Mặc cảm Á châu qua vụ Quan Kế Huy

Yên Khê

17-3-2023

Không rõ trong không gian tiếng Hoa, người ta bàn về chuyện ông Quan Kế Huy nhận giải Oscar như thế nào, nhiều hay ít. Ít nhất ông Huy có trả lời báo South China Morning Post, một tờ báo ở Hong Kong, rằng ông tự hào ông là người gốc Hoa.

Nhưng trong không gian Việt ngữ thì ông Quan Kế Huy tạo ra một sự ồn ào vô tiền khoáng hậu. Từ những “đại gia” như BBC, VOA, cho đến các nhân vật nổi tiếng, từ báo chí của đảng cộng sản Việt Nam, cho đến những người hay tranh cãi trên Facebook.

Họ tranh cãi ông Huy là người gì, người Hoa, người Việt hay người Mỹ. Ông là người Mỹ là đúng rồi vì passport của ông là passport Mỹ. Ông là người Hoa cũng đúng vì gia đình ông di cư từ Trung Quốc sang Việt Nam, ông là người Việt cũng đúng luôn, vì ông sinh ra ở Việt Nam.

Có một điểm chung của các phe là họ đều thấy ông vinh dự quá, làm cho họ thơm lây.

Họ tranh cãi dữ dội như vậy vì cái vinh dự của… Oscar lớn quá. Ở một khía cạnh nào đó, sự tranh cãi và tự hào đến từ một mặc cảm… Á châu. Oscar do người Mỹ (phương Tây) lập ra, Hollywood cũng của phương Tây, mà xa hơn nữa, điện ảnh cũng không phải là do người Á châu tạo nên.

Ngoài ra, như ông Huy đã nói, vừa nói vừa khóc, rằng ông có giấc mơ Mỹ, vượt lên từ sự khốn khó của một người tị nạn lên đến thảm Oscar danh giá. Nước Mỹ liên tục chứng minh sự biệt lệ của mình (American Exceptionalism), hết trường hợp này tới trường hợp khác, và trường hợp ông Huy là mới nhất.

Những người gốc Việt ở Mỹ tự hào về ông Huy, khi họ có cảm xúc đó, họ cảm thấy họ cũng nằm trong sự biệt lệ Mỹ quốc. Nhưng mặt khác, sự biệt lệ Mỹ quốc, lại làm cho họ chìm lỉm trong cái tính toàn cầu của nó. Họ cảm thấy họ thua thiệt khi so với ai đó, chẳng hạn như người Mỹ gốc châu Âu thì rất rõ, rồi người Mỹ gốc Latin, gốc Ấn Độ (ngoài bà phó tổng thống đương nhiệm, thì có khá nhiều CEO ở Silicon Valley).

Sự tranh cãi, giành tự hào của người Việt, một cộng đồng chính trị hóa rất cao, còn đưa đến những thái cực rất khôi hài. Một phía là nhà nước Việt Nam, dù rất muốn giành ông Huy về mình, lại rón rén cắt đi cái phần đời rất quan trọng của ông là vượt biên, là trại tị nạn. Phía bên kia thì giành phần bảo rằng ông Huy là người Việt… Nam Cộng hòa, một quốc gia đã chết gần nửa thế kỷ.

Suy cho cùng, căn bệnh Đông Á bệnh phu này không chỉ riêng người Việt, mà cả ở Hoa Lục. Người Hoa Lục cũng hay giành phần tự hào như vậy khi ai đó có máu Trung Hoa đạt điều gì đó danh dự ở nước Mỹ, xứ sở họ vừa mê đắm vừa ghét cay ghét đắng. Họ không chấp nhận biệt lệ Mỹ quốc, họ cho rằng Mỹ cũng như Trung Quốc thôi, đều là hai quốc gia, là hai dân tộc ngang nhau. Họ không công nhận chuyện “dân tộc Mỹ” rất khác so với phần còn lại của thế giới.

Hai dân tộc Đông Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, đã thoát ra khỏi cái tự ti Á châu của họ, vì họ là hai quốc gia tối tân hàng đầu thế giới, mà không chỉ kỹ thuật, văn hóa của họ cũng thống trị khắp nơi.

Người Việt thì sao? Thôi thì đôi khi có một cái tin gì đó về bà Dương Nguyệt Ánh, một viên chức thì đúng hơn là một nhà khoa học, có một thành công nào đó, họ lại vui với nhau, dù chẳng thấy báo chí Mỹ bàn tới bao nhiêu. Số phận lại cho ông Huy sinh ra ở Sài Gòn, làm hại người Việt khắp chốn lại xôn xao.

Người Hoa có lẽ cũng xôn xao, nhưng tôi nghĩ trong các bài viết về ông Huy bằng tiếng Hoa, người ta sẽ không viết là ông Huy, mà là ông Quan vậy.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. HỌC GIẢ: BÙI CHÍ VỊNH

    Khoái thằng nhóc đóng trong phim “Indiana Jones…”
    Khoái là khoái cái thằng cừ khôi, cái thằng láu cá
    Là con nít da vàng mà làm cho bọn nhãi Ả Rập, da đen tơi tả
    Làm cho tài tử Harrison Ford hả hê với người bạn nhí đồng hành

    Trong phim, thằng nhóc 12 tuổi Quan Kế Huy giúp Harrison Ford có được ái tình
    Ngoài đời, phải đến 52 tuổi thằng nhóc mới trèo lên đỉnh cao điện ảnh
    Có phải hạnh phúc luôn bắt đầu từ bất hạnh
    Từ thân phận thuyền nhân đến vinh quang trước ống kính truyền hình

    Ở một đất nước mà lý lịch có đàng hoàng cũng hóa bất minh
    Là người Mỹ gốc Hoa, người Việt gốc Hoa, người Mỹ gốc Việt hay “made in Chợ Lớn”
    Chỉ chắc chắn một điều không bao giờ lộn
    Là sản phẩm sau 30-4 ăn bo bo thóc sạn trộn khoai mì

    Là lên đường tìm tự do, là liều mạng “oversea”
    Là cha mẹ, ông bà, thiếu nữ đồng trinh dồn một cục
    Là lên tàu, là sẵn sàng chết hoặc bị hãm hiếp trong tay hải tặc
    Còn hơn sống trong trại tập trung thoi thóp suốt cuộc đời

    Giấc mơ Mỹ lúc nào lại chẳng tuyệt vời
    Quan Kế Huy phát biểu khi nâng tượng vàng Oscar bằng những dòng nước mắt
    Giấc mơ Mỹ đối với một ngôi sao là phim “Everything Everywhere…” xuất sắc
    Nhưng giấc mơ Mỹ đối với những kẻ bỏ nước ra đi là tìm tự do, dân chủ, công bằng

    Ôi cái giấc mơ có thật hàng ngày ở miền Nam trước năm 1975
    Sau 1975 lại biến thành thần thoại
    Phải vượt biển Thái Bình Dương mới có được Sài Gòn những ngày xưa thân ái
    Mới có được một Quan Kế Huy rửa mặt với tượng vàng

    Cho nên đừng thấy người sang là bắt quàng làm họ nhé bọn gian ?!?

    NGUỒN MẠNG

  2. Chẳng thơm cái gì ,khi người Tàu ở VN đi tị nạn ,nếu họ làm tốt được khen thì nhận mình người Tàu còn làm xấu như ăn cắp vặt thì nói mình là người Việt ,trong một lớp học Anh ngữ có một bà cô giáo người Úc đuổi một tên tị nạn Việt gốc Tàu ra khỏi lớp khi hắn nói hắn là người Tàu ,bà cô giáo hỏi-Mày sinh ở đâu ,hắn nói Việt Nam ,bà cô giáo nói -Mày sinh ở VN mày là người VN Đất Úc chúng tao không nhận người Tàu ,rồi bà đuổi hắn ra khỏi lớp cho hắn suy nghĩ ./

  3. Chả hiểu sao 關繼威 đọc theo Hán Việt là Quan Kế Uy, thế mà lại thiên thôn thành Quan Kế Huy.
    Bọn tiếng Hán cũng bàn ngậu lên, kể cả chuyện nhà đương cục Chiều Nay lờ chuyện Quan Kế Uy là nạn kiều.

  4. “Có một điểm chung của các phe là họ đều thấy ông vinh dự quá, làm cho họ thơm lây.”
    Đó là bệnh “thấy người sang bắt quàng làm họ” của người Việt, người Việt thích hưởng được chút thơm lây của người khác, đó là truyền thống. Hiện nay, thiên hạ mấy ai còn nhớ đến các bài báo ca ngợi không tiếc lời về bà Dương Nguyệt Ánh ở Mỹ và ông Philiip Rösler ở Đức. Nhưng với quy luật thời gian, cái gì rồi cũng sớm nở tối tàn, lần lượt sẽ chìm vào quên lãng. Chuyện ổn ào về tài tử điện ảnh Kế Huy Quang cũng không thoát khòi ngoại lệ này.

  5. Không biết giải Oscar của Quan Kế Huy và cái danh nhân văn hóa thế giới của Hồ, cái nào danh giá hơn cái nào nhỉ ?

Leave a Reply to Phan Nhật Bắc Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây