“Cây muốn lặng gió chẳng đừng”: Việt Nam giữa gọng kìm Mỹ – Trung trước ngã ba định mệnh

Trần Quốc Sách

27-4-2025

Tóm tắt: Trong bối cảnh những cơn gió lớn đang nổi lên từ cả Washington lẫn Bắc Kinh, Việt Nam bị cuốn vào thế kẹt giữa hai cường quốc, với những lựa chọn chiến lược không thể trì hoãn. Những tưởng mối quan hệ “Đối tác Chiến lược Toàn diện” với Mỹ sẽ là một cột mốc ổn định, nhưng hàng loạt đòn cảnh cáo gần đây từ chính quyền Donald Trump cho thấy, Washington đang mất dần kiên nhẫn.

Trong khi đó, Hà Nội lại vướng vào những tính toán nội bộ đầy mâu thuẫn, giữa một bên muốn cải cách, một bên lo sợ đổi thay. Bài viết này là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ: Nếu không dũng cảm chọn một con đường, Việt Nam có thể sẽ bị gió cuốn trôi giữa cơn bão địa-chính trị thế kỷ 21. 

***

Cuồng phong đến từ nhiều hướng, từ cuộc giành giật ngôi bá chủ giữa Tàu và  Mỹ, đồng thời đến từ cả nội bộ Việt Nam: Một phái nhấn ga, phái kia đạp thắng…

Tháng 4 năm 2025 đang trôi qua với những tín hiệu bất an chưa từng có trong quan hệ Việt – Mỹ. Tưởng rằng sau nâng cấp lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện” vào tháng 9/2023, cái “cây CSP” nối vận mệnh hai nước sẽ “đơm hoa kết trái”. Nhưng thật bất ngờ, lớp vỏ “chiến lược toàn diện” kia dường như đang bị bong tróc, để lộ ra “những vết nứt của lòng tin” mà nếu không chữa lành, rất có thể dẫn đến những tổn thương lớn hơn?

Trong vòng chưa đầy một tháng, chính quyền Tổng thống Donald Trump tung liên tục ba đòn: Đe dọa tăng áp thuế đối với Việt Nam lên tới 46%, tuyên bố “Việt Nam đang qua mặt Mỹ” câu kết với Trung Quốc, và đỉnh điểm mới đây nhất – lệnh cấm toàn bộ quan chức Mỹ tham dự bất kỳ hoạt động nào liên quan đến ngày 30/4 tại Việt Nam.

Nếu ba cú đánh ấy là “một liên hoàn cước”, thì kể cả những ai lạc quan nhất với mối bang giao Hà Nội – Washington cũng buộc phải đặt dấu hỏi: Có phải Hoa Kỳ đang thực sự mất kiên nhẫn?

Cú đánh vỗ mặt và sự ngỡ ngàng đáng trách 

Tại Hà Nội, giới hoạch định chính sách vẫn chưa hết choáng váng. Đành rằng mấy ngày qua đã cho hạ bớt một số áp-phích sặc mùi chống Mỹ (1), nhưng nói cho cùng, cái choáng này không phải do bất ngờ, mà là vì chủ quan và trên bảo dưới không nghe. Mỹ không chỉ phản ứng tức thời, mà họ đang tính sổ. Washington từ lâu đã theo dõi cách Việt Nam liên tục “đu dây”, vừa “làm sân sau” để tiếp tay cho Trung Quốc lậu thuế, vừa lợi dụng nước Mỹ (Nguyên văn: Vietnam takes advantage of us even worse than China) (2).

Ngày 30/4 năm nay Bộ Chính trị Hà Nội vẫn muốn trấn an giới bảo thủ bằng những màn kỷ niệm hoành tráng “ăn mày dĩ vãng” theo một kiểu ý thức hệ đã quá đát. Lại còn mời cả đại diện các chính phủ Trung Quốc và Cambodia là những cựu thù và sát thủ từng làm cho Hà Nội điên đảo ngay những năm tháng các vết sẹo từ cuộc nội chiến Bắc – Nam “vẫn còn rỉ máu” (Chữ cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt dùng trong một bài báo gây tranh cãi (3).

Bộ Chính trị ĐCSVN “quên mất” điều hệ trọng: Vào thời điểm nhạy cảm nhất về thương mại và an ninh, Hà Nội đáng lẽ ra nên “giảm bớt âm lượng”, tránh náo động truyền thông theo mô-típ cũ kỹ, đầy tính tuyên truyền để hạ nhục người Mỹ. Việt Nam thừa hiểu rằng ngoại giao hiện đại đòi hỏi phải biết “chọn điểm rơi” và biết “đọc không khí”.

Lễ kỷ niệm 30/4 được tổ chức rầm rộ đúng vào thời điểm Donald Trump đang cần một thắng lợi về mặt ngoại giao để tập trung cho hàng loạt cuộc đàm phán quan trọng. Sai lầm của Hà Nội chẳng khác nào một “đòn tự hủy diệt” về mặt hình ảnh. Với một người có cái tôi lớn và nổi tiếng cứng rắn với những ai không “thuận Mỹ” như Trump, hành động của Việt Nam chẳng khác gì một sự khiêu khích có chủ đích — điều rất khó có thể được bỏ qua.

Bộ Ngoại giao Việt Nam: Lươn lẹo thành đồng lõa 

Thay vì phản hồi thẳng thắn với người dân và thế giới (Có gan ăn muống có gan lội hồ), Bộ Ngoại giao Việt Nam lại tiếp tục “chiến thuật cổ điển”: Lảng tránh, phát ngôn mơ hồ, và hy vọng rằng “rồi mọi chuyện sẽ qua”. Nhưng đây không còn là thời kỳ “tiền internet”. Mọi động thái đều bị soi dưới kính hiển vi quốc nội và quốc tế (4).

Việc báo chí nhà nước không hề đề cập đến bài báo trên The New York Times – nơi mô tả chi tiết cơn giận giữ của Trump và sự phản ứng lạnh nhạt của Quốc hội Mỹ – là một hành vi che giấu thông tin có hệ thống. Nhưng liệu bưng bít còn hiệu quả khi mạng xã hội đã trở thành nguồn tin chính của giới trẻ và các doanh nhân Việt Nam? (5)

Việc né tránh đối thoại công khai không chỉ khiến dân chúng mất niềm tin, mà còn khiến Mỹ hiểu rằng Việt Nam chưa đủ độ minh bạch để trở thành một đối tác chiến lược đáng tin cậy.

“Ăn mày dĩ vãng” và cái giá phải trả 

Hà Nội có thể nghĩ rằng lễ kỷ niệm 30/4 chỉ là nội bộ, nhưng trong thời đại toàn cầu hóa, mọi sự kiện chính trị đều có hệ quả quốc tế. Chính quyền Việt Nam tưởng rằng có thể “chiều lòng nhóm bảo thủ”, xoa dịu quân đội và công an bằng các hoạt náo “chiến thắng mùa Xuân 1975”. Nhưng giới trí thức trong nước từng cảnh báo, đấy không chỉ là “ăn mày dĩ vãng”, mà thực chất là “ăn cướp của dĩ vãng để mưu cầu danh lợi cho hiện tại” (6).  Cái giá phải trả có khi là đánh đổi “lòng tin chiến lược” của Mỹ – quốc gia đang muốn nhìn nhận Việt Nam như một đối tác tin cậy trong vùng xung đột và xáo trộn.

“Tham bát bỏ mâm” – một lần nữa, Việt Nam có thể đánh mất cơ hội được mời vào bàn cờ Indo-Pacific như một mắt xích then chốt. Đúng vào thời điểm cần tính các nước cờ chiến lược, Hà Nội lại… hành động theo tinh thần “kháng Mỹ viện Tàu”. Trong khi đó, Tập Cận Bình – từng đến rất đúng lúc – lại “ngồi rung đùi” xem vệ tinh của mình đang “tự bắn vào chân”.

Thật đúng vậy: Bắc Kinh giờ đây là bên “mở cờ trong bụng”. Họ đang tận dụng mọi khoảng trống do Mỹ tạo ra để siết lại ảnh hưởng: Từ đầu tư vào hạ tầng, kiểm soát chuỗi cung ứng, đến thao túng và gây sức ép thông qua các nền tảng công nghệ đang tràn lan mọi ngóc ngách tại Việt Nam.

Ngã ba chiến lược – Không còn chỗ cho mập mờ 

Việt Nam đang đứng giữa ngã ba định mệnh:

1. Ngả về Trung Quốc: Đổi lấy sự ổn định tạm thời về kinh tế, nhưng sẽ phải hy sinh sự độc lập chính trị, mất không gian tự chủ chiến lược và từng bước bị cuốn vào quỹ đạo “Bắc thuộc kiểu mới”.

2. Tiếp tục đu dây: Cố giữ cân bằng giữa Mỹ và Trung, không cải cách, không minh bạch. Nhưng trong một thế giới đang phân cực, người đứng giữa dễ bị cả hai bên coi là không đáng tin – rốt cuộc trở thành “vùng xám” bị giằng xé, không ai bảo vệ.

3. Chọn “thẳng lưng” với Mỹ và phương Tây: Cải cách từ bên trong, xây dựng thể chế minh bạch, mở rộng không gian chính trị mềm. Ấy là con đường từng giúp Việt Nam gia nhập WTO, ký CPTPP và từng tăng trưởng liên tục.

Chỉ có điều – con đường thứ ba đòi hỏi dũng khí chính trị thật sự. Và lịch sử cho thấy, mỗi lần Việt Nam thực sự bứt phá là khi dám cải cách, dám vượt thoát khuôn mẫu tư duy cũ thì những thế lực bảo thủ trong Đảng lại trỗi dậy, như được sự “hà hơi tiếp sức” từ bên ngoài.

Bài học của quá khứ và ngọn gió từ tương lai

Trong quá khứ, Việt Nam đã từng vượt lên khỏi vũng lầy chiến tranh nhờ đổi mới 1986, và từng khiến thế giới bất ngờ với bước đi thuận lý khi bình thường hóa với Mỹ năm 1995. Nhưng nếu thời đó là quyết định sống còn, thì hiện tại là quyết định về tương lai – Việt Nam sẽ trở thành ai trong 10 năm tới?

Đeo bám tư duy “giả vờ trung lập” sẽ không giúp Việt Nam giữ được vị trí. Thế giới đang dịch chuyển địa tầng nhanh và mạnh đến mức nếu không lấy quyết định đúng lúc, Việt Nam không chỉ lỡ tàu – mà sẽ bị bỏ lại, không ai ngoái nhìn.

Gió đã nổi – Việt Nam không thể đứng giữa mãi được! 

Việt Nam phải hiểu rằng thời kỳ “vừa lòng cả hai” đã hết. Gió đã nổi. Và nếu cứ đứng giữa mà không có hướng đi rõ ràng, thì con thuyền Việt Nam sẽ không thể cập bến, mà bị cuốn vào dòng xoáy giữa cơn bão Mỹ – Trung (7).

Chọn đường đi không phải là từ bỏ ai – mà là khẳng định mình là ai. Là quốc gia độc lập, tự cường, có trách nhiệm với trật tự thế giới mở – hay chỉ là vùng đất mắc kẹt trong ám ảnh của quá khứ và bóng ma của những hù dọa “mất ổn định”?

Tương lai không chờ đợi. Và nếu Hà Nội không sớm hành động, thì những lực lượng khác – kể cả giới doanh nghiệp người dân trong nước – sẽ chọn thay!

_________

Tham khảo:

(1) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c0m9geydw7eo [Hà Nội gỡ áp phích có hình ảnh chim bồ câu đứng trên mũ lính Mỹ]

(2) https://www.business-standard.com/article/pti-stories/trump-says-vietnam-worse-than-china-on-trade-119062601045_1.html?utm_source=chatgpt.com

(3) https://plo.vn/so-phan-bai-bao-trieu-nguoi-vui-trieu-nguoi-buon-post217025.html

(4) https://basamnhv.wordpress.com/2025/04/24/921-viet-nam-noi-gi-truoc-tin-my-khuyen-cao-quan-chuc-khong-du-ky-niem-30-4/ 

(5) https://www.nytimes.com/2025/04/22/world/asia/us-diplomats-vietnam-war-anniversary-trump.html

(6) https://www.voatiengviet.com/a/mot-so-tri-thuc-co-cai-nhin-xet-lai-ngay-30-thang-4/4370803.html

(7) https://nghiencuuquocte.org/2025/04/16/viet-nam-thoat-khoi-nga-ba-duong-den-luc-phai-thay-doi/

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Bất tài như anh võ biền Tô Lâm thì làm được gì, bọn thờ Tàu nó biết và nó có cách hạ anh võ biền. Những đứa đáng lý phải trảm ngay khi nắm trọn quyền lực thì lại để nó tồn tại và tung hoành, những chuyện đó nói lên tầm nhìn của anh Tô Lâm.

  2. “Có phải Hoa Kỳ đang thực sự mất kiên nhẫn?”
    Cũng có thể. Nhưng then chốt là Hoa Thịnh Đốn thay đổi chiến lược trên toàn cầu, chả riêng gì với Chiều Nay.
    -Làm sen đầm quốc tế cũng nhọc lắm, khó mà bao sân hết được, nợ nần chồng chất.
    -Bao vây cô lập dần dần xẻ thịt anh bạn Nga, việc khó như lên Trời. Nga từ lâu đã là đế quốc, đế quốc từ trong suy nghĩ của mỗi người dân. Đất rộng, tài nguyên nhiều, nhân tài lắm. Khó nuốt.
    -Anh bạn Tàu, kẻ thù bốn xung quanh, lúc nào cũng tranh chấp lãnh thổ với “anh em láng giềng”. Nhân việc ấy, kéo bè, đặt căn cứ quân sự để kiềm chế, ngăn chặn từ xa “đảm bảo an ninh” cho Cờ Hoa, nhưng tốn lắm. Trong khi đồng minh lợi dụng kiếm chác ở Bắc Mỹ, ví dụ đợt thương chiến Mỹ-Nhật, nghĩ mà nản. Vả lại bọn Tàu, đất rộng người đông, khó mà xóa sổ.
    -Thời Ronald Reagan với chương trình SDI tốn kém, leo thang chạy đua vũ trang, nhằm chiếm ưu thế với anh bạn Nga Ngố. Sau thời gian dài leo thang chán chê, một anh bạn tướng quân đội Nga đưa ra một chiến thuật đối phó với “lá chắn” tên lửa đạn đạo của chú Sam, đấy là: sẽ bắn cùng một lúc số lượng lớn tên lửa, làm quá tải hệ thống, trong đó chỉ có vài tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, tình hình sẽ thế nào, ai cũng hiểu. Các nhà chiến lược và kỹ thuật Cờ Hoa “nguội” luôn. Vừa rồi, Hamas đã dùng chiến thuật ấy. Và, hệ thống chống tên lửa Vòm Sắt, được ca tụng lên tận mây xanh của Do Thái, ngăn chặn thế nào với đám ống nước nhồi thuốc súng, người đời đều thấy cả.
    -Khi Nga Ngố thử tên lửa siêu thanh nguyên liệu rắn thế hệ mới, các chuyên gia tên lửa phương tây nói: nhìn lửa phụt ra là biết sự khác biệt. Cú bắn thực chiến ở Ukraina ai cũng được xem phim.
    Vậy, oánh nhau làm gì. Chi bằng trước mắt chia nhau. Khi nào ổn định, lúc ấy quyết một trận cũng chưa muộn.
    Khi D.J.Trump sinh sự với Panama, Canada, Greenland, không thấy Nga Tàu ý ới gì. Việc khác có thể suy ra không.
    Đám Chiều Nay chơi bài lươn lẹo, Nga Tàu Mỹ lạ gì, chẳng qua chưa đến lúc.
    Tô Lâm có bài phát biểu hôm 27-4-2025 ” Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, vẫn chỉ là nói một đằng làm xằng một nẻo. Hồ Nguyên Trừng, bên Tàu thờ làm Thần vũ khí, nói với Hồ Quý Ly “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi!”.
    Chỉ một Thích Minh Tuệ, không những vòng trong vòng ngoài, từ “sư nhỏ” đến tình nguyện viên, từ youtuber đến dư luận viên, đủ các loại công an, bộ đội, tuyên giáo, giáo hội … mà còn cả đám nằm vùng ở nước ngoài được huy động để đối phó. Liệu người đời có toàn dại cả không, mà tin theo những lời nhảm nhí từ Ba Đình.
    Cứ thong thả xem các màn diễn rất hay mọi nhẽ.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây