Mùa thu nay khác rồi…

Chu Mộng Long

9-3-2023

Thu xưa buồn hiu hắt. Thu của Nguyễn Trãi: “Cửu tiêu thanh lộ tam canh thấp/ Tứ bích hàn cung triệt dạ huyên” (Sương từ chín tầng mây, thấm ướt ba canh/ Tiếng dế kêu lạnh suốt đêm trong bốn vách tường). Thu của Nguyễn Du: “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”. Thu của Nguyễn Khuyến: “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao/ Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu”. Thu của Tản Đà: “Lá thu rơi rụng đầu ghềnh/ Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly”. Thu của Xuân Diệu: “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”…

Ngàn năm phong kiến cho đến trăm năm thực dân, kẻ thù của giai cấp công nông đã làm cho mùa thu Việt Nam xơ xác, tiêu điều. Tội ác ấy được các nhà thơ ghi sổ nợ!

Sau cách mạng tháng Tám, Tố Hữu mở ra mùa thu mới: “Tháng Tám mùa thu xanh thắm/ Mây nhởn nhơ bay/ Hôm nay ngày đẹp lắm/ Mây của ta trời thắm của ta…” Tiếp nối cảm hứng ấy, nhà thơ Nguyễn Đình Thi chính thức xóa sổ nợ mùa thu cũ: “Mùa thu nay khác rồi/ Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi/ Gió thổi rừng tre phấp phới/ Trời thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười thiết tha…”. Bây giờ nếu không rừng tre thì cũng toàn rừng bạch đàn tươi tốt, không rụng lá!

Dưới chế độ Mỹ – Ngụy ở miền Nam, nhạc sĩ Lam Phương viết: “Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi…” Lẽ ra phải viết: “Trời vào thu miền Nam buồn lắm em ơi…” thì tác phẩm đã không bị kiểm duyệt. Tình bơ vơ mặc xác mày, chứ vơ cả mùa thu Việt Nam vào cái buồn bơ vơ của mày là phản động!

Nhớ nhóc con Trần Đăng Khoa viết bài Hạt gạo làng ta: “Hạt gạo làng ta/ Có vị phù sa/ Của sông Kinh Thầy/ Có hương sen thơm/ Trong hồ nước đầy? Có lời mẹ hát/ Ngọt bùi đắng cay…” Chữ “đắng cay” ghép vào đó rất có thể là do bọn phản động ở miền Nam tiêm nọc độc ra tận ngoài Bắc, hại não trẻ con.

Hạt gạo xưa đắng cay chứ hạt gạo nay khác rồi. Hạt gạo xã hội chủ nghĩa chỉ có ngọt bùi, sao lại đắng cay? Bác biên tập mắng và sửa cho: “Ngọt bùi hôm nay” (Theo Chân dung và đối thoại). Chỉ có ngọt bùi để tao ăn một bữa quy ra cả tấn thóc, mặc cho “Có bão tháng Bảy/ Có mưa tháng ba/ Giọt mồ hôi sa/ Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy!” Mày bảo hạt gạo đắng cay thì làm sao tao nuốt nổi?

Chuyện là vậy. Có gì đâu mà dân mạng cãi nhau loạn xạ? Trong khi cái bọn quân tử đểu, dân chủ cuội phía Bắc nói dân Việt “mang tâm lí hẹp hòi” đến mức không biết gom tiền cho thằng Nga ăn xin để đi du lịch và vào quán bar, lại đòi đưa mấy em hát ả đào vào giảng đường dạy dỗ con em mình với định hướng kiếm tiền ở phố Khâm Thiên thì đa số lại im re? Không sợ chính quyền mà sợ mấy “nhà dân chủ” vậy sao?

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Trích Giáo sư Tương Lai trích Đặng Văn Ngữ

    “vì tự do dân chủ mà toàn thể nhân dân ta đã hy sinh anh dũng trong 8, 9 năm để đánh lui đế quốc và phong kiến trên một nửa đất nước chúng ta. Vì tự do dân chủ mà nhân dân ta còn quyết tâm đánh lui mọi âm mưu của đế quốc Mỹ và tay sai của chúng để chế độ dân chủ lan khắp toàn lãnh thổ ta”

    Cái mùa thu của phong kiến, của độc tài tiểu tư sản đã bị nhân dân “ta” hy sinh anh dũng” để đánh dẹp, để mùa thu của dân chủ được lan tỏa trên toàn đất nước . Như vậy đã là chân lý cụ thể rùi, các bác mún gì nữa bi giờ ?

    Chuyện Tuấn Ngọc sửa lời bài hát có nghĩa anh ta thật sự muốn hòa giải hòa hợp với các bác, các bác đáng lẽ phải khuyến khích, hoan nghênh . Đàng này … Chuyện “tự do sáng tác” ở VN is way overrated. Đọc Đoàn Bảo Châu vụ Xuân Bắc, rùi định nghĩa của các bác về nghệ sĩ str8 outta chủ nghĩa Mác, rùi chính mấy ông bà nhạc sĩ cũng phải sửa lời để cho phù hợp với tình hình dân chủ rất là tình hình của các bác … Like i said, “tự do sáng tác” is way overrated.

    Khánh Ly đây có thể là buổi diễn cúng cùi của bả trước khi về hưu thẳng . Chớ ở bên đây ai thèm mời bả nữa đâu . Cùi hổng sợ lở, going out w a bang, như tiếng u vẫn nói . Tuấn Ngọc vẫn còn những kỷ niệm của tương lai với các bác, cần phải sợ mưa rơi .

    Chuyện mùa xuân gì gì đó đã có cuộc tổng tiến công & nổi dậy Mậu Thân 1968, khá phù hợp với khí thế tưng bừng của lễ hội đạp mái, lộn, thanh . No Worries there. Ở đâu có luật lệ ở đó, hổng có núi này trông núi nọ được đâu . Ngay cả ở trong giới dân Việt theo chủ nghĩa cộng đồng của hải ngoại cũng không thiếu những thứ “luật bất thành văn”, nên giới trẻ, muốn làm nên tên tuổi phải đứng ngoài giới những người theo chủ nghĩa cộng đồng, tách hẳn ra khỏi “văn hóa Việt”. Và khi họ thành công thì còn tùy, có khi lờ lớ lơ . Chớ có tôn trọng những phát triển mà giới trẻ đưa lại đâu mà phàn nàn .

    “tự do sáng tạo” chỉ là 1 thứ người Việt mơ nhưng không muốn . If you really want it, then act like you do. Đàng này cứ như rứa thì rứa đo thui

  2. Ngay nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người Huế gốc Minh Hương được nhà nước tôn vinh
    vượt xa rất nhiều nhạc sĩ một đời cúi đầu theo cách mạng mà còn bị xoi mói là có
    câu từ mâu thuẩn trong bài “Nhớ mùa thu Hà Nội” thì ca sĩ TN. có nghĩa lý gì, do
    đó anh ta phải “rét” , chứ không được.. “bản lĩnh” như nữ ca sĩ Khánh Ly dám hát
    bài khác còn nhạy cảm hơn nhiều với “20 năm nội chiến từng ngày” !

  3. Riêng tôi mong rằng anh thợ hát này nhả lời:” Trời vào thu việt nam buồn lắm em ơi, khốn khó giăng ngang khắp khung trời, em sống mong chờ gì từ đâu”

  4. Trời vào thu Miền Nam buồn lắm em ơi
    Trời vào thu Miền Bắc đói rét quanh năm
    Thế đấy, Miền Nam buồn vì chiến tranh triền miên, buồn vì cộng quân ngày đêm đánh phá..
    Trong khi Miền Bắc không chỉ đói rét ở mùa thu mà đói rét quanh năm, đói từ khi cái đứa chẳng ra gì đem rác về xả đầy phố xá.
    “Tôi đi, không thấy phố, không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”.
    Và từ đó tôi buồn.

Leave a Reply to Choi Song Djong Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây