Luật An ninh mạng có ảnh hưởng đến bạn không?

Lê Nguyễn Duy Hậu

13-1-2023

Ảnh chụp màn hình

Có một vài bạn hỏi mình là thế Luật Anima nói gì mà dạo này hay được lôi ra hù doạ vậy. Thậm chí có bác trung tướng quân đội còn đề nghị công an khởi tố vụ “đưa tin giả” theo Luật ANM (không ạ, khởi tố phải căn cứ theo Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự và Bộ Luật Hình Sự ạ). Nên mình viết note này tóm tắt nhanh cho các bạn về “ông kẹ” mới này.

1. Luật ANM sẽ xử lý trực tiếp các hành vi đưa tin không đúng sự thật?

Không phải. Khoan bàn về nội dung của Luật ANM thì các hành vi đưa tin không đúng sự thật bị xử lý là theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP (bọn mình hay gọi là Nghị định tin giả). Nghị định này thì thay thế cho Nghị định 174/2013 từ năm 2013. Nghị định 15 lần đầu tiên có quy định phạt người dùng mạng xã hội vì đưa thông tin sai sự thật (quy định 7.5 triệu nổi tiếng).

Điều đáng nói là Nghị định 15 thì lại không căn cứ theo Luật ANM mà căn cứ theo một loạt luật khác, bao gồm Luật Bưu chính, Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch Điện tử, và Luật An toàn thông tin mạng (lưu ý, đây không phải là Luật ANM). Đây toàn bộ là các luật đã tồn tại trước thời điểm năm 2018 là thời điểm Luật ANM được thông qua.

Như vậy, trong việc ban hành Nghị định 15 làm cơ sở để phạt hành vi tung tin giả thì… Luật ANM vô tội, không phải là căn cứ pháp lý. Thực tế thì không có Luật ANM thì chính phủ vẫn đủ căn cứ pháp lý để ban hành Nghị định 15 như đã phân tích ở trên. Quy hết chiến công chống tin giả gần đây cho Luật ANM thì… oan cho Luật ANM và tội cho Bộ TTTT, là cơ quan rất mạnh mẽ trong việc ban hành Nghị định 15 nhưng lại không phải là cơ quan chủ trì soạn thảo chính Luật ANM (mà là Bộ Công An).

2. Vậy ANM là sao?

Luật ANM nói rất rõ rằng nhiệm vụ của luật này là để “bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng”. Lưu ý rằng yếu tố “an ninh quốc gia” được đặt lên hàng đầu. Trong các biện pháp “bảo vệ an ninh mạng” thì Luật ANM dành phần lớn là nói về các biện pháp kỹ thuật, và một biện pháp pháp lý là “khởi tố theo Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự”.

Chỉ số An ninh mạng Quốc gia (NCSI) đã công bố chỉ số an ninh mạng cho các quốc gia Đông Nam Á trong năm 2022. Theo NCSI, Malaysia có an ninh mạng tốt nhất ở Đông Nam Á. Singapore đứng thứ hai, Thái Lan đứng thứ ba, Philippines đứng thứ tư, Brunei Darussalam đứng thứ năm. Indonesia, Việt Nam, Lào, Campuchia, và Myanmar được xếp thứ sáu đến thứ mười. Ảnh: ASEAN Skyline

Đến đây thì kể cho mọi người một trải nghiệm của mình. Thật ra đang có cách hiểu hơi khác về thuật ngữ “an ninh mạng” ở Việt Nam và thuật ngữ “cybersecurity” ở một số quốc gia phương Tây lẫn phương Đông (trừ Trung Quốc). Năm 2018 mình có dịp sang công tác ở Anh. Mình có đề nghị Bộ Ngoại Giao Anh thu xếp cho gặp một số cơ quan làm về “cybersecurity” ở nước này để hiểu hơn về cách họ xử lý tin giả. Kết quả là mình được gặp một bộ phận chuyên về cybersecurity nhưng hai bên mới té ngửa ra là mỗi người một phách. Cybersecurity theo cách hiểu của Anh là các hoạt động bảo vệ cơ sở hạ tầng, chống hacker v.v… Nói chung là an ninh mạng truyền thống. Còn “an ninh mạng” ở Việt Nam thì liên quan đến xử lý nội dung, thậm chí là cho phép hacker của chính phủ tấn công các trang mạng đưa thông tin trái pháp luật (là hành vi thuộc đối tượng điều chỉnh của cybersecurity). Vì thế mà cuộc họp trở thành cuộc họp giữa một anh luật sư quan tâm đến kiểm duyệt và mấy anh kỹ sư chỉ biết về an toàn hạ tầng. Khá awkward.

Ngay cả Singapore là một quốc gia ban hành văn bản xử lý thông tin trên mạng cùng lúc với Việt Nam cũng không gọi luật của mình là cybersecurity, mà gọi là Luật Bảo Vệ chống lại việc Lạm dụng và Sai trái trên không gian mạng (Protection from Online Falsehoods and Manipulation Bill).

Tuy nhiên, khi giải trình để bảo vệ Luật ANM thì Bộ Công An là đơn vị chủ trì soạn thảo lại cho rằng các nước đều có luật về cybersecurity (nhưng không nói rõ nội dung). Trong khoa học pháp lý so sánh có một thuật ngữ để diễn tả cho trường hợp này đó là abusive borrowings (vay mượn có tính lợi dụng) để chỉ việc một quốc gia sẽ mượn các khái niệm tạm gọi là để bảo đảm tự do cho một mục đích không mang tính tự do lắm. Ví dụ, Hungary sẽ bầu lên một chủ tịch quốc hội là nữ rất độc tài dưới diễn ngôn là thúc đẩy bình đẳng giới, trong khi thực tế là bình đẳng giới không thực sự được đảm bảo vì nữ chủ tịch suy nghĩ và ủng hộ các chính sách không khác gì nam giới. Trường hợp này ở Việt Nam có thể coi là khớp với các mô tả của abusive borrowings.

Trên thực tế thì suy nghĩ một chút sẽ thấy, Luật ANM ra đời không phải để xử lý trực tiếp tin giả. Các hành vi nghiêm cấm của Luật ANM thì không phải chờ đến Luật ANM ra đời thì người dân mới không được làm. Bộ Luật Hình Sự từ trước đến nay vẫn nghiêm cấm hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm hay vu khống v.v… Vì thế, muốn xử lý ai thì phải căn cứ Bộ Luật Hình Sự.

3. Thế rốt cuộc Luật ANM là để làm gì?

Trên thực tế thì Luật ANM có hai vai trò: một là cung cấp cơ sở pháp lý để thành lập đấu tranh mạng, bao gồm thành lập các “đơn vị chuyên trách bảo vệ an ninh mạng” có quyền sử dụng các “biện pháp kỹ thuật” để đấu tranh mạng, và cho phép trong trường hợp khẩn cấp thì “ngắt cổng kết nối mạng quốc tế” (đây là việc đã xảy ra ở Trung Phi vào năm 2019, Iran gần đây).

Vai trò thứ hai cũng quan trọng không kém là nó tạo cơ sở để chính phủ Việt Nam đấu tranh với các đơn vị cung cấp dịch vụ MXH hay chia sẻ như Youtube và Facebook về hai vấn đề: (1) yêu cầu các đơn vị này tích cực hơn trong việc kiểm duyệt nội dung đăng bài của người dùng, và (2) yêu cầu các đơn vị này cung cấp dữ liệu người dùng cho cơ quan nhà nước. Tức là thay vì trước đây, chính phủ phải gửi cho MXH một danh sách các thông tin “xấu độc” cần ngăn chặn, thì Luật ANM yêu cầu MXH phải chủ động ngăn chặn trước. Nếu không ngăn chặn, chính phủ sẽ yêu cầu MXH ngăn chặn và yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng để truy bắt nếu cần thiết.

Tất nhiên là các đơn vị cung cấp dịch vụ MXH và các dịch vụ internet khác nổi đoá lên và phản đối quyết liệt. Có chi tiết thú vị là 24 giờ trước khi Luật ANM dự kiến thông qua, ban soạn thảo đã phải đổi gần như 180 độ dự thảo cuối cùng để Quốc hội đọc lại từ đầu, theo hướng trì hoãn hơn các quy định với các công ty. Và phải 4 năm sau khi Luật ANM thông qua thì nghị định thi hành mới được ban hành. Đây cũng là một câu chuyện rất thú vị về quá trình làm chính sách nhưng không phải là nội dung của post này.

4. Vậy tóm lại, Luật ANM có ảnh hưởng đến bạn không?

Có, nhưng là ảnh hưởng gián tiếp. Nhắc lại là Luật này có thể ảnh hưởng theo các cách sau: (1) internet của bạn có thể bị ngắt kết nối, (2) trang web bạn theo dõi có thể bị tấn công, (3) bài đăng của bạn có thể bị MXH gỡ bỏ theo yêu cầu của chính phủ, (4) dữ liệu của bạn có thể bị MXH chia sẻ cho chính phủ theo yêu cầu. Còn nếu muốn xử phạt hay khởi tố thì phải căn cứ theo Nghị định 15 và Bộ Luật Hình Sự. Lúc này thì Luật ANM vô can.

Cho nên cứ đem Luật ANM ra làm ông kẹ thì nó hơi… fake news. Nhưng mình đoán là kể cả bác trung tướng chắc cũng chưa đọc Luật ANM trước khi đem ra hù doạ mà chỉ nói cho oai miệng vì có hai từ “an ninh” trong đó. Tóm lại có khi cũng là chia sẻ thông tin trước khi kiểm chứng, hoặc nói hùa theo người khác.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Chỉ nói thế này, dân Xã hội chủ nghĩa nên tin vào thông điệp của Lê Nguyễn Duy Hậu qua bài này, aka Luật Anima hoàn toàn chỉ là rung cây nhát khỉ .

    Nhưng dân phi-XHCN thì be afraid, be very afraid! Tránh khỉ chả xấu mặt nào các bác ạ

    Tụi dân XHCN, đứa nào cũng có vây có cánh, có sừng có mỏ, kể cả Gs Nguyễn Đình Cống . Chúng nó muốn nói gì nói, mình cứ mặc kệ họ . Khi công an mò tới, even better, Lấy Mỡ Nó Rán Nó . Dân phi-XHCN nên tránh xa hoặc ngó lơ .

    Bài của Lê Nguyễn Duy Hậu, him one of them, viết bài để cho cái loại dân của hắn đọc . Nghe lời ông này chết ráng chịu .

Leave a Reply to Nguyễn Nhân Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây