9-12-2024
1. Hôm nay, TBT Tô Lâm đã đến thăm và làm việc với Ban Kinh tế Trung ương. Trong làn sóng tinh gọn, tinh giản hiện nay, việc còn giữ nguyên, giữ trên cơ sở “Ban Kinh tế Trung ương phải hình thành một cơ quan nghiên cứu tham mưu chiến lược hàng đầu của Đảng về kinh tế – xã hội, có uy tín quốc tế, trên cơ sở không ngừng kế thừa những thành tựu đã có” như chỉ đạo của TBT là một tín hiệu “cách mạng” cho tổ chức này.
“Cách mạng” ở chỗ hy vọng từ nay, đây sẽ không còn là “bãi đáp”… của những chú chim ẩn mình trong bụi mận gai nữa mà thật sự phải là nơi quy tụ những nhà kinh tế học, chuyên gia về kinh tế, tài chính… để giúp việc đắc lực cho Đảng – trong điều kiện các cơ quan Đảng cắm dùi ở các tổ chức, đơn vị kinh tế đã kết thúc hoạt động hoặc về tá túc đâu đó.
“Cách mạng” ở chỗ không chỉ là đơn vị “nghiên cứu tham mưu chiến lược hàng đầu” và không chỉ trong kinh tế mà bao hàm kinh tế – xã hội. Tăng cả chiều sâu lẫn diện rộng. Điều này, nếu hoạt động đúng, thực chất để có được tham mưu chất lượng, giá trị sẽ tăng tính đúng đắn, bài bản, hiệu quả cho công tác lãnh đạo của Đảng về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội.
“Cách mạng” ở chỗ “có uy tín quốc tế”, tức phạm vi hoạt động, mời gọi của Ban này sẽ không bó hẹp trong “nội tình”, thước đó chuyên gia, cán bộ của Ban cũng vì thế phải mở rộng ra khu vực, toàn cầu. Ở cả hai chiều, tiếp nhận các đối tác, khách thể và mở cửa để các đối tác, khách thể tiếp cận mình đều phải cùng lúc hoạt động, phát triển.
Ở khía cạnh… cảm nhận riêng, tôi tin một người đang yên vị phó thủ tướng sau khi tạo dấu ấn ở Hải Phòng, một người mà tôi có ngồi chứng kiến điều hành họp mấy phiên, có trò chuyện, kể cả “vĩ thanh đáng nhớ” là phê phán tờ báo tôi, chỉ đạo kỷ luật tôi là ông Trần Lưu Quang sẽ thực hiện được cuộc “cách mạng” đó.
Dân học Bách Khoa ra (mấy ôn bạn chuyên Toán, Lý ở Quốc Học của tui, ôn nào ghê gớm cũng vô Bách Khoa Sài Gòn) đã là đáng nể, tư duy, cách thức làm việc, phát biểu đều rất… bách khoa nên đó là người có căn cơ để chỉ đạo hiện thực từng bước cái “cơ quan nghiên cứu tham mưu chiến lược hàng đầu của Đảng về kinh tế – xã hội, có uy tín quốc tế”.
2. Lại nói về tinh gọn, phải nói rằng chưa thấy lần nào có một quyết sách lớn, tác động sâu đến bộ máy công quyền mà từ “nghiên cứu, gợi mở” đến “gợi ý, đề xuất” lại được cụ thể hóa… siêu nhanh đến như vậy. Nên, trước mắt, người ta tin vào sự quyết tâm “tinh gọn thật”. Nhưng, liệu các quy định pháp lý đi kèm có kịp điều chỉnh, tháo gỡ để đồng bộ hóa với bộ máy ít người – nhiều việc lúc này mà không bị rối-loạn?
Một lượng lớn cán bộ, viên chức, người lao động bị thay đổi, tinh giản, mất việc, lời kêu gọi “hy sinh” đi kèm chính sách liệu có đủ sức để giải quyết “tư tưởng, tâm tư”?
3. Một bài học từ nước Nhật: Lãnh đạo cao nhất ngạch quan chức của họ là Thứ trưởng và vị trí này chỉ thay đổi theo chế độ của cơ quan hành chính. Còn mọi sự lên xuống của đảng phái hay nhiệm kỳ thuộc về thủ lĩnh đảng nào cũng không làm thay đổi, xáo trộn bộ máy. Điều này giúp tính thống nhất, kế tục trong việc thực thi chính sách rất lớn, được bảo đảm cao.
Để thực thi điều đó, nó lại liên quan mật thiết đến triết lý giáo dục, các chính sách về đào tạo, tuyển dụng, lương bổng.
Liệu sau giai đoạn 1 tinh gọn bộ máy, những bước đi kế tiếp mang tính tương ứng để vận hành bộ máy, từng bước xây dựng một đội ngũ cán bộ, công viên chức, người lao động trong hệ thống công vụ chất lượng có thật sự được tính tới và cũng cần nhanh, quyết liệt, “hy sinh” như đã và đang trong những ngày này?
Có ngon thì trao “thượng phương bảo kiếm” cho một số người có học vị thật, có tài cao có tâm có đức và hết lòng vì nước vì dân đã được đại đa số đội ngũ bình dân cũng như trí thức công nhận… thậm chí những tù nhân lương tâm … đã, mới, sẽ được thả ..v.v. để nắm giữ những trọng trách trong việc tinh gọn và chuyên môn hoá bộ máy nhà nước. Nếu thực thi được điều này thì hy vọng biết mấy và con đường hiện thực việc “tinh gon…” cũng rõ nét lắm… Có dám hông ???