Văn chương ám chỉ và tâm lý ám thị

Chu Mộng Long

30-1-2023

Biếm họa của báo Tuổi Trẻ Cười

Tôi phải rào trước là câu chuyện về chiếc bánh chưng của Xuân Bắc chẳng có gì hay, nếu không nói là dại dột, ngô nghê. Dại dột vì chẳng nghệ sĩ nào tự phong là ‘bố mẹ đời” tát vào mặt công chúng khi công chúng chê tác phẩm dở. Ngô nghê vì cái logic hư cấu mang tính phản chủ, để bà mẹ và ông bố tát thẳng tay vào đứa con dám chê bánh chưng dở, khác nào tự tát vào mặt quyền lực độc tài. Xuân Bắc là giám đốc nhà hát kịch, cũng từng lên báo tự xưng là nhà tuyên giáo, câu chuyện thành tự tát vào mặt chính anh. Xuân Bắc không hiểu câu “Mẹ hát con khen hay” mới đáng chê cười, chứ con dám chê bố mẹ mới là cái phúc ba đời của bậc cha mẹ.

Vì ghét thói độc tài, hễ làm quan là tự xưng “bố mẹ đời”, báo chí và dư luận mới phẫn nộ chửi ngược lại Xuân Bắc. Đó là điều hiển nhiên, không có gì đáng phê phán. Coi như anh hề xứng đáng được nhận bài học từ cái tát ngược của dư luận.

Nhưng tạo ra một cuộc “phong sát” bằng cách kêu gọi cả chính quyền đứng ra xử lý Xuân Bắc là tàn dư của Hồng vệ binh thời cách mạng văn hóa và cải cách ruộng đất. Cần nói thẳng: Xuân Bắc dại, nhưng cộng đồng mạng, trong đó có không ít trí thức, nhà báo, nhà văn to đầu, thậm chí những người tự cho là đấu tranh vì dân chủ mở cả một chiến dịch “phong sát” Xuân Bắc, rõ ràng là chẳng khôn hơn. Giống như bọn trẻ trâu đấu tay đôi thua thì mách bố vậy! Căn cứ pháp lý nào để chính quyền đứng ra xử lý khi đó chỉ là một câu chuyện ám chỉ rất vu vơ, chẳng khác Chí Phèo chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, thậm chí chửi kẻ sinh ra hắn? Bộ Văn hóa mới chỉ lên tiếng nước đôi chứ đứng ra xử phạt Xuân Bắc thật thì cũng chẳng cao hơn thằng con của Bá Kiến – Lý Cường – nhảy xổ ra cho Chí Phèo ăn cái tát!

Nói thẳng là những “nhà dân chủ” có tên tuổi hiện nay thua cả cái dân làng Vũ Đại thời ấy. Cả dân làng Vũ Đại cái thời gọi là dốt đỏ lông, mốc mũi còn biết mặc kệ Chí Phèo chửi ai thì chửi, “không ai lên tiếng cả”, “chắc nó trừ mình ra”! Tức dân làng Vũ Đại chẳng việc gì ám thị họ đáng bị chửi! Kẻ đáng bị chửi là cha con nhà Bá Kiến khi Lý Cường tự dưng sấn sổ nhảy ra cho Chí Phèo ăn cái tát! Nam Cao khá thâm thúy khi xem cái tát ấy đánh dấu một quan hệ: Chí Phèo có họ với nhà Bá Kiến – sự thú nhận này khởi phát từ miệng Bá Kiến!

Dẫu bài văn hề của Xuân Bắc không hay, nhưng sự vụ ầm ĩ của ngày hôm nay lại có tác động về mặt lịch sử: tái diễn các vụ án văn chương trong quá khứ mà chính những người tự cho là đấu tranh vì dân chủ từng lên tiếng chỉ trích về thói chụp mũ, hủy hoại văn hóa, nghệ thuật. Đó là cái vòng cối xay gần như chỉ xảy ra trong đất nước mà tâm lý ám thị đã thành căn bệnh không thoát được.

Xưa, tâm lý ám thị rằng văn chương ám chỉ với mục đích giễu cợt cá nhân thường chỉ nằm trong giới quyền lực, nhất là quyền lực bất chính. Đó là lý do dẫn đến kiểm duyệt, trấn áp những tiếng nói giễu cợt, đả kích quyền lực. Nay, bất ngờ là tâm lý ám thị rằng văn chương ám chỉ vào cá nhân mình lại nằm trong đám đông công chúng, kể cả đó là trí thức, văn nghệ sỹ có danh tiếng. Thì ra, thay vì kiểm duyệt, trấn áp văn chương ám chỉ như cái thời cách mạng văn hóa và cải cách ruộng đất, giới quyền lực mà đại diện là Xuân Bắc với tư cách giám đốc nhà hát kịch đã chơi ngược lại bằng chính văn chương ám chỉ, thì chính công chúng và trí thức, văn nghệ sỹ, chủ nhân của văn chương ám chỉ một thời lại nhảy dựng đứng lên đòi trấn áp và đòi trừng phạt ngược lại.

Xuân Bắc không đáng là một nhà văn có tầm bởi cái dại dột, ngô nghê của anh hề mạt hạng. Nhưng những trí thức, nhà báo, nhà văn mở cuộc “phong sát” Xuân Bắc vì loại văn chương ám chỉ thì tầm của họ cũng không lớn hơn anh hề ở chợ. Đã vậy mà muốn có tự do dân chủ, muốn có nhà văn lớn thì cần phải thêm ba chu kỳ Quý Mão nữa may ra mới có được!

Nhìn vào văn chương, chỉ cần nhận ra một chi tiết giống mình mà nộ khí xung thiên thì nhà văn chỉ còn con đường chết và văn chương hết đất sống. Bởi văn chương lấy chất liệu sống từ cuộc đời, người đọc không thấy mình trong đó thì văn chương còn có ý nghĩa gì?

Còn nhớ Nam Cao trong truyện ngắn “Những chuyện không muốn viết”, tự thuật về chuyện viết văn khổ sở của mình. Khổ sở không phải vì vò đầu bứt tóc để viết ra câu văn hay, cũng không phải vì miếng cơm manh áo trì níu. Khổ sở vì viết cái gì cũng động chạm. Viết về một người đàn ông tầm thường vô vị, hắn có thể là tôi, là anh, hay là bất cứ người đàn ông nào, thế là có người đàn ông tự vơ ngay vào mình, hằn học với nhà văn, rằng tại sao viết về anh ta như vậy? Thôi thì không viết về thằng người nữa mà viết về con chó mực. Tưởng chó thì nó không biết chữ nên yên thân. Nào ngờ có một thằng say đọc được, nó chặn đường chửi như tát nước vào mặt và đòi nện nhà văn vì sao viết về nó giống như con chó mực. Ức quá, nhà văn viết ngay truyện về thằng say, mày đã chửi thì ông cho mày chửi luôn. Không ngờ có rất nhiều những thằng tỉnh, rất tỉnh, tấn công, ném đá nhà văn, vì tại sao mày dám mượn thằng say chửi cả họ nhà tao? Nam Cao xem đó là cái “quốc dân tính” mà người Việt không thể lớn hơn được.

Cái “quốc dân tính” ấy trỗi dậy ngay sau cuộc cách mạng đưa giới hạ lưu lên cầm quyền với bao nhiêu vụ án. Vụ án Cây táo ông Lành của nhà văn Hoàng Cát, chỉ mỗi trùng tên với cái tên húy của nhân vật cộm cán mà sự nghiệp văn chương của Hoàng Cát bị chôn sống. Vụ án xướng họa về con chuột của năm Chuột, chỉ vì xứ Thanh có nhiều quan tự nhận mình là chuột mà cuộc đời của nhà văn hóa Hoàng Tuấn Phổ phải lên bờ xuống ruộng. Nổi bật nhất là vụ án bỏ tù không cần xét xử Phùng Cung với truyện ngắn “Con ngựa già của chúa Trịnh”, rồi án treo bút Trần Huy Quang với truyện ngắn “Linh nghiệm” v.v…

Thực chất nghệ thuật cao không phải ám chỉ, vì nhà văn đẳng cấp thấp mới tấn công một cá nhân ai đó mà bản thân nhà văn thù ghét. Dẫu nhân vật trong văn chương có liên quan đến một cá nhân nào đó thì nghĩa của nó luôn mở ra ở tầm phổ quát, tức ai cũng có thể nhìn thấy chính mình trong tác phẩm. Khái niệm “ám chỉ” thực chất sinh ra từ “ám thị”. Anh bị “ám thị” mới nghĩ nó “ám chỉ” mình. Một khi một cá nhân nào đó bị ám thị thì chỉ mới diễn ra xung đột giữa cá nhân ấy với nhà văn.

Đáng sợ là khi nhiều người cùng bị ám thị, ai cũng thấy nó viết văn đả kích mình thì nhà văn chỉ còn con đường chết. Và từ đó văn chương không còn là văn chương nữa. Tất cả các thủ pháp tu từ, ngụ ý, hàm ý lửng lơ, tinh tế và bay bổng đều không thể tồn tại. Văn chương hoặc là trở thành mớ xương trắng phớ của anh đồ tể hoặc chỉ còn là cái miệng bôi trơn nhầy nhụa mỡ của kẻ nịnh hót.

Khi vụ án tham nhũng tại Trường Đại học Quy Nhơn diễn ra, tôi có viết “Kiệt vương liệt truyện” để mua vui, giải khuây trong không khí căng thẳng. Bà con chờ đợi từng hồi, ngồi với nhau vừa đọc vừa diễn vừa cười, nhưng cũng không ít kẻ thấy nhột và nổi cáu. Không chỉ Hiệu trưởng trường này mà nhiều quan chức trường khác, kể cả không ít giảng viên, nhân viên trong trường và ngoài trường tự nhận mình là nhân vật trong truyện, làm cho một cán bộ an ninh văn hóa mời tôi cafe và hỏi: “Nếu có người kiện thầy ra tòa, thầy có sợ không?”. Tôi cười: “Vui chứ không sợ! Tôi chỉ hỏi ngược lại một câu, rằng anh nói tôi viết về anh, vậy tất cả những chi tiết tôi viết về anh có hoàn toàn đúng không?” Người cán bộ an ninh ấy bật cười theo: “Tôi hiểu ý thầy nói rồi. Nếu nhận đúng hoàn toàn thì sao phải kiện? Nếu không hoàn toàn đúng thì có phải là tôi viết về anh đâu mà kiện?”

Tôi khen anh ta thông minh vì hiểu được cái nguyên lý “Văn chương tự cổ vô bằng cớ”. Văn chương có ám chỉ về anh nhưng một chi tiết phổ quát có thể gây ám thị cho vô số người, lẽ nào ai cũng tranh nhau rằng, ta chính là nhân vật bị giễu cợt? Kiện tụng về cái gọi là “ám chỉ” trong văn chương chẳng khác gì tự tròng vào cổ đến hai cái thòng lọng: tự thú mình hư hỏng và không chừng bị quy ngược về tội vu cáo.

Thú thật, khi đọc những kiệt tác văn chương của nhân loại, tôi luôn nhận ra mình trong đó, tức có những cái xấu trong tôi được phơi bày nhờ ngòi bút nhà văn, nhưng qua đó để tôi tự nhận thức về chính mình chứ không ám thị như một triệu chứng của sự thù ghét.

Riêng đọc Xuân Bắc, với tư cách là một công chúng, dẫu có bị ăn tát (bởi loại hề tuyên giáo tự xưng bố mẹ đời chứ không phải bố mẹ tôi), tôi không thấy sốc mà rất tự hào khi dám chê loại tác phẩm giả cười để dạy đời như Chương trình Táo quân của anh ta. Ai chê tôi không biết nổi giận chính đáng của lòng tự trọng cũng chẳng sao.

Tiếng cười trào phúng đúng thực chất văn chương luôn có ý nghĩa hai chiều, hủy cái cũ, cái xấu và tạo ra cái mới, cái tốt đẹp. Tất nhiên, điều tôi nói trên chỉ đúng trong xã hội pháp quyền, tức thượng tôn pháp luật, kể cả tôn trọng nghệ thuật. Còn xã hội của luật rừng thì viết “văn chương ám chỉ” như Nguyễn Ái Quốc viết Vi hành, Lời than vãn của bà Trưng Trắc… để đả kích vua quan lẫn chế độ thực dân, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng viết cả loạt truyện trào phúng đả kích quyền lực và bọn nhà giàu, Nam Cao viết cả loạt tự truyện để tự phê cái xấu của trí thức, thì những nhà văn ấy đã không còn cơ hội sống để “lấy cán bút làm đòn xoay chế độ”.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Bên kia bờ Đông Hàn Giang khói sóng là Bến phà An Hải mịt mờ Nhân ảnh Nhân tình !
    ***************************************

    Ở bên ni Hàn ngó qua bên tê Hà Thân nước xanh như tàu lá
    Ở bên tê Hà Thân ngó qua bên ni Hàn thấy phố xá nghênh ngang…


    https://www.youtube.com/watch?v=Leiebo4V2cE
    津軽海峡 . 冬景色 / つがるかいきょう・ふゆげしき – 石川さゆり

    Bên kia bờ Hàn Giang khói sóng
    Bến phà An Hải mịt mờ Nhân ảnh khói sương
    Mập mờ ẩn hiện Tà áo trắng Nữ sinh
    Em lên phà một mình về nhà trong cơn mưa dầm dề
    Sau ngày theo học Trường Phan Châu Trinh

    Khi xuống thuyền chiều tà
    Bến phà An Hải ẩn hiện bên kia Khói sóng Hàn Giang
    Em về bên kia Bờ Sông Hàn cuồn cuộn nhưng im lặng lạ lùng
    Anh chỉ nghe thấy Ngàn Tiếng sóng trong Hồn
    Tựa như Ngàn Giọt lệ Tình trong Lòng mình

    Một người Đà Nẵng tưởng chừng như xa lạ
    Nhưng giọng Quảng Nam cực kỳ quen thuộc đang chỉ tay
    “Hãy nhìn xem ! Bên kia là Bến phà An Hải …”
    Ôi ! Bến đò An Hải như đấu trường La Mã
    Bên kia biết đâu Bến phà An Hải lại có Chàng nào như Anh
    Chờ đón Em tựa như Anh bao bước chân âm thầm theo tiễn Em
    Hỡi Bến phà An Hải như đấu trường Tình trường
    Anh như Hiệp sĩ Việt kiếm báu gươm thiêng lên đường giác đấu
    Tranh hùng tranh bá giành lấy Em…

    Thầm lặng nhìn Em lên phà một mình
    Chuyến đò Hoàng hôn cuối cùng về lại nhà
    Nhìn cánh Hải Âu lạc từ Biển Đông vút cánh trên Hàn Giang
    Không cầm được nước mắt
    Nhìn hàng hàng lớp lớp Hoa Lục Bình trôi dạt
    Theo dòng nước Sông Hàn lũ cuốn Chớm Đông
    Ôi sao đứt ruột não lòng Quang cảnh Hàn Giang
    Mắt kính cận che mờ bởi hơi thở nóng từ Trái tim vỡ tan
    Lau đi lau lại cặp kính phân kỳ chỉ thấy sương mù xa mờ
    Bên kia Bờ Hàn Giang : Em và Anh giờ như Đôi bờ Sông Ngân
    Thôi nhé tạm biệt Em yêu !
    Ngày mai Tà áo Trắng thướt tha sắp trở lại Trường mình
    Ôi ! Một thời Phan Châu Trinh + Hồng Đức Đà Nẵng đẹp làm sao !
    Giờ đứng bên bờ Sông Seine, Paris
    Ngỡ tưởng bên bờ Hàn Giang
    Thầm lặng nhìn Em lên phà một mình
    Chuyến đò Hoàng hôn cuối cùng về lại nhà
    Em lên phà một mình … Đà Nẵng hải phố trong cơn mưa dầm dề
    Sau ngày theo học Trường Phan Châu Trinh

    https://www.youtube.com/watch?v=YnyS7g5kMA4
    じょんから女節(津輕民謠女流小調) – 長山洋子

    Tiếng sóng Hàn Giang mãi lay động lòng Anh
    Anh không thể ngừng khóc thầm
    Quang cảnh Chớm Đông lẫn Tàn Đông
    Bến phà An Hải nhạt mờ khói sương
    Sóng khói hoài hương cả một Chân trời Phố biển Đà Nẵng
    Ôi bến phà Bờ Đông Hàn Giang
    Làng An Thị ngày trước ôm ấp Ngày xưa Vũ thị …của Anh
    Ấp ủ Ngày xưa Vũ thị … giữa Lòng Phố thị… bên kia Hàn Giang
    Sáng sớm mờ mờ ảo ảo Tinh sương giăng giăng
    Từ đỉnh núi Sơn Trà chảy tràn mặt con nước Hàn Giang buốt lạnh
    Hồi chuông nguyện Chùa An Hải như tiễn dân Đông Giang lên phà

    https://www.youtube.com/watch?v=AW6grPsrF34
    群青 谷村新司

    Thôi từ biệt tạm biệt Em yêu nhé !
    Anh sẽ trở lại Phố biển Đà Nẵng như Chiến binh Già
    Cùng con cháu giải phóng Hoàng Sa

    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT
    https://universite-digitale1.com/wp-content/uploads/2018/05/MeVietNam.jpg

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây