GS Võ Tòng Xuân: Người nông dân đứng thấp nhất trong chuỗi giá trị lúa gạo, sao nói họ hưởng lợi 100%?

Dân Việt

An Linh phỏng vấn GS Võ Tòng Xuân

31-3-2023

Lời bình của kỹ sư Phạm Phan Long, sáng lập Hội Sinh Thái Việt, dành cho độc giả Tiếng Dân: Các bài báo trong nước tương tự như bài này, công bố rất nhiều số liệu nhưng rất ít thông tin. Chi phí sản xuất thóc theo GS Võ Tòng Xuân là 4000 đ/kg bán được 6650 đ/kg, lời 2650 đ/kg thóc. Gạo xay ra từ thóc được 60%, nông dân lời 4416 đ/kg gạo. Giá gạo thị trường theo bài báo từ 15000 tới 45000 đ/kg. Vậy nông dân chỉ hưởng được 9.8% tới 29% giá gạo thị trường. Đó mới là thông tin cần thiết để thấy rõ giá thóc quá thấp trong khi VINAFOOD không bỏ vốn hay chi phí sản xuất nhưng lại thụ hưởng 70% tới 90% giá gạo. Đúng là độc quyền thu mua hạnh phúc!

***

“Người nông dân đang chịu thiệt thòi, đứng thấp nhất trong chuỗi giá trị lúa gạo tại sao nói họ có lợi nhuận 100%?”, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia về lúa gạo của Việt Nam đặt câu hỏi cho Bộ Công Thương?

Sao lại nói người nông dân hưởng lợi nhuận 100% giá thóc?

Bộ Công Thương mới có báo cáo Chính phủ về kết quả xuất khẩu gạo năm 2022 và hướng xuất khẩu gạo năm 2023, đáng chú ý trong đó có nhận định liên quan đến giá bán thóc của người nông dân đang có lợi nhuận trên 100%.

Bộ Công Thương dẫn giá thành sản xuất bình quân thóc của Bộ Tài chính công bố là hơn 3.219 đồng/ kg, nhưng giá thóc bán trên thị trường hiện là 6.650 đồng/ kg, Bộ này nhận định mức giá này giúp người nông dân có lợi nhuận trên 100%.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia về lúa gạo Việt Nam. Ảnh: Huỳnh Xây/ DT

Thưa GS Võ Tòng Xuân, trong báo cáo của Bộ Công Thương, cơ quan này dẫn giá thành sản xuất bình quân thóc của Bộ Tài chính công bố là hơn 3.219 đồng/ kg, nhưng giá thóc bán trên thị trường hiện là 6.650 đồng/ kg, Bộ này nhận định mức giá này giúp người nông dân có lợi nhuận trên 100%. Đứng ở góc độ người nghiên cứu nhiều năm về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, ông tiếp nhận quan điểm này như thế nào?

– Tôi xuống nói chuyện với bà con nông dân, họ nói giá lúa như vậy nhưng đâu có lời 100% đâu?

Giá thành 1 kg thóc, mỗi nơi mỗi tính một khác nhau, cái mà cơ quan Nhà nước chưa tính hết là khấu hao sản xuất và chi phí. Công lao động của người nông dân họ không tính, họ chỉ tính phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy dụng cụ làm đất, công cụ để gặt hái, phun thuốc bây giờ sử dụng máy bay không người lái (drone)… Mới chỉ tính này thôi, còn công người nông dân chưa được tính vào đó.

Vấn đề ở đây, tôi nghĩ phân bón và thuốc trừ sâu và chi phí nhân công trong sản xuất lúa gạo hiện nay rất cao, nếu tính chi phí giá thành sản xuất bình quân của Bộ Tài chính chỉ hơn 3.200 đồng/ kg không hiểu họ tính như thế nào? Nếu cộng trừ đơn giản thôi, giá phân bón, thuốc trừ sâu đang cao như hiện nay thì giá bán thóc cũng chiếm gần hết giá này.

Đấy là chưa kể tiền vay ngân hàng cũng phải trả lãi, người tính 3.219 đồng/ kg không biết họ có đưa hết những chi phí mà người nông dân bỏ ra hay chưa? Tôi thấy chưa đúng và chưa sát với tình hình sản xuất hiện nay.

Vậy, theo ông hiện nay giá thóc sản xuất bình quân hiện nay phải là bao nhiêu mới hài hoà, tính hết chi phí của người nông dân?

– Giá lúa luôn phải cao hơn giá thành sản xuất, đó là nguyên tắc. Giá thành sản xuất phải tính cho đầy đủ chi phí và công lao động vào giá thành. Với mức thấp nhất, tôi nghĩ giá thành sản xuất bình quân phải hơn 4.000 đồng/kg thóc, không thể có giá hơn 3.200 đồng được.

Và mức giá chỉ hơn 3.200 đồng/ kg thì làm gì ra được? Có nước nào giá thóc rẻ như Việt Nam không? Nếu tính giá thóc bình quân 4.000 đồng/ kg, so với giá bán hiện nay như Bộ Công Thương công bố là hơn 6.650 đồng, giá người nông dân được lời cũng chỉ rất thấp so với mức chi phí họ bỏ ra và công sức.

Trong khi đó, giá gạo bán ra hiện nay, mức thấp nhất cũng phải 15.000 đồng/ kg, cao nhất là hơn 45.000 đồng/ kg. Vậy, nếu so sánh, giá gạo đã gấp gần 3 lần so với giá thóc của người nông dân bán ra. Vậy giá trị gia tăng từ chuỗi thóc sang gạo ai được lợi hơn cả, rõ ràng là doanh nghiệp chế biến, say sát và đóng gói.

Báo cáo nhận định người nông dân được lợi 100% giá thóc của Bộ Công Thương đang khiến dư luận phản ứng. Ảnh: Viết Niệm

Người nông dân tạo ra hạt gạo, một nắng hai sương và không nhiều người giàu lên bằng hạt gạo. Đa số người dân chỉ trồng lúa ở mức đủ ăn, chu cấp cho gia đình và bán đi phần còn thừa để trang trải cuộc sống.

Khá nhiều người bất bình, không tán thành với cách đánh giá trên của Bộ Công Thương cũng như cách thức điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua, trong đó có việc giới hạn xuất khẩu gạo?

– Nếu tôi là Nhà nước, giá thóc bán hơn 6.650 đồng/ kg, để có giá gạo bán buôn bình quân là 500 USD/tấn (tương đương hơn 11.500 đồng/kg), giá gạo bán lẻ hiện nay khoảng từ 15.000 đồng đến giá loại đắt nhất hơn 45.000 đồng/kg thì giá thóc bán với giá 6.650 đồng/ kg kia bán ra vẫn còn thấp.

Phải làm sao để người nông dân được lời nhiều hơn trong chuỗi giá trị hạt gạo. Lúc này là lúc phải tính kinh tế cho người nông dân, đừng để họ mãi chịu thiệt, phải tuân thủ kinh tế thị trường… cung nhiều, cầu ít thì giá rớt, còn cung ít hoặc vẫn vậy, mà cầu nhiều quá thì giá cao.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Không sao đâu . Bài của Ngô Thế Vinh thổi ống đu đủ ông Võ Tòng Xuân có chụp hình cạnh Thủ tướng Võ Văn Kiệt . Ổng là người, theo Huy Đức, tạo ra “hành lang pháp lý” để chuyện bóc lột nông dân đến tận xương tủy xảy ra .

    Thành Quả Thật Sự Của Đổi Mới . Bình thường thui

  2. Câu chuyện là Ai được quyền bán Thóc Gạo ra nước ngoài, rất đơn giản, chỉ có công ty “sân sau” mới có quyền ấy, cứ xem việc bán Café khi chưa cho bọn “giãy chết” vào mua và sau khi bọn “giãy chết” vào mua, là hiểu.

Leave a Reply to Mai Cuốc Xẻng Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây