chỉ mới cách đây 10 năm, 7 thanh niên ở Sóc Trăng cũng chỉ được minh oan sau 4 tháng tạm giam nhờ hai nữ hung thủ cướp của giết người ra đầu thú.
Những người chịu “án oan thế kỷ”, trong phòng tạm giam, đều khai nhận “hành vì giết người” hoàn hảo. Trừ 7 thanh niên ở Sóc Trăng, tất cả, khi đứng trước tòa, đều phản cung và đều bị tòa căn cứ “án tại hồ sơ”, bác bỏ. Và, chỉ khi hung thủ thật bị lương tâm cắn rứt khai ra, những gì họ tố cáo bị bức cung mới được xác nhận hóa ra là đúng.
Với hai tử tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải, nếu thực sự oan, không rõ, chúng ta có thể chờ đợi lương tâm của những người đã tiến hành tố tụng hay lại phải chờ lương tâm hung thủ.
Khi nhậm chức, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng yêu cầu công tác xét xử “không được để xảy ra oan sai”. Đây là điều mà những người tiền nhiệm ông cũng đều nhấn mạnh.
Không phải lúc nào thông điệp này cũng được diễn dịch giống nhau. Nó tùy thuộc vào một hệ thống tư pháp sợ OAN cho thường dân hay chỉ sợ cái SAI của mình bị phát hiện.
Tôi không biết hiện nay, ngành tòa án có còn giữ tiêu chí “án bị cải sửa” làm căn cứ bình xét thi đua và căn cứ để tái bổ nhiệm thẩm phán nữa không. Sợ sai, sợ án bị cải sửa là lý do mà các cơ quan tố tụng rất khó từ bỏ một tiền lệ rất sai là họp án [“ba bộ đồng tình…”] và thỉnh thị án.
Nếu một nền tư pháp vận hành theo hướng để dân không bị OAN, nền tư pháp đó phải luôn đặt ra khả năng tố tụng có thể SAI. Không phải tự nhiên mà ngay từ xa xưa loài người đã nghĩ đến việc tách bạch các cơ quan tố tụng và phân ra nhiều cấp xét xử.
Một nền tư pháp mà hướng tới mục tiêu hoàn hảo, các cơ quan tố tụng không bao giờ sai thì chỗ của những người thực sự bị oan là ở trong tù chứ chưa chắc đã phải là những người được tuyên vô tội.
Tôi đã từng phỏng vấn tử tù “Phước Tám Ngón” và có mặt tại pháp trường cái buổi sáng 3 bị án trong vụ Tamexco bị bắn. Trừ những loại giết người do bệnh lý, thích chơi trò cân não với cơ quan điều tra, phần lớn những hung thủ thật sự giết người rất ít khi kêu oan. Chúng chấp nhận đã vay [mạng người] thì trả.
Chúng ta đang nghe những lời kêu oan từ hai bị án Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Chúng ta có thể vĩnh viễn không biết sự thật nằm ở đâu. Nhưng, tôi nghĩ những người tiến hành tố tụng trong hai vụ án này biết rõ.
Chúng ta đã phải đợi cho đến khi hung thủ thật sự ra đầu thú mới biết là Nguyễn Sỹ Lý, Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn bị oan. Nhưng, những người tiến hành tố tụng chắc chắn đã biết điều đó khi họ bắt đầu sử dụng nhục hình và mớm cung bị cáo.
Đã từng có khá nhiều hung thủ thật ra đầu thú để minh oan cho người gánh án thay mình; nhưng, trong nền tư pháp nước ta, ít khi có một cán bộ từng tiến hành tố tụng tự nhận là mình sai để minh oan cho nạn nhân của chính mình và cộng sự.
Trong các vụ án oan như Nguyễn Sỹ Lý, Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn… đều có vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Chúng ta chứng kiến, việc khăng khăng tuyên bố “sai phạm tố tụng” nhưng “không làm thay đổi bản chất vụ án” đáng sợ thế nào.
Một nền tư pháp mà chỉ sợ lộ ra cái SAI sẽ không bao giờ tránh được OAN [khiên – cho dân].
Cứ tống vào tù một dân oan là cấp phép tự do cho một tên tội phạm [hung thủ trong vụ án Huỳnh Văn Nén từng gây án đâm, chém trong thời gian ông Nén bị tù oan].
Không có mô hình tư pháp nào hoàn hảo. Mô hình ưu việt hơn không phải là có khả năng lập thành tích “phá án 100%”, là không phải không có “án bị cải sửa” mà là có khả năng tự phát hiện sai sót.
Mục tiêu của một nền tư pháp là công lý chứ không chỉ là phá án. Chính vì thế mà trong nhiều trường hợp, các cơ quan tố tụng phải chấp nhận thua; bởi, một khi các cơ quan tố tụng cứ khăng khăng thắng sẽ không có chỗ cho công lý.
FB H.Đ
Lại thêm một bằng chứng cho tai họa do chế độ độc tài CA trị gây ra cho dân tộc Việt nam đau khổ.