Đảng đã thắng, rồi sao nữa?

Jackhammer Nguyễn

17-3-2023

Ông David Brown, một nhà quan sát Việt Nam rất rành tiếng Việt, nêu một nghi vấn trong bài viết của ông rằng, liệu các ủy viên trung đảng cộng sản Việt Nam sắp tới đây có bầu cho một người lãnh đạo giống như ông Nguyễn Phú Trọng hay không?

Ý ông Brown nói đến ông Võ Văn Thưởng, là người vừa được bầu làm chủ tịch nước, chưa chắc ông Thưởng đi đến đỉnh cao của quyền lực, là chức tổng bí thư đảng, mặc dù hiện ông Thưởng mới ngoài 50, cái tuổi sung sức của một chính trị gia.

Trong bài viết ông Brown có dẫn lời ông Nguyễn Khắc Giang, cho rằng đảng cộng sản Việt Nam đã thu phục hoàn toàn chính phủ… của chính họ. Ông Giang là một nhà nghiên cứu, từng nhiều năm nằm trong lòng chế độ hiện nay của Việt Nam.

Đây chính là một cấu trúc, cấu trúc song trùng Đảng-Chính phủ của nhà nước cộng sản Việt Nam, Trung Quốc, dựa theo khuôn mẫu mà Lenin tạo ra. Cứ mỗi một nhiệm vụ, một công việc trong bộ máy nhà nước, có tới hai người làm, một của đảng, một của chính phủ.

Cấu trúc song trùng này tăng thêm gánh nặng quan liêu cho bộ máy toàn trị của các xã hội cộng sản trước đây, và một số lây lất đến ngày nay. Mà bộ máy này với chức năng đàn áp và khống chế cao hơn xây dựng xã hội, vốn đã rất cồng kềnh.

Khi các xã hội cộng sản còn ở thời đỉnh cao của nó, quan hệ đảng-chính phủ này chưa thấy bộc lộ điều gì bất thường, giống như mang tính hình thức, do nhà thiết kế Lenin lập ra thôi. Có những nghi vấn rằng mô hình này bắt nguồn từ rất xa xôi trong lịch sử đen tối của nước Nga, thời bị những người Mông Cổ Tarta thống trị, với hai thủ lãnh ở mỗi địa phương, thủ lãnh quân sự và hành chính.

Khi nước Việt Nam cộng sản bắt đầu giao du với chủ nghĩa tư bản, cơ cấu song trùng dẫn đến nhiều điều thú vị khi nó vận hành.

Đối với Việt Nam, cơ cấu song trùng giải quyết được một số vấn đề ngoại giao với người anh em thù hận phương Bắc. Thù hận nhưng có cùng cơ cấu song trùng, và khi có chuyện gì lớn thì giải quyết qua hai kênh khác nhau, kênh chính phủ (quân đội, hải quân), và kênh đảng. Kênh đảng này hoạt động khá hữu hiệu cho đến nay, dựa trên nỗi sợ của cả hai đảng rằng họ là những bản sao cuối cùng của nhà thiết kế thời trang cộng sản Lenin, họ sợ bị hủy diệt.

Nhưng khi tiếp xúc ngoại giao với các xã hội bình thường ở phương Tây, cấu trúc song trùng tạo ra không ít bối rối, cho các viên chức Việt Nam lẫn đối tác phương Tây của họ. Khi chuẩn bị cho chuyến thăm Hoa Kỳ của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Washington đã rất bối rối, không biết đón tiếp ông ta thế nào, vì không có cái chức tổng bí thư ấy ở Mỹ. Trước đó, các viên chức ngoại giao Việt Nam, dưới sức ép của Đảng, cũng không biết ăn nói thế nào với phía Mỹ để dàn xếp chuyến đi. Đương nhiên người Mỹ, với tính cách thực dụng của họ, họ cũng sắp xếp ổn thỏa, vì họ biết rằng Nguyễn Phú Trọng là de facto leader.

Cấu trúc song trùng cũng tạo nên một sự phân chia quyền lực một cách tương đối, trong một thể chế chưa bao giờ công nhận mô hình tam quyền phân lập. Đảng đóng vai trò tư pháp, khi trên thực tế Việt Nam không có tư pháp độc lập. Chính tòa án đảng, do ông quan tòa Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, đã bố ráp các quan chức tham nhũng trong chiến dịch mang hỗn danh “đốt lò”. Sự công tâm của chiến dịch này, dĩ nhiên chỉ là sự tương đối trong thể chế độc đảng, nhưng dù sao nó cũng góp phần khôi phục một ít uy tín của đảng trong dân chúng mà đảng cai trị.

Nhưng như khá đông nhà quan sát về Việt Nam, trong đó có ông David Brown, nhận xét, sự khuất phục của bộ máy chính phủ trước đảng của họ lại dẫn tới một chuyện trớ trêu là không ai trong chính phủ ấy dám làm gì nữa cả, vì hễ làm là khả năng “phạm tội” rất cao.

Bất cứ ai từng nằm trong bộ máy nhà nước Việt Nam, như ông Nguyễn Khắc Giang chẳng hạn, đều có thể nhận ra sự đàm tiếu của các viên chức chính phủ đằng sau lưng các viên chức đảng, rằng họ chỉ là đám giáo điều, chẳng biết gì việc vận hành một nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Bộ máy chính phủ ngày càng đông các nhân vật kỹ trị có kiến thức, trong khi các viên chức đảng, thuần đảng, không có gì khác ngoài mấy bộ sách gọi là kinh điển Mác – Lê của họ, mà từ cấp trung học, đến đại học, cho đến … “cao cấp chính trị” như ông Trọng, ông Thưởng, không có gì khác biệt.

Nhưng các viên chức đảng lại rất thòm thèm bổng lộc bên bộ máy chính phủ. Đây cũng là động cơ cho tòa án đảng làm việc khá có hiệu quả trong chiến dịch “đốt lò” vừa qua.

Nhưng rồi sao nữa? Các viên chức thuần đảng đâu có thay được các viên chức kỹ trị của bộ máy chính phủ!

Đã từng có những toan tính gộp hai vị trí trong cơ cấu song trùng đảng-chính phủ làm một, nhưng cứ tiến rồi lùi. Mặt khác, như phân tích ở trên, cơ cấu này giúp được một số điều như là khống chế các hành động tham nhũng của các viên chức chính phủ, nếu bỏ nó đi thì sự tập trung quyền lực còn kinh hoàng hơn nữa. Nhưng tách biệt hoàn toàn các nhánh quyền lực trong xã hội thì Đảng lại không dám. Nếu dám thì còn gì là Đảng?!

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Một “bài vừa” so với những bài khác của J Nguyễn . Có thể vì anh ta bị đứng hình trước những chiều hướng đáng khích lệ của Đảng mình . Nhưng nói gì thì nói, JN là 1 trí thức Xã hội chủ nghĩa . Có bứng anh ta đem qua trồng tại thủ phủ của đồng tính & hippies, đem vòng hoa treo lên đầu anh, các đặc trưng của 1 trí thức XHCN vẫn hiện diện đầy đủ . Và bài này hổng phải là ngoại lệ . Một ít thế này, 1 tẹo thế khác những thủ thuật thường thấy ở các bác mà tác giả là trí thức XHCN.

    “Nguyễn Khắc Giang … là một nhà nghiên cứu, từng nhiều năm nằm trong lòng chế độ hiện nay của Việt Nam”

    Ah, một con rận

    – Về cấu trúc Đảng-Nhà nước, cho tớ được phép hổng đồng ý với JN ở “song trùng”, more like quan hệ giữa con gà & quả trứng . Quả trứng tạo ra con gà, & con gà phải ăn để tạo ra quả trứng . Nhưng ngay cả gió đã đổi chiều, các đảng Cộng Sản bắt đầu mạnh trở lại, tớ đồng ý với JN rằng nó tạo ra 1 sự cồng kềnh kém hiệu quả . Cách giải quyết, surprise, surprise, vẫn ở Trung Quốc, hầu như đã nhất thể hóa mọi thứ . Tinh giản & hiệu quả hẳn .

    Trong thời gian chờ đợi, Đảng Ta có thể giảm bớt những tiếp xúc với khối tư bửn để giữ “quốc thể” cho những người như JN. Có đi đâu thì cũng chỉ nên tới những nơi giống mình .

    – Vấn đề làm JN lộ hàng là từ “kỹ trị” ở đây khá biện chứng . Context thì “kỹ trị” có nghĩa tham nhũng, là raison d’être của cái lò bác Tổng, nhưng JN lại xót thương những người kỹ trị bị bỏ vô lò . Có lẽ tâm trạng của JN đã có thể tạo nên 1 phòng đồng vọng với những Trân Văn & 1 số gia nô & kiki của các cây củi vừa được/bị bỏ vào lò .

    Câu hỏi đặt làm tựa đề “Đảng đã thắng, rồi sao nữa?”, hổng biết mọi người ra sao, chớ thằng tớ quan niệm Đảng cần tận dụng momentum của thắng lợi để quét sạch những người “kỹ trị” của dân không từ 1 thứ gì . Chuyện nhất thể hóa nhưng không tạo ra những kết/hậu quả làm JN lo ngại cho sự tồn vong của Đảng, thì nên sẵn tinh thần tiến công cách mạng, Đảng nên đột phá bằng hội nhập nhất thể hóa dựa trên các nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lê, aka làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cụ thể là Di chúc của Người . Làm theo di chúc cũng là mong muốn của (rất) nhiều người, trong đó có Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu khi hắn thông minh đột xuất .

    Nếu nhất thể hóa bằng hội nhập, những vướng mắc của JN chắc chắn sẽ được giải quyết 1 cách thấu đáo . Kết quả sẽ là Đảng trường tồn cùng đất nước & dân tộc, là điều mọi người, cả Phạm Đoan Trang cũng mong muốn

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây