Henry Kissinger giải thích cách tránh chiến tranh thế giới thứ ba

Economist

Cù Tuấn, biên dịch

19-5-2023

Tóm tắt: Mỹ và Trung Quốc phải học cách chung sống. Họ có ít hơn mười năm để làm việc này.

Ở Bắc Kinh, lãnh đạo Trung Quốc đã kết luận rằng Mỹ sẽ làm bất cứ điều gì để kìm hãm Trung Quốc. Ở Washington, lãnh đạo Mỹ thì quả quyết rằng Trung Quốc đang âm mưu thay thế Mỹ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Để có một phân tích nghiêm túc về sự đối kháng đang gia tăng này—và một kế hoạch ngăn chặn để nó không gây ra một cuộc chiến giữa các siêu cường—hãy ghé thăm tầng 33 của tòa nhà Art Deco ở trung tâm Manhattan, văn phòng của Henry Kissinger.

Vào ngày 27 tháng 5, ông Kissinger sẽ bước sang tuổi 100. Không ai còn sống có nhiều kinh nghiệm về các vấn đề quốc tế hơn ông, đầu tiên với tư cách là một học giả về ngoại giao thế kỷ 19, sau đó là cố vấn an ninh quốc gia và ngoại trưởng Mỹ, và với tư cách là nhà tư vấn và sứ giả cho các quốc vương, Tổng thống và Thủ tướng trong 46 năm qua. Ông Kissinger đang lo lắng. Ông nói: “Cả hai bên đều tự thuyết phục rằng bên kia là một mối nguy hiểm chiến lược. Chúng ta đang trên con đường đối đầu giữa các cường quốc”.

Vào cuối tháng 4, phóng viên của The Economist đã nói chuyện với ông Kissinger trong hơn 8 tiếng đồng hồ về cách ngăn chặn để cho cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ không dẫn đến chiến tranh. Dạo này ông đã còng lưng, đi lại khó khăn, nhưng đầu óc vẫn cực kỳ nhạy bén. Khi suy ngẫm về hai cuốn sách tiếp theo của mình, về trí tuệ nhân tạo (AI) và bản chất của các liên minh, Kissinger vẫn quan tâm đến việc hướng tới tương lai hơn là lục lọi quá khứ.

Ông Kissinger lo ngại trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ để giành ưu thế về công nghệ và kinh tế. Ngay cả khi Nga đã rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc và chiến tranh che kín sườn phía đông của châu Âu, ông lo ngại rằng AI sắp làm tăng cường sự cạnh tranh Trung-Mỹ. Trên khắp thế giới, cán cân quyền lực và cơ sở công nghệ của chiến tranh đang thay đổi quá nhanh, và theo nhiều cách khiến các quốc gia đã không còn bất kỳ nguyên tắc ổn định nào để họ có thể thiết lập trật tự. Nếu không tìm được quy tắc ổn định, các quốc gia có thể dùng đến vũ lực. Ông nói: “Chúng ta đang ở trong một tình huống cổ điển trước chiến tranh thế giới thứ nhất, nơi mà không bên nào chịu nhượng bộ về chính trị và trong đó bất kỳ sự xáo trộn nào đối với trạng thái cân bằng đều có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc”.

1. Hãy nghiên cứu thêm về chiến tranh

Ông Kissinger bị nhiều người chỉ trích là kẻ hiếu chiến vì đã tham gia vào chiến tranh Việt Nam, nhưng ông coi việc tránh xung đột giữa các cường quốc là trọng tâm trong công việc của đời mình. Sau khi chứng kiến cảnh tàn sát do Đức Quốc xã gây ra và chịu đựng cái chết của 13 người thân trong vụ Holocaust, ông tin rằng cách duy nhất để ngăn chặn xung đột tàn khốc là ngoại giao cứng rắn, lý tưởng nhất là được củng cố bằng các giá trị chung. “Đây là vấn đề phải được giải quyết”, ông nói. “Và tôi tin rằng tôi đã dành cả đời để cố gắng đối phó với nó”. Theo quan điểm của ông, số phận của nhân loại phụ thuộc vào việc Mỹ và Trung Quốc có thể hòa thuận với nhau hay không. Ông tin rằng sự tiến bộ nhanh chóng của AI, khiến hai quốc gia này chỉ còn 5 đến 10 năm nữa để tìm ra cách sống hòa thuận.

Ông Kissinger có một số lời khuyên mở đầu cho các nhà lãnh đạo đầy tham vọng: “Hãy xác định bạn đang ở đâu. Một cách lạnh lùng”. Theo tinh thần đó, điểm khởi đầu để tránh chiến tranh là phân tích sự bồn chồn ngày càng tăng của Trung Quốc. Mặc dù nổi tiếng là hay nhường nhịn chính phủ ở Bắc Kinh, ông thừa nhận rằng nhiều nhà tư tưởng Trung Quốc tin rằng nước Mỹ đang trên đà đi xuống và “do đó, do kết quả của một quá trình tiến hóa lịch sử, cuối cùng Trung Quốc sẽ thay thế chúng ta”.

Ông tin rằng giới lãnh đạo Trung Quốc không hài lòng với luận thuyết của các nhà hoạch định chính sách phương Tây về một trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ, trong khi điều họ thực sự nói là luật lệ của Mỹ và trật tự của Mỹ. Các lãnh đạo Trung Quốc bị xúc phạm bởi những gì họ coi là một thỏa thuận trịch thượng do phương Tây đưa ra, đó là trao cho Trung Quốc các đặc quyền nếu nước này hành xử tốt (họ chắc chắn nghĩ rằng các đặc quyền đó lẽ ra phải thuộc về họ, với tư cách là một cường quốc đang lên). Thật vậy, một số người ở Trung Quốc nghi ngờ rằng Mỹ sẽ không bao giờ đối xử bình đẳng với quốc gia này và thật ngu ngốc khi tưởng tượng việc này sẽ dẫn đến cái gì.

Tuy nhiên, ông Kissinger cũng cảnh báo không nên hiểu sai tham vọng của Trung Quốc. Ở Washington, “Họ nói rằng Trung Quốc muốn thống trị thế giới… Câu trả lời là họ [Trung Quốc] muốn trở nên hùng mạnh”, ông nói. Ông nói: “Họ không hướng tới sự thống trị thế giới theo nghĩa của Hitler. Đó không phải là cách họ nghĩ hoặc đã từng nghĩ về trật tự thế giới”.

Ở nước Đức Quốc xã, chiến tranh là không thể tránh khỏi vì Adolf Hitler cần nó, Kissinger nói, nhưng Trung Quốc thì khác. Ông đã gặp nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc, đầu tiên là Mao Trạch Đông. Ông không nghi ngờ cam kết ý thức hệ của họ, nhưng điều này luôn gắn liền với ý thức sâu sắc về lợi ích và khả năng của đất nước họ.

Ông Kissinger coi hệ thống tư tưởng Trung Quốc mang màu sắc Nho giáo hơn là Mác-xít. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn cố đạt được sức mạnh tối đa mà đất nước họ có thể đạt được, và tìm kiếm sự tôn trọng vì những thành tựu của họ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn được công nhận là người phán xét cuối cùng của hệ thống quốc tế về lợi ích của chính họ. “Nếu họ đạt được ưu thế mà thực sự có thể được sử dụng, liệu họ có đẩy nó đến mức áp đặt văn hóa Trung Quốc không?” Kissinger đặt câu hỏi. “Tôi không biết. Bản năng của tôi là Không… [Nhưng] tôi tin rằng chúng ta có khả năng ngăn chặn tình huống đó phát sinh bằng sự kết hợp giữa ngoại giao và vũ lực”.

Một phản ứng tự nhiên của Mỹ đối với thách thức về tham vọng của Trung Quốc là thăm dò nó, như một cách để xác định cách duy trì trạng thái cân bằng giữa hai cường quốc. Một cách khác là thiết lập một cuộc đối thoại lâu dài giữa Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc “đang cố gắng đóng một vai trò toàn cầu. Chúng ta phải đánh giá tại mỗi thời điểm xem các khái niệm về vai trò chiến lược giữa 2 quốc gia có tương thích với nhau hay không”. Nếu không, thì câu hỏi về lực lượng sẽ nảy sinh. “Liệu Trung Quốc và Mỹ có thể cùng tồn tại mà không có mối đe dọa chiến tranh toàn diện với nhau không? Tôi đã nghĩ và vẫn nghĩ rằng nó [là có]”. Nhưng ông thừa nhận là việc cùng tồn tại là không được đảm bảo. “Việc này có thể thất bại”, ông nói. “Và do đó, chúng ta phải đủ mạnh về mặt quân sự để chống chọi với thất bại”.

Bài kiểm tra cấp bách là Trung Quốc và Mỹ hành xử như thế nào đối với Đài Loan. Ông Kissinger nhớ lại rằng, trong chuyến thăm đầu tiên của Richard Nixon tới Trung Quốc vào năm 1972, chỉ có Mao mới có thẩm quyền đàm phán về hòn đảo này. “Bất cứ khi nào Nixon đưa ra một chủ đề cụ thể, Mao đều nói, ‘Tôi là một triết gia. Tôi không đối phó với những chủ đề này. Hãy để Chu [Ân Lai] và Kissinger thảo luận về điều này’… Nhưng khi nói đến Đài Loan, ông ấy bày tỏ thái độ rất rõ ràng. Mao nói, ‘Họ là một lũ phản cách mạng. Chúng tôi không cần họ bây giờ. Chúng tôi có thể đợi 100 năm. Một ngày nào đó chúng tôi sẽ yêu cầu họ [phải thống nhất]. Nhưng đó là một khoảng cách xa’”.

Ông Kissinger tin rằng sự hiểu biết được hình thành giữa Nixon và Mao đã bị lật đổ chỉ sau 50 năm trong số 100 năm quan hệ, bởi vì Donald Trump. Trump muốn thổi phồng hình ảnh cứng rắn của mình bằng cách ép Trung Quốc nhượng bộ về thương mại. Về chính sách, chính quyền Biden đã đi theo sự dẫn dắt của ông Trump, nhưng với những lý luận ít ép buộc hơn.

Ông Kissinger sẽ không chọn con đường này đối với Đài Loan, bởi vì một cuộc chiến kiểu Ukraine ở đó sẽ phá hủy hòn đảo này và tàn phá nền kinh tế thế giới. Chiến tranh cũng có thể làm Trung Quốc kém phát triển hơn ở trong nước, và nỗi sợ hãi lớn nhất của các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn là biến động trong nước.

Nỗi sợ chiến tranh tạo cơ sở cho hy vọng. Vấn đề là không bên nào có nhiều cơ hội để nhượng bộ. Mọi nhà lãnh đạo Trung Quốc đều khẳng định mối liên hệ của đất nước mình với Đài Loan. Tuy nhiên, đồng thời, “theo cách mọi thứ đã phát triển hiện nay, việc Mỹ từ bỏ Đài Loan mà không làm suy yếu vị thế của mình ở những nơi khác lại không phải là vấn đề đơn giản”.

Con đường thoát khỏi bế tắc này của Kissinger dựa trên kinh nghiệm thời kỳ đương nhiệm của ông. Ông sẽ bắt đầu bằng cách hạ nhiệt độ, sau đó dần dần xây dựng lòng tin và mối quan hệ công việc. Thay vì liệt kê tất cả những bất bình của mình, Tổng thống Mỹ sẽ nói với người đồng cấp Trung Quốc, “Thưa ngài Chủ tịch, hai mối nguy hiểm lớn nhất đối với hòa bình hiện nay là hai chúng ta. Theo nghĩa là hai chúng ta có khả năng hủy diệt loài người”. Trung Quốc và Mỹ, dù không chính thức công bố bất cứ điều gì, vẫn sẽ tập trung vào mục đích thực hành việc tự kiềm chế.

Không bao giờ là người hâm mộ các bộ máy hoạch định chính sách, ông Kissinger muốn xây dựng một nhóm nhỏ các cố vấn, dễ tiếp cận với nhau, ngầm làm việc cùng nhau. Về cơ bản, không bên nào sẽ thay đổi quan điểm của mình đối với Đài Loan, nhưng Mỹ sẽ quan tâm đến cách Mỹ triển khai lực lượng quân đội của mình và cố gắng không gây ra nghi ngờ rằng họ ủng hộ nền độc lập của hòn đảo này.

Lời khuyên thứ hai của Kissinger dành cho các nhà lãnh đạo đầy tham vọng là: “Xác định các mục tiêu có thể được mọi người ủng hộ. Tìm những phương tiện, những cách thức có thể mô tả được, để đạt được những mục tiêu này”. Đài Loan sẽ chỉ là khu vực đầu tiên trong một số khu vực mà các siêu cường có thể tìm thấy tiếng nói chung và do đó thúc đẩy sự ổn định toàn cầu.

Trong một bài phát biểu gần đây, Janet Yellen, Bộ trưởng Ngân khố Mỹ, gợi ý rằng những điều này nên bao gồm biến đổi khí hậu và nền kinh tế. Ông Kissinger hoài nghi về cả hai. Mặc dù ông là người hành động “tất cả vì” đối với khí hậu, nhưng ông cho rằng việc này không làm được gì nhiều để tạo niềm tin hoặc giúp thiết lập sự cân bằng giữa hai siêu cường. Về kinh tế, mối nguy hiểm là chương trình nghị sự thương mại bị tấn công bởi những kẻ diều hâu, những người không sẵn lòng cho Trung Quốc bất kỳ cơ hội nào để phát triển.

Thái độ tất cả hoặc không có gì này là mối đe dọa đối với việc tìm kiếm sự hòa dịu rộng rãi hơn. Nếu Mỹ muốn tìm cách chung sống với Trung Quốc, thì họ không nên nhắm đến việc thay đổi chế độ chính trị tại nước này. Ông Kissinger dựa trên một chủ đề hiện diện trong suy nghĩ của ông ngay từ đầu. Ông nói: “Trong bất kỳ chính sách ngoại giao ổn định nào cũng phải có một số yếu tố của thế giới thế kỷ 19. Và thế giới thế kỷ 19 dựa trên mệnh đề rằng sự tồn tại của các quốc gia đang cạnh tranh với nhau đều không phải là vấn đề”.

Một số người Mỹ tin rằng một Trung Quốc thất bại sẽ trở nên dân chủ và hòa bình. Tuy nhiên, dù Kissinger muốn Trung Quốc trở thành một nền dân chủ đến mức nào, thì ông cũng không thấy có tiền lệ nào cho kết quả đó. Nhiều khả năng hơn, sự sụp đổ của chế độ cộng sản tại Trung Quốc sẽ dẫn đến một cuộc nội chiến mà sẽ tạo ra cuộc xung đột về ý thức hệ, và chỉ gây thêm bất ổn toàn cầu. Ông nói: “Chúng ta không có lợi gì khi đẩy Trung Quốc đến chỗ tan rã”.

Thay vì đối đầu với Trung Quốc, Mỹ sẽ phải thừa nhận Trung Quốc có lợi ích. Một ví dụ điển hình là Ukraine.

Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, chỉ mới liên lạc với Volodymyr Zelensky, người đồng cấp Ukraine, lần đầu tiên kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm ngoái. Nhiều nhà quan sát đã coi lời kêu gọi của ông Tập là một cử chỉ sáo rỗng nhằm xoa dịu các lãnh đạo châu Âu, những người phàn nàn rằng Trung Quốc quá gần gũi với Nga. Ngược lại, Kissinger coi đó là một tuyên bố về ý định nghiêm túc mà sẽ làm phức tạp thêm chính sách ngoại giao xung quanh cuộc chiến, nhưng cũng có thể tạo ra chính xác các cơ hội để xây dựng lòng tin lẫn nhau giữa các siêu cường.

Ông Kissinger bắt đầu bài phân tích của mình bằng việc lên án tổng thống Nga, Vladimir Putin. “Cuối cùng, thì đó chắc chắn là một sai lầm thảm khốc trong phán đoán của Putin”, ông nói. Nhưng phương Tây không phải là không có lỗi. “Tôi nghĩ rằng quyết định… để ngỏ tư cách thành viên của Ukraine trong NATO là rất sai lầm”. Điều đó gây bất ổn, bởi vì để treo lời hứa về sự bảo vệ của NATO mà không có kế hoạch thực hiện nó đã khiến Ukraine phòng thủ kém ngay cả khi việc vào NATO của Ukraine được đảm bảo sẽ khiến không chỉ ông Putin mà còn nhiều đồng bào của ông tức giận.

Nhiệm vụ bây giờ là kết thúc chiến tranh mà không tạo tiền đề cho các lần xung đột tiếp theo. Ông Kissinger nói rằng ông muốn Nga từ bỏ càng nhiều càng tốt phần lãnh thổ mà họ đã chinh phục vào năm 2014, nhưng thực tế là trong bất kỳ lệnh ngừng bắn nào, Nga có khả năng sẽ giữ lại Sevastopol (thành phố lớn nhất ở Crimea và là căn cứ hải quân chính của Nga trên Biển Đen), ít nhất là như vậy. Một dàn xếp như vậy, trong đó Nga mất một số lợi ích nhưng giữ lại những lợi ích khác, có thể khiến cả Nga và Ukraine đều bất mãn.

Theo quan điểm của ông, đó là một tiền đề cho sự đối đầu trong tương lai. Ông nói: “Theo quan điểm của tôi, những gì người châu Âu đang nói là cực kỳ nguy hiểm. Bởi vì người châu Âu đang nói: ‘Chúng tôi không muốn Ukraine gia nhập NATO, vì điều này là quá mạo hiểm. Và do đó, chúng tôi sẽ vũ trang cho Ukraine và cung cấp cho họ những vũ khí tiên tiến nhất.’” Kết luận của ông rất rõ ràng: “Chúng ta hiện đã trang bị vũ khí cho Ukraine đến mức nước này sẽ là quốc gia được trang bị vũ khí tốt nhất, và lãnh đạo nước này thì có ít kinh nghiệm lãnh đạo và xử lý các vấn đề chiến lược ở châu Âu”.

Để thiết lập một nền hòa bình lâu dài ở châu Âu đòi hỏi phương Tây phải có hai bước nhảy vọt trong trí tưởng tượng. Đầu tiên là để Ukraine gia nhập NATO, như một biện pháp kiềm chế cũng như bảo vệ quốc gia này. Thứ hai là để châu Âu thiết kế một mối quan hệ hợp tác với Nga, như một cách để tạo ra một biên giới phía đông ổn định.

Rất nhiều quốc gia phương Tây sẽ chùn bước trước cả 2 mục tiêu này. Với sự tham gia của Trung Quốc, với tư cách là đồng minh của Nga và là đối thủ của NATO, nhiệm vụ sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Trung Quốc có lợi ích lớn nhất là thấy Nga trỗi dậy nguyên vẹn sau cuộc chiến ở Ukraine. Ông Tập không chỉ có mối quan hệ đối tác “không giới hạn” với ông Putin, mà sự sụp đổ ở Moscow sẽ gây rắc rối cho Trung Quốc bằng cách tạo ra khoảng trống quyền lực ở Trung Á có nguy cơ bị lấp đầy bởi “các cuộc nội chiến kiểu Syria”.

Sau cuộc gọi của ông Tập cho ông Zelensky, ông Kissinger tin rằng Trung Quốc có thể đang định vị mình để làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine. Là một trong những kiến trúc sư của chính sách đưa Mỹ và Trung Quốc chống lại Liên Xô, ông nghi ngờ rằng Trung Quốc và Nga có thể hợp tác tốt với nhau. Đúng là họ có chung mối nghi ngờ với Mỹ, nhưng ông cũng tin rằng họ có bản năng không tin tưởng lẫn nhau. Ông nói: “Tôi chưa bao giờ gặp một nhà lãnh đạo Nga nào nói điều gì tốt đẹp về Trung Quốc. Và tôi chưa bao giờ gặp một nhà lãnh đạo Trung Quốc nào nói điều gì tốt đẹp về Nga”. Họ không phải là đồng minh tự nhiên.

Ông Kissinger nói rằng Trung Quốc đã tham gia giải pháp ngoại giao về Ukraine như là một biểu hiện của lợi ích quốc gia của họ. Mặc dù họ từ chối tán thành việc hủy diệt Nga, nhưng họ công nhận rằng Ukraine nên tiếp tục là một quốc gia độc lập và họ đã cảnh báo chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Trung Quốc thậm chí có thể chấp nhận mong muốn gia nhập NATO của Ukraine. Ông nói: “Trung Quốc làm điều này một phần vì họ không muốn xung đột với Mỹ. Họ đang tạo ra trật tự thế giới của riêng họ, trong chừng mực có thể”.

Lĩnh vực thứ hai mà Trung Quốc và Mỹ cần nói chuyện là AI. Ông nói: “Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của khả năng máy móc có thể gây ra dịch bệnh toàn cầu hoặc các đại dịch khác, không chỉ hạt nhân mà bất kỳ lĩnh vực hủy diệt nào của con người”.

Ông Kissinger thừa nhận rằng ngay cả các chuyên gia về AI cũng không biết sức mạnh của nó sẽ mạnh cỡ nào (dựa trên bằng chứng từ các cuộc thảo luận của chúng tôi, việc nói tiếng Đức một giọng nặng nề vẫn nằm ngoài khả năng của nó). Nhưng ông Kissinger tin rằng AI sẽ trở thành yếu tố then chốt trong an ninh trong vòng 5 năm tới. Ông so sánh tiềm năng đột phá của nó với việc phát minh ra máy in, thứ truyền bá những ý tưởng góp phần gây ra các cuộc chiến tranh tàn khốc trong thế kỷ 16 và 17.

Ông Kissinger cảnh báo: “[Chúng ta đang sống] trong một thế giới bị tàn phá chưa từng thấy. Bất chấp học thuyết rằng con người nên ở trong vòng lặp, vũ khí tự động mà không ai có thể ngăn cản có thể được tạo ra. Nếu nhìn vào lịch sử quân sự, có thể nói, chưa bao giờ vũ khí có thể tiêu diệt hết đối thủ, bởi hạn chế về địa lý và độ chính xác. [Bây giờ] không có giới hạn nào. Mọi đối thủ đều dễ bị tổn thương 100%.”

AI không thể bị xóa bỏ. Do đó, Trung Quốc và Mỹ sẽ cần khai thác sức mạnh quân sự của mình ở một mức độ nào đó, như một biện pháp răn đe. Nhưng họ cũng có thể hạn chế mối đe dọa mà nó gây ra, theo cách mà các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí đã hạn chế mối đe dọa của vũ khí hạt nhân. Ông nói: “Tôi nghĩ chúng ta phải bắt đầu trao đổi về tác động của công nghệ đối với nhau. “Chúng ta phải thực hiện những bước nhỏ hướng tới việc kiểm soát vũ khí, trong đó mỗi bên trình bày cho bên kia những tài liệu có thể kiểm soát được về năng lực”. Thật vậy, ông tin rằng bản thân các cuộc đàm phán có thể giúp xây dựng lòng tin lẫn nhau và sự tự tin cho phép các siêu cường thực hành sự kiềm chế. Bí quyết là các nhà lãnh đạo đủ mạnh mẽ và khôn ngoan để hiểu rằng không được đẩy AI đến giới hạn của nó. “Và nếu mà bạn hoàn toàn dựa vào những gì bạn có thể đạt được thông qua sức mạnh, thì bạn có khả năng sẽ hủy diệt thế giới”.

Lời khuyên thứ ba của Kissinger dành cho các nhà lãnh đạo đầy tham vọng là “hãy liên kết tất cả những điều này với các mục tiêu trong nước của bạn, bất kể chúng là gì”. Đối với Mỹ, điều đó liên quan đến việc học cách trở nên thực dụng hơn, tập trung vào phẩm chất lãnh đạo và hơn hết là đổi mới văn hóa chính trị của đất nước này.

Mô hình tư duy thực dụng của Kissinger là Ấn Độ. Ông nhớ lại một cuộc gặp mà tại đó một cựu quan chức cấp cao của Ấn Độ đã giải thích rằng chính sách đối ngoại nên dựa trên các liên minh ngắn hạn nhằm giải quyết các vấn đề, thay vì ràng buộc một quốc gia trong các cấu trúc đa phương quá lớn.

Cách tiếp cận kiểu giao dịch như vậy sẽ khó được nước Mỹ chấp thuận. Chủ đề xuyên suốt lịch sử hùng tráng về quan hệ quốc tế của ông Kissinger, “Ngoại giao”, là Mỹ khăng khăng mô tả tất cả các lần can thiệp của nó ra bên ngoài như là biểu hiện của vận mệnh rõ ràng của nước Mỹ nhằm tái tạo thế giới theo hình ảnh của chính nó như một thế giới tự do, dân chủ, tư bản chủ nghĩa.

Vấn đề đối với ông Kissinger là hệ quả tất yếu, đó là các nguyên tắc đạo đức thường lấn át lợi ích – ngay cả khi chúng không tạo ra sự thay đổi mong muốn. Ông thừa nhận rằng vấn đề nhân quyền là cần thiết, nhưng không đồng ý với việc đặt chúng vào trung tâm chính sách của Mỹ. Mỹ đang áp đặt các nước khác phải có nhân quyền, nhưng Kissinger nói rằng hay hơn thì Mỹ chỉ nói rằng nhân quyền sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ với Mỹ, nhưng quyết định là của các nước đó.

“Chúng ta đã thử [áp đặt chúng] ở Sudan”, ông nói. “Hãy nhìn vào Sudan bây giờ.” Kissinger nói, thật vậy, việc khăng khăng đòi phải làm điều đúng đắn có thể trở thành cái cớ để không phải suy nghĩ thấu đáo về hậu quả của chính sách. Ông Kissinger lập luận rằng những người muốn sử dụng quyền lực để thay đổi thế giới ngày nay, thường là những người theo chủ nghĩa lý tưởng, và những người theo chủ nghĩa hiện thực tham gia cùng với họ theo bản năng.

Ấn Độ là một đối trọng thiết yếu đối với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, nó cũng có một hồ sơ ngày càng tồi tệ về sự hà khắc trong lĩnh vực tôn giáo, thiên vị trong tư pháp và bịt miệng báo chí. Một ngụ ý – mặc dù ông Kissinger không bình luận trực tiếp – là do đó, Ấn Độ sẽ là phép thử xem liệu Mỹ có thể thực dụng hay không. Nhật Bản sẽ là một phép thử khác. Các mối quan hệ sẽ trở nên căng thẳng nếu, như ông Kissinger dự đoán, Nhật Bản có những động thái nhằm có được vũ khí hạt nhân trong vòng 5 năm tới. Sau khi quan sát các thủ đoạn ngoại giao ít nhiều đã giữ được hòa bình trong thế kỷ 19, ông trông cậy vào Anh và Pháp để giúp Mỹ suy nghĩ một cách chiến lược về cán cân quyền lực ở châu Á.

2. Cần các lãnh đạo bản lĩnh lớn

Lãnh đạo cũng sẽ quan trọng. Ông Kissinger từ lâu đã tin vào sức mạnh của các cá nhân. Franklin D. Roosevelt đủ tầm nhìn xa để chuẩn bị cho một nước Mỹ theo chủ nghĩa biệt lập đối mặt với điều mà ông coi là cuộc chiến không thể tránh khỏi chống lại các cường quốc phe Trục. Charles de Gaulle đã mang đến cho nước Pháp niềm tin vào tương lai. John F. Kennedy đã truyền cảm hứng cho một thế hệ người Mỹ. Otto von Bismarck đã tạo ra sự thống nhất nước Đức, và cai trị bằng sự khéo léo và kiềm chế—chỉ khiến nước Đức của ông không chống nổi cơn sốt chiến tranh sau khi ông bị lật đổ.

Ông Kissinger thừa nhận rằng tin tức 24 giờ và mạng xã hội khiến phong cách ngoại giao của ông trở nên khó khăn hơn. Ông nói: “Tôi không nghĩ một Tổng thống ngày nay có thể cử một phái viên với những quyền hạn mà tôi từng có. Nhưng ông lập luận rằng băn khoăn về việc liệu một con đường phía trước có khả thi hay không sẽ là một sai lầm. “Nếu bạn nhìn vào những nhà lãnh đạo mà tôi tôn trọng, họ đã không hỏi câu hỏi đó. Họ chỉ hỏi, ‘Có cần thiết hay không?’”

Ông nhớ lại tấm gương của Winston Lord, một nhân viên của ông trong chính quyền Nixon. “Khi chúng tôi can thiệp vào Campuchia, Lord muốn bỏ cuộc. Và tôi nói với anh ấy, ‘Bạn có thể bỏ cuộc và diễu hành quanh nơi này mang theo một tấm biểu ngữ. Hoặc bạn có thể giúp chúng tôi giải quyết chiến tranh Việt Nam’. Và Lord đã quyết định ở lại… Điều chúng tôi cần [là] những người đưa ra quyết định đó—rằng họ đang sống trong thời đại này, và họ muốn làm điều gì đó thay vì cảm thấy tiếc cho chính họ”.

Lãnh đạo phản ánh văn hóa chính trị của một quốc gia. Ông Kissinger, giống như nhiều đảng viên Đảng Cộng hòa, lo ngại rằng nền giáo dục Mỹ chỉ tập trung vào những thời khắc đen tối nhất của nước Mỹ. Ông nói: “Để có được tầm nhìn chiến lược, bạn cần có niềm tin vào đất nước của mình”. Nhận thức chung về giá trị của nước Mỹ đã bị mất.

Ông Kissinger cũng phàn nàn rằng các phương tiện truyền thông thiếu ý thức về tỷ lệ và khả năng phán đoán. Khi ông còn đương chức, báo chí tỏ ra thù địch với ông, nhưng ông vẫn đối thoại với họ. “Họ khiến tôi phát điên”, ông nói. “Nhưng đó là một phần của trò chơi…họ chơi sòng phẳng”. Ngược lại, ngày nay, ông nói rằng các phương tiện truyền thông không có động cơ để phản ánh. “Chủ đề của tôi là sự cần thiết của sự cân bằng và điều độ. Thể chế hóa điều đó. Đó là mục tiêu”.

Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất là bản thân hệ thống chính trị. Khi ông Kissinger đến Washington, các chính trị gia của hai đảng thường dùng bữa tối cùng nhau. Kissinger có quan hệ thân thiện với George McGovern, một ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ. Ông tin rằng đối với một cố vấn an ninh quốc gia từ phía bên kia, điều đó khó có thể xảy ra vào ngày nay. Gerald Ford, người lên nắm quyền sau khi Nixon từ chức, là kiểu người mà các đối thủ có thể dựa vào để hành động đàng hoàng. Ngày nay, bất kỳ mưu mẹo bẩn thỉu nào cũng được coi là chấp nhận được.

“Tôi nghĩ Trump và bây giờ là Biden đã đẩy [sự thù địch] lên hàng đầu”, ông Kissinger nói. Ông lo ngại rằng một tình huống như Watergate có thể dẫn đến bạo lực lan rộng và nước Mỹ thiếu đi người lãnh đạo. “Tôi không nghĩ Biden có thể mang lại nguồn cảm hứng và… Tôi hy vọng rằng đảng Cộng hòa có thể nghĩ ra ai đó tốt hơn”, ông nói. “Đó không phải là một khoảnh khắc tuyệt vời trong lịch sử,” Kissinger than thở, “nhưng lựa chọn thay thế là sự thoái vị hoàn toàn”.

Ông tin rằng nước Mỹ rất cần tư duy chiến lược dài hạn. “Đó là thách thức lớn của chúng ta mà chúng ta phải giải quyết. Nếu không, những dự đoán về sự thất bại sẽ được chứng minh là đúng”.

Nếu thời gian là quá ngắn và thiếu sự lãnh đạo, thì triển vọng cho Trung Quốc và Mỹ tìm cách chung sống hòa bình ở đâu?

“Tất cả chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta đang ở trong một thế giới mới”, ông Kissinger nói, “vì bất cứ điều gì chúng ta làm đều có thể sai lầm. Và không có con đường đi nào là đảm bảo đúng cả”. Mặc dù vậy, ông cho rằng vẫn còn hy vọng. “Hãy nhìn xem, cuộc sống của tôi rất khó khăn, nhưng nó tạo cơ sở cho sự lạc quan. Và khó khăn—nó cũng là một thử thách. Nó không phải lúc nào cũng là một trở ngại”.

Ông nhấn mạnh rằng nhân loại đã có những bước tiến dài. Đúng là tiến bộ thường xảy ra sau hậu quả của xung đột khủng khiếp—chẳng hạn như sau Chiến tranh Ba mươi năm, chiến tranh Napoléon và chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ có thể cho kết quả khác. Lịch sử cho thấy rằng, khi hai cường quốc thuộc loại này chạm trán nhau, kết quả bình thường là xung đột quân sự. “Nhưng đây không phải là một tình huống bình thường”, Kissinger lập luận, “vì cả hai bên đều đảm bảo có khả năng tiêu diệt lẫn nhau.Và thêm trí tuệ nhân tạo nữa”.

“Tôi nghĩ rằng bạn có thể tạo ra một trật tự thế giới trên cơ sở các quy tắc mà Châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ có thể tham gia. Đó đã là một phần tốt đẹp của nhân loại… Vì vậy, nếu bạn nhìn vào tính thực tế của nó, nó có thể kết thúc tốt đẹp — hoặc ít nhất nó có thể kết thúc mà không có thảm họa”.

Việc này là nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo của các siêu cường ngày nay. Ông Kissinger giải thích: “Immanuel Kant nói rằng hòa bình sẽ xảy ra nhờ sự hiểu biết của con người hoặc do một số thảm họa. Kant nghĩ rằng nó sẽ xảy ra thông qua lý trí, nhưng ông ấy không thể đảm bảo điều đó. Đó ít nhiều là những gì tôi nghĩ”.

Do đó, các nhà lãnh đạo thế giới phải gánh một trách nhiệm nặng nề. Họ đòi hỏi sự thực tế để đối mặt với những nguy hiểm phía trước, tầm nhìn để thấy rằng một giải pháp nằm trong việc đạt được sự cân bằng giữa các lực lượng của các quốc gia, và sự kiềm chế để không sử dụng tối đa sức mạnh tấn công của họ. Ông Kissinger nói: “Đó là một thách thức chưa từng có và một cơ hội tuyệt vời”.

Tương lai của nhân loại phụ thuộc vào làm các việc đúng. Vào giờ thứ tư của cuộc trò chuyện trong ngày, và chỉ vài tuần trước lễ kỷ niệm sinh nhật 100 tuổi của mình, ông Kissinger nói thêm với một cái nháy mắt đặc trưng, “Chắc tôi cũng không còn sống đến lúc được chứng kiến điều đó đâu”.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Tên này về già trở thành một chuyên gia “chồn lùi”, nói rõ hơn là bàn lùi miễn
    là làm thiên hạ phía tư bản mất hết ý chí chiến đấu chống lại một ác qủy chính
    trị thời đại là Tàu cộng để ông ta được “giải phóng” trước khi về địa ngục !
    Những nhận định chủ quan đại loại kiểu như Hitler cần chiến tranh còn Tàu cộng
    thì không cần ? Nghe rất hợp “khẩu vị” phương Tây mà hiện thời chỉ thích hưởng
    thụ với đủ thứ ăn chơi hoang đàng, trụy lạc,do đó họ có tâm lý sợ chết qúa mức
    bình thường, trái với giai cấp vô sản liêu mình khi bị xúi đi làm cách mang” vì bao
    nhiêu lợi quyền về tay mình và vì…”điếc không sợ súng” ?
    Marx từng bàn về “Sự khốn cùng của triết học” và người viết nào có tư tưởng CS.
    thì nên bắt chước ông ta mà viết “Sự khốn cùng của phương Tây” khi xúm lại để
    nghe một lão già sắp xuống huyệt “lên lớp” dạy dỗ ?

  2. Hai quân sư quạt mo Hoa Kỳ gốc Ba Lan và Đức trong chính sách đối ngoại Chiến tranh Lạnh đã sai lầm khi chọn Tàu để Ngày nay vấn nạn khủng khiếp khó giải gấp ngàn lần cho Nhân loại …. chưa kể là để bọn Ngô Cẩu thành tên ăn cắp vĩ đại trong lịch sử nhân loại như OBAMA và TRUMP đã nói mỗi năm sử dụng ăn lận sở hữu trí tuệ MỸ 600.000.000.000 gần gấp 3 lần GDP Việt Nam
    CHÍNH RA phải tiếp cận với NGA hơn là với Tàu …hoặc không mua chuộc thằng nào thì 1989 LIÊN XÔ cũng sụp đổ từ bên trong VÀ Tàu cộng vẫn khố rách áo ôm với ĐẠI NHẢY VỌT mỗi gia đình chú tho òng ả xẩm là 1 NHÀ MÁY LUYỆN KIM LUYỆN THÉP … thì Thế giới đâu đến nỗi DÂU BỂ TANG THƯƠNG với cái Toàn cầu hóa NẶC MÙI tương Tàu đầy thảm họa cho Loài Người

    TRÍCH

    Tuy nhiên, ông Kissinger cũng cảnh báo không nên hiểu sai tham vọng của Trung Quốc. Ở Washington, “Họ nói rằng Trung Quốc muốn thống trị thế giới… Câu trả lời là họ [Trung Quốc] muốn trở nên hùng mạnh”, ông nói. Ông nói: “Họ không hướng tới sự thống trị thế giới theo nghĩa của Hitler. Đó không phải là cách họ nghĩ hoặc đã từng nghĩ về trật tự thế giới”.

    HẾT TRÍCH

    THẬT QUẢ ngây thơ của lão ông 100 tuổi về Trun..g C..uốc Đại Hán Đỏ !!!!

    Chính 2 tên quân sư quạt mo Hoa Kỳ gốc Ba Lan và Đức trong chính sách đối ngoại Chiến tranh Lạnh đã sai lầm khi chọn Tàu để Ngày nay vấn nạn khủng khiếp khó giải gấp ngàn lần cho Nhân loại …. chưa kể là để bọn Ngô Cẩu thành tên ăn cắp vĩ đại trong lịch sử nhân loại như OBAMA và TRUMP đã nói mỗi năm sử dụng ăn lận sở hữu trí tuệ MỸ 600.000.000.000 gần gấp 3 lần GDP Việt Nam

    Hitler trông vậy mà còn văn hóa hơn Mao Xếnh Xáng !!! Một tên thâm hiểm như HÀN TÍN luồn trôn tên hàng thịt thì MAO đã kiên nhẫn hơn hai tuần ăn nằm lì lợm để được Stalin tiếp đón như Đặng Tiểu Bình qua nhờ Thầy Mỹ bưng bô cỡi ngựa đội mũ cao bồi …. để được Thầy Mỹ giúp 4 HIỆN ĐẠI HÓA …xong rồi ăn cháo đái bát giết THÂY hiếp CÔ đ…SƯ MUỘI

    Tên Mao Xếnh Xáng đại bịp thâm hiểm LỢI DỤNG những bọn ngáo chính trị TỰ NGUYỆN LÀM TAY SAI trong thế giới thứ 3 mà Mao Xếnh Xáng tô bánh vẽ ra để đánh thực dân đế quốc CỨU Tàu cộng như vịt cộng …giờ lại đẩy PUTIN ra tiền tuyến khiến Nga rơi vào vòng quỹ đạo Tàu cộng làm tên lính đánh thuê cho vài chục ngàn NÓN CỐI mũ tai bèo AK47 thì ngày nay TÀU mua cực rẻ dầu khí Nga và các khoáng chất cực hiếm cũng như tiếp cận vũ khí siêu thanh cực kỳ hiện đại và chưa kể NGA là thị trường tiêu thụ hàng hóa khổng lồ từ nhà máy sản xuất Thế giới !!!!
    Nhưng may thay dự trình Hội nghị G7 tại HIROSHIMA vấn đề TRUNG C..UỐC vẫn là hàng đầu

    May thay CÓ LẼ chủ nhà Nhật Bản hiểu hơn AI hết người láng giềng tử tế TRUNG C..UỐC
    Sắp xếp chương trình nghị sự và hy vọng Bác Dâu Tây ngủ gật NHƯNG VẪN CÒN MINH MẪN chắc cũng nghe theo
    Tiện đây nhắc khéo Tể tướng Fạm minh Chính nên làm cú ngoạn mục như BÙI TÍN chuồn lại và cố gắng cổ vũ vào NATO phương TÂY và vào NATO phương ĐÔNG

    https://universite-digitale1.com/wp-content/uploads/2018/05/MeVietNam.jpg
    TỶ LƯƠNG DÂN

    • Sau khi Nixon bị ép phaỉ từ chức Tổng Thống Mỹ năm 1974, Henry Kissinger rời chính trường nhưng không rời chính tṛi, lập cty tư vấn đầu tư vaò Trung Cọng, y là một đầu mối quan trọng trong phong traò toàn cầu hoá – globalization để các công ty Mỹ mà chủ yếu là cuả người Mỹ gốc Do Thái chuyển nhà máy, hoạt động qua Trung Cọng – outsourcing, nhờ đó thu nhập hàng tỉ USD. Kissinger trở thành một loại thượng khách cuả Trung Cọng cho đến nay. Y có quyền lợi cá nhân, dĩ nhiên phaỉ baỏ vệ. Cốt lõi tư tưởng chính tṛi cuả Henry Kissinger là lý thuyết chính tṛi thực dụng cuả Đức – realpolitik, được khởi xướng từ Đức giưả và cuối thế kỷ 19, từ ngữ được ludwig von Rochau khởi xướng và dùng đến ngaỳ nay. Môn học chính cuả Kissinger thời y ta dạy ở Harvard, từ trước khi tham gia vô chính quyền triều đại Nixon. Realpolitik là tiếp nối cuả chính tṛi bá đạo do một chính khách Ý Đại Lợi – Italia tên là Niccolo Machiavelli khởi xướng trong tác phẩm The Prince – Vị Quân Vương thời Phục Hưng, nước Ý trong tình trạng tranh chấp quyền lực cuả giới quân chủ thị quốc – kiểu 12 sứ quân ở nước ta thế kỷ thứ 10 sau công nguyên – do đó thứ chính tṛi đó được mệnh danh là machiavellism. Theo đó cả machiavellism lẫn realpolitik chủ trương moị phương pháp, biện pháp chính tṛi dưạ trên cốt lõi là quyền lợi, bất chấp phương pháp và đạo đức, luân lý, miễn saọ nó hiệu quả và mang lại lợi ích là được.

      Hiểu như thế thì biết được moị tư tưởng, chủ trương và phương pháp cuả Henry Kissinger. Y ta có thể không thực tế, thậm chí sai lầm gây hậu quả cho đồng minh, bạn bè thậm chí nước Mỹ, nhưng đối với quyền lợi cuả bè phái, cá nhân cuả y ta thì không bao giờ thiệt thòi.

      Không những chỉ những nạn nhân cuả chính tṛi kiểu bá đạo Henry Kissinger bất mãn, căm phẩn y ta trong chính sách ngại giao cuả Mỹ thời y ta còn tham chính mà nhiều trí thức phương Tây một đại biểu là nhà baó Mỹ gốc Anh Christopher Hitchens trong tác phẩm: “The Trial of Henry Kissinger” – Vụ Án Henry Kissinger – đã kêu goị truy tố y ta về: “Tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại, những vi phạm chống lại quy tắc hành xử hay luật quốc tế bao gồm cả hành vi âm mưu giết người, bắt cóc, và tra tấn” – “for war crimes or crimes against humanity, and for offenses against common or customary or international law, including conspiracy to commit murder, kidnap, and torture”

      • Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn – ĐÂY là tên chính trị gia cơ hội hoạt đầu loại juda bán Chúa Chính hắn đã làm suy sụp NƯỚC MỸ VĨ ĐẠI thời Hậu chiến sau Thế chiến Hai Chính hắn là siêu trùm nhà nước ngầm tàn sát Tiềm năng Nước Mỹ cùng với bọn Tàu cộng vô cùng thâm hiểm …. Nhưng Nước Mỹ đang vùng dậy thay đổi nội tình Nước Mỹ vì vậy tên lưu manh chính trị tự hạ mình bưng bô cho Tàu cộng vì đầu óc thực dụng đã ám hại Nước Mỹ từ 1972 … Chính vậy hắn rất căm thù TT Trump là điều dễ hiểu !!!!

        Tình hình Thế giới Âu-Mỹ đang đổi chiều cần thanh lọc bọn cặn bã đại tội phạm chống Nhân loại từ Âu châu qua Mỹ châu nhất là Bắc Mỹ bằng chứng cựu TT Pháp Sạc cô Sạc cậu Sạc bà vẫn y án tại Toà phá án mới đây xử lại vụ án năm 2021 vẫn y án tù giam 1 năm và 2 năm tù treo lần đầu tiên trong Pháp sử án tù giam thật cho cấp cao nhất bằng đeo vòng xích điện tử giam tại nhà dành cho chính trị gia cơ hội hoạt đầu THAM NHŨNG CHÍNH TRỊ loại juda bán Chúa Chính hắn đã làm suy sụp NƯỚC PHÁP VĨ ĐẠI

        Hy vọng tên lưu manh 100 tuổi đã bán đứng Đồng minh VNCH năm 1973 tại Hòa đàm Paris phải bị kết án như tên lưu manh chính CHỊ chính EM cặcla vì hắn gây bao thảm họa cho cả Dân tộc Việt Nam từ Nam ra Bắc với chính sách thực dụng vô loại bán cả PHẬT lẫn CHÚA cùng LÝ TƯỞNG DÂN CHỦ TỰ DO mở đường cho Tàu cộng làm bá vương …. Kẻ thù tiềm ẩn của Nước Mỹ Vĩ đại, Thế giới Tự do Lý tưởng cao cả và Nhân loại Tiến bộ đã nhận diện ra chúng như AN DƯƠNG VƯƠNG Thục Phán đã chém đầu Công chúa Mỵ Nương vì đã nghe KẾ QUỶ của thằng chệt TRỌNG THUỶ đánh tráo NỎ THẦN như 15.000.000 kỹ sư công nghệ cấp cao do MỸ đào tạo cho Tàu từ khi Đặng Tiểu Bình qua Mỹ đã rút ruột phá toang Công nghệ An ninh HOA KỲ

        https://universite-digitale1.com/wp-content/uploads/2018/05/MeVietNam.jpg
        TỶ LƯƠNG DÂN

Leave a Reply to Choi Song Djong Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây