Chuyện án tử hình, Việt Nam nên học tập Nga

Lê Nguyễn Duy Hậu

7-8-2023

Nhà nước Liên Xô đã từng có hai giai đoạn bãi bỏ hoàn toàn án tử hình. Một lần là ngay khi mới lập quốc vào tháng 11 năm 1917, khi nhà nước này cho rằng việc bãi bỏ án tử hình chứng tỏ sự ưu việt và nhân đạo hơn của chủ nghĩa cộng sản so với đế quốc. Tuy nhiên, đến tháng 2 năm 1918, với lý luận của Lenin về việc phải dùng án tử hình như công cụ đấu tranh giai cấp, thì án tử hình được lặp lại trên toàn cõi liên bang.

Một trong những cá nhân sử dụng án tử hình thành thạo nhất chính là lãnh tụ thứ hai của Liên Xô, Iosef Stalin. Tuy nhiên, sau khi sử dụng án tử hình khá tràn lan vào thập niên 1930 và trong giai đoạn Thế Chiến thứ Hai, chính Iosef Stalin đã ký một sắc lệnh vào năm 1947, tuyên bố Liên Xô không cần đến án tử hình cho bất kỳ tội danh nào vào thời bình. Lúc này, án phạt cao nhất ở Liên Xô thậm chí chỉ là 25 năm. Stalin, một lần nữa lý luận rằng, việc bãi bỏ án tử hình trong thời bình là nhầm nêu bật sự nhân đạo của chế độ cộng sản.

Lệnh cấm này kéo dài được 3 năm cho đến khi Chiến tranh Lạnh bùng nổ và Stalin tái lập án tử hình dành cho tội phạm là gián điệp hoặc phản động. Sau đó, khi Stalin qua đời, những hậu bối của ông dần dần sử dụng lại án tử hình cho tội mưu sát và các tội phạm về kinh tế.

Nước Nga thời nay tuy vẫn có án tử hình trên pháp luật, nhưng từ năm 1996 trở lại đây đã không còn thực thi án này nữa, theo một cam kết với Hội Đồng Châu Âu. Chính Putin vào năm 2013 đã khẳng định lại rằng, việc áp dụng lại án tử hình là không nên.

Chỉ đến khi chiến tranh xâm lược Ukraine bùng nổ và với những xung đột với Châu Âu, thì Medvedev, người cứ thỉnh thoảng là dọa sẽ diệt vong thế giới bằng vũ khí hạt nhân, mới cho rằng nên có lại án tử hình. Tuy nhiên, cho đến nay thì Nga vẫn không áp dụng án tử hình.

Thực sự rất nên học tập nước Nga trong chuyện này các bạn dư luận viên ạ.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Có một câu chuyện được luật sư Triệu Quốc Mạnh – Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định, kể lại như vầy: Ngày 29/4/1975, sau khi nhậm chức Chỉ huy lực lượng cảnh sát Sài Gòn – Gia Định, ông Mạnh đến Tòa Sài Gòn – Gia Định thì thấy lực lượng cảnh sát tư pháp ở đây vẫn tề tựu đầy đủ, quân trang gọn gàng đứng chào ông nghiêm cẩn. Ông mới vội vã hỏi: “Các anh còn làm gì ở đây mà chưa đi di tản?” Chỉ huy trưởng cảnh sát tư pháp mới nói: “Tại sao chúng tôi phải di tản? Chúng tôi đâu có liên quan gì đến chính quyền?”

    Chuyện này tôi được nghe chính một người cùng trong “lực lượng thứ ba” với ông Mạnh kể lại. (Vì sự riêng tư của ông, tôi sẽ không nói tên, nhưng tôi tin ông, và cũng không thấy ông có lý do để bịa đặt chuyện này).

    Bây giờ nghe chuyện này chúng ta có thể thấy vô lý, nhưng đó chính là nhận thức của những người thời đó, cụ thể là của những người trong ngành tư pháp Sài Gòn bấy giờ: “TƯ PHÁP ĐỘC LẬP”.

    Chính vì thế mới có chuyện, những “trùm sinh viên” của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn như Huỳnh Tấn Mẫn, Dương Văn Đầy… được thả ngay tại tòa, trước sự tức tối của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, trong vụ “10 tháng 3” nổi tiếng.

    Tư pháp độc lập không phải sự đảm bảo tuyệt đối cho công lý, nhưng nó là điều kiện tối cần thiết để có được công lý.

    Công lý cần cho tất cả chúng ta. Công lý cần cho mọi người dân, và cần cho cả chính quyền.
    Một chính quyền muốn thực sự vững mạnh, muốn giữ được xã hội thực sự ổn định bền vững thì phải đảm bảo công lý cho từng người dân và tất cả nhân dân.

    Hôm qua, đọc bức thư của Nguyễn Văn Chưởng trên trang FB của luật sư Lê Văn Hòa tôi chợt nhớ lại câu chuyện của luật sư Triệu Quốc Mạnh ở trên.

    Có lẽ cũng đã đến lúc nghiêm túc đặt ra vấn đề độc lập tư pháp và thành lập một lực lượng cảnh sát tư pháp độc lập, để hạn chế tối đa những oan sai do sự chồng chéo của hệ thống điều tra – xét xử hiện hành.

    FB NĐK

Comments are closed.