Vài ý kiến trao đổi và góp ý gửi Chánh án tòa tối cao

Lê Ngọc Luân

23-8-2024

Trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội về việc tòa cấp dưới xin ý kiến tòa Tối cao nhưng “thời gian chờ đợi quá lâu…”, Chánh án toà Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho rằng: “Việc xin ý kiến TAND Tối cao chỉ là tham khảo, trả lời của TAND Tối cao cũng chỉ có ý nghĩa tham khảo chứ không phải là định hướng cho việc xét xử”.

Từ đây, dưới góc độ của một luật sư tham gia các vụ án từ đơn giản đến phức tạp, tôi đặt ra mấy vấn đề pháp lý và thực tiễn như sau:

1) Hiến pháp (đạo luật tối cao) và Bộ luật Tố tụng Hình sự, Tố tụng Dân sự quy định rất rõ: “Thẩm phán, hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Nếu đã vậy thì Toà án Tối cao phải CẤM tòa cấp dưới thỉnh thị án, xin ý kiến của toà cấp trên dù bất cứ lý do gì (tham khảo, tham vấn…) vì việc xin ý kiến là vi phạm nguyên tắc độc lập bởi khi đã xin ý kiến hiển nhiên Thẩm phán, toà cấp dưới không còn độc lập về tư duy, và việc Toà Tối cao, toà cấp trên có trả lời cũng vi phạm nguyên tắc này.

Pháp luật quy định “độc lập và chỉ theo pháp luật” vậy tại sao toà cấp dưới, thẩm phán không tự “độc lập” theo khả năng, trình độ của mình dựa trên quy định của pháp luật đã có để ra phán quyết mà còn đi xin?

2) Thực tiễn xét xử đặt ra vấn đề khi toà cấp dưới xin ý kiến cấp trên và nhận được ý kiến hay hướng xử lý, phân tích vụ án theo quan điểm của toà cấp trên thì dù pháp luật quy định “thẩm phán độc lập, chỉ tuân theo pháp luật” nhưng thử hỏi “tâm lý” thẩm phán cấp dưới có “dám” tuyên khác không? Nếu tuyên khác có “lo sợ” án mình tuyên bị huỷ và mất thi đua, không được tái bổ nhiệm? (dù sau khi xin ý kiến thẩm phán phát hiện quan điểm của toà cấp trên là không đúng).

Ngược lại, nếu sau khi nhận được kết quả và tuyên khác vì cho rằng ý kiến của toà cấp trên trái pháp luật thì vô hình dung toà cấp trên mất uy tín bởi đã có ý kiến không đúng pháp luật v.v… Tất cả những vấn đề này ít nhiều đã tác động mạnh mẽ đến sự độc lập của thẩm phán mà pháp luật đã quy định bắt buộc.

3) Khi Tòa Tối cao cho phép thỉnh thị, xin ý kiến tham khảo sẽ tạo ra hệ quả vụ án bị kéo dài vì thẩm phán cần đợi có ý kiến từ cấp trên, lúc này quy định “thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” ít nhiều “bị vô hiệu hoá”.

Ngoài ra, Chánh án Toà tối cao cho rằng xin ý kiến nhưng toà án, thẩm phán cấp dưới phải đảm bảo thời hạn tố tụng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, khi thẩm phán xin ý kiến thì phải đợi kết quả mới “dám xử”, bởi chính họ không chắc chắn về pháp luật nên mới có việc đi xin và khi chưa có kết quả từ cấp trên thì không thể xử vì khi thẩm phán tự tin, chắc chắn về quy định luật đã thị họ đã xét xử chứ không đi xin.

Thẩm phán – thay vì tập trung nghiên cứu, trau dồi bản lĩnh, năng lực xét xử và dũng cảm chịu trách nhiệm về quyết định, bản án do mình ban hành trước bị can, bị cáo, đương sự thì việc cho phép xin ý kiến sẽ tạo ra các hậu quả xấu mà người dân là bên bị thiệt thòi.

***

Quan điểm của cá nhân, tôi cho rằng để quy định “thẩm phán, hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” được thực thi trọn vẹn trên thực tế thì Toà án Tối cao cần ban hành quy định: “CẤM họp liên ngành, CẤM xin ý kiến và cho ý kiến” dù bất cứ lý do gì. Nếu vi phạm phải kỷ luật buộc rời khỏi ngành và thay thế bởi thẩm phán có tâm, trình độ khác.

P/S: Trên đây là một vài ý kiến ngắn đóng góp chân thành gửi đến Chánh án TAND Tối cao và lãnh đạo cấp cao của ngành, hi vọng rằng toà án phải là nơi “thực thi công lý, phải có công lý”. Như vậy, xã hội đất nước sẽ phát triển và nhân dân được hạnh phúc!

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Trương Hòa Bình sắp sửa cùng với Xúc Phân gia nhập đội Juventus, thiết nghĩ cũng nên dành một chỗ cho cầu thủ Nguyễn Hòa Bình và vợ của y, bọn này vừa tham vừa ác. Yêu cầu bác Ba Tê thu xếp cho chúng sinh hoạt cùng đội.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây