Gia tăng xuất khẩu lao động và cải thiện thứ hạng về tệ nạn… ‘buôn người’ (Phần 3)

Blog VOA

Trân Văn

26-1-2023

Tiếp theo phần 1 phần 2

Báo cáo TIP 2022 cho thấy cộng đồng quốc tế nói chung và Mỹ nói riêng quan tâm đến vấn nạn buôn người như thế nào và cố gắng giải quyết tệ nạn đó ra sao.

Trong cuộc hội đàm giữa ông Nguyễn Minh Vũ – Thứ trưởng Thường trực của Bộ Ngoai giao Việt Nam với bà Kari Johnstone, Quyền Giám đốc Văn phòng Theo dõi và chống mua bán người (J/TIP) của Bộ Ngoại giao Mỹ, tại Hà Nội hồi giữa tháng này, ông Vũ đòi phía Mỹ “đánh giá khách quan, chính xác về những nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống mua bán người vì công tác phòng, chống mua bán người đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, nhất là trong lĩnh vực hoàn thiện chính sách pháp luật” (1).

Một phần nội dung “Báo cáo Thường niên về tệ nạn buôn người 2022” (Báo cáo TIP – Trafficking in Persons – 2022) của Bộ Ngoại giao Mỹ đã được lược thuật và giới thiệu ở phần 2 của bài viết này đã giúp độc giả tự thẩm định có thể xác định “công tác phòng, chống mua bán người đã đạt được những kết quả hết sức tích cựchay không? Tuy Báo cáo TIP 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ có ghi nhận “nỗ lực hoàn thiện chính sách pháp luật” của chính quyền Việt Nam nhưng nhìn một cách tổng quát, “nỗ lực” đó thiếu cả thực chất lẫn thiện chí thực thi (2)…

***

Theo Báo cáo TIP 2022… Năm 2021, Bộ Công an Việt Nam công bố chính sách mới nêu rõ các thủ tục lấy trẻ em làm trung tâm để điều tra tội phạm mua bán người đối với những trường hợp dưới 18 tuổi. Đây là hướng dẫn đầu tiên cho các cơ quan thực thi pháp luật xử lý các trường hợp buôn người liên quan đến trẻ em 16 và 17 tuổi như các vụ buôn bán trẻ em. Tuy nhiên các cơ quan hữu trách không cung cấp số liệu thống kê về việc thực hiện hướng dẫn này. Cho dù Việt Nam khẳng định đã củng cố các quy định pháp luật để phòng, chống buôn người nhưng những quy định đó được cho là mâu thuẫn với các định nghĩa trong luật hình sự nên theo đại diện của các tổ chức phi chính phủ, đó là lý do một số viên chức không chắc là nên áp dụng quy phạm pháp luật nào khi xử lý các vụ buôn người. Chính quyền Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động gồm sáu bước để giải quyết điều đó và phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em trực tuyến đầu tiên trong giai đoạn 2021-2025, trong đó có hướng dẫn cụ thể về truy tố nhưng không có thêm thông tin nào về nội dung của các sáng kiến này hoặc tình trạng thực thi.

Tương tự, chính quyền Việt Nam cho biết, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội của Việt Nam đã chủ trì soạn thảo một quy trình liên bộ để xem xét và sửa đổi Cơ chế hỗ trợ quốc gia đối với nạn nhân buôn người (NRM), cũng như hướng dẫn bổ sung về cách thức tiếp nhận và cung cấp dịch vụ bảo vệ nạn nhân nhưng cuối cùng không thấy kết quả nào. Chính quyền Việt Nam cũng không cung cấp được số liệu về tổng số nạn nhân đã được chuyển cho các tổ chức phi chính phủ hoặc các dịch vụ bảo vệ của nhà nước hỗ trợ hay phân tách dữ liệu xem nạn nhân có nhận được hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ hay các nguồn chính thức không.

Tháng 5 năm 2021, Thủ tướng Việt Nam phê duyệt “Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025” nhằm hỗ trợ cho tất cả trẻ em là nạn nhân của buôn bán tình dục và cưỡng bức lao động. Chính quyền Việt Nam cũng đã phê duyệt hướng dẫn chính sách mới cho “Luật Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” nhằm bổ sung hoặc tăng các lựa chọn hỗ trợ tài chính, pháp lý, hướng nghiệp cho người lao động hồi hương trước khi hợp đồng chấm dứt, kể cả những người trốn chạy cưỡng bức lao động… hay công bố chính sách về phát triển các dự án tạo thu nhập cho những người sống sót sau khi là nạn nhân buôn người ở các cộng đồng thiểu số… nhưng cuối cùng, giới hữu trách Việt Nam đã không cung cấp thông tin về việc thực hiện bất kỳ chính sách nào trong số này…

Chính quyền Việt Nam cũng đã ban hành một nghị định xác định nạn nhân buôn người ngoại quốc được hưởng bốn dịch vụ hỗ trợ: Nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại, hỗ trợ y tế, hỗ trợ tâm lý và trợ giúp pháp lý… tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ báo cáo rằng chính quyền Việt Nam không có nhân viên xã hội được đào tạo đầy đủ hoặc có kinh nghiệm để cung cấp hỗ trợ phù hợp cho nạn nhân bị buôn bán. Chính quyền Việt Nam cũng đã thành lập một Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn người và đề ra Kế hoạch hành động quốc gia (NAP) giai đoạn 2021 – 2025 ngân sách dành cho phòng, chống buôn người năm 2021 là 17 tỷ đồng (746.760 USD) nhưng không công khai bất kỳ thông tin nào về việc thực hiện NAP.

Trong Báo cáo TIP 2022, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: Chính quyền Việt Nam cũng đã từng làm việc với một tổ chức quốc tế nhằm sửa đổi quy định pháp luật, cấm tính một số loại phí môi giới, phí dịch vụ đối với “người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”, đồng thời mở rộng các biện pháp bảo vệ họ, kể cả quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Đã có hàng ngàn người phải vay mượn để tham gia Chương trình Thực tập sinh kỹ năng (TITP) của Nhật và những kẻ buôn người đã lợi dụng tình trạng nợ nần để bóc lột họ, nếu loại bỏ hoa hồng và các khoản phí ,có thể giảm đáng kể số nạn nhân buôn người. Công cuộc hợp tác giữa chính quyền Việt Nam với tổ chức quốc tế vừa đề cập để sửa đổi luật pháp Việt Nam còn giúp đặt định các biện pháp bảo vệ thuyền viên, đặt định việc phải có nhân viên hỗ trợ tại các quốc gia có nhiều lao động người Việt. Rồi xử phạt các tổ chức quảng cáo sai sự thật về XKLĐ, các hoạt động tuyển dụng có tính chất lừa đảo, không tổ chức đào tạo trước khi gửi đi làm việc ở ngoại quốc, bồi thường thiệt hại,… Song theo Bộ Ngoại giao Mỹ, chính quyền Việt Nam đã không cung cấp thông tin về việc thực hiện bất kỳ sáng kiến nào trong số vừa đề cập

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng dã dẫn lưu ý của một số tổ chức phi chính phủ (NGO) rằng, chính quyền Việt Nam không đủ nỗ lực để giáo dục công chúng về những rủi ro vốn có khi tìm kiếm việc làm ở ngoại quốc thông qua các công ty XKLĐ hoặc các kênh tuyển dụng dễ làm họ bị tổn thương. Ngoài những thỏa thuận đã có với Các Tiểu vương quốc Ả Rập, Nhật,… chính quyền Việt Nam đã đàm phán với Israel và Kuwait để ký kết các thỏa thuận hợp tác trong cung ứng lao động nhưng chính quyền Việt Nam chưa giám sát chặt chẽ các quy trình hợp đồng và tuyển dụng dưới sự bảo trợ của những hiệp định song phương ấy. Quan sát viên của các NGO lưu ý, việc không thể thành lập các công đoàn độc lập tiếp tục cản trở việc bảo vệ quyền của người lao động, và các hạn chế về quyền tự do ngôn luận và lập hội tiếp tục cản trở một số cuộc thảo luận công khai về các vấn đề quan trọng về quyền lao động và đất đai liên quan đến tình trạng dễ bị buôn bán...

***

Trong Báo cáo TIP 2022, Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị phía Việt Nam chú ý một số điểm: Phối hợp với các NGO và các tổ chức dân sự để sửa đổi luật chống buôn người, kể cả sửa đổi Luật Hình sự để hình sự hóa toàn bộ các hành vi buôn bán tình dục trẻ em 16 và 17 tuổi phù hợp với luật pháp quốc tế. Mạnh mẽ truy tố tất cả các hình thức buôn người, kết án và trừng phạt những kẻ buôn người, kể cả những trường hợp liên quan đến cưỡng bức lao động hoặc quan chức đồng lõa. Tiếp tục tập trung vào việc xác định và điều tra các vụ án cưỡng bức lao động và mua bán người trong nước, bao gồm cả những vụ án liên quan đến nạn nhân là nam giới.

Phối hợp với các tổ chức dân sự, cập nhật và đào tạo cán bộ về các hướng dẫn xác định nạn nhân, đồng thời tăng cường phối hợp liên ngành để xác định và hỗ trợ nạn nhân trong các nhóm dễ bị tổn thương, chẳng hạn như lao động nhập cư, các cá nhân hoạt động mại dâm, bao gồm cả phụ nữ và bé gái bị phát hiện khi công an truy quét, kiểm tra các cơ sở kinh doanh hỗ trợ mại dâm, lao động trẻ em và công dân Bắc Triều Tiên, Trung Quốc.

Hoàn thiện và thực hiện các sửa đổi đối với Cơ chế Hỗ trợ Quốc gia (NRM) năm 2014. Loại bỏ tất cả các khoản phí tuyển dụng do người lao động trả và các hoạt động tuyển dụng mang tính trục lợi đối với người lao động di cư ra nước ngoài hoặc đến Việt Nam. Gia tăng giám sát các công ty tuyển dụng lao động, bên thứ ba – môi giới và các biện pháp bảo vệ được nêu trong hợp đồng lao động di cư, truy tố các mạng lưới môi giới phụ trục lợi hoặc bất hợp pháp.

Mở rộng đào tạo cho nhân viên xã hội, những người ứng phó đầu tiên, các nhà ngoại giao và tư pháp về chăm sóc dựa trên thông tin về chấn thương và các phương pháp tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm để làm việc với nạn nhân buôn người.

Thực hiện và phân bổ đủ nguồn lực cho kế hoạch hành động quốc gia (NAP) 2021-2025. Mời xác minh độc lập về việc chấm dứt cưỡng bức lao động trong các trung tâm cai nghiện ma túy và công bố kết quả xác minh đó.

Vì nhiều lý do, chính quyền Việt Nam buộc phải chú ý đến các kết quả khảo sát – phân loại họ trong nhiều lĩnh vực – ở đây là Báo cáo TIP 2022. Báo cáo TIP 2022 cho thấy cộng đồng quốc tế nói chung và Mỹ nói riêng quan tâm đến vấn nạn buôn người như thế nào và cố gắng giải quyết tệ nạn đó ra sao. Khi Việt Nam không thể “một mình, một chợ” và bị giám sát, bị chi phối bởi chính phủ nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, chủ động yêu cầu giới hữu trách tại Việt Nam phải có trách nhiệm với XKLĐ, nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế, cũng như chủ động liên lạc, cung cấp thông tin cho các tổ chức quốc tế, những chính phủ quan tâm đặc biệt đến tệ nạn buôn người chính là cách hữu hiệu nhất để bảo vệ mình, bảo vệ xã hội của mình và cùng chống buôn người.

Chú thích

(1) https://dangcongsan.vn/thoi-su/phong-chong-mua-ban-nguoi-luon-la-mot-trong-nhung-nhiem-vu-uu-tien-cua-viet-nam-629981.html

(2) https://www.state.gov/reports/2022-trafficking-in-persons-report/vietnam/#report-toc__exec-summary

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Bóc lột tận xương tủy” từ trong ra ngoài nước, chứ không bó hẹp ở trong phạm vi
    quốc nội như trước nữa : CS.bóc lột “hiện đại” và tinh vi hơn tư bản rất nhiều !

Leave a Reply to Khach Quan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây