Thử nhìn thẳng vào các phong trào khuyến đọc trong thời gian qua

Thái Hạo

21-3-2023

Tôi từng tâm huyết và bắt tay xây dựng thư viện cho trường. Sách tôi có thể mua hay kêu gọi được, chỉ sợ không có chỗ chứa! Tổ chức thuyết trình, trao đổi về từng cuốn sách cũng có thể làm, không khó. Nói thật hay về những cuốn sách giá trị, cũng ok. Tất cả những cái đó, dù không thể phủ nhận ý nghĩa của chúng, nhưng phải thú nhận rằng, chỉ là “chống cháy”, là vá víu, vì thiếu một “cơ chế” để vận hành mang tính đồng bộ và hệ thống.

Nhiều người than phiền với tôi rằng, thấy giáo viên bây giờ hầu như không đọc sách, họ chỉ có sách giáo khoa và vài cuốn “để học tốt”, dạy từ năm này qua năm khác. Và không đọc gì thêm. Tôi bổ sung: sinh viên cũng vậy; và giải thích rằng, vì chương trình và thi cử suốt hàng chục năm qua không đòi hỏi giáo viên phải đọc sách, họ chỉ việc thuộc bài và lên lớp nói lại cho học sinh. Giảng thêm hay nói rộng ra có khi mang họa vào thân, nếu không “làm loãng kiến thức” khiến học trò thi đạt kết quả không cao. Đó là giáo viên mà còn thế, thì học sinh lại càng không có nhu cầu. Tệ hại hơn, vì chỉ có một nhỏn kiến thức gói gọn trong sách giáo khoa như là một thứ kinh thánh không có quyền nghi ngờ, nếu có học sinh nào dám “hỏi lại” thì còn dễ bị ghét, bị nhìn bằng ánh mắt không thân thiện.

Nếu bây giờ có những thầy cô giáo hiểu được giá trị và ý nghĩa to lớn của sách mà nỗ lực trong việc khuyến đọc thì sẽ thế nào? Khó khăn trăm bề. Đầu tiên là về thời gian. Học sinh học sáng – chiều – tối với 2 buổi ở trường và “chạy sô” qua các trung tâm và nhà thầy cô giáo để học thêm tới khuya mới về tới nhà – nơi đó có một núi bài tập đang đợi các em trên bàn học. Thời gian đâu mà đọc sách, và đọc để làm gì!

Trong một hệ thống giáo dục mà việc học thêm nhiều hơn học chính; khốn khổ là học thêm cũng chỉ là học lại chương trình chính khóa, cốt sao để thi cho được điểm to, thậm chí chỉ để để hiểu bài, thuộc bài trên lớp, thì việc đọc sách là vừa không có điều kiện vừa không thật sự cần thiết cho thi cử.

Con người ta lớn lên không phải bởi một mục đích ở 5 năm, 10 năm hay 20 năm phía trước, mà bởi mục tiêu hàng ngày. Một nền giáo dục phải được thiết kế làm sao để việc đọc sách gắn chặt với chương trình, với thi cử, với điểm số, với việc công nhận giá trị cá nhân – chứ không phải là một việc tranh thủ, một thứ phụ kiện, thậm chí một món trang sức. Ở đây, quan trọng hơn cả việc đọc sách là tư duy. Tư duy phải được kích thích và ghi nhận, quan điểm phải là một tài sản cá nhân làm nên giá trị của người học.

Không thể không ghi nhận sự nỗ lực của những người đang cố gắng khuyến đọc trong học đường, tuy nhiên cũng cần nhìn thẳng vào thực tế để thấy đa số thất bại hay ít nhất không đạt được hiệu quả mong muốn. Điều này nói ra có vẻ tàn nhẫn nhưng không thể cứ an ủi vỗ về nhau mãi.

Tôi đã trực tiếp làm và tôi hiểu những khó khăn đó là gì, nút thắt ở đâu, tháo gỡ thế nào. Tất nhiên, đó không phải là công việc mà một giáo viên chỉ có thẩm quyền dạy học theo sách giáo khoa có thể làm được.

Mục đích, cách thức tổ chức dạy học trong nhà trường, cho đến nay, vẫn là kiến thức (không phải năng lực). Mà kiến thức lại là thứ kiến thức soạn sẵn, bày biện lên bàn, việc của cả thầy và trò là tiêu hóa chúng. Muốn việc đọc sách thật sự đi vào hệ thống giáo dục quốc dân thì phải điều chỉnh chương trình, tổ chức thi cử theo hướng đánh giá năng lực… Phải làm ra một guồng máy giáo dục mà ở đó nếu không đọc sách thì kết quả học tập chắc chắn không cao. Chỉ đến lúc đó, sự đọc mới trở thành tự giác, vì nó được biến thành cái cuốc trong tay nông dân, cái kìm trong tay thợ máy, không sử dụng thì không thể làm việc được. Chương trình 2018 lấy năng lực làm mục tiêu, nhưng nhìn cái cách thiết kế và vận hành của nó, khó mà có đủ lạc quan để tin vào điều đó.

Tóm lại, nếu không thể bắt đầu từ chính phủ (bộ giáo dục) thì mỗi trường học phải ý thức sâu sắc được điều trên đây, để tiến hành tổ chức dạy học theo hướng phát triển năng lực mà ở đó thư viện trở thành trung tâm, bề thế, trở thành một mắt xích trọng yêu trong tổ chức dạy học và vì thế buộc phải hoạt động thật sự.

Tổ chức các buổi nói chuyện, năm thì mười họa mời một ông A bà B về, “sinh hoạt” trong vài chục phút của buổi chào cờ đầu tuần, còn thư viện thì vẫn lèo tèo vài cuốn sách, cửa thì im ỉm khóa, và mỗi lần mở ra thì đầy bụi bặm cùng mạng nhện, như thế chỉ là hình thức, là lớp son phấn mỏng, vừa tốn tiền trả cho diễn giả, vừa làm ra một bằng chứng hùng hồn về việc nói suông, nói không đi đôi với làm.

Đọc sách trong học đường, cũng như việc tổ chức và điều hành xã hội, không phải duy ý chí mà được. Không phải cứ khen hay lắm, tốt lắm, bổ ích lắm là người ta sẽ cầm sách lên và đọc say sưa. Nó (nền giáo dục) cần được thiết kế theo đúng tính chất của một cỗ máy, vận hành trên các nguyên tắc thực tiễn và khoa học. Tất nhiên, trong điều kiện hiện nay khi lý tưởng đó còn xa vời thì nỗ lực của từng cá nhân, từng nhà trường là rất quan trọng. Nhưng dù sao, sách vở phải được tiêu thụ như một loại hàng hóa, vận hành theo quy luật cầu – cung. Cái cầu ấy, phải do bản thân nền giáo dục thiết kế ra, phải do các nhà trường triển khai và các thầy cô giáo tổ chức thực hiện trong từng tiết dạy, gắn chặt với phát triển năng lực và kiểm tra đánh giá.

Bất cứ ai quên đi điều này thì hoặc là ngây thơ, hoặc thiếu trung thực. Trong khi nỗ lực khuyến đọc thì không bao giờ nên quên việc đòi hỏi nhà nước phải thay đổi cái gốc đã phát sinh ra vấn đề (lười đọc); hay ít nhất là truyền đến công chúng cái hiểu biết và ý thức ấy (Giản Tư Trung là nhà giáo dục đang làm điều này và mang lại nhiều ý nghĩa lớn cho xã hội). Bằng không, thì cũng chỉ là buôn bán sách được dán một cái nhãn rất đẹp. Nên sòng phẳng.

* Xin lưu ý, không mang cá nhân/cá biệt ra để biện minh cho cả một nền giáo dục 20 triệu người học, ở đây tôi nói trên tổng thể và đại thể.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Mọi bài viết và mọi bình luận cụ thể về GD đều nằm gọn trong kết luận của cụ Hoàng Tụy: GD nước ta bị lạc đường.
    Lạc hậu chưa đáng sợ, chỉ cần tăng tốc để đuổi kịp.
    Nhưng lạc đường thì càng tăng tốc lại càng… “bỏ mẹ”.
    Bốn đời bộ trưởng GD (từ Phạm Minh Hạc) đến đời thứ năm (Kim Sơn) cứ kiên quyết lạc dường… Họ được chọn làm bộ trưởng chính là để lạc đường.
    Lỗi của họ là chấp nhận lái xe lạc đường để được làm bộ trưởng.
    Bởi vì, đây là sự lạc đường từ gốc (chọn chủ nghĩa CS) trách gì GD không lạc đường??
    Xin các vị viết bài và comment hãy làm bật tung cái gốc này. Đó là khai dân trí. Phải nhằm vào 20 triệu học sinh.
    Muốn vậy, TiengDan – ngoài những bài thời sự – cần có những bài khác.
    Đây không phải chỗ nói dài dòng

  2. Nhóm mấy vị Hà Sĩ Phu,Vương Tris Nhàn …bàn về giáo dục đã nói : các trưởng học Vn chỉ để dạy nghề , (nhất là) bậc Đai học chi có thể THUÊ GIÁO SƯ và DÙNG GIÁO TRÌNH NƯỚC NGOÀI để dạy …thì mới thay đổi được!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây