Lẩn mẩn về cái hội thề chống tham nhũng (Phần 1)

Nguyễn Thông

5-2-2023

Chùa Hòa Liễu. Ảnh: Internet

Nói ngay, đó là hội được tổ chức vào giữa tháng giêng (khi nói tháng giêng nghĩa là theo lịch ta rồi, không cần phải viết tháng giêng âm lịch, còn ai đó gọi tháng Một tây là tháng giêng thì hết sức ngớ ngẩn) ở làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, cùng huyện Kiến Thụy xứ Phòng (Hải Phòng) quê tôi. Từ nhà thày bu tôi tới chùa Hòa Liễu, nơi tổ chức hội thề, chỉ cách chưa đầy 3 cây số, phóng xe máy vèo cái đã tới. Hồi bé tôi hay sang đó, vác dậm lùng sục kiếm cá mú tôm tép ở những khu ruộng, đầm quanh chùa cổ.

Những năm ấy chả bao giờ thấy hội thề, đơn giản bởi chính quyền quy tất cả những gì của phong kiến là bảo thủ, lạc hậu, mê tín dị đoan, nên dẹp sạch. Đình to hoành tráng như đình Trà làng tôi họ còn phá tanh bành thì hội hè chả là quái gì. Tới giờ, trong tai tôi vẫn văng vẳng câu hát đầy khí thế cách mạng “Phá đình đi! Phá đình đi!” phổ biến tới cuối thập niên 60. Năm 1964 thì họ phá thật, lấy gỗ đá gạch ngói của ngôi đình thuộc hạng to nhất vùng duyên hải Bắc Bộ để làm… chuồng lợn. Chùa-đình Hòa Liễu, họ chưa kịp ra tay, còn ngự được tới giờ là may.

Cái hội thề này, tuy diễn ra ở làng Hòa Liễu khác xã, nhưng với dân làng Trà chúng tôi lại không hề xa lạ. Người khai sinh, đẻ ra nó là bà Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, vợ đức vua đầu triều Mạc Đăng Dung, giữa thế kỷ 16. Bà người làng tôi, vốn con gái gia đình nông dân, nhưng xinh đẹp, giỏi giang. Khi đức ngài Mạc Đăng Dung quê làng Cổ Trai làm đảo chính lật nhà Lê lên ngôi vua, bà trở thành hoàng hậu. Câu dân gian “Cổ Trai đế vương, Trà Phương công chúa” nguyên do vậy.

Bà hoàng hậu họ Vũ từng phát tâm công đức xây nhiều ngôi chùa trong vùng, đáng kể nhất là chùa Trà Phương (Thiên Phúc tự) làng tôi, và chùa Hòa Liễu (cũng mang tên Thiên Phúc tự). Khi đã có chùa, dân chúng tu tập, rồi tổ chức những hội này lễ nọ, theo thời gian cứ thế mà dày lên, rồi cũng theo thời gian, trải qua dâu bể lại xẹp xuống, có khi mất tích.

Từ bấy, theo “chỉ đạo” của hoàng hậu, sinh ra hội thề. Cứ căn vào sử sách và lời người xưa, thì tên chính xác của nó là “Minh thệ hội”. Sinh thời, thày tôi vẫn nhắc đúng cái tên ấy, Minh thệ hội, đọc xuôi thành Hội minh thệ, diễn giải ra quốc ngữ là Hội thề. Khi thày tôi còn làm thư lại ở phủ Kiến Thụy (phủ chỉ cách chùa Hòa Liễu khoảng 2 cây số, năm cách mạng cướp chính quyền, phủ bị phá sạch sành sanh bởi nó là trụ sở đầu não của bọn thực dân phong kiến) hầu như năm nào cũng dự hội thề này nên biết rất rõ. Tới năm 1955, sau khi người Pháp rút hết khỏi Hải Phòng – Kiến An (Kiến Thụy khi ấy thuộc tỉnh Kiến An) thì chính quyền mới dẹp luôn, không hội thề hội thiếc gì sất. Cứ phong kiến là đào tận gốc, trốc tận rễ. Chết lịm mấy chục năm, tới năm 2002, người ta, cũng chính những ông bà đã dẹp, hoặc con cái các ông bà ấy, lại ra lệnh phục hồi “những tàn dư phong kiến”, chả riêng gì lễ hội Minh thệ.

Tôi biên sơ sơ những điều về lễ hội này, còn những thứ cần nói nhất liên quan tới nó (đang diễn ra), xin dành cho bài sau.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Giải phóng thật ra là cái sự ghen ăn tức ở, thấy người ta sang, có của ăn của để thì lồng lộn lập phe lập đảng để cướp lấy và sau khi cướp được thì lại lộ nguyên hình là những đứa khốn nạn hơn những thứ khốn nạn trước đây.

Leave a Reply to Choi Song Djong Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây